Sunday, March 12, 2023

NGƯỜI MỸ BẤT MÃN VỚI HỆ THỐNG Y TẾ CỦA HOA KỲ, KHÔNG CÒN MUỐN ĐI KHÁM BỆNH NỮA (tạp chí Time)

 



Người Mỹ Bất Mãn Với Hệ Thống Y Tế Của Hoa Kỳ, Không Còn Muốn Đi Khám Bệnh Nữa.

TIME ngày 15/3/2023

Nguyễn Minh Tâm  dịch

March 8, 2023

https://www.baocalitoday.com/hoa-ky/nguoi-my-bat-man-voi-he-thong-y-te-cua-hoa-ky-khong-con-muon-di-kham-benh-nua.html

 

·        Trung bình một bệnh nhân mới phải đợi 21 ngày mới được bác sĩ gia đình cho cái hẹn để gặp mặt lần đầu tiên. Buổi hẹn gặp bác sĩ gia đình diễn ra rất nhanh, trung bình 18 phút, với thái độ vội vàng, lạnh lùng của người bác sĩ. Khoảng 43% dân Mỹ nói họ không hài lòng với hệ thống chăm sóc y tế của Hoa Kỳ. Một giáo viên ở Florida phải than: “Người y sĩ thú y chăm sóc con chó của tôi còn tận tình chú ý đến bệnh nhân hơn là bác sĩ gia đình của tôi. Ước gì tôi được gặp bác sĩ thú ý hơn là bác sĩ gia đình. Thái độ của ông ta ấm áp và có tình người hơn là bác sĩ gia đình của tôi.”.

 

Lúc gần đây, bạn cảm thấy trong người không được khỏe, thường bị mệt, cơ thể uể oải. Bạn thắc mắc phải chăng việc ăn uống của mình không được tốt. Hay là mình bị bệnh thiếu máu? Bạn điện thoại cho bác sĩ gia đình- primary care- để xin một cái hẹn. Văn phòng bác sĩ cho biết bạn phải đợi ba tuần mới được gặp bác sĩ.

 

Thế là bạn đành phải đợi.

 

Và chưa hết, còn nhiều màn chờ đợi khác nữa theo sau

 

Đến hẹn, bạn còn phải đợi nữa. 

 

Bạn phải lấy bút điền hàng núi giấy tờ, trả lời vài chục câu hỏi, song bác sĩ vẫn chưa sẵn sàng gặp bạn đâu. Bạn ngồi ở phòng đợi, nhẩn nha liếc mắt đọc qua mấy tạp chí lá cải, ngồi lướt nhanh điện thoại của mình, cho đến khi bạn được gọi vào để gặp bác sĩ. Vào trong, bạn phải mặc bộ đồ khám bệnh, và lại chờ thêm ít lâu nữa để được nói chuyện với bác sĩ. Được gọi là nói chuyện kể ra cũng hơi quá đáng, không đúng. Bởi vì bà bác sĩ chẳng thèm nhìn vào mặt bạn đâu. Bà cứ chúi mũi xem trên màn hình “computer” về những thông tin liên quan đến bạn, kéo dài khoảng 10 phút. Sau đó, bà ta ấn vào tay bạn một phiếu gửi đi phòng thí nghiệm  để xét nghiệm máu. Bạn ra về với phiếu xét nghiệm máu cầm trong tay. 

Sau đó, bạn phải gọi điện thoại xin cái hẹn lấy máu ở phòng thí nghiệm, và lại phải theo thủ tục đợi chờ kế tiếp. 

 

Vài tuần sau, bạn nhận được giấy tính tiền trong thùng thư của nhà bạn, bạn phải trả hàng trăm đô la cho việc xét nghiệm máu. Cuộc hẹn với bác sĩ chỉ kéo dài chừng vài phút, nhưng tiền trả cho xét nghiệm máu làm bạn đau bụng cả tháng trời. 

 

Đi gặp bác bác sĩ là một việc hết sức ngao ngán, chẳng có gì là vui. Coi vậy chứ, nó còn đỡ hơn thời kỳ đang có bệnh dịch COVID-19. Hồi năm 2019, khi chưa xảy ra bệnh dịch, thăm dò ý kiến dân chúng Mỹ, người ta thấy 43% dân Mỹ không hài lòng với hệ thống chăm sóc y tế ở Hoa Kỳ. So với nước Anh, chỉ có 22% dân chúng không hài lòng, và với Canada, chỉ có 26% dân chúng không hài lòng mà thôi. Sang đến năm 2022, ba năm sau khi xảy ra bệnh dịch, theo Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Vụ Công cộng của hãng thông tấn Associated Press chỉ có 12% dân Mỹ nói họ hài lòng với hệ thống y tế của Hoa Kỳ.

 

Người Mỹ phải đóng tiền bảo hiểm y tế để được nhận một sự chăm sóc mà họ đánh giá là rất tồi, thấp kém. Hoa Kỳ chi tiêu rất nhiều tiền cho hệ thống chăm sóc y tế, tình theo lợi tức trên đầu người, cao hơn nhiều nước tiền tiến, phát triển trên thế giới, để rồi họ nhận được sự chăm sóc y tế rất kém cỏi, sức khỏe người dân Mỹ thua xa dân của nhiều nước khác. Tuổi thọ trung bình của người Mỹ thấp hơn người dân ở nước giàu có khác. Khoảng 60% dân Mỹ vướng phải những căn bệnh mãn tính. Và khoảng 10% dân số không có bảo hiểm y tế. 

 

Đặc biệt dịch vụ y tế rất tồi, khiến dân Mỹ chán ngán, vô cùng bất mãn. Bệnh nhân ở Hoa Kỳ phải đợi chờ nhiều tuần lễ, có khi hàng tháng mới có được cái hẹn gặp bác sĩ, và cuộc hẹn đó chỉ diễn ra trong vòng ít phút. Họ ngao ngán, chán nản khi nhận được giấy tính tiền, vì quá đắt. Họ bất mãn vì các bác sĩ, y tá đối xử với họ như là đối xử với con số trên hồ sơ ghi trong computer, không phải là cách đối xử giữa con người với nhau. 

 

Những bất mãn, bực dọc kể trên khiến cho bệnh nhân nản lòng, không muốn nhận sự chăm sóc y tế nữa. Nếu điều này xảy ra, nước Mỹ nói chung sẽ gánh hậu quả là dân chúng Mỹ trở nên bệnh hoạn, nặng hơn tình trạng hiện nay. Nói tóm lại, bệnh nhân Mỹ ngày nay hết sức bất mãn đối với hệ thống chăm sóc y tế của Hoa Kỳ. 

 

Primary care- chăm sóc y tế cơ bản- hay bác sĩ gia đình- là nền tảng của hệ thống chăm lo y tế ở Hoa Kỳ. Trên lý thuyết, hàng năm bệnh nhân cần được khám nghiệm để bác sĩ có thể thẩm lượng tình trạng sức khỏe tổng quát, và phát hiện những triệu chứng có thể đưa đến những bệnh hiểm nghèo, để gửi bệnh nhân đến gặp các bác sĩ đặc biệt, chuyên môn, trước khi những triệu chứng này trở thành bệnh mãn tính. Hiện nay, người ta vẫn còn tranh luận về việc mọi người có cần phải đi khám nghiệm định kỳ hàng năm hay không. Tuy nhiên, rõ ràng là những người đi khám định kỳ hàng năm có hy vọng sống lâu hơn người không đi khám định kỳ khoảng 5 năm. 

 

Vậy mà có đến một phần tư dân số Mỹ, ở tuổi trưởng thành không có  bác sĩ gia đình để lo việc khám định kỳ. Thống kê thực hiện trong năm 2021 cho thấy có đến 20% dân Mỹ không hề đi gặp bác sĩ gia đình trong hơn một năm qua. Có nhiều lý do khiến họ không đi gặp bác sĩ gia đình: Phải mất quá lâu, nhiều tuần lễ mới xin được một cái hẹn gặp bác sĩ, nhất là ở vùng đồng quê, nơi bác sĩ rất hiếm. Hay cuộc hẹn với bác sĩ bị hãng bảo hiểm tính tiền đắt quá. Nghiên cứu cho thấy, 40% người Mỹ trưởng thành trì hoãn không đi khám định kỳ vì áp lực tài chính, cụ thể là phải trả tiền bảo hiểm đắt quá, trong khi chỉ gặp bác sĩ được vài phút là xong. Do đó, họ trì hoãn, hay bỏ luôn, không đi khám định kỳ. 

 

Lại nữa, mọi người nói chung đều không muốn đi khám định kỳ. Khoảng một phần ba bệnh nhân trả lời cuộc thăm dò vào năm 2015 nói rằng họ không muốn đi gặp bác sĩ để khám định kỳ vì họ cảm thấy không vui khi đi gặp bác sĩ. Họ kể ra một loạt những lý do khiến cho cuộc gặp không mấy gì vui, gồm có: Thái độ lạnh lùng, bất nhã của bác sĩ, y tá, nói chung là người cung cấp dịch vụ y tế, đợi chờ quá lâu, khó tìm được thời điểm thuận tiện cho cuộc hẹn, và sau cùng cuộc hẹn này có thể tốn tiền rất nhiều vì loại bảo hiểm họ có. Trong thời gian có bệnh dịch COVID-19 nhiều người bỏ hẳn không đi gặp bác sĩ để khám định kỳ. Lý do chính là sợ tiếp xúc với người bệnh, dễ bị lây nhiễm, một phần khác họ cảm thấy những lần đi gặp bác sĩ gia đình trước đó đều không vui, và vô bổ. Đa số người da màu, phụ nữ, hay béo mập đều mang mặc cảm là họ bị bác sĩ, và y tá đối xử không tốt. 

 

Jen Russon, 48 tuổi, một giáo viên dạy Anh Văn, là một bà mẹ có hai con nhỏ ở Florida kể rằng bà chưa bao giờ có cảm giác vui thích khi đi gặp bác sĩ gia đình của bà. Tháng nào bà cũng phải bấm bụng đóng $400 tiền bảo hiểm sức khỏe cho gia đình, thế mà khi có hẹn gặp bác sĩ gia đình bà chỉ nhận được thái độ lạnh lùng vô cảm, vội vàng của người bác sĩ. Khi so sánh với bác sĩ thú y chăm sóc cho con chó của bà, bà thấy mình bị đối xử  thua cả con chó. Bà nhủ thầm trong lòng: “Phải chi tôi gặp người bác sĩ thú y, thay vì người bác sĩ gia đình.”. Bác sĩ thú y quả thực còn chịu khó dành thời giờ cho con chó, còn bác sĩ gia đình thì vội vàng đuổi người bệnh đi chỗ khác cho xong việc. 

 

Một trong những nguyên nhân của tệ nạn bác sĩ đối xử lạnh lùng, máy móc với bệnh nhân cũng vì việc huấn luyện bác sĩ thiếu sót. Giáo sư Jennifer Taber dạy về khoa tâm lý ở trường đại học Kent State University  viết cuốn sách về tình trạng bệnh nhân né tránh không muốn gặp bác sĩ, giải thích rằng trường y khoa ở Hoa Kỳ giỏi trong việc dạy một sinh viên am hiểu về y khoa và trở thành một bác sĩ giỏi, nhưng họ không chuẩn bị cho người bác sĩ tương lai kỹ năng giao tiếp với người xung quanh. Trong khi đó, nếu bệnh nhân không thích một bác sĩ nào, họ có quyền không gặp người bác sĩ đó. Chỉ cần một vài cử chỉ, động tác nhỏ như một cái nhìn ân cần, ấm áp, một câu hỏi thăm xã giao tử tế cũng đủ để tạo được mối quan hệ tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân, nhưng đa số bác sĩ rất kiệm lời, chẳng nói năng gì cả. 

Bệnh dịch xảy ra lại càng làm tăng sự xa cách giữa bác sĩ và bệnh nhân. Họ ngần ngại không dám đến gần bệnh nhân là có lý do chính đáng, sợ bị lây nhiễm. Bệnh dịch COVID-19 còn làm cho nhiều bác sĩ mệt mỏi, chán ngán muốn bỏ nghề đi làm việc khác. Tình trạng thiếu nhân viên ngành y tế lại càng làm cho các bác sĩ bị “burn-out”. Họ phải làm việc vô cùng vất vả, bên cạnh những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo cuộc thăm dò năm 2022, có đến 30% y sĩ ở Hoa Kỳ nói họ muốn bỏ nghề đi làm việc khác. Sáu tháng trước có rất nhiều người nghĩ đến việc bỏ nghề bác sĩ.

 

Bác sĩ Bengt Armets, Giáo sư y khoa ở trường Michigan State University nghiên cứu kỹ về đề tài: “Làm cách nào cải thiện việc chăm sóc sức khỏe của bác sĩ gia đình- primary care.”, ông cho biết hiện tượng bác sĩ chán nản muốn bỏ nghề lại càng làm cho bệnh nhân không muốn đi gặp bác sĩ. Bác sĩ Arnetz kết luận: “Bệnh nhân thì muốn bác sĩ tận tình theo dõi sức khỏe của họ. Nhưng bác sĩ lại chán nghề, bị áp lực, nên tỏ ra lơ đãng, không muốn làm việc.” 

Tuy nhiên, bác sĩ Lori Knutson, Giám đốc điều hành Viện  Nghiên Cứu Whole Health Institute cho rằng tình trạng lơ là, lạnh lùng, máy móc, của bác sĩ gia đình đối với bệnh nhân bắt đầu xảy ra từ trước khi có bệnh dịch COVID-19, tuy chậm chạp, song nó chỉ chờ dịp để nổ tung ra. 

 

Để giải thích đầy đủ những vấn đề đang xảy ra trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ, chúng ta phải bàn về vai trò của công ty bảo hiểm y tế. Bệnh nhân Hoa Kỳ phải trả nhiều tiền túi hơn người dân của những nước phát triển, giàu có. Đa số những nước này đều có hệ thống bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người – universal health coverage. Bác sĩ Ateev Mehrotra, Giáo sư ở trường y khoa Harvard nói rằng các hãng bảo hiểm thường hay thay đổi chính sách liên tục khiến cho nhiều khi bác sĩ không hiểu các loại xét nghiệm họ đề nghị làm cho bệnh nhân tốn kém bao nhiêu, nhất là khi các bệnh nhân mua nhiều loại bảo hiểm khác nhau, họ sẽ giật mình ngạc nhiên khi nhận được giấy tính tiền chi phí xét nghiệm. Nhiều trường hợp bệnh nhân phải gọi điện thoại cho hãng bảo hiểm, và phải mất rất nhiều thì giờ để hiểu về chính sách và chi phí xét nghiệm hãng bảo hiểm tính toán. Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2020 cho thấy Hoa Kỳ phí phạm khoảng $20 tỷ đô la về năng suất làm việc chỉ vì phải dùng thì giờ để gọi cho công ty bảo hiểm sức khỏe. 

 

Phương thức trả tiền cho bác sĩ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến những phiền toái gây cho bệnh nhân. Nhiều hệ thống y tế trả tiền cho bác sĩ dựa vào những lần bác sĩ dùng thủ tục đặc biệt để nhét thêm cuộc hẹn cho bệnh nhân. Chẳng trách bác sĩ phải làm việc vội vàng, chớp nhoáng cho qua, đế còn tính tiền. Bác sĩ Knutson cho biết với cách trả tiền cho bác sĩ theo kiểu này sẽ khuyến khích bác sĩ đề nghị làm những xét nghiệm không cần thiết để có tiền thêm cho ông ta. Trong lúc đó, bệnh nhân bị thêm nhiều phiền toái, và hệ thống bảo hiểm sức khỏe phải tốn kém thêm nhiều tiền. 

 

Điểm chính là công ty bảo hiểm trả tiền cho bác sĩ gia đình- primary care- theo gia biểu thấp hơn bác sĩ chuyên môn. Vì lý do đó nhiều người đi học y khoa không chịu học để trở thành bác sĩ gia đình, nhất là khi họ nghĩ đến món nợ khổng lồ họ vay khi học y khoa. Họ phải tìm các kiếm ra thật nhiều tiền để trả nợ. Hậu quả là thiếu rất nhiều bác sĩ gia đình, và bệnh nhân rất khó xin được cuộc hẹn, và bác sĩ gia đình phải làm việc tóe khói mà không hết việc. Họ vội vàng đi từ cái hẹn này đến cái hẹn khác, sau đó lại còn phải viết báo cáo, điến nhiều loại mẫu biểu, giấy tờ cho bệnh nhân. 

 

Người ta tìm ra một giải pháp để đỡ gánh nặng cho bác sĩ gia đình. Bác sĩ Arnetz và các đồng nghiệp đề nghị dành ra một số nhân viên hành chính quản trị, hay y tá,  phụ giúp làm việc giấy tờ cho các bác sĩ. Kết quả là năng suất làm việc của bác sĩ tăng rất nhanh sau hai tuần lễ áp dụng phương pháp này. Điều này cũng giúp cho bệnh nhân được hài lòng thêm. 

Một số văn phòng y tế có sáng kiến cho phép bệnh nhân đi thẳng đến “urgent care center” mà không cần phải lấy hẹn. Một số bệnh nhân đồng ý trả thêm tiền hội viên để có thể được chăm sóc theo kiểu này. Trong thời gian có bệnh dịch, hoạt động của “urgent care centers” và hẹn với bác sĩ qua điện thoại trở nên phổ biến, và được nhiều người tán thưởng. 

Thủ tục đi khám bệnh không cần lấy hẹn ở các “urgent care centers” chỉ đúng, và thuận tiện tùy theo một số vấn đề. Ví dụ khi đi xin chích ngừa bệnh cúm – flu shot- người làm ở phòng chích thuốc có thể kiếm thêm xem bệnh nhân có còn thiếu loại chích ngừa nào khác nữa hay không. 

 

Tuy nhiên có một số trường hợp bệnh trạng của bệnh nhân không cho phép làm được dễ dàng. Ví dụ như trường hợp của bệnh nhân tên là Ashley, 35 tuổi, có triệu chứng có thể bị ung thư vú, hàng năm bà cẩn phải được khám vú, và xét nghiệm bằng ultrasound thể theo dõi. Nhưng do công việc làm, bà phải đi công tác thường xuyên, rất khó cho bà làm những thủ tục giấy tờ để xin hẹn, mỗi khi gặp bác sĩ mới. Bà tâm sự rằng việc nói chuyện với công ty bảo hiểm là một cực hình cho bà. Bà nói vì những thủ tục nhiêu khê đó khiến tôi cứ phải trì hoãn việc đi khám nghiệm và làm ultrasound. Bà Ashley đang nghĩ đến việc cắt bỏ hẳn hai cặp vú vừa để ngăn ngừa ung thư vừa “tránh khỏi thủ tục xin hẹn khám vú và làm ultrasound”. Thủ tục này nhiêu khê và phiền toái quá mức. Còn bà giáo Anh Văn ở Florida, bà Russon, đang có ý định bỏ hẳn bảo hiểm y tế cho cả gia đình, đỡ tốn $400 mỗi tháng. Bà sẽ đi thẳng đến một văn phòng bác sĩ tư khi cần,  móc tiền túi ra trả thẳng cho ông ta, thay vì xin hẹn như trước đây, phải đợi đến ba tuần, và chỉ được gặp không đầy vài phút. Bà nói: “người bác sĩ tư này có thể không khôn ngoan nhất trên đời, nhưng ít ta ông ta cũng trò chuyện với bà khi khám bệnh, đối xử có tình người, không quá máy móc, lạnh lùng như bác sĩ gia đình trước đây.”

 

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME ngày 15/3/2023





No comments: