Việt
Nam trong tình hình quốc tế mới
Vũ Đức Khanh (từ
Ottawa, Canada)
02/03/2023
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-trong-tinh-hinh-quoc-te-moi/6985552.html
Trong tình hình quốc tế hiện nay, với sự đối đầu Mỹ-Trung
ngày càng gay gắt, chiến tranh Nga-Ukraine chưa có triển vọng sớm chấm dứt,
công xưởng thế giới đang chuyển mình, việc chuyển trục về Á châu của quân đội Mỹ
càng rõ nét, một câu hỏi nổi bật là nhà cầm quyền và người dân Việt Nam nên làm
gì?
Đối Đầu Mỹ-Trung
Khi bức tường Berlin sụp đổ (1989), Hoa Kỳ là
siêu cường duy nhất trên thế giới. Nhưng từ đó đến nay, nhiều biến cố trên thế
giới và tại nước Mỹ đã xảy ra: chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai, cuộc chiến chống
khủng bố, khủng hoảng tài chánh 2007-2009, Mùa Xuân Ả-Rập, sự chia rẽ theo làn
ranh đảng phái Mỹ càng ngày càng sâu sắc hơn, khoảng cách giàu nghèo rộng hơn,
đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu gãy đứt, cuộc chiến xâm lược
Ukraine của Putin, và vv…
Về phần Trung Quốc, từ khi Đặng Tiểu Bình cầm
quyền và nhất là sau khi tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2001,
nước này đã hòa mình vào trong nền kinh tế toàn cầu hoá sâu rộng. Với nhân công
rẻ, dân số lớn, họ trở thành công xưởng của thế giới, đồng thời cũng là mảnh đất
mầu mỡ để các công ty Mỹ và đa quốc gia đổ vào đầu tư. Thời gian đầu, Trung Quốc
áp dụng chính sách Thao Quang Dưỡng Hối (giấu mình chờ thời) của lãnh tụ Đặng
Tiểu Bình, nhưng gần đây khi có sức mạnh, họ lại muốn tìm lại hào quang quá khứ,
muốn trở thành siêu cường cạnh tranh với Hoa Kỳ, nhất là tìm cách gây ảnh hưởng
trong vùng, trước cặp mắt lo ngại của nhiều nước láng giềng hay khối quốc gia
dân chủ trên thế giới. Trung Quốc từ thời họ Đặng cho đến họ Tập, luôn luôn là
một nước độc tài toàn trị.
Sự đối đầu Mỹ-Trung càng ngày càng trở nên gay
gắt. Trong thời cựu Tổng thống Donald Trump, những áp thuế của Mỹ lên các nước
khác, đặc biệt là Trung Quốc, tuy không có hiệu quả nhiều, vẫn làm một số chính
trị gia và dân chúng nhìn Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng, về
chính trị cũng như kinh tế.
Trong nước, Trung Quốc bắt đầu chuyển về tiêu
thụ nội địa, chuyển sự sản xuất từ các ngành công nghiệp sơ cấp sang các ngành
công nghiệp cao cấp như giao thông cao cấp trên bộ và trên biển, viễn thông, xe
hơi, máy móc cao cấp, trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử vv… Tuy nhiên, các
quyền tự do căn bản của công dân ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Từ việc
điều hành lãnh thổ Hong Kong, đến đe dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực, họ cũng thắt
chặt kiểm soát các tiếng nói đối lập. Chiến dịch Đả Hổ Diệt Ruồi của Chủ tịch Tập
Cận Bình, bên ngoài là chống tham nhũng nhưng bên trong những quan sát viên
chính trị cho đó là thanh trừng đối lập. Hệ thống kiểm soát dùng các máy chụp
hình công nghệ cao, theo dõi hoạt động ngoài đời và trên mạng xã hội đang cố gắng
biến người dân thành một con ốc ngoan ngoãn trong guồng máy nhà nước với sự kiểm
soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bắt đầu từ năm 2013, chính phủ bắt đầu thông
qua một loạt luật về an ninh mạng, tình báo quốc gia và bảo mật dữ liệu, trao
cho chính quyền những quyền lực rộng rãi hơn, đòi hỏi các công ty và cá nhân phải
cộng tác với nhà nước về các vấn đề an ninh. Nói cách khác, hệ thống kinh tế
này trước kia được coi là độc lập chính trị nay lại là một phần trong hệ thống
nhà nước, gây lo ngại lớn cho các công ty nước ngoài trong việc bảo mật những
bí mật công nghệ, và buộc phải theo những quy luật của chính quyền dù có gây ảnh
hưởng đến người dân, mà vùng Tân Cương là một ví dụ.
Ngay trước khi chiến sự Ukraine xảy ra, khi
sang dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympics mùa Đông Bắc Kinh (08/02/2022), Putin
và Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố chung về một sự hợp tác không giới hạn giữa
hai quốc gia. Đến 24/2/2022, Putin xâm lược Ukraine.
Để đối phó với tình hình mới, Mỹ đã kết hợp
các quốc gia cùng ý hướng thành một liên minh, dựa vào nền tảng kết hợp là dân
chủ. Tổ chức tình báo đa quốc gia Năm Con Mắt (the Five Eyes), nước Úc bỏ hợp đồng
với Pháp để quay sang mua tàu ngầm Anh, Mỹ có tầm hoạt động xa hơn tới tận Biển
Đông, sự tái tham gia của Mỹ vào các hiệp ước kinh tế trong vùng, sự chuyển trục
sang Á châu của quân đội Mỹ. Tất cả những điều này với biểu hiện rõ nét nhất là
các chuyến thăm viếng gần đây do giới chức cao cấp Mỹ thực hiện ở Ấn Độ Dương -
Thái Bình Dương, như Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken,
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cho thấy sự đấu tranh gay gắt hơn.
Việt Nam trong Bàn Cờ Quốc Tế Mới
Ở Biển Đông, từ đầu thập niên 2010, Trung Quốc
đã xây dựng những căn cứ quân sự trong khu vực quần đảo Trường Sa, tổ chức những
đoàn tàu dân quân kết hợp đánh cá lớn nhất thế giới. Ỷ vào sức mạnh, họ đơn
phương và ngang nhiên xem một vùng rộng lớn trên Biển Đông vạch bởi "Đường
Lưỡi Bò", một công bố rất vội vã của Chính phủ Tưởng Giới Thạch cuối thời
Quốc Cộng phân tranh, là lãnh hải của họ, bất chấp những phản đối của những quốc
gia như Việt Nam, Philippines, và gây lo ngại cho mọi quốc gia khác trên thế giới
về tự do lưu thông hàng hải trên vùng biển quan trọng này. Mặt khác, Trung Quốc
tiến hành kế hoạch đầy tham vọng Nhất Đái Nhất Lộ (One Belt One Road), muốn lập
con đường tơ lụa trên biển, tung tiền đầu tư xây dựng các hải cảng và cơ xưởng
sản xuất khắp thế giới.
Việt Nam không phải là một
nước dân chủ để dễ dàng tham gia liên minh với Mỹ. Cũng như Trung Quốc, Việt
Nam hiện là một nước độc tài toàn trị, kiểm soát mọi lãnh vực từ chính trị,
kinh tế, xã hội giống như Trung Quốc. Tuy nhiên, người Việt Nam luôn cảnh giác
với hiểm họa ngoại xâm và họ không quên được những thời gian đô hộ xâm lăng của
Trung quốc, đặc biệt gần đây nhất là chiến tranh biên giới 1979-1988, và vô số
việc húc tàu đánh cá, đe doạ thăm dò dầu khí của Việt Nam và nhiều vụ nữa.
Mặc dù thế, Việt Nam với dân số đông, nhân
công rẻ, là một chọn lựa quan trọng cho việc chuyển hướng công nghệ. Các viện
trợ thuốc chủng COVID-19, các giúp đỡ của Mỹ, Liên Âu, các hãng xưởng sản xuất
của Hàn Quốc và Mỹ chuyển sang Việt Nam nêu lên tính quan trọng của Việt Nam
trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung này.
Việt Nam, với vị thế địa - chính trị và địa -
kinh tế trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, có thể vươn lên trở
thành một yếu tố quan trọng trong việc gìn giữ hoà bình, an ninh và thịnh vượng
cho khu vực. Việt Nam nhất định không
nên chọn bên, chọn phe mà chọn đứng về phía chính nghĩa, công lý và lẽ phải. Việt Nam sẽ cam kết tự do, dân chủ hóa đất nước, hội nhập, chia xẻ những
giá trị chung của cộng đồng nhân loại, phấn đấu vì hoà bình, thịnh vượng và tiến
bộ của thế giới, tuân thủ triệt để Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc
cơ bản của luật pháp quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới.
Nhà cầm quyền và người dân Việt Nam cần làm gì?
Trong thời gian vừa qua, như đã thấy, khuynh
hướng ngả về Trung Quốc của nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng rõ nét. Với chiêu
bài chống tham nhũng, Việt Nam dùng guồng máy công an để trừng phạt, cách chức
các phe phái khác. Nhưng người ta lưu ý rằng ông Phạm Bình Minh là người duy nhất
trong Bộ Chính Trị ĐCSVN được đào tạo bài bản từ Tây Phương. Một phó thủ tướng
khác bị cách chức cùng lúc, ông Vũ Đức Đam cũng thế. Cựu chủ tịch nước, ông
Nguyễn Xuân Phúc, một người được đào tạo về kỹ thuật, được tin là sẽ bị thay thế
bởi ông Võ Văn Thưởng, một người được đào tạo trong nước về chính trị, trung
thành tuyệt đối với Đảng. Đây là khuynh hướng khá nguy hiểm. Trong cuộc đối đầu gay gắt Mỹ-Trung, chọn đường
lối bảo thủ là tự mình trói mình, quay lưng với các nước dân chủ trên thế giới
và nhân dân trong nước. Tuy nhiên, cũng cần nhắc
lại rằng, ông Võ Văn Thưởng là một người trẻ, đã từng cam kết từ năm 2017 là sẽ
"đối thoại" với nhân dân để đưa đất nước đi lên, phát triển kinh tế
thị trường mang lại ấm no hạnh phúc cho người dân.
Hơn bao giờ hết, người dân Việt Nam cần hiểu
rõ điều này và cổ võ cho một sự mở rộng về chính trị, mở rộng cho mọi khuynh hướng,
quan điểm trong việc điều hành quốc gia. Nếu quyền lực tập trung vào những người
ngả hẳn vào vòng tay Trung Quốc, đó là sự nguy hiểm có thể dẫn đến mất nước.
Chúng ta cần hết sức tỉnh táo để phải có một cơ chế để người dân thực sự làm chủ,
không để chế độ một phe phái có thể bị mua chuộc hay lũng đoạn. Vì thế, chúng
tôi thiết nghĩ các đảng viên, cán bộ nhà nước nên đồng hành cùng nhân dân trên
con đường tự do, dân chủ và thịnh vượng cho dân tộc bằng cách vận động bầu cử tự
do để chọn nhân tài ra lãnh đạo đất nước.
Riêng đối với lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN, câu
hỏi mà quý vị phải hàng ngày đặt ra và phải có câu trả lời thỏa đáng đó là: Đảng
ngày nay thực sự đại diện cho ai? Đảng đại diện cho nhân dân, cho mọi thành phần
dân tộc, cho xã hội, cho 5 triệu đảng viên hay chỉ đại diện cho một thành phần
nhỏ quan chức, cán bộ và nhân viên nhà nước tha hóa? Tham nhũng là quốc nạn và
thực tế ai tham nhũng? Rõ ràng là người dân không thể tham nhũng mà chỉ có một
bộ phận cán bộ đảng và nhà nước mới có những đặc quyền đó. Muốn cứu đảng, cứu
nước, giải pháp duy nhất là bầu cử tự do để người dân có quyền lựa chọn những
người tài đức ra gánh vác chuyện nước non. Năm 1946, Đảng cũng chỉ có vỏn vẹn
vài ngàn đảng viên nhưng tại sao lại được nhân dân tín nhiệm bỏ phiếu. Vậy, tại
sao hôm nay, Đảng không can đảm làm cuộc đại phẫu thuật trong nội bộ để có thể
giới thiệu với quốc dân đồng bào những cán bộ đảng viên ưu tú để dân chọn. Sẽ
không có một thế lực thù địch nào có thể đầu độc nhân dân bỏ Đảng tốt hơn những
sâu mọt trong Đảng. Bầu cử tự do là giải pháp tối ưu để Đảng có tính chính
danh, xứng đáng được nhân dân tín nhiệm uỷ thác lãnh đạo đất nước chứ không phải
Điều 4 Hiến pháp hay bất cứ một đạo luật phi dân chủ nào trong hệ thống pháp luật
Việt Nam hiện nay.
No comments:
Post a Comment