07/03/2023
https://www.danchimviet.info/buon-vui-lam-nguoi-goc-viet/03/2023/28274/
Tác giả, đứng bên phải, cùng hai đồng nghiệp trong một
chuyến công tác ở Thái Lan năm 1987 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Tôi đã sống qua và đi du lịch nhiều quốc gia
trên thế giới. Không biết khuôn mặt của mình mang dáng nét ra sao mà ít có người
gặp lần đầu mà họ đoán đúng tôi là người Việt Nam.
Ngày mới tới Mỹ, đi học ESL nhiều bạn nghĩ tôi
là người Hàn quốc. Vào Đại học U.C. Berkeley, trong giờ làm thí nghiệm lớp hoá
học có mấy bạn da trắng thấy tên ngắn gọn “Phu Bui” nên nghĩ tôi là người Hoa.
Ở chung ký túc xá có một bạn người Nga, nhìn
tên tôi anh biết ngay là người Việt, vì anh quen mấy du sinh Việt ở Liên bang
Sô Viết và cũng có người họ Bùi. Một hôm khi chúng tôi đứng cạnh nhau chờ ăn
cơm chiều, anh nói vui là đừng bao giờ xếp hàng sau người Việt, tôi hỏi vì sao
thế, anh kể đứng sau người Việt thì khi đến lượt sẽ có mấy người Việt khác chen
vào trước mình, mà anh đã chứng kiến trong ký túc xá bên Nga.
Nguồn gốc Việt đã không thể hiện qua khuôn mặt
của tôi, còn giới tính cũng là một câu chuyện vui.
Đến Mỹ được vài tháng, tôi bắt đầu tìm hiểu về
các đại học trong khu vực để xin học. Vào thư viện công cộng tìm cẩm nang các
trường đại học, thấy trường nào có địa chỉ gần nhà, có thể đi học bằng xe điện
hay xe buýt là tôi ghi địa chỉ, về nhà viết thư cho Admission Office xin trường
gửi cho một quyển Catalog giới thiệu trường và các ngành học, môn học mà trường
có dạy.
Tôi gửi thư cho hơn chục trường, từ các trường
lớn như U.C. Berkeley, California State University ở Hayward hay bên San
Francisco cho đến các đại học cộng đồng Vista College, College of Alameda,
Contra Costa College v.v… Vài tuần sau tôi nhận được Catalog gửi đến nhà. Có một
trường ghi “Ms. Phu Van Bui” trên phong bì mà tôi không hiểu vì sao mình lại được
gọi là “Ms.” là “Cô” là từ viết tắt trong tiếng Anh gồm Mr., Mrs. và Ms. mà tôi
mới học được trong lớp ESL, trong khi các trường khác chỉ đề “Phu Van Bui” và địa
chỉ bên dưới.
Tôi viết thư qua lại với các trường vài lần để
có đơn xin nhập học và lần nào cũng chỉ có trường Mills College ở Oakland ghi
tên tôi là “Ms. Phu Van Bui”. Sau khi có nhiều thông tin, tôi chọn trường
College of Alameda vì thấy hợp với khả năng và thuận tiện với các phương tiện
di chuyển công cộng.
Nếu tôi đã tiến hành việc xin học ở Mills
College và được nhận thì tới ngày nhập học không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho
tôi, vì trường này chỉ dành cho nữ sinh, mà tôi nào có biết vì khi đó tiếng Anh
còn lõm bõm, không hiểu rõ các thông tin ghi trong cẩm nang nên đã viết thư ngỏ
ý muốn vào trường đó học. Bấy giờ tôi mới hiểu tại sao văn phòng trường mỗi lần
gửi thư cho tôi đều ghi “Ms. Phu Van Bui”, vì họ làm sao họ biết tên Việt của
tôi là một nam sinh.
Trở lại chuyện nguồn gốc, sau khi tốt nghiệp đại
học tôi qua Togo làm việc tình nguyện cho chương trình Peace Corps của Hoa Kỳ.
Dưới con mắt của học trò và người dân Togo hay dân từ các quốc gia lân bang mà
tôi có dịp qua du lịch thì tôi là “Chinese” hay “Chinois” chứ không ai biết tôi
là người gốc Việt. Khi nghe dân nói tôi là người Hoa, tôi sẽ trả lời không phải
và để họ đoán thêm, tôi là Japonais, Korée, Philippin hay Thailandais, sau cùng
mới là Vietnamien.
Trẻ em ở châu Phi trông thấy tôi là cất tiếng
chào “Ni hao” rồi tạo dáng vẻ như múa tai-chi hay bài quyền, với đôi chân nhún
xuống, đôi tay vung lên. Tôi không ngờ nét văn hoá châu Á lan toả đến châu Phi
là những gì mà các trẻ nhỏ đã biểu hiện, chắc là qua phim ảnh từ Hong Kong với
các màn đấu quyền cước của Lý Tiểu Long.
Khi về châu Á làm việc, cũng không mấy ai nhận
ra tôi là người Việt. Một lần đi tầu hoả với bạn từ Singapore lên Bangkok, sau
khi tầu chạy qua biên giới Malaysia để vào đất Thái, nhân viên di trú xét giấy
tờ, thấy tôi ông nói tiếng Thái mà tôi không hiểu và chỉ biết trả lời bằng hai
tiếng “mài Thái” – không phải người Thái, mà tôi đã học được. Bạn tôi là một
người da trắng, ngồi cạnh, rành tiếng Thái nói tôi là người Việt. Nghe thế nhân
viên cho là tôi trốn ra từ trại tị nạn, ông nói sẽ kêu cảnh sát bắt. Bạn giải
thích tôi hiện là công dân Mỹ qua đây làm việc, rồi tôi đưa hộ chiếu cho nhân
viên di trú xem.
Người Việt không được đón chào ở đất Thái, có
thể vì quá khứ nhiều người Việt ở vùng đông bắc Thái đã theo cộng sản trong thời
chiến tranh Việt Nam và chính phủ Thái đã có những chính sách giới hạn sự đi lại
của người Việt ở khu vực đó, ngay sát với Lào và chỉ cách nhau con sông Mekong,
nơi tôi đã có cơ hội ghé thăm và được nghe người Việt ở đây kể là họ bị cấm ra
khỏi tỉnh nếu không có giấy phép và không được đội nón lá khi ra đồng làm ruộng.
Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc lại có sự
kiện bộ đội cộng sản Việt Nam qua chiếm đóng Cambodia và thường có đụng độ với
quân Khờ Me Đỏ ở biên giới Thái-Miên nên chính phủ Thái rất lo ngại chiến tranh
có thể tràn qua biên giới.
Những năm của thập niên 1980 còn có người Việt
từ Mỹ, Úc qua đây lập chiến khu, được một số tướng tá Thái yểm trợ và đã gây
xôn xao dư luận người Việt hải ngoại.
Một hôm tôi ra công viên Banglumpur nơi đang
có vận động bầu cử thống đốc Bangkok và thấy một người đàn ông có râu mép, trán
cao trông rất giống Tướng Hoàng Cơ Minh ngồi ở ghế công viên. Những năm đó đã
có người Việt từ nước ngoài vào các trại tị nạn dọc theo biên giới để tuyển mộ
người đi theo kháng chiến. Vì thế khi tôi đi công tác, văn phòng căn dặn là phải
cẩn thận, vì người Thái không ưa người Việt vì các hoạt động này.
Cũng vì là người gốc Việt nên năm 1987 khi văn
phòng Cao uỷ Tị nạn đưa tôi về Bangkok thì bộ nội vụ Thái không cấp cho tôi giấy
phép làm việc, như các nhân viên khác đều thường trú ở đây, vì từ Thái Lan thuận
tiện đường bay lên Hong Kong, xuống Malaysia, Indonesia, Singapore hay qua
Philippines. Văn phòng viết thư phản đối, nói rằng tôi người gốc Việt và giờ đã
là công dân Mỹ, nhưng chính phủ Thái vẫn không cấp giấy phép. Không được ở
Bangkok, văn phòng chuyển tôi lên Hong Kong và cứ mỗi hai tháng tôi đi công tác
một vòng các trại tị nạn ở Đông Nam Á. Đến Thái Lan với tư cách du khách, vào mỗi
trại làm việc vài hôm thì bộ nội vụ Thái cho giấy phép ra vào trại.
Trong một lần công tác ở Thái Lan, tôi đi xe
đò từ Bangkok đến tỉnh Chonburi là nơi có trại tị nạn Panat Nikhom. Trên xe ngồi
cạnh một bạn trẻ Thái, anh tưởng tôi là người Nhật và bắt chuyện hỏi thăm. Anh
nói tiếng Anh rất khá nên chúng tôi trò chuyện với nhau suốt quãng đường chừng
một giờ đồng hồ. Bằng sự hiểu biết của tôi về nước Nhật, tôi cố gắng trả lời những
tò mò, thắc mắc của anh, cũng như anh giúp tôi hiểu thêm, như một du khách Nhật
đang muốn khám phá xứ sở mệnh danh là đất nước con voi. Khi xe đến bến, trước
khi chia tay anh hỏi tên tôi. Bất ngờ và bối rối vài giây. Không lẽ nói tên
mình là Honda, Yamaha hay Suzuki, tôi sực nhớ đến Yoko Ono, nên trả lời anh như
thế, rồi chia tay. Không biết anh bạn Thái có nhận ra đó là tên vợ ca sĩ John
Lenon của ban nhạc lừng danh The Beatles hay không.
Ngày tôi tới trại tị nạn ở Galang ở Indonesia
đồng bào cũng cho tôi là người Nhật. Từ cầu tầu vào trại, trên xe có mấy người
Việt làm việc vận chuyển vật dụng, thấy tôi họ nói với nhau: “Ông này là phái
đoàn Nhật vào trại phỏng vấn tuần này, lo trốn thôi.” Tôi im lặng nghe và hiểu
là mỗi lần có phái đoàn Nhật vào trại, nhiều người trốn gặp vì không muốn đi Nhật
định cư.
Đường phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông năm 1985 (Ảnh: Bùi Văn
Phú)
Một lần tôi đi Trung Quốc cùng với ba bạn người
da trắng. Chúng tôi đáp tầu thuỷ từ Hong Kong, chạy một đêm trên sông Châu
Giang, sáng hôm sau đến thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông. Người
Trung Quốc đi trên tầu mang theo nhiều hành lý, là những đồ dùng trong nhà mà họ
mua đem về. Ngay trên tầu cũng có bán tivi, tủ lạnh, xe máy cho những ai cần
mua. Gặp nhân viên phục vụ hay khách đi cùng chuyến ai cũng hỏi tôi bằng tiếng
Quảng Đông và tôi chỉ biết trả lời “ngộ hầm sức” – tôi không hiểu, vì tôi chỉ
nói được vài câu căn bản như lời chào, cám ơn, hỏi giá cả, gọi các món ăn hay
kêu tính tiền.
Một bạn đồng hành trong chuyến đi là tình nguyện
viên Peace Corps ở Thái Lan và có vẻ rành về du lịch Trung Quốc, nên anh và cô
bạn gái từ vùng Vịnh San Francisco đã thuê phòng trước trong một nhà của dân,
kiểu như Air B&B ngày nay. Còn tôi và một bạn về một khách sạn nhỏ, gần
khách sạn White Swan sang trọng, cao hơn hai chục tầng bên bờ sông, nơi chúng
tôi đem phim cho phòng ảnh một tiếng đồng hồ để tráng rửa và trong khi chờ lấy
hình thì ra hành lang khách sạn ngồi ngắm cảnh sông nước, thuyền bè qua lại.
Qua đêm đầu tiên, đôi bạn ở nhà dân cho biết
là đêm qua có công an đến xét hỏi nên chủ nhà không cho ở nữa và sáng nay hai bạn
về khách sạn nhỏ với chúng tôi.
Mỗi ngày chúng tôi thuê xe đạp đi chơi khắp
nơi, từ đền tưởng niệm Tôn Dật Tiên, sở thú, khu thương mại, bến tầu, công
viên, chùa cổ, một nhà thờ có kiến trúc giống nhà thở Đức Bà Sài Gòn mà nay là
nhà kho. Cầm theo bản đồ, bốn người chúng tôi đạp xe theo dân địa phương lên xuống
những con phố. Giữa thập niên 1980 đường phố Quảng Châu ùn ùn xe đạp và công
nhân đồng phục xanh dương.
Tác giả gặp gỡ thiếu niên trong một công viên ở thành phố Quảng Châu,
Trung Quốc năm 1985 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Đến một công viên, có đám thiếu niên thấy tôi
đi với người da trắng nên xúm vào hỏi han gì đó, tôi lại trả lời “ngộ hầm sức”.
Nghe các em nói với nhau tôi hiểu loáng thoáng là các em cho tôi là cư dân Bắc
Kinh nói tiếng Quan Thoại, không hiểu tiếng Quảng Đông, nếu viết ra thì sẽ hiểu
nhau nên một em lấy ra tờ giấy và cây bút, bảo tôi viết gì đó mà tôi nào có biết
đến nửa chữ tiếng Hoa. Tôi viết tên mình và tên của ba bạn, rồi chỉ từng người
và gọi tên. Tôi và các bạn nói tiếng Anh và các em thích thú lắng nghe, có em tỏ
ra hiểu chúng tôi là “Mí Quở dzành”.
Tác giả gặp gỡ thiếu niên trong một công viên ở thành phố Quảng Châu,
Trung Quốc năm 1985 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Ngày rời Quảng Châu, khi trả phòng khách sạn,
xem biên nhận tiền phòng thì thấy số tiền yuan tôi phải trả chỉ bằng nửa giá của
các bạn. Một bạn hỏi tại sao, cô tiếp viên nói vì tôi là Hoa kiều. Nghe thế các
bạn chỉ nhìn tôi, im lặng vì họ biết tôi không phải người Hoa. Không biết nhân
viên khách sạn nhìn hộ chiếu của tôi với nơi sinh là “Vietnam” đã hiểu như thế
nào mà lại cho tôi giá ưu đãi của Hoa kiều. Hay nhân viên khách sạn cho rằng
tôi là một trong số ba trăm nghìn “nạn kiều” – là người Việt gốc Hoa đã bị Hà Nội
đuổi về nước, trước khi Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học cách đây mấy
năm?
Bùi Văn Phú
No comments:
Post a Comment