Friday, March 24, 2023

CUỘC DÀN XẾP CHÍNH TRỊ BẨN THỈU ĐƯỢC TIẾT LỘ SAU 43 NĂM (Mai Vũ Phạm / Saigon Nhỏ)

 



Nhìn Lại Lịch Sử

Cuộc dàn xếp chính trị bẩn thỉu được tiết lộ sau 43 năm

Mai Vũ Phạm  -  Saigon Nhỏ

23 tháng 3, 2023

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/cuoc-dan-xep-chinh-tri-ban-thiu-duoc-tiet-lo-sau-43-nam/

 

Vì sao Tổng Thống Jimmy Carter thất cử trong cuộc tái tranh cử năm 1980? Dường như chưa một ai nghĩ rằng đã có một dàn xếp chính trị bẩn thỉu giữa Đảng Cộng hòa và nhà cầm quyền Iran lúc đó.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-542345058-scaled.jpg

Máy bay chở 52 con tin người Mỹ được trả tự do đáp xuống sân bay Frankfurt. Các con tin đã bị giữ ở Iran 444 ngày. Ảnh: jean-Louis Atlan/Sygma vía Getty Images

 

                                                              *

 

Tháng Mười Một năm 1979, quân đội Hồi giáo Iran tấn công vào Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran và bắt giữ 52 người Mỹ. Vụ bắt cóc lịch sử và các nỗ lực đàm phán được đánh giá là một trong những thất bại ngoại giao đáng kể của chính quyền Jimmy Carter.

 

Tuy nhiên, một bài viết chấn động của New York Times trong tuần qua đã gần như thay đổi sự hiểu biết của dư luận Mỹ về câu chuyện lịch sử này. Cựu Phó Thống Đốc Texas, Ben Barnes, trả lời phỏng vấn với NYT, cho biết ông và Đảng Cộng hòa đã đứng sau kế hoạch phá hoại chiến dịch tái tranh cử của Tổng Thống Carter năm 1980, bằng cách áp lực Iran không trả tự do sớm cho 52 con tin người Mỹ ở Tehran.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-515560254-1536x1031.jpg

Tổng Thống Carter thông báo về thoả thuận giải cứu con tin ở Iran vào sáng sớm ngày 19 Tháng Giêng tại White House. Ảnh: Getty Images

 

Nhân vật chính của vụ dàn xếp

 

Suốt hơn 40 năm, đại đa số cử tri Mỹ nghĩ rằng nhà cầm quyền Hồi giáo Iran đã từ chối thả tự do cho các con tin vì thù địch sâu sắc đối với Carter, hoặc vì mong chờ một thỏa thuận tốt hơn từ đối thủ Ronald Reagan trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 1980.

 

Nhưng dường như chưa một ai biết rằng đã có một dàn xếp chính trị bẩn thỉu giữa Đảng Cộng hòa và nhà cầm quyền Iran lúc đó.

 

Ông Ben Barnes cho biết sự thật mà ông tiết lộ với NYT đã được ông kể lại với ít nhất bốn người, trong đó có một sử gia trường Đại học Texas. Theo tiết lộ đầy bàng hoàng của Barnes, người đứng sau cuộc đi đêm đáng sợ giữa Đảng Cộng hòa và Iran lúc đó là một trong những tay dàn xếp chính trị lâu năm, đầy quyền lực: Cựu Thống Đốc bang Texas, John Connally.

 

Ben Barnes là cộng sự chính trị lâu năm và đối tác kinh doanh của Connally nói ông muốn tiết lộ bí mật này sau khi biết tin Jimmy Carter đang được chăm sóc cuối đời tại nhà. “Lịch sử cần biết điều gì đã xảy ra,” ông Barnes nói với NYT.

Connally đóng vai trò quan trọng trong biến cố lịch sử quan trọng của chính trường Mỹ: các đảng viên miền Nam từ bỏ Đảng Dân chủ để kết nạp Đảng Cộng hòa, nhằm phản đối Đạo luật Dân quyền 1964 và Đạo luật Quyền Bầu cử 1965 được tổng thống Lyndon B. Johnson ký thông qua. Connally được cho là lựa chọn của Richard Nixon để thay thế phó tổng thống bị thất sủng Spiro T. Agnew.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-576832628-1536x1055.jpg

John Connally lúc này đang là thống đốc Texas, xuất hiện trước Ủy ban Tài chính Thượng viện về việc đề cử ông làm Bộ trưởng Ngân khố, ngày 28 Tháng Giêng năm 1971. Ảnh: Wally McNamee/CORBIS/Corbis via Getty Images

 

 Bốn năm sau, Connally khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1980 với tư cách ứng cử viên Đảng Cộng hòa, nhưng ông đã thua cho Ronald Reagan. Sau thất bại đó, Connally đã tìm mọi cách để lấy lòng ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, Ronald Reagan, với hy vọng sẽ trở thành ngoại trưởng hoặc bộ trưởng Bộ Quốc Phòng khi Reagan đắc cử tổng thống.

 

Cựu Phó Thống Đốc Barnes kể lại Connally đã đưa ông đến hết thủ đô Trung Đông này đến thủ đô khác ở Trung Đông vào mùa hè năm đó, gặp gỡ các nhà lãnh đạo khu vực để đưa ra một thông điệp dứt khoát tới Iran: “Đừng thả các con tin trước cuộc bầu cử. Ông Reagan sẽ đắc cử tổng thống và đưa Iran một thỏa thuận tốt hơn.”

 

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo Iran lúc đó dường như đã nhận được thông điệp, vì sau đó Connally đã hớn hở thông báo với giám đốc chiến dịch tranh cử của Reagan là William Casey. Barnes chắc chắn rằng ông William Casey, sau trở thành giám đốc CIA dưới thời Reagan, biết rõ nhiệm vụ phá hoại này của Connally.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-582823774.jpg

Những con tin người Mỹ bị giam 444 ngày, từ 4 Tháng Mười Một năm 1979 đến 20 Tháng Giêng năm 1981,  for 444 days from November 4, 1979 to January 20, 1981, sau khi quân đội Hồi giáo Iran tấn công vào Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran. Ảnh: Mohsen Shandiz/Sygma via Getty Images

 

Đúng vào ngày nhậm chức tổng thống của Ronald Reagan, Iran đã thả các con tin. Đối với một số người Mỹ, việc Iran thả 52 người Mỹ chỉ vài phút sau khi Ronald Reagan nhậm chức tổng thống vào năm 1981 không phải trùng hợp. Theo phản hồi của Paul L. Newman gửi tới New York Times, sự kiện này làm ông nhớ tới âm mưu lôi kéo chính phủ miền Nam Việt Nam của Richard Nixon nhằm kéo dài các cuộc đàm phán với cộng sản Bắc Việt tại Paris trong nỗ lực phá hoại đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968.

 

Kinh khủng hơn kinh ngạc

 

Vụ bắt cóc 52 công dân Mỹ kéo dài 444 ngày đã để lại cho những nạn nhân và người thân của họ một vết thương tinh thần khó chữa, đồng thời được cho rằng đã gián tiếp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Jimmy Carter. Sau khi NYT tiết lộ vụ dàn xếp chính trị ‘động trời’ này của John Connally và Đảng Cộng hòa, dư luận và đặc biệt những người trong cuộc, cảm thấy đau đớn, kinh khủng, hơn là kinh ngạc.

 

Thomas Lankford, luật sư của 52 con tin và gia đình họ từ năm 1999, cho biết rằng việc trì hoãn trả tự do cho những con tin chỉ gây hại. Trong 4 đến 6 tháng bị bắt làm tù nhân, nhiều người “suy sụp về thể chất và tinh thần. Bạn không muốn thêm dù chỉ một ngày đối với cách đối xử đó.”

 

Rocky Sickmann, một trong những người bị Iran bắt giữ làm con tin, cho biết: “444 ngày. Tôi sẽ không bao giờ lấy lại được những ngày đã mất. Mỗi một ngày trôi qua bạn không biết mình sẽ sống hay chết.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-157000225-1536x1000.jpg

Một trong những sinh viên người Iran bắt cóc 52 người Mỹ làm con tin trong suốt 444 ngày, đang trình bày một số hình ảnh về các con tin trong cuộc họp báo ngày 8 Tháng Mười Một năm 1979 tại Tehran, Iran. Ảnh: Alain MINGAM/Gamma-Rapho via Getty Images

 

Trong 30 ngày đầu sau khi bị Iran bắt cóc, ông Sickmann đã bị trói vào ghế và bị cấm nói chuyện. Ông và hai người khác bị giam cầm trong phòng hơn một năm và thường xuyên bị tra tấn thể chất và tinh thần. Trong suốt 444 ngày bị giam cầm, ông Sickmann chỉ được cho phép ra ngoài tổng cộng bảy lần.

 

Ông Sickmann hiện 66 tuổi và là cư dân của thành phố St. Louis, Missouri, không thể tin rằng có người có thể làm như vậy với những người đồng hương Mỹ. Đối với ông, tiết lộ kinh tởm này là nỗi đau và mong muốn rằng “điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

 

David Roeder, hiện 83 tuổi và là Đại tá Không quân đã nghỉ hưu, cho biết ông cảm thấy hoang mang, sốc khi biết rằng có người đã tìm cách bắt ông và các đồng nghiệp phải kéo dài nỗi đau tinh thần và thể xác hơn mức cần thiết. Ông Roeder nói thêm, “Tôi không thể chấp nhận sự thật rằng Regan đã dính líu vào một việc như thế.”

 

Bất chấp mọi thủ đoạn vì lợi ích chính trị

 

Chris Matthews, nhà văn nổi tiếng và người soạn diễn văn cho cựu tổng thống Carter, cho biết sau khi đọc tiết lộ của New York Times rằng nếu cử vào thời điểm đó biết được âm mưu dơ bẩn của Đảng Cộng hòa áp lực Iran không thả các con tin, thì nhiều cử tri sẽ không chọn Ronald Regan. Gerald Rafshoon, cựu Giám đốc truyền thông Nhà Trắng thời Carter, trả lời New York Times: “Nếu chúng tôi đưa được các con tin về nhà, chúng tôi đã giành chiến thắng.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-1371356487-1536x1028.jpg

Năm 1981, 52 con tin người Mỹ bị bắt cóc về đến bệnh viện ở căn cứ Wiesbaden Air Base hospital. Sau khi được trả tự do, họ phải nhập viện vài ngày trước khi được đưa về Mỹ. Ảnh: HUM Images/Universal Images Group via Getty Images

 

Thực tế, không ai dám mạnh mẽ kết luận rằng nếu Connally và Đảng Cộng hòa không dàn xếp bẩn thỉu với Iran, thì Jimmy Carter có thể đã giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Tuy nhiên, đó không phải là kết luận quan trọng. Đối với nhiều người, tiết lộ này cho thấy sự an toàn của công dân Mỹ và lợi ích dân tộc không hề tồn tại đối với những chính trị gia Cộng hòa đằng sau vụ dàn xếp. Âu cho cùng, tham vọng và quyền lực chính trị mới là đáng kể đối với họ.

 

Nhà bác học vĩ đại Albert Enstein từng có câu nói để đời: “Thế giới sẽ không bị hủy diệt bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả.” Khi chọn không làm gì cả khi chứng kiến cái ác diễn ra đã là sai trái, thì bí mật cấu kết với kẻ làm điều ác vì lợi ích còn kinh tởm đến dường nào.

 

Bởi thế, chính trị gia có tài giỏi đến đâu, nhưng vô đạo đức thì cũng là mối nguy hại cho một quốc gia. Như cụ Nguyễn Du đã dạy: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”







No comments: