Monday, March 6, 2023

TRƯƠNG THỊ MAI, NỮ THƯỜNG TRỰC ĐẦU TIÊN CỦA BAN BÍ THƯ ĐẲNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (VOA Tiếng Việt | Người Việt Online)

 



Việt Nam có nữ thường trực Ban bí thư Đảng đầu tiên

VOA Tiếng Việt

06/03/2023

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-co-nu-thuong-truc-ban-bi-thu-dang-dau-tien-truong-thi-mai/6991704.html

 

Bà Trương Thị Mai vừa được chọn làm thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, chức vụ mà trước đó do ông Võ Văn Thưởng, người mới trở thành chủ tịch nước, đảm nhiệm, và trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này ở Việt Nam.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-b520-08db1e5a34ed_w1023_r1_s.jpg

Bà Trương Thị Mai (trái) nhận quyết định từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) làm thường trực Ban Bí thư Đảng để thay thế ông Võ Văn Thưởng (phải), người mới được Quốc hội Việt Nam bầu làm chủ tịch nước.

 

Truyền thông nhà nước cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 6/3 trao quyết định của Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam, “phân công” bà Mai giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa 13, chỉ vài ngày sau khi ông Thưởng rời chức vụ này để trở thành tân chủ tịch nước.

 

Ông Thưởng được Quốc hội Việt Nam bầu làm chủ tịch nước hôm 2/3 để thay thế cho ông Nguyễn Xuân Phúc, người bất ngờ từ chức hồi giữa tháng 1 trong lúc chiến dịch chống tham nhũng ngày càng sâu rộng và lan đến nhiều bộ, ngành của chính phủ, do ông Trọng dẫn dắt.

 

Bà Mai, từng là phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vai trò đứng đầu Ban Bí thư trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, theo truyền thông trong nước.

 

Việc bổ nhiệm bà Mai diễn ra trong bối cảnh những biến động chính trường chưa có tiền lệ ở Việt Nam, trong đó ông Phúc là quan chức cấp cao nhất được cho là bị buộc thôi chức vì trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của cấp dưới trong vụ 'thổi' giá kit xét nghiệm của công ty Việt Á, một đại án trong chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng.

 

Trước đó, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, từng dưới quyền ông Phúc khi ông là thủ tướng, đã bị buộc thôi chức cũng vì trách nhiệm liên đới tới những sai phạm tham nhũng. Hàng trăm quan chức từ nhiều bộ, ngành, trong đó có ngoại giao, công an, y tế, giao thông đã bị bắt hoặc truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng mà ông Trọng nói “không có vùng cấm.”

 

XEM THÊM:

Ông Võ Văn Thưởng trở thành tân chủ tịch nước. Vì sao Đảng chọn ông?

 

Tân Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, trong bài phát biểu khi nhận nhiệm vụ hôm 6/3, khẳng định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là đảng cầm quyền” và cam kết “phải giữ gìn Đảng thật trong sạch,” theo Tuổi Trẻ. Bà Mai, 65 tuổi, còn hứa sẽ “phải xứng đáng là người lãnh đạo” và là “người đầy tớ trung thành của nhân dân.”

 

Trước bà Mai, những người đứng đầu Ban Bí thư đều là đàn ông. Theo nhận định của Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), bà Mai, người có bằng cử nhân về luật và lý luận chính trị, "được chọn theo tiêu chuẩn chứ không phải theo cơ cấu về giới."

 

Nhà nghiên cứu của ISEAS, có trụ sở ở Singapore, cho rằng chức vụ thường trực Ban Bí thư là “rất quan trọng” vì nó “là cầu nối và bộ lọc giữa Bộ Chính trị của Đảng và nhà nước.”

 

Ban Bí thư lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng, trong đó có giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cũng như chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị của Việt Nam, theo VnExpress.

 

“Mọi hoạt động của nhà nước phải được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phê duyệt thì mới được làm (và) thường trực Ban Bí thư là người thẩm định mọi đề xuất của nhà nước,” TS Hợp, hiện đang sinh sống tại Hà Nội và là đồng tác giả cuốn sách về chống tham nhũng “Tội phạm tài chính trong hội nhập”, cho biết.

 

Khi tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước hôm 2/3, ông Thưởng, người giữ chức thường trực Ban Bí thư từ 2016 đến khi thôi vào tuần trước, cũng cam kết hoàn thành những nhiệm vụ được Đảng giao phó và “kiên quyết” tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.

 

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, nhiều lãnh đạo từ các quốc gia, trong đó có Nga, Triều Tiên, Cuba, Ấn Độ, Lào, Campuchia và Mông Cổ, đã gửi điện chúc mừng tân chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc được biết là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Thưởng, chỉ vài giờ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức hôm 2/3.

 

VIDEO :

Việt Nam lần đầu tiên có nữ thường trực Ban bí thư Đảng | VOA Tiếng Việt

https://www.youtube.com/watch?v=gcXxjCODM60

.

=======================================

.

.
Trương Thị Mai làm “Thường trực Ban Bí thư” đảng CSVN

Người Việt

March 6, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/truong-thi-mai-lam-thuong-truc-ban-bi-thu-dang-csvn/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) .- Bà Trương Thị Mai, thành viên Bộ Chính trị CSVN được đẩy từ ghế “Trưởng ban Tổ chức Trung ương” sang ghế “Thường trực Ban Bí thư” đảng CSVN.

 

Guồng máy thông tin tuyên truyền tại Việt Nam đồng loạt đưa tin như vậy. Lần đầu tiên trong lịch sử đảng CSVN, một phụ nữ được cắt đặt vào cái ghế được coi là nhân vật số 5 của đảng, đứng sau “tứ trụ” tức Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/VN-Truong-Thi-Mai-TTXVN-030623.jpg

Bà Trương Thị Mai thay Võ Văn Thưởng làm “Thường trực Ban Bí thư” của đảng CSVN. (Hình: TTXVN)

 

Bà Trương Thị Mai, 65 tuổi, quê quán Quảng Bình, trình độ học vấn cử nhân lịch sử, thạc sĩ hành chính công, đi lên qua các vị trí trong hệ thống đảng, không thấy giữ một chức vụ hành chính công quyền nào. Bà ngồi vào ghế “Thường trực Ban Bí thư” thay cho Võ Văn Thưởng khi ông này được cho ngồi ghế “Chủ tịch nước” vốn tạm thời bỏ trống từ Tháng Giêng vừa qua vì tai tiếng tham nhũng.

 

Cùng với tin đồn loan truyền trên mạng xã hội khi Võ Văn Thưởng lên làm chủ tịch nước, một số nhà phân tích từng dự báo bà Trương Thị Mai hoặc Phan Đình Trạc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương của đảng CSVN, sẽ điền thế vào cái ghế số 5 của đảng. Hiện người ta chưa biết ai sẽ chính thức thay bà Mai ở ghế “Trưởng ban Tổ chức Trung ương”.

 

Cái ghế “Thường trực Ban bí thư” trước đây từng được gọi là “Thường trực Bộ chính trị” là một chức vụ do Bộ Chính trị chỉ định, giám sát việc thi hành chính sách hàng ngày của đảng CSVN. Nhưng trên thực tế được ngồi vào ghế này là do ý muốn áp đảo của kẻ làm Tổng bí thư đảng, hiện nay là Nguyễn Phú Trọng.

 

Từ những ngày đầu năm 2023 đến nay, CSVN đã có những xáo trộn lớn ở thượng tầng cai trị gây nhiều ngạc nhiên dư luận trong và ngoài nước. Đầu tiên, hai ông Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị ép “thôi” hết các chức vụ trong đảng và chính quyền. Một tháng sau, đầu Tháng Hai, Nguyễn Xuân Phúc cũng “xin thôi” chức Chủ tịch nước.

 

Tin tức tuyên truyền chính thống không tiết lộ tại sao họ là tự nguyện “xin thôi” những cái ghế rất cao trong hệ thống quyền lực đảng và nhà nước CSVN với cơ hội có thể leo lên cao hơn nữa. Mạng xã hội và các phân tích gia thời sự quốc tế đều nhìn thấy họ liên quan đến những vụ án tham nhũng tày trời như “các chuyến bay giải cứu công dân về nước tránh dịch COVID-19”, “Kít xét nghiệm COVID-19”.

 

Nếu các ông chủ tịch nước, phó thủ tướng cùng bị đưa vào “lò” cùng với hàng trăm bị can khác thì mặt mũi thanh danh của đảng vốn đã lem luốc tham nhũng xưa nay, khó lòng chống chế với dư luận. Nhờ vậy, họ được hưởng tí ơn huệ là chỉ bị gạt ra khỏi hệ thống quyền lực đảng và nhà nước chứ không bị tù tội.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/VN-Truong-Thi-Mai-politburo-party-congress-HoangDinhNam-AFP-012716-1536x941.jpg

Bà Trương Thị Mai (thứ ba, từ phải, hàng đầu) chụp hình chung với các đảng viên được vào Bộ Chính Trị khi họp đại hội đảng ngày 27 Tháng Giêng 2016. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

 

Một số nhà phân tích thời sự Việt Nam cho rằng việc cho Võ Văn Thưởng ngồi ghế Chủ tịch nước và bà Trương Thị Mai ngồi ghế “Thường trực Ban bí thư” là cách Nguyễn Phú Trọng đẩy ra khỏi đảng những kẻ mà ông không muốn nhòm ngó ghế tổng bí thư khi ông ta về vườn. Tai tiếng tham nhũng đã giúp ông Trọng giải quyết chuyện chuyển giao quyền lực êm xuôi theo ý ông ta.

 

Khi đại hội đảng đầu năm 2021, giới phân tích tình hình Việt Nam cho hay Nguyễn Phú Trọng muốn đưa Trần Quốc Vượng, lúc đó là “Thường trực Ban bí thư” lên thay ông ta ở ghế Tổng bí thư. Việt là nhân vận tín cẩn, thân tín của ông Trọng, cùng lập trường giáo điều bảo thủ. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Phúc và phe cánh khác chống lại rất mạnh đến nỗi Việt bị hất văng về vườn. Ghế “Thường trực Ban bí thư” được giao cho Võ Văn Thưởng.

 

Dù sao, đường lối đối ngoại cũng như đối nội của CSVN sẽ không có gì thay đổi khi có chuyện sắp xếp lại ở thượng tầng. Chế độ Hà Nội vẫn đu dây giữa Bắc Kinh và Hà Nội, đồng thời vẫn bảo thủ “kiên định” tiến lên “chủ nghĩa xã hội” mà chính họ không biết khi nào tới hay lại lao xuống hố.(TN)

 





No comments: