Monday, March 20, 2023

CREDIT SUISSE : SÁU NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG CÙNG HÀNH ĐỘNG NHƯNG THỊ TRƯỜNG VẪN LO LẮNG (Jemma Dempsey / BBC News)

 



Credit Suisse: Sáu ngân hàng trung ương cùng hành động nhưng thị trường vẫn lo lắng

Jemma Dempsey

BBC News

20 tháng 3 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ceq5nqvd2exo

 

Ngân hàng trung ương các nước đã có hành động trên toàn cầu để duy trì dòng tín dụng sau một giai đoạn bất ổn của ngành ngân hàng Hoa Kỳ và sau vụ sáp nhập Credit Suisse.

 

Sáu ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng Anh quốc, tuyên bố sẽ thúc đẩy dòng tiền đô la Mỹ qua hệ thống tài chính toàn cầu.

 

Hôm Chủ Nhật, Credit Suisse đang trong cơn nguy ngập đã được UBS mua lại theo một thỏa thuận do chính phủ Thụy Sĩ hậu thuẫn.

 

Thỏa thuận "hoán đổi" thanh khoản bằng đô la Mỹ sẽ bắt đầu áp dụng từ thứ Hai.

 

Trong một thông cáo, Ngân hàng Anh quốc, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Canada, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã phối hợp hành động để "tăng cường cung cấp thanh khoản".

 

Thông cáo cho biết việc này đóng vai trò là "điểm chặn hậu quan trọng để làm giảm bớt căng thẳng trên các thị trường cho vay trên toàn cầu" và giảm bớt tác động đối với hoạt động cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

 

Thay vì vay trên thị trường tự do, các ngân hàng của Anh sẽ có thể trực tiếp vay Ngân hàng Anh quốc và ngân hàng trung ương này sẽ vay từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.

 

Cách thức hoạt động này cũng sẽ áp dụng đối với các ngân hàng ở khối sử dụng đồng euro, ở Canada, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ.

 

Các ngân hàng sẽ có thể tiếp cận nguồn vốn hàng ngày.

 

Cách dàn xếp này, từng được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và thời kỳ đại dịch Covid, sẽ bắt đầu triển khai vào thứ Hai và tiếp tục cho đến “ít nhất là đến cuối tháng Tư”, Ngân hàng Anh quốc nói.

 

Các cổ phiếu ngân hàng toàn cầu sụt giảm sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, bất chấp việc Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng trấn an rằng Hoa Kỳ sẽ làm "bất cứ điều gì cần" để bảo vệ hệ thống ngân hàng.

 

Kể từ khi SVB sụp đổ, Signature Bank, ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng sập, và ngân hàng First Republic cần được giải cứu.

 

Một công ty con của New York Community Bancorp là ngân hàng Flagstar Bank đã đạt thỏa thuận với các cơ quan quản lý để mua tài sản của Signature Bank, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) cho biết hôm Chủ Nhật.

 

Thỏa thuận liên quan đến gần như tất cả các khoản tiền gửi của Signature Bank, một số khoản vay và tất cả 40 chi nhánh cũ của ngân hàng này.

 

Trang Daily Telegraph ra tại Anh sáng 20/03 cho hay chỉ việc "cứu Credit Suisse hôm cuối tuần đã thổi bay khỏi thị trường 17 tỷ USD trị giá trái phiếu của nhà băng này", và cuộc khủng hoảng chưa được "dập tắt".

 

.

Phân tích của Faisal Islam, biên tập viên kinh tế BBC News

 

Thông cáo về "hành động phối hợp" của sáu ngân hàng trung ương thuộc hàng lớn nhất thế giới cho thấy nỗi lo lắng chung về sự mong manh của hệ thống ngân hàng toàn cầu nghiêm trọng tới đâu.

 

Cơ chế này đã không được sử dụng ở Vương quốc Anh kể từ phát sinh khó khăn tài chính do đại dịch cách đây đúng ba năm.

 

Đây không phải là một động thái kịch tính như kiểu mà Ngân hàng Anh quốc đã phải triển khai sau khi chính phủ Anh công bố kế hoạch áp dụng 'ngân sách mini' hồi mùa thu năm ngoái.

 

Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng, dẫu một tuần vừa qua các vấn đề ở một số ngân hàng cụ thể đã lấn át những chuyện khác, nhưng chỉ cần sự sụp đổ của một hãng từng là khổng lồ như Credit Suisse là đủ để châm ngòi cho một mối lo ngại tổng quát hơn.

 

Nỗi sợ về tác động trực tiếp từ vụ Credit Suisse hoặc SVB thì ít hơn so với nỗi sợ về việc một loạt những nhân tố chung sẽ gây ảnh hưởng đến các ngân hàng khác.

 

Chẳng hạn như các khoản tiền gửi không được bảo hiểm đang bị rút khỏi một số ngân hàng để đổ vào các ngân hàng lớn hơn với tốc độ đáng kinh ngạc. Điều này xảy ra mà không cần ai phải đến chi nhánh ngân hàng, nhờ có công nghệ và bởi ảnh hưởng của các bình luận trên mạng xã hội. Một số cơ quan quản lý tài chính cũng đã ra phản ứng không chắc chắn.

 

Bức tranh toàn cảnh hơn, như tôi đã nói trước đây, đó là tình trạng lãi suất tăng nhanh sẽ luôn tạo ra một số quả bom hẹn giờ chạy ngầm bên dưới một số ngân hàng và ở một số nơi trong hệ thống tài chính, nơi mà những đối tượng tham gia bắt đầu trở nên hơi phụ thuộc quá đà vào mức lãi suất rất thấp. Điều này nay đang diễn ra.

 

Cũng có tin dễ chịu hơn một chút, ví dụ như trong trường hợp này ở đây, đó là các ngân hàng của Anh được vốn hóa tốt và có nguồn vay đáng kể, hoặc như Ngân hàng Anh quốc nói hôm Chủ nhật, là "an toàn và lành mạnh".

 

Tuy nhiên, thực tế là ngân hàng trung ương của Anh đã phải hợp lực với các đối tác trên khắp thế giới để phô trương tiềm lực và để nỗ lực ngăn chặn rủi ro xảy ra.

 

Đặc biệt, có lo ngại rằng việc tăng lãi suất liên ngân hàng có thể nhanh chóng xâm nhập vào nền kinh tế, và điều này sẽ có tác động trên thực tế ngay.

 

==================

TIN LIÊN QUAN

 

Khoản vay khẩn cấp của Credit Suisse trấn an các nhà đầu tư

17 tháng 3 năm 2023

.

Credit Suisse: UBS đàm phán để mua lại ngân hàng đối thủ đang gặp khó khăn

19 tháng 3 năm 2023

.

UBS đồng ý 'giải cứu khẩn cấp' Credit Suisse

20 tháng 3 năm 2023





No comments: