Friday, March 24, 2023

PHÁP NHỮNG NGÀY ĐÌNH CÔNG : 'CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN' SO GĂNG VỚI CHÍNH PHỦ MACRON (Phạm Cao Phong / BBC News)

 



Pháp những ngày đình công: 'Chuyên chính vô sản' đọ găng với chính phủ Macron    

Phạm Cao Phong

Gửi bài cho BBC từ Paris, Pháp

24 tháng 3 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-65065338

 

Gần một tháng qua, nước Pháp chìm trong biểu tình, đình công và nhiều vụ bạo động, vì không ít người Pháp bất bình với cải cách hưu trí của chính phủ thủ tướng Elisabeth Borne, đẩy tuổi về hưu từ 62 lên 64 tuổi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/21D8/production/_129046680_gettyimages-1248908586.jpg

Đốt thùng rác trước Nhà hát Opera Garnier ở Paris để phản đối chính phủ-hình chụp hôm đầu tuần

 

Ngày 17/03/2023, Tổng thống Macron đã chọn giải pháp cứng rắn, sử dụng điều khoản 49.3 Hiến định để thông qua cải cách này, bỏ qua cách đếm lá phiếu ở Hạ viện.

 

Hành động chính trị can đảm thể hiện cá tính được ăn thua chịu của một Tổng thống trẻ. Năm đầy rủi ro mở đầu nhiệm kỳ hai của Macron sẽ trả lời câu hỏi là, 4 năm còn lại ông sẽ chèo chống ra sao để lãnh đạo đất nước ?

 

Song quyết tâm chính trị của ông Macron có thể dẫn đến nguy cơ cực đoan hóa đã có tiền lệ với Phong trào Áo Vàng. Khi "Gilets Jaunes", chặn các ngã tư, chặn đường, mỗi thứ bảy lên Paris biểu tình làm nước Pháp chao đảo suốt ba năm.

 

Bộ mặt chuyên chính vô sản nhìn thấy đầu tiên trong tháng qua là vỉa hè Paris đầy rác, đôi chỗ không còn lối đi. Tôi muốn nhắc lại là, vỉa hè Paris rộng, sạch, được quét dọn nhiều hơn hình ảnh vỉa hè với hàng quán ở Việt Nam.

 

Chính trị Pháp: Vì sao cơn sóng thần cực hữu dâng cao?

Anh chính thức rơi vào suy thoái kinh tế

Anh Quốc: Biên phòng, y tá, xe lửa, xe bus lên lịch đình công dày đặc

Credit Suisse: UBS đàm phán để mua lại ngân hàng đối thủ đang gặp khó khăn

 

Mười quận trong 20 quận của Paris bị vấn nạn rác đe dọa. Nhân công chuyên chở rác không làm việc từ ngày 6/03/2023. Ngay tuần đầu số rác ứ đọng lên đến 7000 tấn. Đến ngày 22/03 lên tới 10.000 tấn.

 

Rác thải tồn ứ dẫn đến nạn chuột cũng ra đường tuần hành, kiếm thức ăn từ các thùng rác. Tôi không biết báo chí Pháp lấy đâu ra số 6 triệu con chuột diễu võ ở Paris. Lý do chưa tìm ra địa chỉ cấp sổ đỏ chính chủ cho loài gậm nhấm kinh hoàng này.

 

Nguy cơ dịch bệnh, hôi hám mất vệ sinh, cản trở sinh hoạt người dân thủ đô do nạn rác thải, buộc Sở Cảnh sát Paris phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Họ ra văn bản ép buộc Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thuộc Đảng Xã hội, người ủng hộ đình công, buộc bà phải cung cấp danh sách 4000 nhân công hành nghề dọn vệ sinh. Trên danh sách đó cảnh sát cưỡng chế lao động với người làm vệ sinh và các công ty tư nhân vốn đảm nhận việc này.

 

Theo luật, người phản kháng, có thể nhận án phạt tới 10.000 euro, thậm chí bị giam giữ tới 6 tháng.

 

Song vỏ quít dầy có móng tay nhọn. Số người phải đi làm dùng lá bài lãn công.

 

Trả lời truyền hình, có một công nhân bắt buộc phải lao động nói, cả buổi sáng anh lái xe đổ được hai chuyến (khoảng 14 tấn rác) thay vì bốn chuyến, đến sáu chuyến như trước kia : "cảnh sát có chiêu của họ thì chúng tôi cũng có võ của chúng tôi."

 

.

Quyền lực của người lao động

 

Những ngày " chuyên chính vô sản" thể hiện quyền uy là những ngày phương tiện đi lại công cộng giảm thiểu, tầu cao tốc, các tuyến xe nối các ngoại ô, máy bay, tàu thuỷ, phà...chen được một chân vào các hộp cá lèn không có chỗ thở là phải cám ơn được "cô thương".

 

Người có xe, phương tiện giao thông cá nhân cũng khốn khổ, vì nhiều nơi các trạm bán xăng không còn một giọt. Các nhà máy lọc dầu bị các nghiệp đoàn phong toả, ngăn không cho cung cấp nhiên liệu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/E9C4/production/_129044895_12288f39dce6e554cca9fc74a1727fbadf4d0d1f.jpg

Các nghị sĩ đối lập phản đối luật về tuổi hưu bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ đương nhiệm Pháp. Cuộc bỏ phiếu đã thất bại.

 

Ngày các nghiệp đoàn đình công, khổ cho người do kinh tế eo hẹp muốn đi làm cũng bị bắt làm con tin. Khi trẻ em không thể đến lớp vì giáo viên cũng đình công, các nhà giữ trẻ đóng cửa, các bà mẹ và ông bố phải nghỉ để trông con.

 

Các quy định nghiêm ngặt về chăm sóc trẻ em, phải đủ con số người trông nom bao nhiêu cho mỗi lớp phải tuân thủ, làm trầm trọng thêm vào những ngày này. Lỡ xảy ra chuyện gì thì khốn, nên giáo viên, người phụ trách các nhà mẫu giáo, nhà trẻ sợ trách nhiệm, nên cứ phải đồng nghỉ việc cho xong chuyện, lương đã eo hẹp càng chật vật với vật giá leo thang.

Thời CNXH còn nằm ở đâu đâu, Karl Marx đã tiên đoán là hình mẫu xã hội này sẽ thành hiện thực tại Pháp.

 

Điều này xem ra không phải không đúng.

 

Những tiêu chí về quyền con người, về phúc lợi xã hội, điều kiện làm việc, trình độ dân trí có lẽ mang nước Pháp ra đọ với các nước được gọi là " Thiên đường XHCN" hiện hành, gọi đúng việc tựa như " bì phấn với vôi".

 

Nhưng CNXH mà không có "chuyên chính vô sản" thì đâu còn là CNXH? Lenin định nghĩa : "CNXH là chuyên chính vô sản cộng với điện khí hoá toàn quốc."

 

Áp dụng cho Pháp tiêu chí ấy có chệch chữ nào không?

 

Không chấp cái chuyện ở nước Nga xa xôi năm 1917 mơ có điện để thắp sáng, để sưởi, để tăng sản lượng công nghiệp, đúc súng đánh nhau…Người vô sản Nga hoàn thành xong CNXH hiện tại còn kém người vô sản Pháp.

 

Thái Lan biết vươn lên khai thác cơ hội hơn cả Anh Quốc thời gian qua

Tư tưởng Marx 'không phải là già cỗi'

Bulgaria: Dân số giảm nhanh là mối đe dọa ở quốc gia hậu cộng sản

 

Mức sống dân Pháp cao, GDP bình quân đầu người của Pháp là 43.518 USD, so với Nga 9.972, Trung Quốc 9769 và Việt Nam là 4.110. Không những thế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) là hình thức đầu tư dài hạn của Pháp đứng hàng đầu thế giới.

 

Hai ví dụ trên cho thấy nước Pháp có của ăn của để, còn dư dật gửi tiền ra nước ngoài sinh lời.

 

Ở Pháp, Luật Lao động quy định cho người làm công ăn lương chỉ có 35 giờ/tuần. Tính ra là chỉ làm chưa đến 8h trong 4 ngày (4x8=32), còn ngày thứ năm chỉ cần bù thêm 3h. Làm thêm giờ, làm ngày thứ bảy, chủ nhật lương gốc được cộng thêm 25%. Đồng lương làm ngoài giờ dưới mức trần 7500 euro thì được miễn thuế thu nhập.

 

Nước nào trên thế giới làm chơi ăn thật như Pháp ?

 

Năm 2022, có tới 152 triệu lượt người Pháp đến rạp xem phim. Tháng 1 năm 2023 đã có tới 15 triệu người xem.

 

Trung bình trong độ tuổi 15- 44, mỗi người Pháp đọc 12 cuốn sách một năm. Con số đó tăng cùng với độ tuổi. Chẳng hạn trên 45 tuổi, người Pháp đọc 21 quyển. Đấy là nói về sách in, chưa nói về sách số hóa, nguồn từ Internet. Con số này gấp 2 đến 3 lần số sách bán in trên giấy.

 

Phụ nữ Pháp đọc nhiều hơn nam giới, chỉ số là 93% nữ giới ham mê sách vở so với con số 89% ở nam giới.

 

Từ chỉ số nêu trên có thể nhận định, người phụ nữ Pháp được giải phóng nhiều thời gian khỏi công việc nội trợ, còn bậc mày râu bận bịu với tửu quán nên sao nhãng đèn sách ?

 

Mỗi đầu người ở Pháp hàng năm tiêu thụ tới 17 lít rượu, chưa kể bia. Gần hai chục lít rượu đưa vào cơ thể vào say được mấy lần ? Mà ở Pháp cũng chỉ có 12 tháng một năm như mọi nước khác.

 

Ở Pháp, chính phủ sợ dân như sợ cọp. Muốn làm gì, chính phủ đều phải ngó trước, ngó sau. Chuyên chính vô sản ở Pháp là cơ bắp của thợ thuyền, người lao động đều đều xuống đường đòi hưởng phúc lợi.

 

Từ cảnh sát, luật sư, bác sĩ, y tá, nhân viên hỏa xa, công chức làm công ăn lương, cô giữ trẻ, nhân viên trong viện dưỡng già... tất tần tật đủ mọi tầng lớp xã hội, điểm mặt qua đều đã xuống đường đòi hỏi.

 

Năm nay, các công đoàn CFDT, CFTC, CGT, FO, UNSA...lại muốn cho chính phủ thấy lại bài học Thủ tướng Alain Juppé đã phải lùi bước sau các cuộc đình công vào tháng 11, 12/1995 của họ.

 

.

Có cần phải cải tổ hưu bổng ?

 

Sắc luật "Cuộc chiến cho thời gian để sống", ban hành năm 1982 dưới thời François Mitterrand cho phép người Pháp nghỉ hưu năm 60 tuổi.

 

Song thước đo của chế độ hưu bổng 60 tuổi "nặng về chính trị hơn là về kinh tế "ngay từ sau nhiệm kỳ đầu tiên của François Mitterrand đã xuất hiện những khó khăn tài chính, liên quan đến dân số, thất nghiệp ngày càng gia tăng. Suốt thời gian đó, người lao động Pháp làm 39h/ tuần. Đạo luật tuần làm việc 35h/ tuần áp dụng dưới thời Thủ tướng Lionel Jospin năm 2002 càng làm cỗ xe kinh tế thêm ỳ ạch.

 

Bài toán đầu tiên của bất cứ chính phủ Pháp nào lên cầm quyền là tiền đâu để trả lương hưu cho khối người già ngày càng đông, nếu số giờ làm việc ngắn, tuổi làm việc cũng ít nhất Âu, người ở tuổi lao động ra nhập thị trường chậm và khủng hoảng thất nghiệp triền miên?

 

Các chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Edouard Balladur năm 1993, sau đó là François Fillon, quyết định kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Và đến năm 2010, tuổi về hưu theo quy định được ấn định là 62 dù trong lĩnh vực công hay tư.

 

Sau một số thay đổi, tuổi nghỉ hưu ở Pháp hiện tại là 62 tuổi. Con số chênh đáng kể so với ở Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, nơi phải đến 67 tuổi, 66 tuổi ở Ireland, 65 tuổi đối với nam giới ở Ba Lan, Áo, Hungary, Romania…mới được nghỉ hưu.

 

Mỗi lần chính phủ cả tả lẫn hữu nhăm nhe quay lại "bao giờ cho đến ngày xưa" thời làm việc đến 65 tuổi, là mỗi lần các dự định đều bị khối công đoàn chống lại.

 

Thậm chí, chương trình chính trị thiên tả của Mitterrand châm ngòi cho sự bành trướng của Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp (FN) của Jean-Marie Le Pen. Bây giờ, "Con quỷ của chế độ Cộng hòa " Marine Le Pen thay thế cha đã biến FN thành lực lượng mạnh hơn các đảng chính trị truyền thống.

 

Chính sách của đảng Xã hội để lại nhiều hệ lụy cho nước Pháp. Song mỵ dân cũng không cứu được đảng của cố Tổng thống Mitterrand đang dần dần lụi tàn.

 

.

Ai đúng, ai sai ?

 

Để dành toàn lực chống Đại dịch, Tổng thống Emmanuel Macron đã hoãn thông qua cải cách quan trọng này hai năm trước, mặc dù lúc đó ông có lợi thế đa số trong cả Thượng và Hạ viện. Hôm nay, ông được nếm vị đắng của thất bại khi mất những con bài quan trọng đó.

 

Chi phí cho 60 triệu người Pháp vượt qua ải này, đồng thời là giữ cho nền kinh tế bình ổn là cực lớn. Pháp phải đi vay tiền các Quỹ tiền tệ quốc tế để đất nước chóng chịu với cơn bão thế kỷ.

 

Theo thống kê, các biện pháp khẩn cấp được thực hiện khi đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 (chi phí y tế, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình) giúp " bảo vệ đất nước phần lớn khỏi những tác động kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng", dẫn đến nợ công gia tăng. Cái giá phải trả là cho đến ngày 12/03/2020, nợ công của Pháp đã tăng gần 20 điểm GDP so với năm 2019, lên mức 115,1 điểm GDP, hay 2 650 tỷ euro.

 

Cán cân chi thu của Pháp đã đến ngưỡng "không thể đàm phán thêm được nữa", và tranh cãi đến 175 tiếng đồng hồ ở Hạ Viện là quá đủ, trong khi Thượng viện đã thông qua dự luật cải cách bằng lá phiếu (193 phiếu thuận trên 114 phiếu chống), thủ tướng Elisabeth Borne khẳng định.

 

Bà nhấn mạnh, để cứu hệ thống hưu trí, cân bằng ngân sách chính phủ của bà nhận trách nhiệm dùng Hiến định 49.3. Bà Borne kêu gọi :" nỗ lực tập thể của toàn bộ người dân Pháp " với "mục tiêu là bảo đảm tương lai của hệ thống hưu trí là mỗi euro đóng góp đều mang lại quyền lợi như nhau cho mọi người."

 

Với hệ thống cồng kềnh gồm 42 quỹ hưu bổng khác nhau để trả lương hưu làm phình ra hệ thống vận hành, cần thống nhất lại.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4F28/production/_129046202_4391b777834a45aa1e7f2c7ecaec15818242be560_0_4896_32641000x667.jpg

Biểu tình trước nhà Quốc hội Pháp hôm 20/03

 

Tranh luận của Tổng thống Pháp ngày 22/03 đã được tới 11, 5 triệu người theo dõi đồng nghĩa 3/4 người Pháp trong tuổi lao động theo dõi phát biểu của ông Macron.

 

Ông Macron thừa nhận đây là quyết định rất khó khăn, bị phản đối, không vui thích gì. Song là công việc quan trọng, cần thiết, không có 36 lựa chọn. Theo Tổng thống Pháp là để có những bảo đảm về thịnh vượng lâu dài hoặc thịnh vượng hơn, đảm bảo chi trả cần thiết cho các biện pháp công bằng xã hội, thì người Pháp phải làm việc lâu hơn.

 

Tổng thống Macron tuyên bố cam kết đi đến tận cùng công cuộc cải cách, trong khi chờ đợi quyết định của Hội đồng Hiến pháp, ông mong muốn "rằng vào cuối năm 2023, 1,8 triệu người ở độ tuổi hưu trí của chúng ta sẽ có thể nhìn thấy hiệu lực đồng lương hưu bắt đầu tăng lên. "

 

Philippe Martinez, lãnh đạo Công Đoàn CFT con một cựu chiến binh trong Lữ đoàn Quốc tế tham gia Nội chiến Tây ban Nha (1936-1939) với bộ râu mái rạ điển hình của người xứ này lớn tiếng thách thức cảnh sát rằng "có nhốt hết chúng tôi vào khám, thì chúng tôi vẫn đình công", rằng "chính phủ đang nhét dùi cui vào mồm người lao động".

 

Thủ lĩnh CFT sắp phai màu vào ngày 31/03 tới do đấu đá nội bộ càng muốn thể hiện vai ông lớn mỗi lần được phóng viên quan tâm.

 

Công đoàn CGT có ảnh hưởng lớn đối với nhân viên các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu và công nhân bốc dỡ hàng ở các hải cảng. CGT chủ trương "làm tê liệt ", thậm chí "ngừng trệ toàn bộ "các hoạt động trên toàn quốc để buộc chính phủ nhượng bộ, thậm chí hủy kế hoạch cải tổ hệ thống hưu bổng tại Pháp.

 

Thủ lĩnh Công đoàn CFDT Laurent Berger còn thóa mạ rằng ông Macron đã "lẩn tránh đối thoại và dối trá ", rằng CFDT có một dự án song không được lắng nghe và cải cách lương hưu của chính phủ " là một trò đùa". Họ muốn có một trưng cầu dân ý về đạo luật này. Song Brexit có phải là một bài học về chơi trò sấp ngửa ?

 

Những tuần lễ tới sẽ là thời gian quyết định thắng thua giữa chính phủ và phong trào 'chuyên chính vô sản' của các nghiệp đoàn Pháp.

 

Trong hồi hộp đón chờ kết quả ngã ngũ ra sao, người lao động Pháp sẽ còn bị hành thêm chưa biết đến bao giờ.

 

------------------------------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút tự do Phạm Cao Phong, hiện sống ở Paris, Pháp.

 




No comments: