“Thượng tầng”
Ba Đình với hai phiên họp đặc biệt
Bình luận của Hai Lúa,
từ TP. Sài Gòn
2023.03.01
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/ba-dinh-and-two-adhoc-meetings-03012023093512.html 0.....
Ngày 1/3/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, BCHTƯ
khoá 13 đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ. BCHTƯ đã quyết định
giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026. Lại một
kỳ họp đặc biệt nữa, lần thứ ba trong vòng ba tháng, cả Trung ương lẫn Quốc hội.
Các hãng thông tấn “vỉa hè” đã thi nhau đưa tin về nghị trình của sự kiện “hai
trong một” này từ cả chục ngày nay.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng -
người vừa được Đảng chọn làm Chủ tịch nước
AFP
Những diễn viên đóng thế (Cascadeurs)
Đảng cử, Quốc hội bấm nút! Dù báo chí “mậu dịch”
vẫn giấu tên “ứng cử viên”, nhưng cả bàn dân thiên hạ đều đã biết, ông Võ Văn
Thưởng sẽ là tân Chủ tịch nước, còn các Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương bổ
sung thì chẳng mấy ai để ý. Ngày khai mạc hai cuộc họp nói trên, những tin tức
về nhân sự đã trở nên lạc hậu. Vấn đề nóng bỏng mà dư luận quan tâm, đó là liệu
Tổng bí thư có xử lý tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính như đã xử lý nguyên Chủ tịch
Nguyễn Xuân Phúc hay không và ông Trọng sẽ chuẩn bị phóng những “chưởng” nào để
chế ngự “cơn sóng thần” bất chợt có thể ập đến giữa các hội nghị bất thường
này? Trước hai kỳ họp lần này, các trang mạng “lề phải” đua nhau đăng các bức ảnh
chụp đám mây tỏa ánh hào quang trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh là quê ông Trần
Lưu Quang – Phó thủ tướng). Không biết đấy có phải là quầng mây chiếu sáng
dương trần mang lại nhiều phước lành cho xứ sở như cách giải thích của dân
chúng ở địa phương? (1)
Ngày 20/2/2023, Giáo
sư Carl Thayer, Học viện Quốc Phòng Úc,
đã đưa ra một số nhận định về các chuyển động trên thượng tầng chính trị Ba
Đình trong bài “Việt Nam sẽ chỉ định tân chủ tịch nước” (2). Tuy nhiên, bài viết này có một số dữ liệu cần “chấn chỉnh”. Thứ
nhất, nếu BCHTW Đảng chấp thuận sự chỉ định ông Thưởng, thì việc Quốc hội bấm
nút để ông Thưởng ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch nước có thể sẽ được tiến hành
chóng vánh hơn, chứ không nhất thiết phải chờ đến ngày 20/5/2023, tên của ông
Thưởng mới chính thức được đệ trình lên Cơ quan Lập pháp. Thứ hai, việc
ông Võ Văn Thưởng sẽ vào “Tứ trụ” và ông Trần Lưu Quang trở thành PTTg thường
trực tuy không phải là bước ngoặt về đường lối, nhưng liệu có thể hy vọng mở ra
một thời kỳ “hưu chiến” trong cuộc đấu giành ghế trên thượng tầng chính trị của
Hà Nội, để xã hội được yên ổn làm ăn hay không?
Dẫu sao, việc nổi lên hai thành viên mới trong
elites lãnh đạo ở Ba Đình có gốc gác từ Nam Bộ sẽ củng cố vững chắc thêm cơ cấu
vùng miền, để cánh miền Nam đỡ thắc mắc như lâu nay. Nhưng kể cả khi Võ Văn Thưởng
là vị Chủ tịch nước đầu tiên trẻ nhất của Việt Nam, ở độ tuổi 52 (Xưa nay hiếm),
thì dư luận xã hội vẫn cho rằng, cả Thưởng lẫn Quang vẫn chưa thể có ảnh hưởng
lớn; cả hai chỉ là những “cascadeurs” – những “diễn viên đóng thế” – không hơn
không kém. Theo lý lịch, Võ Văn Thưởng có học vị Thạc sĩ Triết học, Cao cấp Lý
luận chính trị. Cho nên dư luận không mấy ngạc nhiên khi truyền thông tường thuật
lời huấn dụ nhân danh Thường trực Ban bí thư rằng: “Nói… như Bác Hồ thì cán bộ
phải gương mẫu, phải đi trước để làng nước theo sau. Phải biết lo trước cái lo
của dân, vui sau cái vui của dân” (3). Nhưng than ôi, câu này ông Hồ cũng chỉ nhắc lại; gốc
gác sấm truyền này là từ Phạm Trọng Yêm (989 – 1052) – nhà văn, nhà quân sự,
nhà giáo dục thời Bắc Tống.
Ở vị trí gần với ngôi “Nguyên thủ Quốc gia”, thiết
nghĩ ông Võ Văn Thưởng nên đưa ra những khuyến nghị có viễn kiến thay cho việc
cóp nhặt tư tưởng Đông – Tây từ tâm thế ngộ nhận quyền lực. Lãnh đạo ngày nay không chỉ là tiên liệu. Thời đại công nghệ
số, lãnh đạo nhất thiết phải là những nhà kỹ trị (technocrats), nhưng không đơn
thuần biết kỹ năng quản trị, mà còn phải là một chuyên gia trong lĩnh vực của
mình. Lãnh đạo hiện đại càng cần phải có kỹ trị, tức là sự hiểu biết
và kỹ năng trong mối liên kết đa ngành mình chịu trách nhiệm. Riêng Việt
Nam còn cần phải có thêm mưu mô, thế giới thì gọi là mưu lược! Nhớ lại
thời trị vì của Chủ tịch Lê Đức Anh, ông đã “ngồi xổm” lên trên cả Tổng bí thư
lẫn Thủ tướng để điều hành quốc gia (Chí ít, quân thần hồi ấy còn sợ). Đằng
này cứ hô to mãi khẩu hiệu chính trị suông như Thưởng, chỉ tổ đẩy người dân “nhạt
Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” (Nỗi lo được thốt ra bằng lời của chính Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng) (4). Cứ dựa mãi vào “Tứ thư Ngũ kinh” bên Tàu,
làm thế nào tạo dựng được động lực cho mọi tầng lớp xã hội, tạo dựng các năng
lượng tích cực và đầy cảm hứng, cũng như phát triển và nâng cao kỹ năng cho môi
trường xung quanh mình?
Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 31/2021:
(từ trái qua) Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính,
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ. AFP
Các “phản đòn” chống lại Tổng Trọng
Võ Văn Thưởng sở dĩ được Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng lựa chọn, vì ông đạt được một tiêu chí ít ai sánh kịp. Đó là sống chết
thề trung thành với chủ tướng, ít nhất là cho đến thời điểm bây giờ. Thưởng
cùng với bộ sậu đã giúp ông Trọng ra được ba bộ sách “lớn” (5). Cùng với Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn
Xuân Thắng, ông Thưởng cúc cung tận tụy xây dựng hình ảnh ông Trọng vượt lên
trên các bậc đàn anh Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh về lý luận Mác –
Lênin (Hậu duệ như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu… không chấp). Nói “vượt
lên trên” là vì các các đồng chí Ba (Duẩn) – Đồng – Chinh – Bằng
– Tôn (Nguyễn Lương Bằng và Tôn Đức Thắng) chỉ dám ra “sách đỏ” (Tuyển
tập các bài do Thư ký viết) sau khi các vị ấy đã “băng hà”. Ngược lại,
“trước tác” của ông Trọng (dĩ nhiên cũng là do Ban Thư ký chấp bút) ra đời khi
ông còn tại chức, dù lết không vững!
Tuy nhiên, gần đây có “lực lượng thù địch” nào đấy
đang “chọc ngoáy” và “phản đòn” chống lại Tổng bí thư. Các phiên bản điện tử của báo chí “mậu dịch” mất cảnh giác cách mạng
đến mức, gần đây đã công khai một số tin tức có mức “rung lắc” cao đối với chế
độ: Thứ nhất, đưa tin các ngư dân Quảng Nam cho tàu vô Hoàng Sa tránh bão, bị
Trung Quốc tịch thu hải sản, phá hoại ngư cụ. Không giúp người hoạn nạn, Trung
Quốc còn giở trò cướp bóc dã man! Qua đó cho thấy mấy chữ vàng bốn tốt cũng như
cái huân chương “đầy những đầu lâu” mà ông Trọng vừa nhận, chỉ là “trò mèo”
chính trị. Thứ hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho biết, trong 20 ngàn chi
tiết làm nên chiếc xe hơi, Việt Nam chỉ sản xuất được con ốc vít gắn biển số
xe. Từ điều này suy ra, nguyên cả chiếc xe VinFast bán trên thị trường là do nước
khác làm chớ không phải của Việt Nam. Sau nửa thế kỷ tiến lên CNXH, trí tuệ Việt
ngày nay tệ hại đến thế này sao? Thứ ba, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng bị bắt, không phải vì đòi tự
do học đường, tự do học thuật, mà vì liên quan đến biển thủ tiền bạc (6). Báo chí “cách mạng” thế này thì làm thế nào thể
hiện được “ý chỉ” của Tổng bí thư: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực,
vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nghiêm trọng hơn, bọn “lề trái” mấy
ngày nay đang hô hào Tổng bí thư là kẻ tham nhũng lớn nhất nước, đề nghị phải xử
lý! Bọn này học mót đâu ra, nói tham nhũng chính trị, tham những quyền lực là
trọng tội!!!
Nói đến tự do học đường và học thuật cho thanh
niên và sinh viên, Tổng bí thư Trọng có thể không biết, vả lại ông cũng chẳng
thèm quan tâm. Nhưng các đồng chí “bò đỏ” (nhung nhúc hàng vạn hồng vệ binh
A47) và Ban Tuyên giáo thì đã canh rất kỹ, không cho lọt bất cứ một dòng tin,
chứ chưa nói tới hình ảnh về “phong trào Hoa Hướng Dương” ở Đài Loan tháng
3/2014. Giới trẻ “Dâu Tây” đã thực sự bùng nổ khi một nhóm các nhà hoạt động
dũng cảm đã chiếm giữ Lập pháp viện (Nhà Quốc hội) trong 23 ngày (7). Đồng
chí Tổng bí thư biết không, vào thời điểm đó, hơn 20 Hiệu trưởng các Trường Đại
học nổi tiếng nhất Đài Loan đã gửi Khuyến cáo lên Tổng thống Mã Anh Cửu, yêu cầu
cấm công an đàn áp sinh viên. Sinh viên được nhà trường cho nghỉ học, giáo sư
và giáo viên nhiều trường tình nguyện tiếp tế thực phẩm cho các em những ngày
tuổi trẻ Đài Loan yêu cầu chính quyền không được lệ thuộc quá sâu vào Trung Hoa
đại lục. Phải tay Tổng bí thư, chắc đồng chí đã lệnh cho Đại tướng Tô
Lâm phải “tắm máu” ngay đối với hàng vạn sinh viên ấy, đồng chí nhỉ? (8)
Cho nên rồi đây, lịch sử sẽ “vinh danh” Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng bên cạnh các tên tuổi như: chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng
thống Putin, Thống chế Than Shwe và cha con Kim Chính Nhật – Kim Chính Ân (Kim
Jong-Il và Kim Jong-Un)… Không biết lúc bấy giờ các “sử quan” xứ Đông Lào có
dám viết lại việc đồng chí đã “hạ bệ” Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một cách
ngoạn mục như thế nào vào thời điểm “năm cùng tháng tận” Tết Nhâm Dần không nhỉ?
Dù sao, hình như Ban Cố vấn của Tổng bí thư cũng sáng suốt, tuy không còn “Hòa
thân” Hỗ Mẫu Ngoạt bên cạnh. Có tin là Trung ương tới đây chưa “đàn hặc” Thủ tướng
Phạm Minh Chính như đã xử lý Bảy Phúc. Tỷ lệ các đồng chí phản đối công khai việc
“hất ghế” Bảy Phúc khiến Tổng Trọng giật mình! Vì vậy, nay ông đang lo phải đối
mặt với “cơn sóng thần” bất chợt có thể ập đến giữa các hội nghị đặc biệt kỳ
này. Việc cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “quay xe”, không thèm ra Ba Đình gặp
gỡ nguyên lãnh đạo các thế hệ, khiến ông Trọng phải đề phòng nguy cơ bất ổn
ngay trên “thượng tầng” (9).
_____________
Tham khảo:
1. https://zingnews.vn/xuat-hien-quang-may-sang-cuc-la-tren-dinh-nui-ba-den-post1402067.html
6.
https://vietnamthoibao.org/vntb-nang-luc-that-su-cua-tong-bi-thu/
7.
https://www.youtube.com/watch?v=Zojh-rnctVw
8.
https://luatkhoa.org/2020/01/the-he-tre-da-thay-doi-chinh-tri-dai-loan-nhu-the-nao/
-------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment