Trung
Quốc giành giật từng ‘inch’ một, còn Việt Nam vẫn bấp bênh như một ẩn số
VOA News
13/03/2023
Với tuyên bố giữa Iran và Saudi đồng ý tái thiết
quan hệ ngoại giao sau 7 năm bang giao hai nước bị đóng băng và kế hoạch 12 điểm
để lập lại hòa bình đối với cuộc chiến ở Ukraine (tuy chưa dẫn đến kết quả cụ
thể), rõ ràng nền ngoại giao thầm lặng của Trung Quốc đang gặt hái những kết quả
có ý nghĩa.
Trung Quốc lấp liếm động cơ giấu kín
Ngày 12/03/2023, Trung Quốc
tuyên bố, họ không có động cơ ẩn tàng nào và không cố gắng lấp đầy bất cứ “khoảng
trống” nào ở Trung Đông, sau khi đứng ra làm trung gian môi giới các cuộc hội
đàm mà kết quả là Iran và Ả-rập Saudi đồng ý tái thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thỏa thuận công bố trước đó một ngày về tái thiết lập quan hệ Iran – Saudi và mở
lại Đại sứ quán hai nước sau bảy năm, được coi là một chiến thắng ngoại giao lớn
đối với Trung Quốc, khi các quốc gia Ả-rập vùng Vịnh nhìn nhận Mỹ đang giảm sự
hiện diện của mình ở Trung Đông. Từ Bắc kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời
phát ngôn viên không nêu tên nói rằng, Trung Quốc “không theo đuổi bất kì lợi
ích vị kỷ nào” và phản đối cạnh tranh địa-chính trị trong khu vực. Người phát
ngôn nói Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước Trung Đông trong việc “giải quyết
những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn để cùng nhau thúc đẩy hòa bình
và ổn định lâu dài… Bắc Kinh tôn trọng vị thế của các nước Trung Đông với tư
cách là chủ nhân của khu vực này và phản đối cạnh tranh địa-chính trị ở đây”,
Tuyên bố đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Trước đó ngày 11/03, nhà
ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị phát biểu, thỏa thuận Iran –
Saudi cho thấy, Trung Quốc là “nhà điều giải đáng tin cậy đã hoàn thành chu đáo
nhiệm vụ của mình với tư cách là chủ nhà”. Đáng chú ý, ông Vương cũng tuyên bố
rằng “thế giới này không chỉ có vấn đề Ukraine mà còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến
hòa bình và cuộc sống của người dân… Trung Quốc không có ý định và sẽ không tìm
cách lấp đầy cái gọi là “khoảng trống” hoặc thiết lập các khối độc quyền”. Ông
Vương dường như ám chỉ Mỹ khi cam kết: “Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng góp những
hiểu biết và đề xuất của mình cho việc hiện thực hóa hòa bình và yên ổn ở Trung
Đông và đóng vai trò là một quốc gia lớn có trách nhiệm trong quá trình này”.
Trung Quốc đã bị chỉ trích nặng nề vì không lên án cuộc xâm lược của Nga và cáo
buộc Mỹ và NATO kích động xung đột. Một đề xuất của Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn
và đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã không đi đến đâu, phần lớn là do nhận
thức rằng Trung Quốc hậu thuẫn cho Nga. Tuy nhiên, ở Trung Đông, Trung Quốc được
coi là một bên trung lập, có quan hệ chặt chẽ với cả Iran và Ả-rập Saudi, cũng
như Israel và Palestine.
Cũng trong ngày 11/3/2023, thông tín viên của Đài RFI Stéphane Lagarde
từ Bắc Kinh nhìn nhận thỏa thuận nói trên như một thắng lợi ngoại giao vẻ vang
của Bắc Kinh. Theo Đài này, tuyên bố giữa Trung Quốc, Iran và và Ả-rập Saudi được
đưa ra sau 4 ngày Bắc Kinh và hai quốc gia thù nghịch trong khu vực là Iran và Ả-rập
Saudi bí mật đàm phán. Hình ảnh được phổ biến trên các mạng xã hội cho thấy ba
cái bàn lớn, xếp hình tam giác, quốc kỳ của Ả-rập Saudi, Trung Quốc và Iran
trên nền những bức tranh đông phương như thường được trang trí tại các sảnh đường
của các tòa nhà chính thức của CHNDTH. Đứng giữa các đại diện cao cấp về an
ninh của Teheran và Riyad, Chủ nhiệm Văn Phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương
ĐCSTQ, ông
Vương Nghị hoan nghênh “thắng lợi của đối thoại và hòa bình”. Riyad
nhiệt tình cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc “đã hỗ trợ cho việc phát triển quan hệ giữa
hai nước láng giềng Ả-rập Saudi và Cộng hòa Hồi giáo Iran”. Còn lãnh đạo của
Iran nhắc lại chuyến viếng thăm Bắc Kinh gần đây của Tổng thống Ebrahim Raissi
và các cuộc trao đổi với Tập Cận Bình là nền tảng cho cuộc đàm phán vừa qua giữa
hai phái đoàn Iran và Ả-rập Saudi.
Gặt hái của “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI)
Thật ra, Mỹ đã tự bắn vào chân mình trong vấn đề bang giao với Iran khi
Trump hủy thỏa thuận hạt nhân và trước đây đã ra lệnh ám sát vị tướng cao cấp
Qasem Soleimani của họ. Chuyện bất hòa giữa Mỹ và Saudi là một câu chuyện dài
khó tóm tắt, vì Saudi có dính tới vụ khủng bố 9/11 và sát hại nhà báo Jamal
Khashoggi. Bây giờ là lúc nguy hiểm cho trật tự thế giới – theo giới phân tích
từ Mỹ và phương Tây – khi “Trục ma quỷ” (Axis of evil) gồm Nga –
Trung Quốc – Iran – Bắc Hàn – Saudi móc nối với nhau. Theo
đánh giá của giới này, thế chiến thứ ba rất có thể sẽ bùng nổ từ tập hơp lực lượng
mới này. Nếu để lâu hơn nữa, Trung Quốc Đại hán (nhớ rằng, Cộng sản chỉ là cái
vỏ bề ngoài) sẽ làm bá chủ thế giới. Trung Quốc đang rất cần nhập cảng nhiên
liệu của Trung Đông, ngoài ra Trung Quốc giành giật ảnh hưởng trong vùng
để cạnh tranh với Mỹ giữa lúc Biden liên tục lên án Saudi về nhân quyền
này nọ. Dưới thời Trump, nhân quyền Saudi mờ nhạt, vì Trump chỉ muốn
bán 450 tỉ USD hàng hóa và khí tài các nhà binh cho Saudi.
Một lưu ý khác, cả Ả-rập Saudi và Iran đều là những nhà cung cấp năng
lượng chính cho Trung Quốc. Việc khôi phục mối quan hệ giữa họ với nhau sẽ góp
phần đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực và điều đó có thể đóng vai trò là
bức tường thành chống lại làn sóng suy thoái đang gia tăng. Suy thoái kinh tế
có lẽ là không thể tránh khỏi, nhưng tác động tiêu cực của nó nếu may mắn, sẽ
có thể kiểm soát được ở khu vực này. Đối với Trung Á, đó là một tin được cho là
tích cực, vì Trung Quốc, Ả-rập Saudi và Iran đều là những đối tác truyền thống
trong khu vực. Đối với cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt ở Ukraine, thỏa thuận
nói trên cũng sẽ tước đi nguồn dưỡng khí từ bất kỳ bên tham gia nào có ý đồ mở
rộng phạm vi địa lý của cuộc xung đột. Tuy nhiên, đó đã phải là động thái để loại
bỏ bớt một số nhiên liệu khỏi đám cháy hay chưa, khi hình thành một kiểu quan hệ
mới giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Saudi, thì cũng còn phải chờ
đợi một thời gian nữa mới ngã ngũ. Dư luận lâu nay vẫn tố cáo Trung
Quốc đang thúc đẩy các chính sách như: Sáng kiến BRI (Vành đai con đường), GDI
(Phát triển toàn cầu) và GSI (An ninh toàn cầu) như là những trụ cột cho một “Trật tự Trung Hoa” nhằm thay thế Trật
tự dựa trên luật lệ của Mỹ và thế giới dân chủ hiện nay. Với cái gọi là “thắng lợi của đối
thoại và hòa bình” giữa Iran và Ả-rập Saudi (từ của Vương nghị), cũng như kế hoạch
12 điểm để tái lập hòa bình đối với cuộc chiến ở Ukraine (tuy kế hoạch này chưa
dẫn đến kết quả cụ thể), giờ đây thế giới có thể nhìn thấu thị bản chất của
“Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI) mà Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương vừa quảng
bá ầm ĩ cách đây mấy tuần. Tiếc rằng, báo chí chính thống Việt Nam chưa được
phép thông tin một cách đầy đủ về mối nguy cơ hiển hiện này.
Việt Nam bấp bênh như một ẩn số
Trong cuộc giành giật nhau từng “inch” (từng tấc đất một) giữa Trung Quốc
và Hòa Kỳ hiện nay, cả hai nước, đều muốn gây ảnh hưởng đến vai trò và vị thế của
Việt Nam ở Đông Nam Á, đặc biệt là thông qua tổ chức ASEAN. Cạnh tranh Trung –
Mỹ gần đây lên đến cao điểm trong vụ Trung Quốc do thám bằng khinh khí cầu trên
bầu trời của Mỹ. Tờ Washington Post, trích nguồn ẩn danh trong chính quyền Mỹ,
nói các nước "Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan và Philippines" ở
châu Á cũng từng là đối tượng do thám của khinh khí cầu Trung Quốc. Giới chức Mỹ
nói chương trình do thám của quân đội Trung Quốc nhắm vào ít nhất 40 quốc
gia và trên năm châu lục. Mặc dầu vậy, một báo Việt Nam, tờ Lao Động hôm
09/02 trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nói "Việt Nam chưa
phát hiện khinh khí cầu lạ trên không phận". Người
phát ngôn Đoàn Khắc Việt khi trả lời câu hỏi của báo giới còn tự tin:
"Chắc chắn rằng các lực lượng chức năng của Việt Nam có đầy đủ khả năng để
đảm bảo an toàn cho vùng trời, vùng biển cũng như lãnh thổ của Việt Nam".
Nhưng nguồn tin của Hà Nội chỉ nhắc đến 4 nước (Nhật, Ấn, Phi và Đài Loan), và
đều thống nhất không đưa Việt Nam vào số này (!?)
Mới đây, nhân bàn về mối tương quan giữa Việt Nam với Trung Quốc và LB
Nga trong bối cảnh hiện nay, tờ Nikkei Asia Review (Nhật Bản) đặt câu hỏi về
hướng đi của Việt Nam sau các vụ "thanh trừng ở cấp cao" của Đảng
Cộng sản. Bài "How viable is Vietnam as a 'friend-shoring'
destination?" của Toru Takahashi hôm 05/03/2023 nêu rõ, các thay
đổi lãnh đạo gần đây ở Việt Nam làm nổ ra quan ngại về "sự chuyển hướng về
phía Trung Quốc và Nga" của Hà Nội. Bài báo nhắc đến chuyến thăm của Thủ
tướng Phạm Minh Chính sang Singapore trong tháng 2/2023 và việc ông Chính tiếp
bà Katherine Tai ở Hà Nội sau đó (13-14/02/2023). Đây là những động thái nhằm
khẳng định Việt Nam vẫn "chào đón đầu tư nước ngoài" (open to
business) và Hà Nội đã sẵn sàng tham gia sáng kiến thương mại “Khuôn khổ Kinh tế
của Indo-Pacific” (IPEF) do Hoa Kỳ dẫn đầu, không có Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn
theo bài báo, việc ông Phạm Minh Chính có còn giữ được vị trí hay không hiện vẫn là câu hỏi.
Theo giới quan sát trong nước, hai năm trở lại đây Ban Tuyên giáo có những dấu
hiệu muốn đưa Việt Nam về thời kỳ “tiền-đổi mới”. Nhìn vào Việt Nam bây giờ,
nhiều nhận xét cho rằng, Việt Nam là
mô hình Trung Quốc thu nhỏ nhưng lại bấp bênh như một ẩn số. Tuyên
giáo vừa đạp thắng, vừa giành tay lái. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu ĐCSVN, với
bộ sậu mới dựng lên, sẽ dẫn đất nước đi về đâu?
No comments:
Post a Comment