Bài học cho Mỹ từ việc Ả Rập
Saudi và Iran bình thường hóa quan hệ
Stephen M. Walt
- Foreign Policy
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Thỏa thuận lần này là một thỏa thuận quan trọng – và
không phải ngẫu nhiên mà trung gian đàm phán lại là Trung Quốc.
Hòa giải giữa Ả Rập Saudi và Iran – trong đó
Trung Quốc đóng vai trò hỗ trợ – không quan trọng bằng chuyến thăm Trung Quốc
năm 1972 của Richard Nixon, chuyến đi của Anwar Sadat tới Jerusalem năm 1977,
hay Hiệp ước Molotov-Ribbentrop năm 1939. Nhưng ngay cả thế, nếu thỏa thuận này
được duy trì, nó vẫn sẽ là một thỏa thuận lớn. Quan trọng nhất, nó là hồi
chuông cảnh tỉnh đối với chính quyền Biden cũng như các thành viên còn lại của
giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ, bởi nó phơi bày những khuyết điểm mà họ
tự gây ra cho mình, vốn đã làm tê liệt chính sách Trung Đông của Mỹ. Nó cũng
làm nổi bật cách Trung Quốc cố gắng thể hiện mình là một lực lượng vì hòa bình
trên thế giới, danh hiệu mà người Mỹ gần như đã từ bỏ trong những năm gần đây.
Trung Quốc đã làm điều đó như thế nào? Những nỗ
lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Riyadh và Tehran đã được tiến hành suốt một
thời gian dài. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể can thiệp và giúp hai bên đạt được
thỏa thuận vì sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đã mang lại cho nước này vai trò
ngày càng lớn ở Trung Đông. Quan trọng hơn, Trung Quốc có thể làm trung gian
hòa giải giữa Iran và Ả Rập Saudi vì nước này có mối quan hệ thân thiết với phần
lớn các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc có quan hệ ngoại giao và kinh tế với
tất cả các bên: Ai Cập, Ả Rập Saudi, Israel, các quốc gia vùng Vịnh, thậm chí cả
Bashar al-Assad ở Syria. Đó là cách một cường quốc tối đa hóa đòn bẩy của mình:
Nói rõ rằng bạn sẵn sàng làm việc với những bên khác nếu họ sẵn sàng làm việc với
bạn, và mối quan hệ của bạn với những bên còn lại nhắc nhở họ rằng bản thân bạn
cũng có những lựa chọn khác.
Ngược lại, Mỹ chỉ có “quan hệ đặc biệt” với một
vài quốc gia ở Trung Đông, nhưng hoàn toàn không có quan hệ nào với các quốc
gia còn lại, đáng chú ý nhất là Iran. Kết quả là, những quốc gia có liên quan
như Ai Cập, Israel, hoặc Ả Rập Saudi coi sự hỗ trợ của Mỹ là điều hiển nhiên,
nhưng chẳng buồn để tâm đến những quan ngại của Mỹ, cho dù vấn đề là nhân quyền
ở Ai Cập, cuộc chiến của Ả Rập Saudi ở Yemen, hay chiến dịch xâm chiếm Bờ Tây
kéo dài và đầy tàn bạo của Israel. Đồng thời, những nỗ lực gần như vô ích của
người Mỹ nhằm cô lập và lật đổ nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã khiến
Washington mất đi khả năng định hình nhận thức, hành động, hay quỹ đạo ngoại
giao của Iran. Chính sách này – vốn là sản phẩm từ những nỗ lực của Ủy ban Quan
hệ Công chúng Israel tại Mỹ (American Israel Public Affairs Committee, AIPAC),
Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies, FDD) và các nỗ lực
vận động hành lang được tài trợ bởi chính phủ Ả Rập – có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất
về hành động “phản lưới nhà” trong nền ngoại giao Mỹ đương đại. Bằng cách chứng
minh rằng Washington không thể làm gì nhiều để thúc đẩy hòa bình hoặc công lý tại
Trung Đông, cơ hội cho Bắc Kinh đã được để ngỏ.
Thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Iran cũng nêu bật
một khía cạnh quan trọng của cuộc cạnh tranh đang nổi lên giữa Trung Quốc và Mỹ:
Liệu Washington hay Bắc Kinh sẽ được các nước khác coi là người dẫn đường tốt
nhất cho một trật tự thế giới trong tương lai?
Xét đến vai trò toàn cầu to lớn của nước này kể
từ năm 1945, Mỹ đã quen với việc giả định rằng hầu hết các quốc gia sẽ đi theo
sự dẫn dắt của họ, ngay cả khi các quốc gia này e ngại về những gì người Mỹ
đang làm. Nhưng Trung Quốc muốn thay đổi tình hình, và việc thể hiện mình là một
lực lượng có khả năng đem lại hòa bình và ổn định hơn Mỹ chính là một phần quan
trọng của nỗ lực thay đổi đó.
Nhìn chung, hầu hết các
chính phủ trên thế giới đều mong muốn hòa bình, họ cũng không muốn người ngoài
xen vào công việc nội bộ của nước họ rồi chỉ tay bảo họ phải làm gì. Trong hơn 30 năm qua, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng các chính phủ khác
phải tuân theo một bộ nguyên tắc tự do (bầu cử, pháp quyền, nhân quyền, kinh tế
thị trường, …) và phải tham gia nhiều thể chế do Mỹ lãnh đạo. Nói ngắn gọn, định
nghĩa của Mỹ về “trật tự thế giới” tự bản thân nó đã mang tính xét lại:
Washington sẽ dần dần hướng dẫn toàn thế giới hướng tới một tương lai tự do thịnh
vượng và hòa bình. Các tổng thống từ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã sử dụng
nhiều công cụ khác nhau để đạt được mục tiêu đó, và đôi khi, họ còn sử dụng lực
lượng quân sự để lật đổ các nhà độc tài và đẩy nhanh quá trình này.
Kết quả không mấy khả quan: các cuộc chiếm
đóng tốn kém, các quốc gia thất bại, các phong trào khủng bố mới, sự hợp tác
gia tăng giữa các nhà độc tài, và các thảm họa nhân đạo. Người ta cũng có thể
thêm cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào danh sách này, bởi ở một mức độ nào đó,
quyết định tấn công của Nga là phản ứng trước những nỗ lực có thiện chí nhưng
thiếu cân nhắc của Mỹ nhằm đưa Ukraine vào NATO. Dù những mục tiêu này có tuyệt
vời đến mức nào trong lý thuyết, thì kết quả thực tế mới là vấn đề quan trọng,
và chúng gần như luôn là thảm họa.
Trung Quốc đã lựa chọn một cách tiếp cận khác.
Họ chưa từng tham gia một cuộc chiến thực sự nào kể từ năm 1979, và đã nhiều lần
tuyên bố cam kết bảo vệ chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội
bộ của nước khác. Lập trường này rõ ràng là vì tư lợi, bởi nó đã đánh lạc hướng
làn sóng chỉ trích hành động vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, và cam kết hùng
hồn của Trung Quốc đối với chủ quyền cũng không ngăn cản nước này đưa ra các
yêu sách lãnh thổ phi lý, hoặc tham gia vào các cuộc đụng độ biên giới ở một số
nơi. Bắc Kinh cũng đã phản ứng quá mức khi bị chỉ trích, đồng thời áp dụng một
đường lối ngoại giao hiếu chiến, khiến cho sự phẫn nộ và phản kháng ngày càng
tăng cao. Cũng đừng vội giả định rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực
để thay đổi hiện trạng nếu các nhà lãnh đạo của họ cảm thấy tỷ lệ thành công đủ
cao.
Dù thế, vẫn dễ hiểu khi các nhà độc tài trên
khắp thế giới cảm thấy thoải mái với cách tiếp cận của Trung Quốc hơn là với xu
hướng “vũ trang hóa đạo đức” của Mỹ. Các chế độ chuyên chế vẫn đông hơn các nền dân chủ, và khoảng cách đã dần
lớn hơn trong 10 năm qua. Nếu bạn là một nhà độc
tài tham nhũng với mục tiêu chính là duy trì quyền lực, bạn sẽ thấy cách tiếp cận
của ai đối với trật tự thế giới là phù hợp hơn?
Hơn nữa, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều
hiểu rằng chiến tranh không có lợi cho kinh tế và thường ảnh hưởng xấu đến lợi
ích của chính họ. Họ không muốn chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc
vượt khỏi tầm kiểm soát, vì họ tin rằng một cuộc đụng độ Trung-Mỹ sẽ gây ra những
hậu quả tiêu cực cho họ. Như câu ngạn ngữ cổ của người châu Phi, “Khi voi đánh
nhau, cỏ bị giày xéo.” Do đó, trong những thập niên tới, các quốc gia sẽ muốn về
cùng phe với cường quốc nào có nhiều khả năng thúc đẩy hòa bình, ổn định, và trật
tự hơn. Theo logic tương tự, họ sẽ có xu hướng tránh xa bất kỳ cường quốc nào
mà họ tin rằng đang phá hoại hòa bình.
Chúng ta đã từng chứng kiến xu hướng này trước
đây. Khi Mỹ chuẩn bị xâm lược Iraq hơn 20 năm trước, các đồng minh của họ ở Đức
và Pháp đã phản đối việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng vũ lực,
vì họ tin rằng một cuộc chiến lớn ở Trung Đông cuối cùng sẽ phản tác dụng và
gây tổn hại cho họ (và chuyện đã xảy ra đúng như vậy.) Khi Trung Quốc xây dựng
các đảo nhân tạo ở Biển Đông và cố gắng đe dọa Đài Loan bằng vũ lực, các nước
láng giềng của Trung Quốc đã tìm cách tránh xa nước này, bắt đầu hợp tác chặt
chẽ hơn với nhau và với Washington. Nếu những nước khác coi bạn là một phần của
vấn đề hơn là một phần của giải pháp, vị thế ngoại giao của bạn sẽ bị lung lay.
Bài học rõ ràng cho chính quyền Biden là nên
quan tâm nhiều hơn đến việc xoa dịu căng thẳng, ngăn chặn chiến tranh, và chấm
dứt xung đột, thay vì đo lường thành công của chính sách đối ngoại bằng việc ta
đã thắng bao nhiêu cuộc chiến, tiêu diệt bao nhiêu kẻ khủng bố, hoặc “chuyển
hóa” được bao nhiêu quốc gia. Nếu Mỹ để Trung Quốc tạo dựng danh tiếng là một
nhà kiến tạo hòa bình đáng tin cậy, là một cường quốc sẵn sàng chung sống và
duy trì quan hệ với các nước khác, thì việc thuyết phục các nước khác đứng về
phía Mỹ sẽ ngày càng khó khăn.
Xoa dịu căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và Iran là
một bước phát triển tích cực giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột nghiêm trọng
tại một khu vực chiến lược. Do đó, tình trạng hòa hoãn mới này nên được hoan
nghênh, ngay cả khi Bắc Kinh là người có công. Phản ứng đúng đắn của Mỹ là
không phàn nàn về kết quả, để chứng tỏ rằng họ còn có thể làm nhiều hơn thế, nhằm
kiến tạo một thế giới hòa bình hơn.
--------------------
Stephen M. Walt là chuyên
gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học
Harvard.
Nguồn: Stephen M. Walt, “Saudi-Iranian Détente Is a Wake-Up Call for America,” Foreign Policy, 14/03/2023
No comments:
Post a Comment