Mối quan hệ Mỹ – Trung sau vụ
nổ khinh khí cầu
Joseph S. Nye, Jr. - Project-Syndicate
Đỗ Kim Thêm dịch
07/03/2023
https://baotiengdan.com/2023/03/07/moi-quan-he-my-trung-sau-vu-no-khinh-khi-cau/
Nếu mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ là một ván bài,
người ta có thể nói rằng Mỹ và các đồng minh lâu đời đã chơi cao tay, đặc biệt
là trong bối cảnh các thách thức chính trị, dân số và kinh tế ngày càng gia tăng đối với Trung
Quốc. Nhưng ngay cả khi ở thế cao tay cũng có thể thua nếu chơi tệ.
Hình : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/03/1-7-840x420.jpg
Nguồn
ảnh: Ryan Seelbach/U.S. Navy via Getty Images
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tập Cận Bình,
người đồng cấp Trung Quốc, gặp nhau tại Bali hồi tháng mười một năm ngoái, họ
đã đồng ý tổ chức các cuộc họp cấp cao để thiết lập các lằn ranh bảo vệ cho cuộc
cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ
công du Bắc Kinh hồi tháng trước để mở đầu cho nỗ lực đó. Nhưng khi Trung Quốc
đưa một quả khinh khí cầu gián điệp (có thể nhìn thấy bằng mắt thường) vào
trong lãnh thổ Mỹ, chuyến thăm của Blinken đã bị hủy bỏ, thậm chí còn nhanh hơn
cả việc bắn hạ khinh khí cầu này.
Mặc dù chắc chắn đây không phải là lần đầu
tiên mà Trung Quốc triển khai một khinh khí cầu theo cách như vậy, nhưng thời
điểm không thích hợp là điểm đáng chú ý. Tuy nhiên, có lẽ sẽ tốt đẹp hơn nếu
Blinken tiếp tục chuyến viếng thăm.
Đúng vậy, Trung Quốc tuyên bố một cách đáng ngờ
rằng thiết bị này là một khinh khí cầu theo dõi thời tiết, nó đã đi chệch hướng;
nhưng việc che đậy thông tin về hoạt động tình báo hầu như không phải là lần
duy nhất đối với Trung Quốc. Vụ việc tháng trước gợi lại chuyện của năm 1960,
khi Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower và Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev
dự kiến gặp nhau để thiết lập các lằn ranh trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng sau đó
Liên Xô đã bắn hạ một chiếc máy bay do thám của Mỹ mà Eisenhower ban đầu cố bác
bỏ, cho rằng đó là một chuyến bay thời tiết bị lạc. Hội nghị thượng đỉnh đã bị
huỷ bỏ, và các lằn ranh thực sự đã không được thảo luận cho đến sau cuộc Khủng
hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Một số nhà phân tích so sánh mối quan hệ Mỹ –
Trung hiện tại với Chiến tranh Lạnh, vì nó cũng đang trở thành một cuộc cạnh
tranh chiến lược kéo dài. Nhưng sự tương tự có thể gây hiểu lầm. Trong thời Chiến
tranh Lạnh, hầu như không có vấn đề thương mại hay đàm phán nào giữa Mỹ và Liên
Xô, cũng như không có sự tương thuộc về sinh thái trong các vấn đề như biến đổi
khí hậu hoặc đại dịch. Đối với Trung Quốc, tình hình gần như là đối nghịch. Bất
kỳ chiến lược ngăn chặn nào của Mỹ sẽ bị hạn chế bởi thực tế Trung Quốc là đối
tác chủ yếu về thương mại của nhiều quốc gia, nhiều hơn so với Mỹ.
Nhưng trong thực tế, khi so sánh tương tự tình
trạng trong Chiến tranh Lạnh là phản tác dụng, vì một chiến lược không loại trừ
khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới. Chúng ta vẫn có thể theo đuổi
con đường đó một cách tình cờ. Do đó, sự tương đồng về mặt lịch sử một cách
thích hợp cho thời điểm hiện tại không phải là năm 1945 mà là năm 1914, khi tất
cả các cường quốc đều mong có một cuộc chiến tranh Balkan lần thứ ba ngắn ngủi,
mà thực ra nó chỉ kết thúc với Thế chiến thứ nhất, kéo dài bốn năm và phá hủy bốn
đế chế.
Vào đầu những năm 1910, các nhà lãnh đạo chính
trị đã không chú tâm nhiều đến sức mạnh của tinh thần dân tộc ngày càng tăng.
Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách sẽ hành xử tốt đẹp để không lặp lại sai
lầm này. Họ phải cảnh giác với những tác động của tinh thần dân tộc đang trỗi dậy
ở Trung Quốc, tinh thần dân túy ở Hoa Kỳ và sự tương tác đầy nguy hiểm giữa hai
thế lực này. Với sự vụng về trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc và lịch
sử lâu dài hơn của các cuộc đối đầu và các sự cố đối với Đài Loan, các triển vọng
về một tình trạng leo thang không có chủ tâm sẽ khiến tất cả chúng ta lo lắng.
Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh nổi loạn.
Kể từ chuyến Hoa du của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1971, chính sách của Mỹ
đã được đề ra để ngăn chặn việc Đài Loan tuyên bố độc lập về mặt pháp lý và việc
Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất. Nhưng hiện nay, một số nhà phân tích lập
luận rằng, chính sách răn đe hai mặt đã lỗi thời, với lý do là sức mạnh quân sự
ngày càng tăng của Trung Quốc có thể cám dỗ nước này tấn công ngay vào khi nào
có cơ hội.
Các nhà phân tích khác tỏ ra hoài nghi. Họ cảnh
báo rằng, một sự bảo đảm an ninh của Mỹ đối cho Đài Loan sẽ kích động cho Trung
Quốc hành động, thay vì răn đe, và họ lo ngại rằng các công du chính thức của
các giới chức cấp cao đến hòn đảo này không phù hợp với “chính sách một Trung
Quốc” mà Mỹ đã tuyên bố từ thập niên 1970.
Ngay cả khi Trung Quốc tránh một cuộc xâm lược
toàn diện và chỉ cố gắng ép buộc Đài Loan bằng một cuộc phong tỏa, hoặc bằng
cách chiếm một hòn đảo ngoài khơi, chỉ cần một vụ va chạm tàu hoặc máy
bay gây tổn thất sinh mạng có thể đủ để kích hoạt cho một sự leo thang rộng
lớn hơn. Ví dụ như, nếu Mỹ phản ứng bằng cách phong toả các tài sản của Trung
Quốc hoặc viện dẫn Đạo luật Giao dịch với kẻ thù, hai nước có thể nhanh chóng
rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh thực sự, hoặc thậm chí là một cuộc chiến
tranh nóng.
Một binh pháp về cách khởi động cho chiến
tranh gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, D.C.
nghiên cứu, cho thấy, Mỹ có thể giành chiến thắng trong một cuộc thi đấu như vậy,
nhưng với phí tổn rất lớn cho cả hai bên (và cho nền kinh tế thế giới). Do đó,
giải pháp tốt nhất cho vấn đề Đài Loan là kéo dài hiện trạng. Cựu Thủ tướng Úc
Kenvin Rudd lập luận, mục tiêu của phương Tây là không nên đạt được chiến thắng
hoàn toàn trước Trung Quốc, mà là điều hướng tình trạng cạnh tranh với nước
này. Chiến lược hợp lý là tránh bôi nhọ Trung Quốc và thay vào đó đóng khung mối
quan hệ theo khía cạnh “cùng tồn tại trong cạnh tranh”. Nếu trong dài hạn,
Trung Quốc thay đổi tốt hơn, đó chỉ đơn giản là một phần thưởng bất ngờ cho một
chiến lược nhằm xử lý các mối quan hệ cường quốc trong thời đại có các tương
thuộc theo truyền thống cũng như kinh tế và sinh thái.
Một chiến lược tốt đẹp phải dựa trên đánh giá
thuần tuý cẩn thận. Trong khi đánh giá quá thấp tạo ra tự mãn, đánh giá quá cao
sẽ tạo ra sợ hãi, một trong hai điều này có thể dẫn đến tính toán sai lạc.
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế quốc gia lớn thứ hai trên thế giới; nhưng
ngay cả khi GDP của Trung Quốc dường như đang trên đà vượt quá mức của Mỹ vào một
ngày nào đó, thu nhập tính bình quân theo đầu người của Trung Quốc vẫn chưa bằng
một phần tư so với Mỹ, và phải đối mặt với một số cơn gió ngược về kinh tế, dân
số và chính trị.
Dân số trong tuổi lao động của Trung Quốc
không chỉ đạt tới đỉnh vào năm 2015, mà tăng trưởng năng suất kinh tế cũng đang
chậm lại và nước này có rất ít đồng minh chính trị cam kết. Nếu Mỹ, Nhật Bản và
châu Âu phối hợp các chính sách của họ, họ vẫn sẽ đại diện cho phần lớn nhất của
nền kinh tế thế giới và sẽ giữ năng lực tổ chức một trật tự quốc tế dựa trên luật
lệ có thể giúp định hình hành vi của Trung Quốc. Những liên minh lâu đời này là
chìa khóa để xử lý sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong thời gian tới, với các chính sách ngày
càng quyết đoán của ông Tập, bao gồm cả những hành động ngu ngốc như gởi khinh
khí cầu không đúng lúc, chúng ta có thể sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho việc
quân bình trong các khía cạnh cạnh tranh. Nhưng nếu chúng ta duy trì các liên
minh và tránh thoá mạ về mặt ý thức hệ và gây hiểu lầm, cho các phép suy luận
tương tự như trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta có thể thành công.
Nếu mối quan hệ Trung – Mỹ là một ván bài, người
ta có thể nói rằng chúng ta đã chơi cao tay. Nhưng ngay cả khi cao thế cũng có
thể thua nếu chơi tệ. Nhìn trong bối cảnh lịch sử năm 1914, biến cố về khinh
khí cầu gần đây sẽ nhắc nhở chúng ta rằng tại sao chúng ta cần các hạn mức để bảo
vệ.
_______
Tác giả: Joseph S. Nye, Jr.
là Giáo sư Đại học Harvard và cựu Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Tác phẩm
xuất bản gần đây nhất của ông là Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (Do nhà xuất bản Oxford University Press ấn hành năm 2020).
No comments:
Post a Comment