25/03/2023
https://www.voatiengviet.com/a/nhung-quoc-gia-da-cam-tiktok/7020748.html
Ngày càng
có nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương cấm ứng dụng chia
sẻ video phổ biến TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ do lo ngại về quyền
riêng tư và an ninh mạng gia tăng. Một số nước đã cấm hoàn toàn ứng dụng này.
https://gdb.voanews.com/47c54670-83f7-4189-b324-88605611eae8_w1023_r1_s.jpg
Giám đốc Điều hành TikTok Shou Zi Chew điều trần trước uỷ ban Năng lượng
và Thương mại Hạ viện Mỹ ngày 23/3/2023.
Giám đốc điều hành của công ty, ngày 23/3, đã
phải đối mặt với những chất vấn gay gắt từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ. TikTok, thuộc
sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc Bytedance, từ lâu đã khẳng định rằng họ
không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.
Công ty chỉ ra một dự án mà họ đang thực hiện
để lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ tại Hoa Kỳ, dự án mà họ cho biết sẽ đưa nó ra
khỏi tầm với của Trung Quốc. Công ty cũng bác bỏ các cáo buộc rằng công ty thu
thập nhiều dữ liệu người dùng hơn các công ty truyền thông xã hội khác và khẳng
định rằng công ty được điều hành độc lập bởi chính ban quản lý của công ty.
Nhưng nhiều chính phủ vẫn thận trọng về nền tảng
này và mối quan hệ của nó với Trung Quốc. Dưới đây là những nơi đã thực hiện lệnh
cấm một phần hoặc toàn bộ TikTok:
Afghanistan
Lãnh đạo Taliban của Afghanistan đã cấm TikTok
và trò chơi PUBG vào năm 2022 với lý do bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi “lầm
đường lạc lối”.
Bỉ
Bỉ tạm thời cấm TikTok khỏi các thiết bị do
chính phủ liên bang sở hữu hoặc trả tiền, với lý do lo ngại về an ninh mạng,
quyền riêng tư và thông tin sai lệch. Thủ tướng Alexander de Croo nói lệnh cấm
kéo dài 6 tháng dựa trên các cảnh báo từ cơ quan an ninh nhà nước và trung tâm
an ninh mạng của cơ quan này.
Canada
Canada tuyên bố các thiết bị do chính phủ cấp
không được sử dụng TikTok, nói rằng nó gây ra rủi ro “không thể chấp nhận được”
đối với quyền riêng tư và an ninh. Nhân viên cũng sẽ bị chặn tải xuống ứng dụng
này trong tương lai.
Đan Mạch
Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cấm nhân viên của mình
có TikTok trên điện thoại làm việc, đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt
ứng dụng này xóa ứng dụng khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Bộ cho biết lý do của
lệnh cấm bao gồm cả “những cân nhắc nghiêm trọng về an ninh” cũng như “nhu cầu
sử dụng ứng dụng rất hạn chế liên quan đến công việc”.
Liên hiệp châu Âu
Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng
EU, ba tổ chức chính của khối gồm 27 thành viên, đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên
các thiết bị của nhân viên. Theo lệnh cấm của Nghị viện Châu Âu, có hiệu lực
vào 20/3, các nhà lập pháp và nhân viên cũng được khuyên nên xóa ứng dụng
TikTok khỏi thiết bị cá nhân của họ.
Ấn Độ
Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm trên toàn quốc đối với
TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat,
vào năm 2020 do lo ngại về quyền riêng tư và an ninh. Lệnh cấm được đưa ra ngay
sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp
trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị
thương.
Các công ty được cho cơ hội trả lời chất vấn
liên quan các yêu cầu về quyền riêng tư và an ninh nhưng lệnh cấm có hiệu lực
vĩnh viễn vào tháng 1 năm 2021.
New Zealand
Các nhà lập pháp ở New Zealand và nhân viên tại
Quốc hội sẽ bị cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên điện thoại cơ quan của họ, theo
lời khuyên từ các chuyên gia an ninh mạng của chính phủ. Theo lệnh cấm có hiệu
lực vào cuối tháng 3, ứng dụng sẽ bị xóa khỏi tất cả các thiết bị có quyền truy
cập vào mạng quốc hội, mặc dù các quan chức có thể sắp xếp đặc biệt cho bất kỳ
ai cần TikTok để thực hiện các nghĩa vụ dân chủ của họ.
Na Uy
Quốc hội Na Uy hôm 13/3 đã cấm Tiktok trên các
thiết bị làm việc, sau khi Bộ Tư pháp nước này cảnh báo không nên cài đặt ứng dụng
này trên điện thoại cấp cho nhân viên chính phủ. Chủ tịch Quốc hội nói TikTok
không nên có trên các thiết bị có quyền truy cập vào hệ thống của quốc hội và
phải bị xóa càng nhanh càng tốt. Thủ đô Oslo của đất nước và thành phố lớn thứ
hai Bergen cũng kêu gọi nhân viên thành phố xóa TikTok khỏi điện thoại cơ quan
của họ.
Pakistan
Chính quyền Pakistan đã tạm thời cấm TikTok ít
nhất bốn lần kể từ tháng 10 năm 2020, với lý do lo ngại rằng ứng dụng này quảng
bá nội dung trái đạo đức.
Đài Loan
Vào tháng 12 năm 2022, Đài Loan đã áp đặt lệnh
cấm khu vực công dùng TikTok sau khi FBI cảnh báo rằng TikTok gây ra rủi ro an
ninh quốc gia. Các thiết bị của chính phủ, bao gồm điện thoại di động, máy tính
bảng và máy tính để bàn, không được phép sử dụng phần mềm do Trung Quốc sản xuất,
bao gồm các ứng dụng như TikTok, Douyin tương đương của Trung Quốc hoặc
Xiaohongshu, một ứng dụng của Trung Quốc có nội dung nói về lối sống.
Vương quốc Anh
Chính quyền Anh vào giữa tháng 3 đã cấm TikTok
khỏi điện thoại di động được sử dụng bởi các bộ trưởng và công chức chính phủ có
hiệu lực ngay lập tức. Các quan chức cho biết lệnh cấm là một “động thái phòng
ngừa” vì lý do an ninh và không áp dụng cho các thiết bị cá nhân. Quốc hội Anh
đã tiếp nối điều đó hôm 23/3 bằng cách tuyên bố cấm TikTok khỏi tất cả các thiết
bị chính thức và “mạng lưới quốc hội rộng lớn hơn”. Chính phủ Scotland bán tự
trị cũng nói vào ngày 23/3 rằng họ đã cấm TikTok khỏi các thiết bị chính thức,
có hiệu lực ngay lập tức.
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ vào đầu tháng 3 đã cho các cơ quan
chính phủ 30 ngày để xóa TikTok khỏi các thiết bị và hệ thống liên bang do lo
ngại về an ninh dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng cho các thiết bị của chính phủ, mặc
dù một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn. Trung Quốc đả
kích Hoa Kỳ vì cấm TikTok, mô tả lệnh cấm này là lạm dụng quyền lực nhà nước và
đàn áp các công ty từ các quốc gia khác. Hơn một nửa trong số 50 tiểu bang của
Hoa Kỳ cũng đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị chính thức, cũng như Quốc hội
và lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment