“CHÚA CHỊU ĐỰNG VÀ RA LỆNH CHO
NGƯỜI NGA”
Đến thời điểm cuộc chiến đi qua được hơn một
năm, có lẽ chúng ta đã có thể nói với nhau rằng cuộc chiến tranh ở Ukraine
không chỉ là cuộc chiến của Putin nữa, mà đã là cuộc chiến của người Nga. Rất
nhiều hi vọng dành cho những người Nga tiến bộ, những người sẽ vùng lên lật đổ
chế độ của Putin đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Để giải thích điều này, có rất
nhiều công trình nghiên cứu, thậm chí đồ sộ và chắc chắn với chúng ta ở đây, sẽ
không thể bằng một vài trang viết “cưỡi ngựa xem hoa” có thể lý giải được hết tất
cả các khía cạnh của vấn đề.
Chẳng hạn, khi nói đến một quốc gia, một dân tộc…
chúng ta cần nói đến “hệ giá trị” của quốc gia đó. Đây là một khái niệm tổng hợp
mà khi đưa ra bất cứ một định nghĩa nào cũng có thể sa vào khả năng không thể
khái quát được hết các mặt. Tôi xin đưa một ví dụ, trong bài “Mấy vấn đề về hệ
giá trị Việt Nam”, giáo sư Hồ Sỹ Quý đã nêu ra khái niệm rằng “Hệ giá trị với
nghĩa là bảng giá trị lý tưởng, chính thống, chủ yếu hay cơ bản của một dân tộc
– quốc gia hay một vùng văn hóa được dùng ít phổ biến hơn”.
Ông cũng đưa ra một số ví dụ về hệ giá trị của
một tổ chức hoặc quốc gia, chẳng hạn:
– Hệ giá trị của quân đội Mỹ được ghi nhận là
trung thành, nghĩa vụ, tôn trọng, danh dự, chuẩn mực, dũng cảm.
– Hệ giá trị cốt lõi Mỹ được Robin Williams
xác định năm 1970 gồm: bình đẳng về cơ hội, thành tựu và thành công, tiện lợi về
vật chất, hoạt động và công việc, thực dụng và hiệu quả, tiến bộ, khoa học, dân
chủ và sáng kiến, tự do.
– Với Singapore, 5 quan điểm chung định hướng
giá trị văn hoá đạo đức của quốc gia này được xác định là: 1/ Quốc gia trên hết,
xã hội đầu tiên; 2/ Gia đình là gốc, xã hội là thân; 3/ Quan tâm giống nhau, đồng
cam cộng khổ; 4/ Tìm cái tương đồng, gạt cái bất đồng, hiệp thương cùng hiểu biết;
5/ Chủng tộc hài hòa, tôn giáo khoan dung .
– Với khối EU, hệ giá trị cốt lõi là: đoàn kết,
bền vững, trách nhiệm, an ninh, thúc đẩy các giá trị của châu Âu ra thế giới. Tự
do cá nhân – được coi là giá trị trung tâm xuyên qua tất cả các giá trị này.
Vậy hệ giá
trị Nga có những điểm chủ yếu gì?
Theo tác giả Vera Ivanova, đầu tiên cần phải
hiểu rõ tính cách Nga, hay tính cách cá nhân của người Nga gần như không được
hình thành từ góc độ hướng tới tự do. Trong văn hóa Nga, lợi ích cộng đồng bao
giờ cũng đứng trên lợi ích cá nhân nên những kế hoạch, mục đích, lợi ích cá
nhân rất dễ bị dập tắt. Ngược lại, cá nhân (người Nga) trông cậy vào “thế giới”
(hay cộng đồng xã hội) để hỗ trợ anh ta/cô ta khi phải đối mặt với những nghịch
cảnh, những cọ xát và lo lắng của cuộc sống. Vì vậy, nó dẫn đến một loại trách
nhiệm liên đới. Kết quả là người Nga có thể tuân theo việc gác lại những vấn đề
riêng tư của một người vì mục tiêu chung, điều này thậm chí có thể không mang lại
lợi ích trước mắt.
Điều này có cái gốc từ chế độ sở hữu đất đai của
Nga từ cách đây vài trăm năm. Khi đó, sự thiếu vắng của tự do cá nhân được xác
định bởi thực tế là trong xã hội Nga với các mảnh đất bằng nhau, được phân chia
lại theo định kỳ. Với chế độ sở hữu đất kiểu đó, chủ nghĩa cá nhân không thể xuất
hiện. Một người không phải là chủ sở hữu đất đai, không có quyền bán nó và
không được tự do ngay cả về mùa màng và thu hoạch, hoặc lựa chọn trồng cây gì
trên mảnh đất này. Trong những điều kiện như vậy, người ta không thể thể hiện
các kỹ năng cá nhân.
Do vậy, có thể nói tâm lý, hành xử và sâu xa
hơn, nhận thức xã hội của người Nga dựa trên một niềm tin gần như tiềm thức rằng
các điều kiện của sự đoàn kết xã hội quan trọng hơn những thứ cá nhân và do đó
các vấn đề chung nên được giải quyết và xử lý trước, sau đó lợi ích chung sẽ bắt
đầu có lợi cho mỗi cá nhân. Người dân Nga do vậy coi trọng tinh thần hòa đồng
và cho rằng cá nhân chỉ có thể tồn tại cùng với xã hội. Để “phát triển nhân
cách cá nhân kiểu Nga” thì cá nhân đó phải trở thành một người có nhân cách hòa
đồng.
Một trong những đức tính của người Nga là kiên
nhẫn và chịu đựng vì cộng đồng. Vì vậy, chủ nghĩa anh hùng cá nhân không có chỗ,
còn chủ nghĩa anh hùng tập thể là một giá trị khác của văn hóa Nga. Nói cách
khác, một chiến công không thể mang tính cá nhân: nó luôn phải vượt ra ngoài cá
nhân con người. Khi một người lính Nga được phong anh hùng, tấm gương của anh
ta luôn được gắn với tập thể đơn vị của mình (tất nhiên vẫn có những trường hợp
ngoại lệ).
Người Nga có câu ngạn ngữ: “Chúa đã chịu đựng
và ra lệnh cho chúng ta” (“Бог терпел и нам велел!”). Hành động của người Nga
do đó, như một sự hi sinh vì có gốc rễ là… sự hi sinh của Chúa. Điều đó cần có
giải thích thêm: họ có thể sẵn sàng chết vì một điều gì đó khi cho rằng điều đó
phù hợp với tâm niệm của “đấng bề trên” và dễ thấy nhất là khi số đông trong xã
hội cùng có một quan niệm về một vấn đề nào đó. Trong lịch sử có một câu chuyện
nổi tiếng, nay vẫn được dùng để giải thích về nhãn quan chung của người Nga –
là câu chuyện về các hoàng tử Boris và Gleb của Kyivan Rus hồi thế kỷ XI, hai
người là con nhỏ của Vladimir Đại đế, với người anh trai lớn là Svyatopolk.
Khi cùng quân đội Rus trở về Alta, Boris biết
về cái chết của cha mình đồng thời được thông báo về việc Svyatopolk có vẻ
không minh bạch cho lắm, Boris đã trả lời: “Tôi không được phép ra tay chống lại
anh trai mình. Bây giờ cha tôi đã qua đời, hãy để anh ấy thay thế vị trí của
cha tôi trong trái tim tôi”. Bất chấp sự quy thuận này của Boris, Svyatopolk cử
Putsha và các chàng trai của Vyshegorod đi hành quyết anh trai mình. Boris và
người hầu của anh ta bị đâm chết khi đang ngủ trong lều. Số phận tương tự cũng
dành cho Gleb. Boris và Gleb đã nhận vương miện tử vì đạo vào năm 1015. Hai anh
em được biết đến với cái tên “Strastoterptsy”.
Hai vị thánh này được tôn vinh cả ở Nga lẫn
Ukraine, chứ không riêng gì ở Nga, tuy nhiên, người Nga đã tiếp nối một cách
nhiệt tình. Chẳng hạn, có một thứ huân chương của Đế quốc Nga có dòng chữ: “Не
нам, Господи, не нам, но имени твоему дай славу” (“Không phải cho chúng tôi,
thưa Chúa, không phải cho chúng tôi mà để tôn vinh tên của Ngài”). Kiên nhẫn và
chịu đựng là những giá trị cơ bản chính của người Nga. Họ đồng hành với việc tiết
chế liên tục, tự hạn chế và liên tục hy sinh vì lợi ích của người khác. Không
có nó thì không có cá nhân, và người đó không có địa vị và không có sự tôn trọng
của những người xung quanh.
Các giá trị của văn hóa Nga liên tục chỉ ra xu
hướng của nó đối với một ý nghĩa siêu việt, cao hơn nào đó. Đối với người Nga,
không có gì tuyệt vời hơn là tìm kiếm ý nghĩa cao hơn này. Vì vậy, chúng ta thường
thấy ý nghĩa sống mà người Nga hay nói: quyết tử vì Tổ quốc đã mang lại vinh
quang bất diệt cho người anh hùng.
Ngoài sự hi sinh và chịu đựng, người Nga còn
có ý thức về công bằng, hay khái niệm công lý của họ cũng rất đặc thù, và cũng
có thể nói rằng nó có đặc điểm của chủ nghĩa tập thể trên đây. Họ tin vào một sự
công bằng chung được thiết lập trong cộng đồng – trước mắt là cộng đồng của họ,
và từ đó các chuẩn mực khác khi không có sự đồng nhất, sẽ phải cần được đấu
tranh, thậm chí nếu cần thiết hơn nữa thì phải bị tiêu diệt.
Toàn bộ nền văn hóa Nga tìm thấy ý nghĩa như vậy
trong tư tưởng của người Nga, mà thông qua việc hiện thực hóa tư tưởng đó mà
người Nga định hướng lối sống của mình. Do vậy mà các nhà nghiên cứu hay nói về
những đặc điểm cơ bản của “chủ nghĩa tôn giáo chính thống” vốn có trong ý thức
của người Nga. Tư tưởng có thể thay đổi (tư tưởng Mátxcơva là “La Mã thứ ba”,
tư tưởng đế quốc, tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản và bây giờ là tư tưởng Âu –
Á), nhưng vị trí của nó trong cấu trúc niềm tin giá trị vẫn không thay đổi.
Các giá trị được liệt kê ở trên không nhất
quán. Do đó, người Nga có thể là một người dũng cảm trên chiến trường nhưng đồng
thời cũng có thể là một kẻ hèn nhát trong cuộc sống dân sự, có thể hết lòng vì
chủ quyền quốc gia và đồng thời cướp bóc ngân khố của đế quốc (như Hoàng thân
(hay Hoàng tử) Aleksandr Danilovich Menshikov (1673 – 1729) đã làm dưới triều đại
của Piotr Đại đế).
Vì vậy, người Nga hoàn toàn có thể bỏ lại ngôi
nhà phía sau và bước vào chiến tranh, ví dụ với sứ mệnh “để giải phóng người
Slav vùng Balkan”. Lòng yêu nước và lòng thương xót cao độ được thể hiện như sự
hy sinh hoặc lợi ích nhưng nó hoàn toàn có thể biến thành một sự có hại, thậm
chí tàn phá cao độ. Với những nét đặc thù này, rõ ràng, đã khiến tất cả các nhà
nghiên cứu nói về “tâm hồn Nga bí ẩn”, về lòng nhân hậu, tính cách rộng rãi của
người Nga và rằng “không thể hiểu được nước Nga/người Nga bằng lý trí (hoặc lý
luận)”.
Sơ lược những nét như vậy sẽ làm cho chúng ta
phần nào hiểu được đôi nét về người Nga, thậm chí cả người Ukraine nữa. Thực sự
là, không phải lúc nào những đặc điểm trên cũng dẫn đến những điều xấu xa – vì
chúng ta thấy hầu hết chúng đều có thể được giải thích một cách tốt đẹp. Những
đặc điểm này với nước Nga tồn tại suốt mấy trăm năm, đến tận ngày nay. Chúng ta
không tìm thấy những giá trị của sự phát triển cá nhân (thủ tiêu cá nhân) và
chúng ta cũng lại thấy việc nó có một giai đoạn phát triển thành tư tưởng cộng
sản với tác giả là V. Lênin, hoàn toàn dễ hiểu. Trong khi đó, thoạt nhìn có thể
sẽ nhầm lẫn rằng các đặc điểm của hệ giá trị Nga gần gũi với hệ giá trị quốc
gia được nhà nước và nhân dân Singapore xác định, nhưng thực tế là nó có khác.
Hệ giá trị Singapore đó không thể hiện một điều:
giá trị của tư tưởng pháp trị, tức là giá trị được đem lại do sự công bằng của
một nền tư pháp nghiêm minh, trong đó tự do cá nhân phải đặt trong nền tư pháp
nghiêm minh đó và nó hoàn toàn không phải cào bằng. Đồng thời, sự khác biệt của
cộng đồng phải được tôn trọng, đặc biệt là khác biệt cộng đồng có tính sắc tộc
và tôn giáo. Đặc điểm này giải thích tại sao Singapore là nước trừng phạt Nga
ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh họ tiến hành ở Ukraine – trước
hết đó là sự trừng phạt có tính thực thi công lý. Từ cái gốc pháp trị ấy mà mỗi
cá nhân được tự do phát triển trong khuôn khổ của pháp luật.
Cách tiếp cận này sẽ ngược với cách tiếp cận
“công bằng” hay “công lý” kiểu Nga: cá nhân chỉ được hành động nếu người ấy được
cộng đồng cho phép và hành động cũng theo chuẩn mực của cộng đồng. Chuẩn mực đó
không phải được xây dựng trên cơ sở của khoa học pháp lý (mà khoa học pháp lý của
hầu hết các nước văn minh được xây dựng trên cơ sở quyền con người được xác lập
từ Đại cách mạng tư sản Pháp 1789) mà xây dựng trên tư tưởng của một cá nhân hoặc
một nhóm cá nhân nào đó.
Cũng từ những điểm gạch đầu dòng trên đây,
chúng ta nhận ra được rằng người Ukraine vốn là dân tộc gốc của Kyivan Rus, chắc
chắn mang trong mình những nét hết sức đặc thù đó đến cuộc sống hiện đại, cùng
với người Nga. Câu chuyện là nhân dân của quốc gia nào có ý thức hơn về một xã
hội khác với những giá trị khác được áp dụng mà vẫn đảm bảo giữ được những nét
tốt đẹp của truyền thống nghìn năm. Những tấm gương chiến đấu quả cảm và sẵn
sàng hi sinh của người lính Xô-viết trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai chống
chủ nghĩa phát-xít, có gốc rễ rất vững chắc từ cái truyền thống đó.
Nhưng ngược lại, truyền thống nào cũng vậy,
cũng chứa đựng cả những ưu điểm và nhược điểm và nếu cứ khư khư giữ mãi, thì sẽ
sa vào thủ cựu, sai lầm. Còn nếu những truyền thống đó được giữ trong một xã hội
bị khống chế bởi một số cá nhân đen tối, thì nó sẽ dẫn tới việc một tư tưởng phản
động lan tràn và khống chế xã hội. Ở phần sau, chúng ta hãy cùng xem xét xem xã
hội Nga hiện nay đang trượt tới chỗ để tư tưởng phản động khống chế như thế
nào.
***
Có lần, tôi đọc ở đâu đó có người Nga viết:
“Cuộc khủng hoảng mà nước Nga đang phải gánh chịu hiện nay ở nhiều khía cạnh
liên quan đến việc người dân đã mất ý tưởng đoàn kết với nhau, và không rõ
chúng ta phải chịu đựng và kiên nhẫn vì điều gì. Vì vậy, tìm ra một ý tưởng cơ
bản mới sẽ là một cách hiệu quả để Nga vượt qua khủng hoảng”.
Đọc tư tưởng này, chúng ta chợt nhận ra rằng
chúng ta đã rất gần với sự thật. Người Nga đã có lúc nào đó nhận ra mình bị khủng
hoảng về hệ giá trị, hoặc nói một cách khác hệ giá trị đã có trước đây, bị tổn
thương nghiêm trọng. Câu nói của tổng thống Nga V. Putin “Sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn
nhất của thế kỷ trước” đã thể hiện đầy đủ nhất,
sâu sắc nhất… Nó không chỉ là một câu than vãn về sự thua thiệt của nước Nga về
địa chính trị, mà thể hiện cảm nhận của ông ta trước quá trình mất mát, thậm
chí băng hoại của “hệ giá trị Nga”.
Với V. Putin, hệ giá trị Nga trong giai đoạn cận
đại đến hiện đại đạt đến cực điểm là trong thời Liên Xô, trong đó có những “đỉnh
cao” chính. Đầu tiên, Ngày Chiến thắng 9 tháng Năm là đỉnh cao chói lọi, rực rỡ
nhất và sau đó là các thành tựu khác của Liên Xô, như vệ tinh Sputnik, người đầu
tiên bay vào vũ trụ Gagarin, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ Tereshkova… Từ
đỉnh cao Ngày chiến thắng, còn có những thành tựu phái sinh như lực lượng quân
sự lớn nhất có số xe tăng nhiều nhất và cả việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn
nhất…
Tất nhiên, người ta sẽ cố tình quên đi những
“thành tựu” khác như mặc dù V. Lênin đề ra các tiêu chí ưu việt của phương thức
sản xuất xã hội chủ nghĩa và sau đó là cộng sản chủ nghĩa, chẳng hạn như
“nhanh, nhiều, tốt, rẻ…” và khi hàng hóa tuôn ra tràn đầy, phân phối theo nhu cầu,
làm thì theo năng lực… Nhưng cuối cùng thì hàng hóa của Liên Xô không đủ đáp ứng
nhu cầu nhân dân về số lượng và chất lượng thì chẳng bao giờ cạnh tranh được với
hàng hóa tư bản.
Vì dựa trên tư tưởng tập thể trên hết dẫn đến
“cào bằng”, đã làm băng hoại cái gọi là “đạo đức lao động” xã hội – khái niệm cực
kỳ hay tôi vừa “học mót” được của một bác bạn trên mạng Facebook. Một xã hội
không có nền sản xuất hiệu quả, một xã hội thiếu sáng tạo do cá nhân không được
phát triển đúng mức, thì chắc chắn sẽ trở thành một xã hội chết yểu.
Sau khi Liên Xô tan rã, không phải lãnh đạo
Nga không muốn thay đổi – nhưng đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Với những đặc
điểm trên đây của “hệ giá trị Nga”, nếu từng người trong xã hội ý thức được nhu
cầu thay đổi thì còn có hi vọng, nhưng nó phải cần có thời gian và đặc biệt, phải
có những điều kiện nhất định. Chúng ta hãy nhặt ra một số nước là “công hòa của
Liên Xô cũ” như ba nước vùng Baltic do mang sẵn những giá trị văn minh, văn hóa
châu Âu, nên cũng là những nước đi đầu trong quá trình “thoát Nga”. Điều tương
tự đã, đang và sẽ xảy ra cho một số nước khác như Moldova, Georgia hay thậm chí
bây giờ là Azerbaijan.
Câu chuyện đơn giản hơn với Belarus – người ta
bảo “Belarus là Nga”. Câu chuyện phức tạp hơn với Ukraine: người Nga và nhiều
người Ukraine gốc Nga khăng khăng “Ukraine là Nga”, còn người Ukraine thì không
nghĩ như vậy. Đặc điểm này có cái hay, và có cái dở. Một quốc gia, một dân tộc
đứng bên bờ vực bị thủ tiêu cả lịch sử lẫn truyền thống văn hóa khi người ta ý thức
được điều đó cả hơn trăm đến vài trăm năm qua, thì chắc chắn mong muốn “thoát
Nga” là tất yếu. Ngược lại, cái dở là tư duy theo chiều ngược lại của người Nga
sẽ không chấp nhận điều đó và lại một điều tất yếu nữa – chiến tranh chắc chắn
sẽ xảy ra. Đó là sự trừng trị của người Nga với mong ước “thoát Nga để bước về
phía văn minh” của người Ukraine.
Đến đây chúng ta nhận ra rằng, phải có sự đè
nén và áp bức, có sự chênh lệch về các giá trị văn hóa (như người Nga luôn tự mặc
cảm là có nền văn hóa thấp kém hơn các nước châu Âu, kể cả Đông Âu và lại kể cả
họ nữa, so với các dân tộc bị đô hộ như dân ba nước Baltic), thì cộng đồng dân
cư, dân chúng… mới có ý thức rõ rang về việc rời bỏ một cái cũ, để hội nhập với
nền văn minh. Điều này rất đúng và rất rõ với những người dân của đất nước
Ukraine hiện nay đang chiến đấu không chỉ cho độc lập, tự do của Tổ Quốc mình,
mà còn cho mong muốn hội nhập với châu Âu.
Thêm cái “đến đây” nữa – chúng ta chợt phát hiện
ra đã có câu lý giải cho cái lý thuyết, thậm chí có ý trách móc rằng sau khi
Liên Xô tan rã, nước Nga của Boris Yeltsin đã “mềm hai đầu gối” thèm muốn đi
theo nền dân chủ phương Tây đến rơi rụng cả ra, nhưng phương Tây lại… lạnh lùng
từ chối. Dù phương Tây có vội vàng đến nồng nhiệt chào mừng nước Nga lúc đó tham
gia vào cộng đồng, thì kế hoạch đó chưa chắc đã thành công vì trước hết, sự
khác biệt quá lớn giữa các “hệ giá trị”. Người Nga trước hết có những sự lý giải
rất khác về thế giới và nhân sinh, so với hầu hết các cộng đồng nhân dân thế giới
còn lại. Sau đó, từ sự khác biệt về lý giải sẽ có cách tiếp cận và giải quyết vấn
đề cũng rất khác. Cá nhân tôi thì cho rằng khi đó phương Tây có tiếp nhận thì
nước Nga và người Nga cũng chẳng hòa nhập được, thì đúng hơn. Đó là tôi nói từ
góc độ hệ giá trị, mà cốt lõi của nó là văn hóa và tư tưởng, còn các điều kiện
về pháp luật, thể chế và kinh tế chỉ là những yếu tố thuần túy kỹ thuật.
Đáng tiếc là, tất cả những
đặc điểm của văn hóa và tư tưởng, hay “hệ giá trị” Nga được Putin lợi dụng một
cách triệt để nhất theo cách có lợi nhất cho ông ta. Trong bài “’Chiến thắng lịch sử’ của Putin” tôi đã viết về quá trình
thay đổi của chính sách của Nga:
– Thay đổi thái độ với các nước phương Tây từ
đồng minh chia sẻ chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, trở thành
những nước hậu thuẫn cho tư tưởng và chủ nghĩa phát-xít mới. Nước Đức không còn
là một nước đã thoát ra được khỏi chủ nghĩa phát-xít, tiến về phía văn minh và
tiến bộ nữa mà… vẫn là phát-xít.
– Dần dần độc chiếm công lao của các nước Đồng
minh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, biến tất cả thành của Nga hết.
Bây giờ thì chúng ta có thể viết thêm. Trong
quá trình thay đổi đến mức “viết lại lịch sử” đó của Putin, có thêm các yếu tố
khác.
– Nhân dân Ukraine đang rên xiết lầm than dưới
ách của “bọn phát-xít Kyiv” cầm đầu là Zelenskyi (một người Do Thái, nực cười
chưa!)
– Chủ nghĩa phát-xít mới này ngoài Ukraine là
tên lính xung kích, còn có những kẻ hậu thuẫn. Bất cứ những hành động phá bỏ
tàn tích của thời Xô-viết được thể hiện qua các hình tượng người lính Hồng quân
“giải phóng” trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai ở các nước Đông Âu, đều bị
tuyên truyền trong dân chúng Nga là “sự phục hồi của chủ nghĩa phát-xít”.
Ở Nga, ngoài những ca ngợi từ thời Xô-viết đối
với cuộc chiến tranh mà chúng ta vẫn quen với cách gọi “Chiến tranh Vệ quốc vĩ
đại” được đưa lên đến mức thần thánh (“Священная война” – “Cuộc Chiến tranh thần
thánh”), thì ngày nay tất cả những gì đụng đến cuộc chiến tranh này, bị coi là
đụng đến lòng yêu nước. Điều đó sẽ dẫn đến một điều dễ hiểu rằng, những sự thật
không hay ho về những người lính Liên Xô khi tràn vào các nước Đông Âu, thậm
chí gây tội ác (ở Berlin, ở Hungary…) nếu được đem ra bàn luận ở Nga, người Nga
đó sẽ bị coi là phản động và thậm chí, phản bội Tổ Quốc.
Bạn đọc hãy thử tưởng tượng rằng, khi mà tất cả
những người xung quanh, thậm chí bố mẹ của bạn mà nhất nhất, khăng khăng tin
như vậy và nói như vậy, khái niệm Tổ Quốc của họ, khái niệm lòng yêu nước của họ…
như vậy, bạn có thể làm khác được không? Không thể – những người muốn làm khác
đi, họ đã bỏ đi từ năm ngoái rồi. Ở lại là những người cam chịu – hay như trên
đây tôi đã viết: hi sinh và chịu đựng, nhưng lại được cả xã hội tôn vinh như
anh hùng. Với họ, cuộc chiến tranh ở Ukraine lại là một cuộc chiến thần thánh nữa,
còn những người Ukraine đang bảo vệ Tổ Quốc kia – với người Nga làm gì có khái
niệm đó – mà với họ đó là một khái niệm sai lầm và mù quáng dưới sự dắt mũi của
Đế quốc và Phát-xít.
Nào, bạn đọc đã thấy sự cao cả ấy như thế nào
chưa? Ngay cả các bà mẹ Nga họ không cảm thấy sự hổ thẹn nào đâu, mà khi cầm
cái áo lông hoặc chìa khóa ô tô Lada, họ tự hào: con trai tôi vừa hi sinh anh
dũng cho Tổ Quốc (“Đằng nào mà chẳng chết, thà chết trên chiến trường còn hơn
chết ở nhà vì rượu” – bản quyền V. Putin) mà tôi còn được Nhà nước quan tâm “chế
độ chính sách” áo lông, ô tô đây này… Con thì được phong thánh còn gia đình thì
được áo lông với ô tô, quả là chẳng có gì tuyệt vời hơn.
Còn những người trai trẻ của nước Nga, rõ ràng
họ chẳng có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên dừng những định kiến
sai lầm, mà chủ yếu do sự xúc động trước cuộc chiến tranh vô nghĩa đang xảy ra
cho nhân dân và đất nước Ukraine mang lại. Đúng, quân Nga ở Ukraine đã hành động
tàn ác và dã man ở rất nhiều nơi, với rất nhiều người Ukraine, nhưng những kiến
giải trên đây hi vọng phần nào mang lại cho chúng ta lời giải đáp. Người lính
Nga hành động như vậy, thậm chí họ tin tưởng chắc chắn là họ hành động do sự
thôi thúc của mong muốn tốt đẹp và lòng… nhân hậu đằng sau. Còn những nạn nhân
của họ, không phải là những người dân Ukraine vô tội, mà một khi đã dám chống lại
họ, nghĩa là hiện thân của chủ nghĩa phát-xít.
Putin đã cực kỳ tinh vi,
ranh ma và phản động khi khai thác truyền thống của “hệ giá trị Nga” gắn nó với
tính chính trị và lịch sử, nhất là lịch sử của cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Vì vậy trong bài viết “’Chiến thắng lịch sử’ của Putin” tôi đã viết rằng,
thực chất Putin đã bôi nhọ thanh danh của người lính Xô-viết trong cuộc Chiến
tranh đó. Đồng thời những lý giải trên đây, tôi muốn nói rằng ngoài Putin là kẻ gây ra tội vạ chính trong cuộc chiến
tranh ở Ukraine, thì người Nga không hề vô can. Trước
những gì họ đã gây ra ở Ukraine, họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Nạn nhân
là vì họ không nhận ra âm mưu của Putin. Thủ phạm là vì họ không bước ra khỏi
được những nhược điểm của cái gọi là “hệ giá trị truyền thống” để hướng tới những
giá trị văn minh hơn. Sự thật là trong kế hoạch đó của Putin, rất nhiều người
Nga đã tìm lại được “hệ giá trị” tưởng như đã mất của mình.
Vì thế – chúng ta nên dừng những định kiến sai
lầm cho rằng – trước đây “cứ người Nga là nhân hậu” thì bây giờ rất nhiều người
chống cuộc chiến tranh của Nga và ủng hộ Ukraine, lại cho rằng ngược lại, người
Nga tàn ác, dã man và ngu ngốc, thậm chí bị gọi là “lợn”. Cách cách tiếp cận cứng
nhắc và bảo thủ đó đều là sai lầm. Người Nga chẳng hề ngu, ngược lại rất thông
minh và hài hước; người Nga chẳng hề độc ác, ngược lại họ có cái nhân hậu của họ…
Nhưng họ lại sẵn sàng hành động cứng nhắc đến mức ngu ngốc (cuộc chiến tranh ở
Ukraine lần này rất nhiều những biểu hiện như vậy) và tàn ác kinh khủng và dễ
dàng trở thành tội phạm chiến tranh.
“Dùng lý trí không thể hiểu được người Nga” –
ai đó đã nói như vậy. Đừng cố hiểu người Nga, tốt hơn cả là nên đọc lại câu:
“Chúa đã chịu đựng và ra lệnh cho người Nga”.
Trong bài “Người Nga có muốn chiến tranh
không” tôi cũng đã từng viết: người Nga đúng là cũng phải cần một cuộc chiến
tranh như thế này. Đầu tiên, một cuộc chiến sẽ giúp họ hết ảo tưởng sức mạnh về
quân sự, về một cường quốc vĩ đại trong đủ mọi mặt – trái lại yếu kém và thua
kém thế giới về nhiều thứ. Tiếp theo, một cuộc chiến sẽ cho thấy họ, người Nga
là những người coi thường thời đại. Và về lâu dài, điều thứ ba sẽ có rất nhiều
người Nga nhận ra rằng có nhiều thứ trong cái “hệ giá trị Nga” đó phải được bỏ
lại, nếu không thì tất cả hệ giá trị đó là vô nghĩa.
***
Có một điều cuối tôi muốn viết thêm – trên đây
tôi đã nhắc đến tấm gương quả cảm của người lính Xô-viết trong Chiến tranh Thế
giới lần thứ hai chống phát-xít. Tôi không nhớ trong cuốn sách nào của Liên Xô
trước đây viết về cuộc chiến này, có thống kê rằng: trong quân đội Xô-viết tham
gia cuộc Chiến tranh, cứ sáu (6) người lính Xô-viết thì có một (1) người
Ukraine; nhưng khi kết thúc cuộc Chiến tranh, cứ hễ ba (3) người được phong Anh
hùng Liên bang Xô-viết, thì trong đó có một (1) người Ukraine. Những “con số biết
nói” này kể cho chúng ta rằng, ngoài chủ nghĩa anh hùng và sẵn sàng hi sinh,
người Ukraine còn là những chiến binh quả cảm và thiện chiến. Chiến tranh
sẽ kết thúc, và chiến thắng sẽ chắc chắn thuộc về nhân dân Ukraine. Văn minh
nhân loại cũng sẽ chờ đón họ.
_____
[1] Robin Murphy Williams (11 tháng 10 năm
1914 – 3 tháng 6 năm 2006) là một nhà xã hội học người Mỹ, người chủ yếu được
biết đến với việc xác định và xác định 15 giá trị cốt lõi là trung tâm của lối
sống Mỹ. Không nên nhầm lẫn với diễn viên hài Mỹ đã quá cố.
[2] Rome là trung tâm của Đế chế La Mã, được
coi là “La Mã thứ nhất”. “La Mã thứ hai” là Constantinope.
[3] Ông Putin nói trong thông điệp Liên bang
trước Quốc hội Nga năm 2005, nguyên văn “Распад СССР как крупнейшую
геополитическую катастрофу прошлого века.”
.
.
Bài
này tuyệt vời quá. Thực sự giúp tôi hiểu rõ thêm được người Nga. Đây là vấn đề
phức tạp, và bực mình một cái, là nhiều ace pro-Ukraina, hay kể cả bò đỏ, học
hành và làm việc ở Nga bao nhiêu năm, nhưng khi viết về "tính cách
Nga", thì phân tích không đủ sâu. Cảm giác là đa số mọi người ít thu
thập dẫn chứng lịch sử, không hòa nhập xã hội, nên hiểu biết rất nông cạn. Từ
bài này rút ra được một đặc điểm, là về phần hồn, họ (dân Nga) đã được chăm
sóc, và định hướng.
Đây
là một sức mạnh khốn khổ. Nhưng họ tin vào việc đó, vì sức ép từ môi trường, và
vì bản thân không chịu tìm hiểu, đấu tranh. Có thể đa số thanh niên và người
già đắm chìm trong những niềm vui ngắn hạn, như mua được áo lông, dùng điện thoại,
có thịt để ăn, uống rượu, đập phá,...Ngay cả thành phố của họ, những thôn quê
nhỏ, không hề được chăm chút, mà nó bẩn thỉu bệ rạc. Khác xa với những thành phố
thôn quê chúng ta gặp ở những nước đông âu khác, những nơi không hề giàu có,
nhưng vẫn có cảnh quan đẹp, đường xá sạch sẽ, nhà cửa được trang trí. Ngay cả
làng ở Việt Nam cũng sạch đẹp hơn rất nhiều. Bảo tại sao cứ gọi là "Lợn".
Vậy
liệu người Nga có tin vào sự chính nghĩa của họ không? tôi cho là họ cũng à ơi,
tin đi cho xong việc, chứ thực sự không quan tâm. Dù sao đây cũng là một câu hỏi
khó. Và có thể trả lời là: Có. Nhưng câu hỏi thực sự lại là "Có" đến
mức nào? Liệu có đến mức: "Không có thu nhập và Tỉ lệ chết cao mà họ vẫn sẵn
sàng xung phong ra chiến trường?" Họ phải đạt mức này thì mới có thể nói đến
tình yêu nước vô điều kiện được. Bằng không, sẽ có điểm mà họ quay đi và đế chế
sụp đổ. Nếu đặt câu hỏi như thế, thì câu trả lời lại là: Không.
Có một
anh người Ukraina, nick "Tatarigami", là một anh bộ đội phục vụ ở gần
Vugledar, tôi theo dõi Twitter, rất hay, anh ấy rất công phu, thu thập rõ nhiều
dữ liệu. Và kết luận của anh ấy à, hành vi của binh sĩ Nga có thiên hướng
"tiêu dùng" nhiều hơn là theo đuổi "lý tưởng", hay
"căm thù" ai đó. Họ thực sự không quan tâm, sau khi phần hồn đã được
chăm sóc qua loa, thì chỉ cần thỏa mãn xác thịt. Cụ thể, anh ấy phát hiện ra,
đa số trao đổi của binh sĩ là về kiếm tiền, mua cái gì, chế độ ra sao, có thêm
là chửi chỉ huy ngu si. Những câu chuyện hay trao đổi nhất là:
* Sửa
nhà, nâng cấp căn hộ
*
Mua ô tô cho mình hoặc cho vợ cũ
* Trả
nợ vay trả góp
* Trả
tiền nuôi con
* Có
chứng nhận chiến đấu (combat ID) để có hưu sau này
* Kiếm
tiền, để hè về cho gia đình đi chơi
*
Mua đồ gỗ, điện thoại,..
Họ
chỉ đơn giản coi đây là cơ hội kiếm tiền thôi, chứ không quan tâm khía cạnh đạo
đức của việc họ làm. Đó ko phải là mối quan tâm.
Vậy
người Nga có coi dân tộc mình là vĩ đại không? Câu trả lời là Có. Nhưng
"Có" ở đây là thấy người kia bảo thế. Chứ không phải vì những niềm
tin sâu sắc, có căn cứ, có trải nghiệm. Họ sẽ không bao giờ đặt câu hỏi thực tế.
Nếu nói như niềm tự hào lâu nay của Nga, phát triển mạnh về công nghệ, thì như
trong ngành CNTT khá đình đám của họ, anh chủ Yandex, Arkady Volozh, là người
do thái. Chủ của Telegram, Durov, là người do thái. Anh founder Google Sergei
Brin cũng người do thái. Hoặc ngay như vô định cờ vua thế giới Kasparov cũng
là....Và những người do thái đó đã đi đâu cả rồi. Ngay cả trường đại học tốt nhất
của Nga, Đại học Quốc Gia Nga - Lomonosov cũng chỉ xếp thứ 108 trên bảng xếp hạng
đại học Shanghai Jaotong. Tóm lại là có phải khoa học công nghệ của Nga dẫn đầu
thế giới không? Thì tất nhiên là Có rồi, TV Nga nói thế.
Khi
mà con người không có khả năng tự đánh giá, lười suy nghĩ, và luôn muốn thỏa
mãn lợi ích ngắn hạn như vậy. Làm gì có chỗ cho sự bao dung. Họ chỉ biết là đi
đánh bọn U (hay Nato, chả quan trọng) thì có tiền, hoặc thoát tội, hoặc ít ra
ko bị bọn kia bắn. Dẫn đến những hành vi của người Nga trong chiến tranh mà
chúng ta, nếu không nghĩ sâu, không thể lí giải được. Ví dụ lính Nga, hay bỏ đồng
đội bị thương nằm trơ đó, ừ thì chả liên quan đến thu nhập, mà tội gì phải rủi
ro. Hoặc chỉ huy thúc lính lao lên hứng đạn, ừ thì hứng, cốt là ta vẫn có thu
nhập tháng sau. Bắn tên lửa vào thường dân, thì bắn chứ sao, cốt là ko bị cắt
lương, ko bị đánh.
Tôi
đọc rất nhiều bài phân tích người Nga rồi, nhưng đúng là bài của bác Phúc
Lai GB giúp tôi ngộ ra, kết nối nhiều thông tin lại thành được một
hệ thống. Trước nhiều anh em cứ phân tích lẫn với thơ ca này kia, trả liên
quan. Rất cảm ơn bác.
Bài
của anh Tatarigami ở đây, các bác chịu khó đọc (hoặc translate ra đọc), rất là
hay đấy.
https://twitter.com/Tatarigami_UA/status/1632978756250882050
TWITTER.COM
Tatarigami_UA on Twitter
Tác giả
Nguyen Thanh Trung cảm ơn bác vì comment rất tâm huyết.
Khi
mà người Nga thấy tất cả những người xung quanh nói cùng một điều, anh ta sẽ
coi đó là chân lý và không cần tìm hiểu xem chân lý đó như thế nào. Tiếc là tất
cả những người trong cái "xung quanh"
đó cũng y như thế.
=============================================
Nhân bác Nguyen Thanh Trung nói về việc
Putox tẩy não dân N.ga, tui xin viết thêm mấy dòng còn đi ngủ, mai còn
dịch nốt phim. Như có lần tui đã viết trong bài "Chiến thắng
lịch sử của Putox" dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát-xít có
lẽ là dịp cuối cùng họ - Putox cùng bộ sậu thân thiện với phương
Tây. Năm đó ông Bush sang Mátxcơva dự lễ kỷ niệm trên Quảng trường Đỏ.
Đến tối, chương trình văn nghệ có Miirelle Mathieu hát "La Vie en
Rose" cũng trên cái quảng trường đó.
Chỉ năm sau, thái độ của Putox và bộ
sậu trở mặt nhanh như người yêu cũ. Phương Tây trở thành con ngoáo ộp
hậu thuẫn cho chủ nghĩa phát-xít, đang hoành hành ở phương Tây, dù
phương Tây "vẫn đang phụ thuộc khí đốt N.ga." Câu chuyện ở đây
là, thực sự nước N.ga và người N.ga có gì đó đáng thương: về tinh
thần ngoài sự lũng đoạn của bè lũ Putox và thượng phụ Ký-ninh đứng
đầu Chính thống giáo, họ chỉ còn bấu víu duy nhất là cuộc Chiến
tranh Vệ quốc.
Nếu thời Liên Xô, người N.ga còn có
những chỗ dựa tinh thần khác: ngày lễ Lao động 1/5, Chiến thắng 9/5,
Cách mạng tháng Mười 7/11 và thành lập Liên Xô 30/12, ngày nay họ chỉ
còn hai ngày là Lễ năm mới cùng Chiến
thắng 9/5 là có ý nghĩa. Khoảng sau mốc 60 năm
trên đây vài năm, Putox cho khôi phục một hoạt động mà thoạt nhìn
tưởng rất ý nghĩa, là ngày 7/11 kỷ niệm... cuộc duyệt binh lịch sử
mà từ đó các đơn vị tham gia đi thẳng ra mặt trận để bảo vệ
Mátxcơva. Thực chất đó là một show diễn không hơn không kém có kèm
thêm vai diễn của các cựu chiến binh. Ấy thế mà có một vài năm,
vê-tê-vê vẫn cố đưa tin là "các hoạt động kỷ niệm Cách mạng
tháng Mười diễn ra trên khắp nước Nga, còn trên Quảng trường Đỏ vẫn
diễn ra lễ kỷ niệm hoành tráng" sau thấy chối quá mới thôi.
Có thể nói đó là một quá trình tinh vi
và nhiệt tình. Cần nói thêm rằng có nhiều người Việt Nam cứ tưởng
Quốc khánh Liên bang N.ga là 12/6 - thực ra đó là Ngày nước N.ga,
không phải là quốc khánh. Người ta bịa ra nó để các sứ quán ở nước
ngoài nhận lời chúc tụng, chứ nó chẳng là gì cả với người N.ga.
Với họ, vẫn là 9/5 trên hết.
Vậy đó, với người N.ga cuộc chiến tranh
thần thánh nó ghê gớm đến thế, nên mọi điều chóp bu cầm quyền muốn
kích thích dân chúng, cứ quy về phát-xít là tiện nhất. Kế hoạch
tinh vi và có thể nói rất khoa học về mặt tuyên truyền, đánh đúng
vào điểm yếu của dân N.ga là chẳng có chỗ bấu víu nào về tinh thần
để tự tôn. Như chúng ta còn có đầy: 3/2 sinh nhật bác Đảng, 10 tháng
Ba âm giỗ cụ Hùng, 19/5 giỗ ông bác tui, quốc khánh 2/9 tui nói đồng
bào nghe rõ không... thôi thì đủ...
Có lần tui còn thống kê những nước xung
quanh N.ga có ngày quốc khánh là ngày tuyên bố độc lập từ Liên Xô,
có mỗi Belarus là lấy ngày giải phóng khỏi phát-xít năm 1944.
Một dân tộc không có chỗ bấu víu về
tinh thần thì thật là bất hạnh.
Hình :
https://www.facebook.com/photo?fbid=870351537386238&set=pcb.870359994052059
.
No comments:
Post a Comment