Tôi không nói tất cả, nhưng đó là đa số. Thu
nhập thấp, áp lực mưu sinh mệt mỏi. Môi trường làm việc không dân chủ, người ta
phải nịnh để sống, hoặc cắn răng để sống, có khi “khiêu vũ giữa bầy sói” để sống.
Đồng nghiệp thành bè cánh, sống không thật tâm, bằng mặt chẳng bằng lòng, xã
giao là chính.
Công việc áp lực nhưng nhàm chán, lặp đi lặp lại
từ lớp này sang lớp khác, năm này tới năm nọ cũng chừng ấy cái gạch đầu dòng.
Nó vắt kiệt hứng thú, tình yêu và sự sáng tạo.
Tha việc về nhà. Lúc tôi còn đi dạy, bố mẹ tôi
ngạc nhiên và luôn sốt ruột khi đêm nào cũng thấy con mình thức tới 1 – 2 giờ
sáng: soạn bài, chấm bài, vào điểm, làm báo cáo, giấy tờ sổ sách hàng núi, mà
toàn thứ vô bổ. Dạy chính, dạy luyện thi, dạy bồi dưỡng; họp tổ, họp đoàn, họp
hội đồng; họp thường xuyên, họp bất thường. Họp, kiểm điểm, thi đua. Mỗi người
vừa là một dây đàn chùng, vừa là một quả bộc phá nổ chậm.
Người ta phờ phạc ra, mệt mỏi, chán nản. Một
cơn điên có thể thình lình kéo tới bất cứ lúc nào. Không dám đụng tới kẻ đã gây
ra đau khổ cho mình, họ trút vào gia đình, trút vào học trò, trút vào bất cứ ai
có thể trút. Hi hữu có trường hợp xách dao rượt hiệu trưởng.
Bạo hành, mà bạo hành đến giết chết những đứa
trẻ thì lại càng không có lời nào để biện minh.
Trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 có truyện ngắn
Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Ông chồng cứ 3 ngày một trận nhẹ, 5
ngày một trận nặng, đánh vợ như một con thú dữ lên cơn. Khi người nghệ sĩ nhiếp
ảnh và bạn thân của anh ta là một thẩm phán muốn giải cứu cho người đàn bà bất
hạnh ấy, thì thật ngạc nhiên, bà này một mực van lơn “Đừng bắt con phải bỏ nó”.
Với bà thì chồng mình là một người tốt, hiền
lành. Hắn trở nên như thế cũng bởi khổ quá, đông con, có khi suốt tháng cả nhà
phải ăn cây xương rồng luộc chấm muối... Cuộc sống đày đọa, gã đàn ông trút nó
vào vợ con mình. Hắn là một con thú bị thương bởi dày đặc những những vết sẹo
ngang dọc mà xã hội đang ngày ngày để lại trên thân thể và linh hồn.
Nguyễn Minh Châu viết Chiếc thuyền ngoài xa
năm 1985, như một hồi chuông cảnh tỉnh và báo động về hiện tình xã hội và sự sa
đọa tất yếu của con người do cái xã hội ấy.
Bây giờ, mỗi ngày những người giáo viên vẫn
đang du dương giảng bài ấy trên bục, tố cáo xã hội, lên án nạn bạo hành, ca ngợi
chủ nghĩa nhân đạo... Nhưng tôi luôn có cảm giác, họ nói như những chiếc máy được
cài sẵn, vô hồn và khô khốc. Khi tha thiết rao giảng rằng cảm thông với nhân vật,
họ quên mất rằng mình cũng cần được chữa lành, được yêu thương và xoa dịu. Và
hơn hết, là thay đổi cái xã hội bất công khốn khổ mà chính họ đang sống. Nhưng
họ quên.
Ngu dốt thường dẫn tới cái ác. Đau khổ cũng dẫn
tới cái ác. Cả sự tối tăm lẫn khốn khổ cộng lại thì cái ác có mặt khắp nơi, như
những bóng ma có thể vụt ra ở bất cứ đâu, từ bóng tối mênh mông...
Thái Hạo
.
No comments:
Post a Comment