Chiến
tranh Ukraina và sự phi lý mang tên Bakhmout: Ít ý nghĩa chiến lược, nhiều thiệt
hại nhân mạng
Thùy Dương - RFI
Đăng ngày: 08/03/2023 - 14:29
Hôm nay là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03, bên cạnh các
bài viết về cuộc đấu giữa chính phủ và giới nghiệp đoàn Pháp về cải tổ chế độ
hưu trí, đa phần các báo Pháp đều dành nhiều chỗ để nói về tình trạng bất bình
đẳng giới trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chiến tranh Ukraina vẫn là chủ
đề không thể thiếu. Nếu như Libération nói về "Tù nhân chiến tranh : Một
người hùng mới của Ukraina", La Croix có bài xã luận "Chiến tranh đến
mức phi lý" để nói về Bakhmout.
Binh sĩ Ukraina gần thành phố Bakhmout, miền đông Ukraina, ngày
07/03/2023. AP - Libkos
La Croix nhận định, từ một thành phố với
70.000 dân, ở trung tâm vùng Donbass, miền đông Ukraina, Bakhmout nay chỉ còn
là khu đổ nát, bị phá hủy tới hơn 80%. Chính quyền Ukraina không công khai thừa
nhận thất bại ở Bakhmout, tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn yêu cầu quân đội
tăng viện để bảo vệ Bakhmout. Nhưng những lời chứng mà La Croix thu thập được gần
khu vực này cho thấy Bakhmout gần như đã bị bao vây hoàn toàn.
La Croix gọi đây là một trận chiến phi lý. Hầu
hết các nhà quan sát cho rằng chiến thắng ở Bakhmout không thể mang lại những
biến chuyển lớn trong cuộc chiến Ukraina. Tác động lớn nhất là về tâm lý.
Matxcơva trông chờ vào chiến thắng ở Bakhmout để xóa tan nỗi nhục mang tên
Kherson, địa phương mà Ukraina đã giải phóng hồi mùa thu năm ngoái. Đối với
Matxcơva, chiến thắng ở Bakhmout cũng chứng tỏ các lực lượng Nga vẫn làm chủ được
tình hình.
Theo La Croix, một nguyên nhân khác đẩy
Bakhmout thành "thảm kịch", mà tổn thất của cả hai bên dường
như đều rất nghiêm trọng, là các cuộc đấu đá giữa các phe nhóm quanh Vladimir
Putin, một bên là Evgueni Prigojine, ông chủ đội lính đánh thuê Wagner hiện
đang ở tiền tuyến Bakhmout, và bên kia là tổng tham mưu trưởng quân đội và bộ
trưởng Quốc phòng Nga.
La Croix hết luận chính vì những lý do kể trên
mà Bakhmout nay có tên trong danh sách dài các trận chiến có thiệt hại nhân mạng
vô cùng thê thảm, trong khi không có nhiều lợi ích chiến lược.
Cải cách sách giáo khoa lịch sử Ukraina : Trận đánh
xa chiến trường
Báo Le Monde số hôm nay phát hành từ trưa thứ
Ba, quan tâm dàn trải đến vô cùng nhiều chủ đề, cả về quốc tế và thời sự trong
nước : Tổng thống Macron trước thách thức đổi mới dân chủ ; lợi thế của giới
nghiệp đoàn Pháp trong cuộc đấu tranh chống cải tổ hưu trí, thông điệp báo động
của chính phủ Pháp về hạn hán, nạn bất bình đẳng với nữ giới trong lĩnh vực
nông nghiệp tại Pháp, xu hướng cực đoan của cánh hữu tôn giáo Israel, sự đoàn kết
của liên đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với ứng viên Erdogan trong kỳ bầu cử
tổng thống sắp tới, Ngân hàng thế giới trước thách thức như biến đổi khí hậu …
Nhìn sang Ukraina, Le Monde tạm gạt sang một
bên tình hình chiến sự để hướng tới một mặt trận khác trong cuộc chiến chống quân
Nga xâm lược, đó là những bài giảng lịch sử trên lớp cho học sinh. Vốn ít được
nhắc tới nhưng nay Kiev đó xem như một thử thách có tầm quan trọng sống còn đối
với an ninh quốc gia của Ukraina, chống Nga và cũng là để dựng xây một đất nước
Ukraina trong tương lai, thoát khỏi di sản Liên Xô để lại và hướng hoàn toàn
sang Liên Âu.
Le Monde cho biết Kiev đã lập một nhóm công tác để khẩn trương đổi mới
chương trình giảng dạy và đấu tranh chống hoạt động tuyên truyền của Nga. Chương trình phải sẵn sàng ngay cho niên
khóa 2023-2024. Các cụm từ như “cuộc xâm lược diện rộng”, “chiến
tranh”, “tư tưởng Putin”, “đế chế Xô Viết” … sẽ được đưa vào sách giáo
khoa ở Ukraina. Le Monde trích dẫn Hannah Baikenich, Viện tưởng niệm quốc
gia Ukraina, theo đó “các học sinh xứng đáng được biết sự thật”. Dạy
lịch sử thế nào để học sinh hiểu được về lịch sử “đích thực của Ukraina
chứ không phải là lịch sử đã bị bộ máy tuyên truyền của Nga bóp méo”? Le
Monde gọi đó là “trận đánh xa chiến trường”, tại các lớp học.
Le Monde nhắc lại từ nhiều năm nay, Vladimir
Putin đã thao túng lịch sử. Hồi năm 2022, chủ nhân điện Kremlin cũng đã tìm
cách viết lại lịch sử bằng cách biện minh cho cuộc xâm lăng là để “phi
phát xít hóa” Ukraina. Ngay từ những ngày đầu xâm lược Ukraina, ở vùng
quân Nga chiếm đóng, họ đã đẩy mạnh công cuộc Nga hóa : đốt sách sử
Ukraina và thay bằng sách giáo khoa mới của Nga. Các tư liệu lưu trữ về hành vi
trấn áp thời Liên Xô cũng bị tiêu hủy. Chính vì thế, một giáo viên, thành viên
tổ công tác cải cách sách sử, cho Le Monde biết mặc dù một nửa số học sinh
Ukraina đã phải di tản ra nước ngoài hay tới miền tây đất nước, nhưng nhà chức
trách Ukraina vẫn thấy cần khẩn trương thay đổi giáo trình, gọi đúng tên sự thật.
Thụy Sĩ trung lập hay đồng lõa với Nga ?
Nhìn sang Thụy Sĩ, Le Monde giới thiệu bài
phân tích "Chiến tranh Ukraina :
Thụy Sĩ rời xa vận mệnh chung của châu Âu" của thông tín viên Serge Enderlin từ Genève.
Biện minh rằng Thụy Sỹ là một quốc gia trung lập,
Bern không muốn đứng về phe phương Tây để đối phó với đế quốc Nga. Yêu cầu cấm
Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha gửi vũ khí của Thụy Sĩ cho quân đội Ukraina đã khiến
nhiều người choáng váng. Nhưng nhà chức trách viện dẫn đặc thù trong hệ thống
dân chủ Thụy Sĩ, tầm quan trọng của công luận thông qua trưng cầu dân ý. Bern
cũng cho rằng số ít vũ khí của Thụy Sĩ sẽ không thể làm thay đổi cuộc xung đột.
Chủ tịch Liên bang Bỉ, nhiệm kỳ 2023 (vị trí
luân phiên giữa 7 thành viên của Hội đồng Liên bang) Alain Berset, giải thích
ông “rất lo ngại về bầu không khí hiếu chiến hiện đang ngự trị ở hầu hết
mọi nơi trên thế giới, kể cả ở Thụy Sĩ (...) thậm chí cả những người có tư
tưởng ôn hòa trước đây, cũng bị cuốn theo cơn say chiến tranh (…) Không phải vì
những ảo tưởng về sự ổn định, rồi những ảo tưởng về sự thay đổi đột ngột, mà đất
nước chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách vận hành”.
Tác giả bài viết đặt câu
hỏi Thụy Sĩ đang ngạo nghễ hay ngây thơ ? Thụy
Sĩ đang bị tố cáo vô cảm, thậm chí trục lợi từ chiến tranh khi chỉ nhẹ tay trừng
phạt các nhà tài phiệt Nga. Không có đối tác châu Âu nào của Thụy Sĩ phản
đối tính trung lập của Bern, mà chỉ mong đợi Bern nhanh chóng thể hiện tính
linh hoạt để thích ứng tính trung lập với thời đại mới. Ngoại trưởng Đức từng
ám chỉ láng giềng Thụy Sĩ : “Không viện trợ Ukraina tức là chúng ta
đang hùa theo trò chơi của Nga, nước muốn phá hủy trật tự thế giới. Khi đó,
trung lập không còn là một lựa chọn mà là đứng về phía kẻ xâm lược”.
Thông tín viên Le Monde kết luận Bern ngày
càng tự loại mình ra khỏi vận mệnh chung của châu Âu. Một ngày nào đó, sự thụ động
của Bern có thể khiến Thụy Sĩ bị xem là đồng lõa với Nga.
Phương Tây và khả năng trấn áp kinh tế Trung Quốc
Về quan hệ kinh tế giữa Tây phương và Trung Quốc,
Les Echos trong bài viết "Phương Tây nắm giữ đòn bẩy kinh tế của Trung
Quốc", ghi nhận 53% nhập khẩu của Trung Quốc là từ phương Tây theo
nghĩa rộng, tức là Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Tỉ lệ
này trong lĩnh vực bán dẫn lên tới 68%, nếu tính cả hàng Trung Quốc nhập của
Đài Loan. Chính vì thế, theo một nghiên cứu của viện Kinh tế Đức, Phương Tây là
"mối đe dọa tiềm tàng và đáng kể" đối với Trung Quốc.
La Croix nhắc lại là mọi người từ trước tới
nay vẫn nghĩ hiển nhiên là Tây phương rất lệ thuộc vào Trung Quốc,
"công xưởng thế giới", nhưng nay cần phải nói đến chiều ngược
lại. Trung Quốc cũng thực sự lệ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Tây phương và
đó có thể là một phương tiện trấn áp của phương Tây.
Những mặt hàng Trung Quốc
nhập nhiều nhất từ phương Tây là dược phẩm, nước hoa, mỹ phẩm, xe hơi, hóa chất,
các loại hạt, thiết bị đo lường, y khoa và phẫu thuật … Theo Les Echos, Bắc Kinh đã ý thức được về điểm yếu của Trung Quốc và
muốn phấn đấu vượt qua Tây phương. Hồi năm 2017, Tập Cận Bình đã công bố danh
sách các lĩnh vực mà đến năm 2030 Trung Quốc cần đạt được khả năng độc lập,
trong đó có công nghệ robot, công nghệ sinh học, bán dẫn, không gian vũ trụ và
xe hơi chạy điện.
Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu Philippe Le
Corre, Viện Chính Sách Xã Hội Châu Á, đến nay Trung Quốc đã mở rộng vòng tay với
mọi tập đoàn nước ngoài trong các lĩnh vực kể trên nếu thấy các tập đoàn này có
thể giúp cho Trung Quốc đạt các bước tiến trong lĩnh vực có liên quan.
Về phía châu Âu, La Croix nhận định dù đã kiểm
soát tốt hơn các đầu tư của Trung Quốc, nhưng các nước châu Âu vẫn phản ứng khá
chậm chạp.
Pháp và kế hoạch bình đẳng giới : 4 trục
hành động – 100 biện pháp
Trở lại với Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, báo kinh tế
Les Echos cho biết trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu, tỉ lệ phụ nữ trong ban lãnh
đạo các nhà băng đã tăng dần, nhưng vẫn chậm. Tính trung bình trên toàn châu lục,
chỉ có 11% ngân hàng có lãnh đạo là nữ giới. Xét về tỉ lệ nữ giới trong ban
lãnh đạo các định chế tài chính tại từng nước giai đoạn 2019-2021, đứng đầu bảng
là Bulgari với 42,9% giới lãnh đạo ngân hàng là nữ. Tiếp theo là Phần Lan,
Estonia, Pháp. Xếp cuối bảng là Đức, Ý, Bỉ. Tiêng tại Pháp, Les Echos cho biết
nữ giới chiếm 57% nhân lực ngành ngân hàng, nhưng đa phần các ngân hàng lớn vẫn
do nam giới điều hành và khoảng cách thu nhập giữa hai phái vẫn cao.
Về biện pháp của chính phủ để cải thiện tình
trạng bất bình đẳng giới, Les Echos cho biết hôm nay chính phủ Pháp công bố một
kế hoạch hành động 4 năm theo 4 trục chính : đấu tranh chống bạo lực nhắm
với nữ giới ; cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ ; tăng cường
bình đẳng giới về kinh tế và nghề nghiệp ; phát triển văn hóa bình đẳng.
Ngân sách năm 2023 cho kế hoạch bình đẳng giới, với khoảng 100 biện pháp cụ thể,
là 2,3 tỉ euro.
Quyền phá thai và nền móng của phong trào nữ
quyền
Cũng về bảo vệ quyền của phụ nữ, nhưng khác với
Les Echos, La Croix tập trung vào cuộc đấu tranh bảo vệ quyền phá thai tại
Pháp, quyền mà trên trang nhất, La Croix gọi là "nền tảng của phong
trào nữ quyền". La Croix nhận định nếu như các chủ đề như chuyển
giới, gái mại dâm, các biện pháp hỗ trợ sinh sản … còn gây chia rẽ giới đấu
tranh bảo vệ nữ quyền, thì quyền phá thai luôn có sự đồng thuận của các tổ chức
đấu tranh cho phụ nữ, và được xem là "quyền phổ quát".
Báo Công giáo cho biết có thể hôm nay tổng thống
Pháp Macron sẽ công bố ý tưởng nhằm đưa quyền phá thai vào Hiến pháp.
Khủng hoảng : Phụ nữ là nạn nhân đầu tiên
sang Libération, tờ báo thiên tả Libération nhận
định đối mặt với khủng hoảng kinh tế, phụ nữ là các nạn nhân đầu tiên và mang
tính hệ thống, khiến tình trạng bất bình đẳng giới càng thêm nghiêm trọng.
Tại Pháp, tỉ lệ phụ nữ là quan chức và làm việc
trong các ngành tri thức cao cấp chỉ chiếm 43% trong khi xét về trình độ học vấn,
phụ nữ chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới. Tỉ lệ phụ nữ làm việc bán thời gian cao gấp
3 lần so với nam giới. Thu nhập của lao động nữ thấp hơn 25% so với đồng nghiệp
nam.
Một điều đáng buồn được Libération nhắc đến là
mặc dù từ nhiều thập kỷ nay, tình hình đã có những cải thiện, nhưng bất bình đẳng
kinh tế, tài sản vẫn dai dẳng và ngày càng gia tăng. Ở mọi thời điểm quan trọng
trong cuộc đời, như về công việc, hôn nhân, về hưu … phụ nữ đều gánh chịu nhiều
thiệt thòi hơn nam giới, đặc biệt khi ly dị, hưởng thừa kế.
Libération đặc biệt chỉ trích là chính chính
sách gia đình của Pháp có từ thời hậu chiến, cả về thuế khóa, trợ cấp xã hội,
trợ cấp đặc biệt cho các bậc phụ huynh đơn thân nuôi con … đã góp phần khiến những
phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn càng thêm vất vả, trong khi bất bình đẳng về lương
chưa được giải quyết, khoảng cách về thu nhập và tài sản giữa hai phái vẫn cao.
Du lịch cho phái nữ
Nhẹ nhàng hơn, Le Figaro nói về sự phát triển
của loại hình du lịch mới dành riêng cho phái nữ. Trước đây, khi đi du lịch, nữ
giới thường đi với gia đình, nhưng nay ngày càng có nhiều phụ nữ đi du lịch một
mình hoặc cùng với nhóm bạn đồng hành cũng là nữ. Theo Tổ chức du lịch thế giới,
số phụ nữ đi du lịch một mình tăng từ 59 triệu vào năm 2014 lên thành 139 triệu
vào năm 2017. Nhiều phụ nữ người thích đi du lịch với các bạn đồng hành cùng
phái bởi với họ, điều đó mang lại cảm giác thoải mái, họ có thể chia sẻ mọi
chuyện, giúp đỡ lẫn nhau, động viên khích lệ nhau.
Trước nhu cầu mới này, nhiều khách sạn đã nắm
bắt cơ hội. Chẳng hạn, SHE Travel Club đã phát triển hệ thống phục vụ khách
hàng toàn là phụ nữ, với 70 tiêu chí, đáp ứng các nhu cầu đặc thù của phái nữ,
từ vệ sinh, an toàn, đến ăn uống …
No comments:
Post a Comment