Sunday, March 5, 2023

NGƯỜI VIỆT Ở UKRAINE SAU MỘT NĂM CHIẾN TRANH (Việt Hoàng)

 



Người Việt ở Ukraine sau một năm chiến tranh

Việt Hoàng

3/03/23

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/28002-ngu-i-vi-t-ukraina-sau-m-t-nam-chi-n-tranh

 

Trước chiến tranh, cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Ukraine có khoảng 7.000-8.000 người, chủ yếu sống tập trung ở ba thành phố lớn là thủ đô Kyiv, thành phố cảng Odessa và Kharkiv. Hơn 90% người Việt kinh doanh buôn bán hàng quần áo tại các khu chợ và trung tâm thương mại. 70% người Việt Nam có nhà và xe ô tô. Căn hộ một phòng ngủ mới xây có giá chỉ khoảng 50.000 USD. Người Việt định cư tại Ukraine chủ yếu là sinh viên và công nhân sang Ukraine làm việc theo chương trình xuất khẩu lao động được ký kết giữa Nhà nước Việt Nam và Liên Xô từ thập niên 80 đến 90.

 

Cũng như các cộng đồng Việt Nam khác trên thế giới, thế hệ thứ nhất đến Ukraine với hai bàn tay trắng và một quyết tâm thay đổi cuộc đời. Họ đầu tư cho thế hệ thứ hai ăn học đàng hoàng, đa số các cháu sinh ra và lớn lên tại Ukraine đều tốt nghiệp đại học. Do cơ hội làm việc tại Ukraine không nhiều nên phần lớn thế hệ thứ hai, sau khi học xong thì sang nước khác làm việc như Ba Lan, Cộng hòa Czech, Canada…

 

Dù không giàu có và thành công như các cộng đồng người Việt khác nhưng nói chung cuộc sống của bà con người Việt tại Ukraine tương đối ổn định. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm nhiều người Việt tại Ukraine trắng tay do đồng tiền Ukraine mất giá nặng nề so với đồng USD. Cuộc ‘Cách mạng Nhân Phẩm’ của người dân Ukraine năm 2014 lật đổ tổng thống thân Nga, Viktor Yanukovich và sau đó là cuộc xâm chiếm bán đảo Crimea và vùng Donbass của Putin càng làm cho kinh tế Ukraine suy giảm. Công việc kinh doanh của cộng đồng người Việt tại Ukraine ngày càng trở nên khó khăn khi người dân giảm mua sắm để lo cho việc ăn uống hàng ngày. Một số người Việt có tiền đã trở về Việt Nam làm ăn, chủ yếu là đầu tư vào bất động sản. Đa số bà con vẫn ở lại Ukraine vì con cái đang học hành dang dở…

 

https://live.staticflickr.com/65535/52724450693_e5463b8cb8.jpg

Cuộc sống êm đềm của cộng đồng người Việt tại Ukraine đã kết thúc vào lúc 5 giờ sáng ngày 24/2/2022 khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine.

 

Cuộc sống êm đềm của cộng đồng người Việt tại Ukraine đã kết thúc vào lúc 5 giờ sáng ngày 24/2/2022 khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine. Tiếng bom và đạn pháo Nga rung chuyển khắp lãnh thổ Ukraine. Một cuộc xâm lược vô lý và ngang ngược nhất thế giới từ sau thế chiến thứ 2 đã bắt đầu. Cũng như đại đa số người dân Ukraine, không một người Việt Nam nào tin rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine. Nhiều người vẫn nhập một lượng hàng lớn, chuẩn bị cho mùa xuân. Nhiều người không có đồng nào trong nhà vì tiền bạc đã đầu tư hết vào hàng hóa.

 

Nhiều người Việt ở Ukraine tin rằng cuộc chiến sẽ nhanh chóng kết thúc với phần thắng thuộc về Putin. Xe tăng Nga đã vào đến trung tâm thành phố Kharkiv và lính dù Nga đã chiếm được sân bay Antonov, gần thị trấn Hostomen, cách trung tâm Kyiv chỉ 32 km… Thế nhưng diễn tiến cuộc xâm lược Ukraine đã diễn ra không theo đúng ý muốn của Sa hoàng Putin. Quân đội Ukraine đã chặn đứng đội quân hùng mạnh thứ hai trên thế giới và đẩy lùi quân Nga về bên kia biên giới. Bị thiệt hại nặng nề nên quân Nga đã phải rút lui khỏi Kyiv và Kharkiv để tập trung vào khu vực Donbass và phía Nam Ukraine.

 

Sau hơn một tuần xảy ra chiến sự thì bà con người Việt ở Ukraine nhận ra rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài và trước sự bắn phá điên cuồng của quân Nga vào các khu dân cư thì họ không còn lựa chọn nào khác là phải di tản về phía Tây Ukraine. Các trạm xăng đã đóng cửa nên chỉ còn một cách di tản bằng tàu hỏa. Tình hình những ngày đó tại các sân ga lớn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng và khó quên. Hàng ngàn người chen chúc ở sân ga trong giá lạnh, chờ tàu suốt ngày đêm và khi tàu đến thì tình cảnh không khác gì trong bộ phim nổi tiếng Titanic. Cả biển người chen chúc, xô đẩy, la hét trong tuyệt vọng để được lên tàu và rồi cảnh sát và nhân viên đường sắt làm thành một hàng rào, họ chỉ cho phụ nữ và trẻ em lên tàu, tất cả đàn ông đều bị gạt lại. Nhiều người, cả ta lẫn tây cầm cả nắm tiền đưa cho cảnh sát để được lên tàu nhưng không ai nhận. Giàu nghèo khi đó đều ‘bình đẳng’ như nhau.

 

Đàn ông Ukraine từ 18 đến 60 tuổi không được xuất cảnh. Tuy nhiên đa số đàn ông người Việt tại Ukraine đều chưa có quốc tịch mà chỉ có thẻ định cư dài hạn nên đều được xuất cảnh. Họ phải chờ những chuyến tàu khuya mới được lên tàu. Suốt cuộc hành trình kéo dài từ 20 đến 24 giờ đó, họ đều phải đứng im một chỗ vì trên tàu chật cứng người. Sau khi đến Lviv, thủ phủ của miền Tây, giáp với Ba Lan thì mọi người không dừng lại mà tiếp tục di tản sang Ba Lan. Trừ những trường hợp hiếm hoi, đa số phải chờ từ 8 đến 10 tiếng giữa trời đêm giá lạnh mới qua được biên giới Ba Lan chỉ cách đấy độ 200 mét. Có những phụ nữ Ukraine đơn thân đem theo 3-4 đứa trẻ, trong đó có em bé chỉ mấy tháng tuổi, còn nằm trong xe nôi. Lần đầu tiên trong đời, bà con người Việt tại Ukraine mới biết thế nào là ‘chạy giặc’.

 

Người Ba Lan nói riêng và các nước EU nói chung đã chuẩn bị rất chu đáo và kịp thời trong việc đón tiếp người tị nạn Ukraine. Họ lập các trạm đón tiếp người Ukraine ngay sát biên giới, cạnh cửa khẩu biên phòng. Sau hàng chục tiếng đồng hồ chen chúc, chờ đợi giữa đêm khuya giá lạnh ở biên giới hai nước, chỉ cần đặt chân qua Ba Lan là mọi người được cho ăn uống đầy đủ sau đó được xe buýt chở đến ga tàu để về thủ đô Warszawa rồi từ đó đi các nước EU khác.

 

Người Việt có câu ‘trong cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau’, có sang EU mới thấy được sự văn minh, nhân bản và bao dung của họ. Những người tình nguyện viên làm việc 24h/24 từ lúc chiến tranh nổ ra với một thái độ và tình cảm chân thành, chia sẻ và thân ái. EU đã tiếp nhận hơn 8 triệu người Ukraine di tản và không một ai bị bỏ đói, không một ai bị ngủ ngoài đường và xã hội không hề loạn lạc, bất ổn. Không một người dân EU nào thấy bất tiện và giận dữ vì sự có mặt của những vị khách không mời. Các nước EU có đủ lý do để không nhận người Việt Nam sang tị nạn vì đa số đều có hộ chiếu Việt Nam và Việt Nam không bị chiến tranh. Tuy nhiên có lẽ họ quá hiểu chế độ cộng sản và vì họ rất nhân văn nên cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine đã được đón tiếp và đối xử như những người dân Ukraine. Tại Đức, các gia đình người Việt Nam đến từ Ukraine đều được cấp nhà, cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiền sinh sống. Tổng cộng một gia đình 3-4 người nhận khoảng 2000 Euro/tháng.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52724384015_4bbc05cfca.jpg

Người dân Ukraine sẽ không bao giờ quên và tha thứ cho cuộc xâm lược tàn bạo và ngang ngược của Putin và nước Nga.

 

Cộng đồng người Việt ở Đức, Ba Lan và các nước EU cũng rất tuyệt vời. Tình đồng bào của mọi người rất cảm động và đáng trân trọng, họ sẵn sàng nhường nhà cho những người đồng hương từ Ukraine ở và sau giờ làm việc họ nấu cơm, bún, cháo đem vào các trại tị nạn tiếp tế cho người Việt vì họ biết người Việt không ăn được bánh mì thường xuyên mà trong các trại thì bữa sáng và bữa tối thường là bánh mì, giò, bơ và pho mát. Chỉ bữa trưa mới có đồ ăn nóng. Nhiều cháu thanh niên Việt Nam thế hệ thứ hai bỏ cả công việc để đưa mọi người đi làm giấy tờ, thuê nhà, tìm việc làm, lấy thẻ điện thoại... Họ chân tình và cởi mở chứ không ‘sống chết mặc bay’ như ở Việt Nam.

 

Tất cả con em người Ukraine cũng như cộng đồng người Việt sang EU tị nạn đều được đi học ngay lập tức. Các lớp dạy tiếng bản xứ dành cho người Ukraine được mở ra và ai cũng có thể đăng ký đi học. Ai không thích thì đi làm. Đa số người Việt Nam sang Đức đều chọn công việc đi làm trong các quán ăn của người Việt. Đây là một ngành nghề rất phát triển tại Đức vì các quán ăn của người Việt có đủ ba tiêu chí ngon, bổ, rẻ. Giá một xuất ăn hay một bát bún phở giá từ 10-12 Euro, mức giá này so với thu nhập tại Đức là tương đối rẻ. Tuy nhiên công việc tại các quán ăn chiếm rất nhiều thời gian, bắt đầu từ 10 giờ sáng và kết thúc vào lúc 10 giờ tối, được nghỉ trưa 2 tiếng. Công việc không quá vất vả nhưng phải luôn chân luôn tay nên không phải ai cũng muốn làm. Các quán ăn của người Việt luôn thiếu người phục vụ, vì thế họ sẵn sàng nhận người Việt ở Ukraine sang. Vì quán toàn là người Việt nên cũng không cần phải biết tiếng. Đó là một lý do quan trọng vì hàng rào ngôn ngữ rất lớn mà không phải ai cũng vượt qua được.

 

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin đã, đang và sẽ làm thay đổi thế giới và nhất là nước Nga, Ukraine và cộng đồng người Việt sống tại Ukraine. Không ai biết chính xác khi nào chiến tranh sẽ kết thúc và đến lúc đó có lẽ chỉ một số ít người Việt quay trở lại Ukraine. Thời gian đã trôi qua hơn một năm, đa số người Việt đã tìm được cho mình một công việc mới ở các nước EU. Dù có những khó khăn ban đầu nhưng các nước EU rất phát triển, văn minh và bao dung nên bà con người Việt đã hội nhập rất nhanh. Mọi sự thay đổi đều khó khăn và cần thời gian nhưng dù gì thì sự thay đổi từ khổ sang sướng, từ lạc hậu sang văn minh, từ một nước nghèo sang các nước giàu… cũng dễ chịu và dễ thích nghi hơn là ngược lại.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52724383310_d263638afb.jpg

Cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine dù có quay trở về lại Ukraine hay không thì tình cảm của họ dành cho Ukraine luôn là những gì thân thương và tốt đẹp nhất.

 

Theo tôi, sau khi chiến tranh kết thúc thì Ukraine sẽ sớm được gia nhập NATO và EU vì bây giờ người dân Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt đã được cấp giấy tờ cư trú trong hai năm và tự do đi lại trong EU. Nhiều người đã quay trở về Ukraine để giải quyết công việc như thanh lý hàng hóa, thăm nom nhà cửa… Hơn 4 triệu người Ukraine đã quay về nước nhưng có lẽ hàng triệu người khác, nhất là giới trẻ sẽ ở lại EU để học hành và tìm kiếm một công việc thích hợp. Ukraine còn rất nhiều việc phải làm sau khi chiến tranh kết thúc như chống tham nhũng, tạo dựng một môi trường sống và làm việc thông thoáng, văn minh và bình đẳng cho tất cả mọi người.

 

Tôi tin là Ukraine sẽ làm được điều đó vì người dân Ukraine rất hiền lành, tử tế và nhân hậu. Họ đã chịu quá nhiều đau khổ, hy sinh và mất mát. Đây là cơ hội ngàn năm có một để họ xây dựng và kiến tạo lại đất nước theo tiêu chuẩn của EU. Cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine dù có quay trở về lại Ukraine hay không thì tình cảm của họ dành cho Ukraine luôn là những gì thân thương và tốt đẹp nhất. Nơi đó mãi mãi là một phần của cuộc đời họ, là những kỷ niệm êm đềm và hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

 

Việt Hoàng

(3/3/202

 




No comments: