Monday, March 6, 2023

NGHỆ SĨ NHÂN DÂN TƯƠNG ĐƯƠNG TIẾN SĨ (Đỗ Duy Ngọc)

 


NGHỆ SĨ NHÂN DÂN TƯƠNG ĐƯƠNG TIẾN SĨ  

Đỗ Duy Ngọc

6-3-2023  08:11    

https://www.facebook.com/doduyngoc/posts/pfbid02KhMD8kw7kw1iCfhNqFpCoF4P3jJCGUhVpSbMM1FUnJXSAyoQ3yivN4BFk2VBBGfJl

 

Hôm nay đọc báo thấy có tin ngộ ngộ, đó là Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội làm việc với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, có đề xuất, Nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương tiến sĩ.

 

Không biết trên thế giới có nước nào như thế này không? Chắc có lẽ hiếm vì Việt Nam ta khoái độc lạ, làm nhiều chuyện chẳng giống ai.

 

Theo tui, Nghệ sĩ nhân dân với Tiến sĩ là hai chuyện khác hẳn nhau. Không thể xem là tương đương được. Xứ ta đã loạn Tiến sĩ rồi, hàng chục ngàn Tiến sĩ mà chẳng làm nên trò trống gì, chẳng viết được bài báo cáo khoa học nào cho ra hồn, chẳng sáng chế, sáng tạo gì cho dân nhờ, toàn cầm bằng Tiến sĩ để đi làm cán bộ, công chức.

 

Trong hàng ngũ lãnh đạo của ta, hình như đa số là Tiến sĩ. Có người xuất thân là thất học, đi làm cán bộ, leo dần lên và rồi cũng có bằng Tiến sĩ. Đã đành chuyện phấn đấu học hành là việc đáng khen, nhưng tiếc là rất nhiều Tiến sĩ mà không cần học. Cũng chẳng cần bằng giả, cũng có ghi tên học nhưng học giả bằng thật. Chuyện mua bằng giả là xưa rồi, bây giờ bỏ tiền ra mua bằng thật. Và rồi xứ này Tiến sĩ chạy đầy đường, chủ tịch phường có bằng Tiến sĩ cũng chỉ là chuyện bình thường ở huyện.

 

Giờ lại định Nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương tiến sĩ. Nếu làm thế, xã hội lại thêm một mớ Tiến sĩ nữa, riết rồi đâu cũng sờ thấy Tiến sĩ cả.

 

Theo giải thích: Nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu cao nhất mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng cho những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật với tiêu chí: “Trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có tài năng xuất sắc, có cống hiến nhiều cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam“.

 

Từ Hán Việt “Tiến sĩ” (進士) vốn được dùng để chỉ người đỗ đạt cao thời phong kiến. Những vị Tiến sĩ này thường phải đỗ các kỳ thi do chính quyền đương thời tổ chức gồm thi hương, thi hội, và thi đình rồi sau đó được bổ nhiệm ra làm quan. Ngày nay, từ Tiến sĩ trong tiếng Việt để dùng để chỉ một học vị dành riêng cho những người công tác trong tất cả các lĩnh vực học thuật nói chung. Tiến sĩ (PhD), để chỉ những người học thức cao, trí thức, có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định, được xã hội thừa nhận.

 

Với định nghĩa như trên, Nghệ sĩ nhân dân không thể tương đương với Tiến sĩ. Ngày trước, Nghệ sĩ nhân dân ở Việt Nam hiếm hoi, chỉ những nghệ sĩ có thực tài mới được phong tặng. Giờ thì hầu như nghệ sĩ nào ở lâu trong nghề, có khi chẳng ai biết tên, biết mặt, chỉ cần có đôi ba huy chương, sống lâu lên lão làng là thành Nghệ sĩ nhân dân, mang danh mà chẳng xứng đáng chút nào. Giờ lại gán cho thành Tiến sĩ, nực cười bỏ mẹ.

 

Chẳng lẽ muốn làm thế để tự hào là nước ta có nhiều Tiến sĩ nhất thế giới chăng? Ngu dân tui thấy hai cái bằng này chẳng liên quan gì với nhau cả. Đành khóc ba tiếng, cười ba tiếng, vái ba lạy rồi rũ áo mà buồn cho thế thời.

 

DODUYNGOC

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10159461118493635&set=a.10151032956223635

 

.

115 BÌNH LUẬN




No comments: