Monday, March 27, 2023

HÔ HÀO "VÔ VỌNG" THU HÚT TRÍ THỨC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG (RFA)

 



Hô hào "vô vọng" thu hút trí thức xây dựng đất nước của Tổng bí thư

RFA
2023.03.27

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-general-secretary-again-called-for-attracting-intellectuals-to-build-the-country-03272023123307.html

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam sáng 24/3/2023 tại Hà Nội, kêu gọi thu hút đội ngũ trí thức trẻ xây dựng đất nước. Ông Trọng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-general-secretary-again-called-for-attracting-intellectuals-to-build-the-country-03272023123307.html/@@images/e7c87687-c5ec-4d50-9cea-690ce49e6d2e.jpeg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.  AFP PHOTO

 

Từ Paris – Pháp Quốc hôm 27/3/2023, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhận định với RFA:

 

“Đây không phải là lần đầu tiên các lãnh đạo nhà nước Việt Nam kêu gọi giới trí thức. Tuy nhiên cách hành xử của nhà nước Việt Nam đối với những người trí thức nói riêng và với kiểu nói chung không phù hợp. Đơn cử một người hàng đầu của nền khoa học Việt Nam, đặc biệt toán học là Giáo sư Ngô Bảo Châu, ngay cả ông ta mà nhà nước còn có cách cư xử mà tôi nghĩ là không phù hợp lắm. Tôi nhớ một lần ông ấy viết về chủ tịch Hồ Chí Minh với một nhận định theo tôi là bình thường, thì đối với dư luận viên và một số người đứng về phía chính quyền đã dùng những từ ngữ rất là nặng để miệt thị Giáo sư Ngô Bảo Châu. Tôi thấy chuyện này hơi phi lý, vì Giáo sư Ngô Bảo Châu không hề có một ý tưởng gì gọi là phê phán, chỉ trích ông Hồ Chí Minh cả.”

 

Qua đó Giáo sư Hoàng cho rằng, những người như Giáo sư Ngô Bảo Châu mà còn bị như vậy, huống chi những người nhỏ bé như ông hoặc những trí thức dám lên tiếng, thì chắc chắn nhà nước không bao giờ chấp nhận. Giáo sư Hoàng nói tiếp:

 

“Đối với họ, họ chỉ bảo vệ cho cái đảng của họ thôi, ai mà đụng vào thì cho dù người đó có giỏi đến cỡ nào thì họ vẫn coi là nguy hiểm. Tôi thấy cái đó là điều rất tiếc bởi vì Việt Nam là một đất nước có nhiều người có khả năng, có tâm với đất nước…. mà mình không khai thác được, không sử dụng được, đó là đáng buồn. Chuyện này đã kéo dài từ mấy chục năm nay, nhà nước họ đưa ra những lời kêu gọi hoa mỹ, nhưng thật sự đối với những người trí thức, thì chúng tôi đâu cần một căn nhà, hay lương cao… tôi chỉ cần một nơi làm việc xứng đáng, điều kiện làm việc phù hợp một người trí thức.”

 

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từ Pháp về giảng dạy tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, sau đó bị án tù vì những hoạt động cổ súy cho tự do dân chủ tại Việt Nam, đã bị trục xuất về Pháp hồi tháng 6 năm 2017.

 

Trước đó, hôm 7/3/2023 Bộ Chính trị cũng đã có Thông báo số 50 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng, trong đó yêu cầu ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước.

 

Nghị quyết số 18-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thu hút nhân tài… được ban hành ngày 25/10/2017. Tuy nhiên sau nhiều năm thực hiện, số nhân tài thu hút được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như TPHCM qua năm năm thí điểm nghị quyết thu hút nhân tài, theo truyền thông trong nước, TPHCM thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người đã rời đi và ba năm qua không tuyển được chuyên gia nào.

 

Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhận định thêm:

 

Một khi đã chấp nhận trở về sống và làm việc tại Việt Nam, thì có những điều bắt buộc phải chấp nhận. Nhưng những người sống ‘thẳng lưng’ họ không thể ‘cong lưng’. Một cô giáo ở Việt Nam từng phát biểu: ‘trong một xã hội như Việt Nam, mình mà thẳng lưng thì mình là khác thường’. Cho nên không có đất cho trí thức, thì tôi thấy cũng uổng lắm. Nước khác chẳng hạn như Do Thái, họ dành hẳn tuổi sung mãn nhất về trí tuệ để phục vụ cho đất nước của họ, cho dù họ ở nước ngoài. Nhưng Việt Nam thì không, vì Việt Nam đặt nặng vấn đề ý thức hệ quá. Nếu không theo ý thức hệ của họ, thì dù tài năng đến đâu, họ cũng không cần.”

Chính điều đó theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, đã ngăn cản sự phát triển của đất nước và là một điều rất đáng tiếc.

 

Dù Nghị quyết 18 của Trung ương về thu hút nhân tài không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng Bộ Chính trị vẫn ra thông báo số 50 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết này.

 

Mới đây, tại Chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ sinh viên tiêu biểu, do Thành uỷ TPHCM tổ chức hôm 23/3/2023, một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc hai ngành Luật và Quản trị kinh doanh, thủ khoa Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh năm 2022 là cô Quách Thanh Vịnh An cho biết, không đủ điều kiện theo Nghị định 140/2017 của Chính phủ để được tuyển thẳng vào cơ quan nhà nước.

 

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hôm 27/3 khi nhận định với RFA cho rằng đó là lỗi của một hệ thống không đồng bộ:

 

“Một xã hội giống như một cỗ máy, tất cả các bộ phận phải đồng bộ với nhau, nó ăn khớp, nó nhịp nhàng với nhau. Nếu như một xã hội nào thiết lập lên mà không có sự đồng bộ, sẽ bị tự hủy hoại, đó là lỗi của hệ thống. Cái máy không ăn khớp nhịp nhàng ở Việt Nam mình không phải lỗi một chỗ, mà là lỗi nhiều chỗ… và như vậy sẽ không vận hành tốt được, cơ cấu nhà nước cũng như thế. Với các nước tiên tiến, các cơ chế sẽ đào thải những nhân tố hủy hoại hay không lành mạnh. Còn ở Việt Nam thì cơ chế vẫn nuôi những mầm mống không lành mạnh như thế.”

 

Mặc khác theo Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, những sinh viên giỏi được tuyển thẳng vào bộ máy nhà nước nếu không được bồi dưỡng đúng thì cũng như đem con bỏ chợ:

 

“Những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cần được thu hút vô bộ máy nhà nước, thì xưa nay xã hội rất nhầm lẫn. Vì tốt nghiệp ở trường là loại giỏi chỉ là điều kiện cần, chứ chưa là điều kiện đủ để phục vụ xã hội. Mình tốt nghiệp loại giỏi ở trường đại học mới là tiền đề thôi, để mình có thể phục vụ xã hội, mình còn phải ôn luyện, tiếp xúc với thực tế, trao đổi với đồng nghiệp… Cho nên chuyện đưa một sinh viên giỏi nào đó về bộ máy nhà nước và ta không có điều kiện để bồi dưỡng, cũng giống như đem con bỏ giữa chợ.”

 

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng CSVN trước đây như: Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII. Nhiều năm sau đó, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ VN nhiều nhiệm kỳ cũng thường xuyên nhắc lại, đốc thúc thực hiện chính sách này...

 

--------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Liệu trí thức có môi trường tự do sáng tạo trong thể chế Việt Nam hiện nay?

 

Trí thức trẻ và thời cuộc Việt Nam: Họ là ai?

 

Những trí thức không an phận

 

Kêu gọi trước ‘im lặng’ về tin Ông Trọng ngã bệnh

 

Tự do học thuật tại Việt Nam bị siết chặt






No comments: