Một quốc gia nên gắn kết với
nhau dựa trên các giá trị
Cách đây một tháng, một tòa án quận trung tâm
của Seoul, Hàn Quốc đã ra bản án buộc chính phủ Hàn Quốc phải bồi thường cho nạn
nhân Việt Nam vì những tội ác chiến tranh mà lính thủy đánh bộ nước này gây ra
tại Quảng Ngãi vào năm 1968.
Ngay sau đó thì Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc lên tiếng
phản đối phán quyết này, cho rằng đây là sự bôi nhọ danh dự người lính Nam Hàn,
và quả quyết rằng quân đội nước này không gây ra bất kỳ tội ác nào nhắm vào dân
thường trong suốt Chiến tranh Việt Nam. Ngày hôm qua thì chính phủ Hàn Quốc
chính thức đệ đơn kháng cáo bản án của tòa án quận trung tâm Seoul. Chưa rõ rằng
tòa án phúc thẩm Hàn Quốc có chấp nhận xử kháng cáo, và nếu xử thì có chấp nhận
yêu cầu của chính phủ Hàn Quốc hay không.
Đây là một điều khá đáng xấu hổ nhưng dễ hiểu,
và có thể là kết quả của sự tôn vinh quá trớn chủ nghĩa dân tộc. Đối với góc
nhìn của chủ nghĩa dân tộc, điều quan trọng nhất đó là phải vẽ nên được một câu
chuyện về “dân tộc ta”, và không có cách nào dễ hơn bằng việc đặt trong mối
tương quan giữa “dân tộc ta” và “bọn nước ngoài”. Nếu không có sự cạnh tranh,
so sánh với dân tộc khác, thì sẽ không có dân tộc ta, và sẽ không có chủ nghĩa
dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc chính là động lực của sự
hình thành các quốc gia hiện đại, và cũng là niềm cảm hứng cho các cộng đồng
người bị áp bức tìm cách vươn lên, lấy lại quyền tự quyết. Trong quá trình xây
dựng dân tộc đó, không tránh khỏi những tuyên truyền, nói dối, sự tích, và cả sự
xú hóa kẻ khác và mỹ hóa bản thân chúng ta. Chính vì thế, nếu dùng một cách
khéo léo, chủ nghĩa dân tộc sẽ là động lực, nhưng nếu dùng một cách quá trớn,
chủ nghĩa dân tộc sẽ thành rào cản. Các quốc gia, vì thế, luôn phải cân bằng giữa
việc tôi “quốc tế” bao nhiêu (thông qua việc theo đuổi các giá trị mang tính
khách quan, bất kể điều đó nó sẽ làm cách hiểu về “lịch sử” dân tộc bị thay đổi),
và “dân tộc” bao nhiêu.
Phản ứng như của Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc nhìn
chung tuy đáng xấu hổ, nhưng cũng là dễ hiểu, đoán định trước được. Trong từng
quốc gia trên thế giới này, vẫn luôn có những phần tử cho rằng dân tộc tôi là
trên hết, và sự nghiệp của lực lượng vũ trang của tôi chỉ là đánh bại ngoại
xâm, trừ gian diệt bạo. Loại trừ toàn bộ các phần tử này là điều không thể,
không thực tế. Chính vì vậy, điều quan trọng của một quốc gia đó chính là tạo
được không gian đủ rộng, đủ an toàn cho những lý lẽ chống lại chủ nghĩa dân tộc
hẹp hòi, hướng đến các giá trị cao hơn, xây dựng lịch sử dựa trên giá trị chứ
không phải dựa trên các trận chiến… có thể tồn tại, mà không bị chụp cho cái mũ
là phản động hay lật sử. Một cách lý tưởng thì một quốc gia nên gắn kết với
nhau dựa trên các giá trị chứ không phải dựa trên các sự kiện hay con người nào
đó. Tất nhiên, đó là một quá trình dài.
Đối với bà Thanh, nguyên đơn của vụ kiện, cơn
ác mộng của bà hóa ra vẫn sẽ tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa, và chưa
biết kết cuộc như thế nào. Đối với Hàn Quốc, quá trình khẳng định rằng họ là một
quốc gia trọng giá trị chứ không sa đà vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi… sẽ tiếp tục
bị thử thách. Không biết bản thân các chủ thể có “liên đới” như Việt Nam thì sẽ
rút ra được những suy nghĩ gì từ các vụ việc như thế này.
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10160760498699532&set=a.143396314531
.
No comments:
Post a Comment