Wednesday, March 8, 2023

CẦN MỘT VĂN HÓA KHOA HỌC ĐỂ PHÁT TRIỂN (Nguyễn Xuân Xanh)

 



CẦN MỘT VĂN HÓA KHOA HỌC ĐỂ PHÁT TRIỂN     

Nguyễn Xuân Xanh

19 Tháng Mười Một, 2022

https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/can-mot-van-hoa-khoa-hoc-de-phat-trien/

 

(Bài viết mà một phần trong đó được phát biểu tại buổi hội thảo về vai trò của sách khoa học, công nghệ do Nxb Tri Thức chủ trì sáng ngày 18. 11. 2022 tại TP Hồ Chí Minh)

 

Con hải ly (beaver) xây dựng nhà ở; nhưng chúng xây dựng nhà không khác hơn, hoặc tốt hơn bây giờ so với năm nghìn năm trước…. Con người không phải là động vật duy nhất lao động; nhưng nó là động vật duy nhất cải thiện tay nghề của mình. Anh ta đã ảnh hưởng lên những cải tiến này bằng các khám phá và phát minh.

Abraham Lincoln, 1860

 

Bằng sản xuất (manufacturing), bạn có thể mong đợi hai căn bệnh lớn nhất của nhân loại, mê tín và nô lệ, sẽ được chữa lành.

Ferdinando Galiani, nhà kinh tế Ý thế kỷ 18

 

Tăng trưởng công nghệ là nguyên cớ chính của tăng trưởng kinh tế.

Friedrich List, nhà cải cách kinh tế Đức thế kỷ 19

 

Cho phép tôi bắt đầu bằng câu chuyện tại Hoa Kỳ. Năm 1872, tức chỉ vài năm sau cuộc Nội chiến, một nhà “truyền giáo” khoa học đại chúng nổi tiếng, Edward L. Youmans, đã tự đặt câu hỏi:

Sâu xa hơn tất cả các câu hỏi về Tái thiết, Quyền bầu cử và Tài chính là câu hỏi, bộ óc ngày càng phát triển của dân tộc sẽ cần nền văn hóa nào?

 

Câu trả lời của ông: “Văn hóa khoa học”. “Nguyệt san khoa học đại chúng” của ông lúc đó bán ra mỗi kỳ 10.000 số và đã đem lại luồng gió mới cho giới trí thức với dân số lúc bấy giờ chưa đầy 40 triệu! Những con số đáng nhớ. Không biết người Việt chúng ta có đặt câu hỏi tương tự như thế chưa?

 

Đó là thời kỳ Hoa Kỳ tiến hành công nghiệp hóa đất nước. Luật giao đất liên bang ra đời, khuyến khích các đại học dạy những ngày ứng dụng như cơ khí, thương mại. Cho đến lúc đó, các college đào tạo giáo dục nhân văn là chính cho nhân sự nhà thờ và nhà nước. Những thập kỹ tiếp theo, các college Mỹ đang chuyển mình từ college nhân văn truyền thống sang đại học nghiên cứu theo mô hình Đại học Humboldt Đức, lấy khoa học và học thuật (Wissenschaft) làm đối tượng nghiên cứu, với những nguyên tắc tự do học thuật, được diễn tả qua tự do dạy (Lehrfreiheit) và tự do học (Lernfreiheit). Mô hình này đóng góp rất lớn trong việc phát triển các ngành khoa học cơ bản, và góp phần làm cho nước Đức trở thành cường quốc tại châu Âu vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, và nó dã nhanh chóng lan tỏa trở thành tài sản thế giới về học thuật qua các đại học nghiên cứu ngày nay.

 

Chúng ta cần hiểu tại sao chúng ta cần nhiều sách KHCN. Nguyên cớ sâu xa biến đổi một quốc gia từ nghèo nàn đến giàu có, như bao lần lịch sử đã chứng minh, là đổi mới sáng tạo, là khám phá, là thay đổi sản xuất bằng tay chân thành sản xuất bằng máy móc và công nghệ. Những thứ này phải học chứ chúng không hẳn nằm sẵn trong bộ DNA của các quốc gia nghèo. Họ phải học hỏi từ các DNA của các quốc gia đi trước. Đây là quy trình tiến lên của lịch sử từ Tây cũng như Đông, xa cũng như gần chúng ta.

 

Khám phá, phát minh, thường diễn ra ở những nơi có văn hóa khoa học phát triển, đòi hỏi một bộ phận lớn đáng kể của xã hội sinh hoạt khoa học, nghiên cứu hàng ngày trong các định chế trí thức hỗ trợ như đại học, hàng lâm viện, viện nghiên cứu; có cơ sở hạ tầng trí thức tốt; các ý tưởng khoa học dẫn đường như những giá trị, niềm tin, và tác động lên con người từ đời này sang đời khác. Xã hội châu Âu từng có một văn hóa khoa học và tầng lớp tinh hoa làm khoa học như thế, cho nên họ có những khám phá khoa học vĩ đại, và giàu có. Ba khám phá đột phá của họ: Đại học Trung cổ, Cách mạng khoa học thế kỷ 17, Cách mạng công nghiệp thế kỷ 18, chưa kể cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ hai diễn ra trong những thập niên sau của thế kỷ 19, hay đầu thế kỷ 20.

 

Ở hạ tầng, châu Âu có một văn hóa sáng tạo xây dựng đời sống bằng kỹ thuật, toán học. Những thợ thủ công cũng rất uyên bác và sống trong tinh thần khoa học, toán học chính xác, sáng tạo cũng không kém. Họ xây dựng các nhà thờ Gothic vĩ đại, những xưởng đóng tàu khổng lồ như ở Venice, họ khám phá ra máy in. Họ xây dựng máy dệt, máy hơi nước, xe lửa, tàu biển hơi nước, v.v. Tất cả họ là những người thợ mày mò, cải tiến, phát minh, những “tinkerer”, đều tư duy theo tinh thần khoa học nghiêm ngặt. Họ sống và được nuôi dưỡng trong văn hóa khoa học không ngừng phát triển, thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế-xã hội. Chính hai dòng thác khoa học này, lý thuyết và thực nghiệm, đã hợp thành khoa học hiện đại mà thế giới đang có. Với sự phát triển công nghiệp thế kỷ 18, 19, tri thức phát triển nhanh, nên xã hội trở thành xã hội học tập suốt đời.

 

Hình : https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2022/11/Xuong-dong-tau-Venice.png?resize=869%2C532&ssl=1

Xưởng đóng tàu Venice, nơi hàng vạn công nhân làm việc, một phần văn hóa khoa học châu Âu.

Galilei thường lui tới để trao đổi với những người thợ tinh thông, virtuosi, ở đây.

 

Cách mạng công nghiệp. Cái gì đẵ thúc đẩy các quốc gia phát triển công nghiệp trên phạm vi toàn cầu? Đó là cuộc cách mạng công nghiệp Anh vào những thập niên sau của thế kỷ 18. Năm 1776 đánh dấu sự ra đời của cổ máy hơi nước hoàn hảo của James Watt, khơi mào cho bước phát triển công nghiệp vũ bão sắp tới với máy dệt, máy hơi nước, tàu thủy v.v., kết thúc giai đoạn xã hội thương mại, xã hội được mô tả trong tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia The Wealth of Nations của Adam Smith cũng ra đời cùng lúc, trong đó Smith mô tả sự vận hành của kinh tế bằng một số nguyên tắc đơn giản. Tư tưởng của ông sẽ ảnh hưởng lên sự phát triển của toàn thế giới. (Năm 2023 sẽ kỷ niệm sinh nhật thứ 300 ông.)

 

Cổ máy hơi nước được hoàn hảo hóa của James Watt đã tạo ra các ngành công nghiệp vĩ đại của dệt, tàu hơi nước, xe lửa v.v. vào cuối thế kỷ 18. Vô số của cải và sức mạnh quân sự nhanh chóng được tạo ra, thay đổi bộ mặt thế giới, về xã hội cũng như chính trị. Anh quốc trở thành công xưởng thế giới đầu tiên. Không phải người ta đặt hàng, mà Anh quốc sản xuất và xuất khẩu khắp thế giới. Nếu cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17 đã làm con người chinh phục được vũ trụ qua tri thức chính xác bằng toán học, thì cuộc cách mạng công nghiệp Anh quốc sẽ chinh phục cả quả địa cầu về địa chính trị, bằng hàng hóa và tàu hơi nước. Các quốc gia phài gấp rút phát triển công nghiệp hóa nếu không muốn bị lạc hậu và bị bỏ lại phía sau. Ở lục địa: Pháp, Đức, bên kia Đại Tây dương có Hoa Kỳ, phương Đông Nhật Bản.

 

Khai sáng công nghiệp. Phong trào khai sáng thế kỷ 18 ở châu Âu hình thành từ những khám phá to lớn và bất ngờ của Isaac Newton về vũ trụ. Newton đã vén màn cho thấy, vũ trụ không phải là một mớ hỗn độn như người ta lầm tưởng, mà được tổ chức theo một cấu trúc khoa học nhất định mà định luật hấp dẫn có thể mô tả sự vận hành hài hòa của nó một cách chính xác. Giới tinh hoa cũng tin tưởng rằng, xã hội con người cũng có thể tái tổ chức hài hòa, tiến bộ và bền vững như thế.

 

Một phần quan trọng của phong trào gọi là khai sáng công nghiệp (industrial enlightenment), phát triển mạnh mẽ trước ở Anh. Nó là thế nào? Đó là con người có niềm tin vào khả năng đổi đời bằng sự tiếp thu tri thức hữu dụng mà vị tiên tri của nó là Francis Bacon, áp dụng nó trong đời sống, hơn là tin vào ân huệ của thần thánh. Niềm tin này đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đó là cái vốn tinh thần và ý chíGeist- und Willens-Kapital, như Nietzsche gọi, thúc đẩy thay đổi như động cơ. Con người có thể thay đổi vận mệnh mình bằng chính bàn tay sáng tạo của mình. Tri thức mới, kỹ thuật mới, và tài kinh doanh khôn ngoan, là những yếu tố sẽ thay đổi cuộc chơi. Tinh thần dậy men đó, niềm tin đó, như David Hume nói, “sẽ làm thức tỉnh đầu óc con người khỏi giấc ngủ im lìm và làm cho nó dậy men … để thực hiện sự cãi thiện trong ngành nghề và khoa học. Con người đang sống trong thời đại của cãi tiến từng ngày, bằng công nghệ, khoa học và toán học. Sự thay đổi thuận lợi cần được hỗ trở bởi những định chế xã hội lành mạnh và vai trò nhà nước gìn giữ sự ổn định và tự do như một ‘khế ước xã hội.” Có một sự phát triển đột biến về nhận thức. Xã hội tiến hóa từ tôn giáo, thương mại, sản xuất thủ công, sức ì truyền thống của xã hội nông nghiệp, sang sản xuất bằng máy móc cơ khí, sản xuất lớn thông qua các xí nghiệp (factory) được tổ chức mới, tiến tới một xã hội công nghiệp. Từ đó, văn hóa khoa học thấm đẫm vào giới trí thức, và ngày càng mở rộng. Bản chất con người, dòng dõi của homo sapiens, vốn là sáng tạo, nhưng như Adam Smith nói, bị rất nhiều yếu tố xã hội cản trở và kềm hãm rất lâu. Chỉ khi nào xã hội dẹp các rào cản, có niềm tin đủ mạnh của con người, và hội đủ những điều kiện thuận lợi, sáng tạo mới sẽ nảy mầm.

 

Bản chất của giàu có (Wealth). Nếu có nhiều tài nguyên, như dầu mỏ, khí đốt, vàng bạc, kim cương, có phải là quốc gia giàu có hay không? Có thể lắm, nhưng chỉ tạm thời, dài hạn chưa biết. Hãy xem bốn trăm năm trước, Tây Ban Nha giàu có như Saudi Arabia, tràn ngập với bạc (silver) từ những mỏ ở các vùng thuộc địa ở Nam Mỹ. Nhưng cuối cùng Tây Ban Nha thất bại tạo ra giàu có và rơi trở lại sự trì trệ cũ, trong khi trên các phần đất nghèo hơn của châu Âu tiến hành công nghiệp hóa lại chiến thắng và trở nên phồn vinh bền vững. Ở châu Á cũng thế. Các quốc gia như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, đều nghèo tài nguyên, nhưng họ trở thành những quốc gia thuộc loại giàu có hàng đầu thế giới. Tài nguyên dồi dào đôi khi trở thành “lời nguyền trá hình” cho những ai ỷ lại chỉ biết dựa vào nó là nguồn lợi duy nhất.

 

Nền tảng của sự giàu có lâu dài do đó không phải nằm ở tài nguyên, mà ở năng lực sản xuất công nghiệp của quốc gia, và năng lực này phải luôn luôn đổi mới về khoa học công nghệ do sự cạnh tranh. Sản xuất công nghiệp là những cổ máy quay tiền. Các nhà máy chế tạo (manufactories) không những đóng góp vào sự phồn vinh, mà chúng còn là những vật cản đường, hay pháo đài, chống lại sự xâm nhập của bá quyển, bảo vệ độc lập tư do đất nước, nói như Benjamin Rush, một trong những người cha lập quốc Mỹ. Một quốc gia hoàn toàn lệ thuộc vào ngoại quốc về hàng hóa tiêu dùng, sẽ phải lệ thuộc họ.

 

Văn hóa khoa học. Việt Nam không thể khác hơn, muốn hóa rồng, trở thành quốc gia công nghiệp phát triển, cần tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và cần nâng cao văn hóa khoa học và văn hóa đọc, vì đó là văn hóa của sự tăng trưởng. Hiện nay văn hóa khoa học chưa phát triển mạnh. Có một số sách hay, nhưng chưa phải là một xu hướng, một định hướng. Sức đọc còn quá yếu. Chúng ta đi rất chậm. Mê tín còn quá nhiều. Sự thờ ơ với khoa học còn rất lớn.

 

DNA của tiến hóa tri thức khoa học. Cuộc tiến hóa tri thức con người, đặc biệt trong vòng mấy thế kỷ qua, đã để lại một DNA thứ hai trong kho tàng sách vở mà chỉ sự nắm bắt nó mới giúp quốc gia phát triển nhanh. Ngay cả đại học trung cổ châu Âu, cũng cần đến một cuộc dịch thuật vĩ đại kéo dài hai thế kỷ của các tác phẩm khoa học kinh điển của Hy Lạp cổ đại sang tiếng La tinh. Nếu không, đại học có thể cuối cùng cũng sẽ trở thành những nơi tụng niệm giáo điều, như đại học TQ cũng vào thời trung cổ, và rồi sẽ tàn lụn. Khoa học chính là nhân tố quan trọng thúc đẩy giáo dục đại học phát triển không ngừng, để biến thành những trung tâm nghiên cứu khoa học và khám phá. Nó như khí trời để nuôi sống các đại học.

 

Sách và Đổi mới sáng tạo. Sách là “cổng vào quá khứ và đến tương lai”. Sách là ánh sáng, sự tiếp nối cả bao thế kỷ của tri thức muốn truyền lại cho đời sau, để phát triển tiếp những thành tựu đã đạt được hôm qua. Cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế là cuộc cạnh tranh về ý tưởng. Ai có dồi dào ý tưởng mới, người đó sẽ chiếm ưu thế. Ở Thung lũng Silicon, ý tưởng là yếu tố quyết định. Nhưng làm sao để có dồi dào ý tưởng? Bằng cách học từ sách vở. Dĩ nhiên cũng bằng cách học từ con người đang mang DNA đổi mới. Sáng tạo thường nằm ngay giao lộ của nhiều lãnh vực. Cho nên nhà khoa học muốn khám phá thường phải biết nhiều ngành. Muốn thế, cần phải có nhiều sách. Học để bắt chước, rồi tiến lên đổi mới sáng tạo, từ imitation đến innovation.

 

Hình : https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2022/11/Thu-vien.png?resize=703%2C464&ssl=1

Một cảnh thư viện đầy ắp sách ở Đức thế kỷ 17, 18. Isaac Newton sở hữu hữu đến 2.000 quyển sách trong thư viện ông, một số lượng khủng thời bấy giờ, và cũng không nhỏ ở thời nay.

 

Tình yêu khoa học. Khoa học là khai sáng. Cháu Âu và nhiều quốc gia có loại khai sáng này. Việt Nam chưa. Châu Âu có đầy tình yêu mãnh liệt, vì thế họ có nhiều thứ. Họ cũng xem khoa học, xét một cách sâu xa, cũng tương thích với “tâm linh” (spirituality), và còn thúc đẩy tâm linh. Khoa học giúp con người hiểu cái vĩ đại của Chúa. Những hạt bụi từ các vì sao lại tư duy về tinh tú, quê hương của chúng, cũng như về những phần tử nhỏ nhất của vật chất. Khoa học giúp định vị chúng ta trong vũ trụ, và hiểu bản thiết kế của thượng đế. Tôn giáo ở VN, vì nhiều lý do, chưa có tính chất khoa học này.

 

Khoa học là mệnh lệnh quốc gia. Ở Nhật Bản thời Minh Trị, hay TQ thời Ngũ Tứ 1919, hoặc Ấn độ trước đó, người ta xem khoa học và nghiên cứu khoa học là mệnh lệnh quốc gia mà thời đại đang réo gọi, không còn là công việc cá nhân. Chỉ có khoa học mới đổi đời quốc gia, và con người. Cho nên giới tinh hoa của họ mới tiến vào làm khoa học. Văn hóa khoa học phát triển sớm. Khoa học đóng vai trò khai sáng và nhận thức quyết định trong việc dựng nước.

 

Tấm gương văn hóa đọc Nhật Bản. Người Nhật với văn hóa đọc phát triển nhất thế giới, cho nên họ đã nhanh chóng thành công trong công nghiệp hóa. Khi mở cửa, họ nhập khẩu những món hàng đầu tiên là SÁCH, chứ không phải hàng tiêu dùng hay máy móc sản xuất. Họ muốn biết đầy đủ về phương Tây, họ nghĩ gì, làm gì, tổ chức xã hội ra sao, để học hỏi. Văn hóa đọc của họ thời Minh Trị là khủng, không có quốc gia nào so sánh kịp. Những quyển sách dịch từ phương Tây có tính khai sáng đã bán ra hàng trăm nghìn hay cả triệu bản với một dân số 30 triệu. Trước đó, thời Tokugawa thế kỷ 18, một quyển sách in ra có thể lên tới 10.000 bản. Trong khi đó, với số dân hiện nay lớn gấp 3 lần, sách xuất bản ở VN chị bán được chỉ được vài nghìn quyển. Tri thức thâm nhập vào con người còn quá ít thì làm sao canh tân đất nước thành công? Không lạ, mê tín tràn lan khắp nơi, từ những nơi tu hành đến đền thờ học thuật Văn Miếu.

 

Các thư viện châu Âu đầy ắp sách từ thế kỷ XVII, Họ là các quốc gia học tập. Tri thức có sự tiến hóa liên tục từ nguồn sách vở phong phú từ cơ sở hạ tầng tri thức. Kỹ thuật in Gutenberg đã tạo điều kiện phát triển khoa học, học thuật ngày càng nhanh chóng lan tỏa trên khắp châu Âu. Isaac Newton sở hữu hữu đến 2.000 quyển sách trong thư viện ông, một số lượng khủng thời bấy giờ, và cũng không nhỏ ở thời nay.

 

Chúng ta phải nhanh chóng thay đổi và xây dựng văn hóa khoa học và văn hóa đọc cho quốc gia. Tôi xin kết luận bằng những lời đanh thép của vị bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị, Mori Arinori, hơn 150 năm trước:

 

Chiến tranh (sensō) không phải chỉ là đánh nhau bằng súng đạn và giết nhau, mà tất cả mọi người Nhật phải được tham gia ngay từ bây giờ vào cuộc chiến tranh của kỹ năng, kỹ năng của cuộc sống, của công nghiệp, thương mại, tri thức. Và đào tạo thầy giáo phải dựa trên sự chuẩn bị cho cuộc chiến này. Thua cuộc chiến này là sẽ thua cuộc chiến bằng súng đạn. Đất nước chúng ta phải chuyển dịch từ vị trí hạng ba lên vị trí hạng hai, rồi hạng hai lên hạng nhất; và sau cùng lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản”.

 

Xin cảm ơn và chào thân ái,

 

Nguyễn Xuân Xanh




No comments: