Monday, March 13, 2023

TẠI BẮC KINH, SAUDI ARABIA - IRAN THÔNG BÁO KHÔI PHỤC QUAN HỆ NGOẠI GIAO (Thanh Hà / RFI)

 



Tại Bắc Kinh, Ả Rập Xê Út–Iran thông báo khôi phục quan hệ ngoại giao

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 11/03/2023 - 11:33

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230311-t%E1%BA%A1i-b%E1%BA%AFc-kinh-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-x%C3%AA-%C3%BAt%E2%80%93iran-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-kh%C3%B4i-ph%E1%BB%A5c-quan-h%E1%BB%87-ngo%E1%BA%A1i-giao

 

Là hai nước thù nghịch ở Trung Đông, Iran và Ả Rập Xê Út chiều ngày 10/03/2023 thông báo nối lại quan hệ giao vốn bị gián đoạn từ 2016. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc đàm phán bí mật 4 ngày giữa Teheran với Riyad tại Bắc Kinh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/45cc3c4a-bf95-11ed-9da0-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-03-10T170954Z_167983359_RC2ZQZ9WGGB7_RTRMADP_3_IRAN-SAUDI-DIPLOMACY-CHINA.webp

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị (G), thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani (P) và Cố vấn An ninh Quốc gia Ả Rập Xê Út Musaad bin Mohammed Al Aiban tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/03/2023. via REUTERS - CHINA DAILY

 

Đối với Bắc Kinh, đây là một thắng lợi lớn của Trung Quốc về ngoại giao, cho dù tiến trình hòa giải hai quốc gia Hồi Giáo, một theo hệ phái Shia và một theo hệ phái Sunni là Iran và Ả Rập Xê Út đã được khởi động từ 2021 tại Irak.

 

Trong thông cáo chung, Teheran và Riyad cho biết đôi bên đồng ý cho mở lại đại sứ quán và các văn phòng đại diện ngoại giao trong thời hạn tối đa là 2 tháng nữa. Ngoại trưởng Iran và Ả Rập Xê Út sẽ gặp lại nhau trong những ngày tới để cụ thể hóa các bước tiếp theo. Iran và Ả Rập Xê Út nhiệt liệt cảm ơn Trung Quốc đóng vai trò hòa giải, nhưng không quên rằng tiến trình này đã được khởi động dưới sự bảo trợ của Irak và Oman từ 2021 và 2022.

 

Cộng Hòa Hồi Giáo Iran theo hệ phái Shia trong lúc vương quốc Ả Rập Xê Út theo hệ phái Sunni. Hai quốc gia này yểm trợ các lực lượng thù ngịch trong nhiều cuộc xung đột tại khu vực, điển hình là cuộc nội chiến tại Yemen. Teheran có ảnh hưởng lớn tại Irak và Liban, ủng hộ cả về mặt quân sự lẫn chính trị chế độ của tổng thống Bachar Al Assad tại Syria.

 

Theo một số nhà quan sát, thỏa thuận Teheran vừa đạt được với Riyad tại thủ đô Trung Quốc cho phép Iran « củng cố vị thế tại Syria và Yemen ». Đây là hai nơi mà Iran và Ả Rập Xê Út đang đối đầu. Ngoài ra, bình thường hóa quan hệ với Riyad nhờ trung gian của Bắc Kinh cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Iran vào lúc mà Mỹ duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu chế độ cầm quyền tại Teheran. Iran và Trung Quốc vừa ký một loạt các thỏa thuận hợp tác chiến lược cho giai đoạn 25 năm sắp tới, trong đó bao gồm từ hợp tác năng lượng đến an ninh, cơ sở hạ tầng hay viễn thông…

 

Thắng lợi ngoại giao vẻ vang của Bắc Kinh

 

Tuy nhiên việc hai nước Hồi Giáo thù nghịch ở Trung Đông là Iran và Ả Rập Xê Út thông báo nối lại bang giao là một thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao Trung Quốc như giải thích của thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh :

 

« Tuyên bố ba bên được đưa ra sau 4 ngày Bắc Kinh và hai quốc gia thù nghịch trong khu vực Trung Đông, là Iran và Ả Rập Xê Út bí mật đàm phán.

 

Hình ảnh được phổ biến trên các mạng xã hội cho thấy ba cái bàn lớn, xếp hình tam giác, quốc kỳ của Ả Rập Xê Út, Trung Quốc và Iran trên nền những bức tranh đông phương như thường được trang trí tại các sảnh đường của các tòa nhà chính thức của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

 

Đứng giữa các đại diện cao cấp về an ninh của Teheran và Riyad, chủ nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Vương Nghị hoan nghênh thắng lợi của ‘đối thoại và hòa bình’. Ông nói thêm, Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ của một nhà hòa giải ‘thành thật’ và ‘đáng tin cậy’ với hai đối tác là Ả Rập Xê Út và Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Riyad nhiệt tình cảm ơn chủ tịch Trung Quốc ‘hỗ trợ cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước láng giềng Ả Rập Xê Út và Cộng Hòa Hồi Giáo Iran’.

 

Còn lãnh đạo về an ninh của Iran nhắc lại rằng chuyến viếng tham Bắc Kinh gần đây của tổng thống Ebrahim Raissi và các cuộc trao đổi với Tập Cận Bình là nền tảng cho cuộc đàm phán vừa qua giữa hai phái đoàn Iran và Ả Rập Xê Út.

 

Đối với Bắc Kinh, việc đứng ra làm trung gian hòa giải thể hiện thành công của chính sách Sáng Kiến An Ninh Toàn Cầu mà Trung Quốc đã công bố cách nay hai tuần ».

Đọc thêm về cùng chủ đề

 

-------------------------

Các nội dung liên quan

 

Mỹ phản ứng chừng mực về thông tin Iran-Ả Rập Xê Út tái lập quan hệ ngoại giao

Thu Hằng   -  RFI

Đăng ngày: 11/03/2023 - 12:12

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230311-m%E1%BB%B9-ph%E1%BA%A3n-%E1%BB%A9ng-ch%E1%BB%ABng-m%E1%BB%B1c-v%E1%BB%81-th%C3%B4ng-tin-iran-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-x%C3%AA-%C3%BAt-t%C3%A1i-l%E1%BA%ADp-quan-h%E1%BB%87-ngo%E1%BA%A1i-giao

 

Sau khi Iran và Ả Rập Xê Út thông báo « nối lại quan hệ ngoại giao », Pháp và Mỹ đã lên tiếng « hoan nghênh ». Paris tiếp tục kêu gọi chính quyền Teheran « từ bỏ mọi hành động gây bất ổn » trong khu vực. Hoa Kỳ cũng tỏ thái độ thận trọng, « chờ xem Iran có thực hiện những cam kết không », theo phát biểu ngày 10/03/2023 của một người phát ngôn của Nhà Trắng.

 

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tại Washington tường trình :

 

« Chính quyền tổng thống Joe Biden như chỉ làm một dịch vụ tối thiểu sau khi Iran - Ả Rập Xê Út thông báo nối lại quan hệ ngoại giao. Bộ Ngoại Giao Mỹ không màng phản ứng, kể cả với việc ra một thông cáo nhỏ. Phản ứng trực tiếp duy nhất là từ nhà điều phối truyền thông về các vấn đề an ninh quốc gia. Ông John Kirby giải thích rằng Hoa Kỳ ủng hộ mọi nỗ lực để làm giảm căng thẳng ở Trung Đông và đặc biệt là để chấm dứt chiến tranh ở Yemen.

 

Ông khẳng định rằng ngay cả khi Hoa Kỳ không can dự vào quá trình đàm phán, Washington vẫn được Ả Rập Xê Út thông báo về mỗi chặng của tiến trình. Ông John Kirby tỏ ra thận trọng về việc Iran sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nước này khi nhấn mạnh rằng theo kinh nghiệm của Mỹ, nước Cộng Hòa Hồi Giáo không phải lúc nào cũng tôn trọng lời nói của họ.

 

Ngược lại, thỏa thuận được đúc kết dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, nước bị Washington coi là đối thủ triệt để, lại làm hỏng ý định Mỹ rút khỏi khu vực mà Bắc Kinh sẽ tận dụng để mở rộng ảnh hưởng. Khi được hỏi về thỏa thuận Iran - Ả Rập Xê Út, tổng thống Mỹ Joe Biden không bình luận trực tiếp. Ông ưu tiên giải thích rằng mọi điều có thể làm giảm căng thẳng giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập đều là việc tốt. Nhà nước Do Thái muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Riyad. Còn Ả Rập Xê Út đã cho thấy rõ là chọn làm lành với Iran trước, trong khi Teheran là đối thủ kiên định của Israel và Hoa Kỳ ».

 

Truyền thông Israel, được thông tín viên RFI tại Jerusalem trích dẫn, đánh giá thông báo tái lập quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út là « cú tát », thậm chí là « tin xấu » cho Mỹ và Israel. Ngược lại, các quốc gia vùng Vịnh (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar, Jordani, Liban, Oman) hoan nghênh thỏa thuận trên. Đối với Irak, hai đối thủ Iran và Ả Rập Xê Út đã bước sang « trang mới » trong lịch sử quan hệ ngoại giao. Đây cũng là hai lực lượng ủng hộ các phe phái đối lập trong các cuộc xung đột ở trong vùng, đặc biệt là ở Yemen.





No comments: