Wednesday, March 8, 2023

TƯƠNG LAI CỦA PHỤ NỮ KHÔNG PHẢI LÀ HIỆN TẠI CỦA ĐÀN ÔNG (Lương Thế Huy)

 



TƯƠNG LAI CỦA PHỤ NỮ KHÔNG PHẢI LÀ HIỆN TẠI CỦA ĐÀN ÔNG

Lương Thế Huy

7-3-2023  23:23   

https://www.facebook.com/huylt88/posts/pfbid0377iW1yvsZvwU49F9N2NumoNECVy2cPG1nBW19c3zaHUXAbUC5GfntUDCds3KKiVrl

 

(Bài viết dài 898 từ, trung bình 4 phút đọc)

 

Ngày 8/3 từng được gọi là “ngày phụ nữ vùng lên” với tất cả sự nghiêm túc, thì nay trở thành một câu cợt nhả. Từ lúc nhỏ, chứng kiến khoảng cách quyền lực khủng khiếp mà vô hình giữa những người nam và nữ xung quanh, tôi luôn cảm thấy một điều bất ổn và vô lý: phụ nữ được nâng niu, khen ngợi, tôn vinh, nhưng phụ nữ cũng chịu đựng tất cả sự bạo lực, phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới dai dẳng. Tỉ lệ chia sẻ việc nhà của đàn ông vẫn cực thấp, trong công việc các phẩm chất đánh giá năng lực được xây dựng quanh hình tượng người đàn ông điển hình (“dấn thân”, “quan hệ rộng”, “quyết đoán”), cơ hội thăng tiến và giữ vị trí lãnh đạo của nữ còn cải thiện chậm, phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế bởi chính bạn đời hoặc thành viên gia đình.

 

Nếu đàn ông được định nghĩa bằng những khả năng, thì phụ nữ bị định nghĩa bằng những giới hạn. Thứ bình đẳng hình thức “đàn ông làm gì được phụ nữ cũng làm được” mang tới rắc rối cho cả hai giới, vì nó cho ta thấy tương lai của phụ nữ chính là hiện tại của đàn ông (hiểu rằng: không thể/cần vượt quá). Sứ mệnh của phụ nữ là “bắt kịp”, là “chứng minh”, là “thể hiện”, là “không hề thua kém”. Thứ chúng ta cần với tư cách là một xã hội còn lớn hơn thế.

 

Mỗi khi phụ nữ gần hơn một chút tới sự bình đẳng, nhờ tranh luận, nỗ lực, tiến bộ xã hội, thì ngay lập tức đàn ông cho rằng bình đẳng giới đã bao phủ khắp địa cầu, và nếu tiếp tục còn nói về bình đẳng giới thì đó là “quá trớn”, “quá lố”, “hỗn loạn”, y như cách họ phản ứng với các thảo luận về quyền của người đồng tính, chuyển giới. Có lần tôi nói về bình đẳng giới, một người lớn tuổi lắng nghe tôi xong nói: "Nếu nam làm gì nữ cũng làm được thì phụ nữ đi ngoài đường cũng vỗ mông đàn ông được à!" Tôi tròn xoe mắt: “Cả hai đều không chấp nhận được chứ ạ!” Hoặc mỗi lần tin tức là đàn ông bị bạo hành, nạn nhân phân biệt đối xử thì lập tức nó trở thành dẫn chứng hùng hồn rằng phụ nữ đã bình đẳng như đàn ông. (?!)

 

Khi tôi nói “họ”, thì họ không hề xa lạ, có thể là bất kỳ người đàn ông nào chúng ta bắt gặp ngoài đường, đạo mạo, thành đạt hay trong chính gia đình mình. Sự vô tư về bất bình đẳng khiến điểm mù trong nhìn nhận bình đẳng giới của nhiều người vẫn còn quá lớn. Trong hội thảo pháp luật khi tôi đề cập tới “h.iếp d.âm trong hôn nhân”, nhiều đại biểu (đàn ông) cho rằng thật vô lý vì chồng làm sao mà hd vợ được, đã lấy nhau nghĩa là đồng ý, thuận tình để quan hệ. Đấy là nhãn quan khi nhìn vào pháp luật, vốn đã khá rõ ràng, mà còn như thế, thì dùng nhãn quan vô tư đấy để nhìn vào các vấn đề đan xen phức tạp như văn hóa, truyền thống, đạo đức sẽ chỉ thấy tù mù, tối tăm.

 

Bình thường hóa bất bình đẳng giới là vấn nạn lớn nhất của thời đại chúng ta, vì khác với 100 năm trước khi sự bất bình đẳng nằm lộ thiên của những lĩnh vực như quyền bầu cử, quyền học hành, quyền đi làm, quyền đi lại, thì nay nó chui sâu vào những lĩnh vực tưởng chừng hoàn toàn vô can: quảng cáo, tiêu dùng, giải trí, đánh giá năng lực, trả lương, việc nhà… khiến phụ nữ vẫn xinh đẹp, lộng lẫy, bước lên những vị trí mơ ước nhưng vẫn phải gánh chịu các định kiến vô hình và phân biệt đối xử theo hệ thống.

 

Tương lai của phụ nữ là tương lai của tất cả chúng ta, mà tương lai của chúng ta là nơi các khuôn mẫu không bị quy chất vào giới tính nhằm mục đích hạn chế khả năng con người. Phản đối “nam ra nam, nữ ra nữ” không phải là “nam ra nữ, nữ ra nam” vì thế nghĩa là vẫn đang dùng những cái khuôn cũ kĩ, không còn phù hợp. Tuy khuôn mẫu giới cũng làm khổ sở đàn ông, nhưng đàn ông cùng lúc cũng cần “vượt sướng”, nhận ra những đặc quyền mình có khi vẫn còn duy trì hệ thống khuôn mẫu giới, bởi không nhận ra điều này thì mãi mãi họ vẫn ở trong sự êm ái, vuốt ve của bất bình đẳng.

 

Đàn ông không nợ phụ nữ hoa hay quà, mà xã hội chúng ta vẫn còn nợ lời hứa đã trao cho phụ nữ từ trăm năm trước về quyền tự do, bình đẳng, làm chủ gia đình và đất nước. Vì tương lai của người này cũng phải là tương lai của người kia, không thể tách rời.

 

.

25 BÌNH LUẬN



 

No comments: