Sáng nay mở FB, tôi bàng
hoàng thảng thốt trước tin GS Trần Hữu Dũng – chủ trang Viet-studies, vừa đột
ngột qua đời ở Mỹ.
Không cần kể đến những Hội thảo Hè, không cần
kể đến tạp chí Thời Đại Mới, chỉ riêng việc dựng nên và cần mẫn duy trì trang
Viet-studies suốt từng đó năm đã là xứng một kỳ công muôn một. Để làm được việc
đó hẳn ông phải có một tấm lòng sâu nặng thiết tha với đất nước, với Việt Nam
ghê gớm lắm.
Tôi bàng hoàng thảng thốt vì đất nước chúng ta
đã đột ngột mất đi một tài sản quý giá nhường ấy.
Tôi bàng hoàng thảng thốt vì con đường hiện đại
hóa Việt Nam lại mất đi một yếu nhân với lòng yêu quê hương lặng thầm, thiết
tha nhường ấy.
Trong hồi ký “Những ngày chưa quên”, tác giả
Đoàn Thêm có kể câu chuyện về “anh kiến trúc sư D”, thời Đệ nhất Cộng hòa.
"Anh kiến trúc sư D" yêu kịch nghệ và nặng lòng với công việc phát
triển văn hóa nước nhà. Thấy cảnh “văn hóa cứ ngủ say”, thấy cảnh “người ta coi
rẻ văn hóa đến nỗi một cơ quan văn hóa như Nha Văn Hóa bị bỏ quên trong một trụ
sở tồi tàn nhất ở đường Công Lý”, anh quyết phải làm gì đó.
Anh tìm mọi cách để tiếp cận ông Nhu, bà Nhu
và những người thân cận để vận động để cho ra một tờ tạp chí, một cơ sở văn nghệ.
Tờ tạp chí và cơ sở văn nghệ đó sau này cũng sớm
chết yểu cùng với cha đẻ của nó, "anh kiến trúc sư D", nhưng tấm lòng
thiết tha vì đất nước của “anh” thì vẫn còn đó. Đóng góp lặng thầm của
"anh" cho công cuộc phát triển văn hóa dân tộc thì vẫn luôn ở đó. Nó
đã được kế thừa bởi những người như GS Trần Hữu Dũng, và chắc chắn sẽ còn được
kế thừa bởi rất rất nhiều người khác nữa, ở những thế hệ mai sau trên đất nước
chúng ta.
“Kiến tạo quốc gia” không phải là cái gì đó to
tát, cũng không phải là đặc quyền riêng có của những chính trị gia, những chính
khách, đó là công việc mà ai cũng có thể làm, ai cũng có thể chung vai góp sức.
Những công việc như “anh kiến trúc sư D”, như
GS Trần Hữu Dũng đã làm, đó chính là “kiến tạo quốc gia” vậy.
Cái cơ sở văn nghệ của “anh kiến trúc sư D”,
theo mô tả của tác giả Đoàn Thêm, cũng chẳng to tát gì. Nó chỉ là một căn nhà
trên phố Bùi Viện sửa sang lại thành một quán văn nghệ, vừa làm quán ăn vừa làm
nơi trình diễn kịch nghệ, treo tranh, giới thiệu thơ, hòa tấu nhạc... nhưng đó
là tâm huyết cả đời của “anh kiến trúc sư D”, và nó sẽ trường tồn trong ký ức của
dân tộc.
Người ta thường kỳ vọng hoặc thường chỉ nhìn
vào những thay đổi lớn lao như một trận động đất hủy diệt, nhưng cách một xã hội
xoay chuyển thì không bao giờ như vậy. Nó thường chậm chạp, thậm chí quá chậm
chạp, tế vi, thậm chí quá tế vi và rất thường khi xuất phát từ những con người
lặng thầm nhỏ bé, hầu như không thể nào nhận biết được tức khắc.
“Có một sự thay đổi ở Việt Nam, đất nước này sẽ
không bao giờ còn như trước. [Hãy] nhìn đường chân trời đầy những ăng-ten tivi,
rồi nghẹt thở vì khói xe Honda. Những cải tiến này mới chỉ là khởi đầu. Giờ, những
con người này đã biết đến chúng, bất chấp hậu quả có ra sao thì họ cũng sẽ
không buông chúng ra – cho Charlie hay bất kỳ ai khác. Những lợi ích thiên về vật
chất này là thứ mà những người Việt Nam bình thường sẽ cố gắng giữ chặt lấy và
chấp nhận hơn bất kỳ học thuyết triết học ngọt ngào nào.”
Những nhận xét trên trích từ báo cáo của nhóm
cố vấn Mỹ ở Cà Mau, tóm tắt lại những thay đổi ở đồng bằng châu thổ sông Cửu
Long năm 1971, được David Biggs dẫn lại trong tác phẩm Đầm Lầy. Những “ghi nhận
thay đổi về môi trường và xã hội” như thế này, theo David Biggs, “hiếm khi” được
các cơ quan báo chí ở Sài Gòn và Washington đề cập đến. Tức là, nó hiếm khi được
công luận biết đến, hay để ý tới.
Điều này có lẽ vẫn đúng cho đến bây giờ. Những
thay đổi cốt yếu, không thể đảo ngược một khi diễn ra, thường âm thầm, hầu như
không được công luận biết đến hay để ý tới. Nhưng một khi chỉ cần những người
dân bình thường đã “nắm chắc” được nó, họ sẽ không buông bỏ, nó sẽ trở thành những
thay đổi quyết định, thành những biến chuyển không thể đảo ngược. Và điều quan
trọng là bất cứ ai, trong bất cứ địa vị hay lĩnh vực nào, cũng có thể làm nên
những thay đổi cốt yếu như thế, chỉ cần họ có một tấm lòng, một ý thức kiến tạo
quốc gia.
NĐK
No comments:
Post a Comment