ĐẤT
ĐAI: LUẬT MỚI HAY VĂN BẢN MỚI
Đọc “tờ trình”, lắng nghe “chỉ đạo” của các
nhà lãnh đạo, “ý kiến đóng góp của nhân dân” và “phát biểu của các chuyên gia…”
tôi cố tìm lý do sửa Luật.
QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA NGƯỜI DÂN LÀ TÀI SẢN
Về căn bản, quan điểm của “Đảng và Nhà nước
ta” với “sở hữu toàn dân” vẫn không thay đổi. Nghị quyết 18 Trung ương V chỉ
tái khẳng định tư duy truyền thống này. Tuy nhiên, việc Bộ Luật Dân sự 2015 xếp
“quyền sử dụng đất” của người dân vào nhóm “quyền về tài sản”[Điều 115] mang đến
khá nhiều ý nghĩa. Điều này, nếu được cơ quan lập pháp nhận ra… thì khi sửa Luật
Đất đai sẽ có cách tiếp cận giản đơn và mạch lạc.
Ở bất cứ quốc gia nào thì đất đai cũng tồn tại
ở hai dạng: tài sản và tài nguyên. Tài sản bao gồm tài sản công và tài sản tư.
Nếu như với tài sản công, nhà nước có thể mua - bán (đấu giá), giao và thu hồi
thì với tài sản tư các giao dịch là quan hệ dân sự [mua bán, cho, cho thuê, thừa
kế…]. Không thể sử dụng công cụ hành chánh can thiệp vào quyền về tài sản của
khu vực tư [trừ khi có tranh chấp thì tòa ra ra phán quyết].
Trong lịch sử của chính thể Cộng hòa XHCN Việt
Nam, bất cứ khi nào nhà nước sử dụng quyền lực hành chánh can thiệp vào quan hệ
tài sản của dân thì nếu chính sách đó không thất bại ngay [như cải cách ruộng đất,
cải tạo tư sản, hợp tác hóa…] về lâu dài, sẽ tạo ra nhiều mâu thuẫn, xung đột
trong xã hội [quyền thu hồi đất].
NHÀ NƯỚC KHÔNG PHẢI LÀ CHỦ SỞ HỮU
Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Tôn Gia
Huyên, “tác giả trên thực tế” Luật Đất đai 1993, nhiều lần lưu ý rằng, đất đai
của ta thuộc “sở hữu toàn dân” chứ không phải “sở hữu nhà nước”. “Nhà nước thống
nhất quản lý” dựa trên những quyền mà Hiến pháp và Luật Đất đai cho phép chứ
không phải toàn quyền. Nhưng, lâu nay, nhà nước đang hành xử như chủ sở hữu chứ
không phải như “người quản lý”.
Hệ thống chính trị cũng như các nhà lập pháp
và đội ngũ cán bộ trong các cơ quan hành pháp cũng thường coi trọng quyền của
nhà nước hơn coi trọng quyền dân. Điều này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc trong
quá trình làm luật mà trong cả quá trình thi hành luật.
“HỘ GIA ĐÌNH”
“Kinh tế hộ” ra đời khi hợp tác xã đã phá sản
trên thực tế và Đảng và Nhà nước chưa công nhận “kinh tế nhiều thành phần”. Mô
hình này có tác dụng nhất định ở giai đoạn tiền đổi mới vì những người lao động
cầm nắm được sản phẩm mình làm ra, không như “cha chung” hợp tác xã. Bản chất của
hộ vẫn là kinh tế tư nhân [hộ gia đình chứ không phải gia đình], ở mức hơn một
cá nhân nhưng cũng không phải pháp nhân trong mối quan hệ quyền về tài sản.
Cho dù trên danh nghĩa, “đất đai thuộc sở hữu
toàn dân”, không phải ai có đất cũng do “nhà nước giao”, phần lớn người dân có
đất phải bằng nước mắt, mồ hôi và có khi bằng máu.
Trừ khi, nhà nước dùng quỹ đất công giao cho
các thành viên trong một hộ gia đình thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới
có thể ghi đầy đủ tên các thành viên. Ruộng và đất rừng, đất thổ cư… nếu do một
hay vài thành viên trong gia đình “thủ đắc” bằng khai khẩn, sang nhượng, kế thừa…
là tài sản cá nhân [của một hay vài thành viên] thì “sổ đỏ” không thể ghi tên
các thành viên “ăn theo” trong hộ được.
Mối quan hệ về tài sản của các thành viên
trong gia đình [chứ không phải hộ] đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự và Luật
Hôn nhân & Gia đình. Luật Đất đai đưa vào mà không dựa trên nền tảng các
các quan hệ này rất dễ nuôi dưỡng lòng tham, gây ra các xung đột phá vỡ tình cảm
gia đình [tranh chấp giữa các thành viên, con cái hư hỏng đòi chia, đòi bán đất
để ăn chơi, hút chích…]
Luật có thể cân nhắc bổ sung “quyền tiên mãi”
cho các thành viên đã trưởng thành khi người có quyền sử dụng đất trong hộ cần
sang nhượng.
QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA CÁC PHÁP NHÂN CÔNG QUYỀN
Tháng 6-1993, khi Quốc hội thảo luận phần “quyền
và nghĩa vụ của tổ chức khi được nhà nước giao đất và cho thuê đất”, một số đại
biểu đã đặt vấn đề rất đúng khi đề nghị tách bạch các pháp nhân công và pháp
nhân tư.
Một đơn vị bộ đội, một cơ quan hành chánh nhà
nước khi được nhà nước giao đất có được giao đủ “5 quyền” không khi nhu cầu của
họ chỉ là lập doanh trại hay xây trụ sở... Do không đủ thời gian để tranh luận
cho đến khi đạt được sự đồng thuận, Luật Đất đai năm 1993 đã giữ lại 3 vấn đề
giao cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong đó có vấn đề
“quyền của các tổ chức trong nước khi được nhà nước giao đất và cho thuê đất”.
Từ một vấn đề thuần túy kỹ thuật lập pháp, sau
Đại hội giữa nhiệm kỳ [1-1994], “nguy cơ chệch hướng” được nâng cao, mối lo sợ
đất đai tập trung trong tay tư nhân đã chính trị hóa quyền giải thích của Ủy
ban Thường vụ. Ngày 14-10-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh,
thay vì tách bạch quyền của các pháp nhân tư, quyền của pháp nhân công [quyền],
các tổ chức [kể cả các doanh nghiệp tư nhân] chỉ được quyền cho thuê đất [đất
đai dù doanh nghiệp đã mua của ai cũng phải chuyển thành thuê của nhà nước].
Pháp lệnh này đã tạo ra tình trạng đóng băng lần
thứ Nhất thị trường đất đai khiến gần hai năm sau, Pháp lệnh 14-10-1994 đã phải
sửa một bước. Luật Đất đai 2003, sửa hoàn chỉnh hơn, trao cho “tổ chức” đủ “5
quyền” nhưng không tách bạch pháp nhân tư, pháp nhân công như “ý chí ban đầu của
các nhà làm luật” [Trước 2016, chúng ta chứng kiến nhiều trụ sở của các cơ quan
nhà nước, doanh trại quân đội… được đem ra bán].
GIAO ĐẤT VÀ THU HỒI ĐẤT
Cho dù mãi tới 2015, Bộ Luật Dân sự mới coi
“quyền sử dụng đất của người dân là tài sản”, Bộ Luật Dân sự 1995 đã coi các
quyền của người sử dụng đất là quyền dân sự. Trong khi, “thu hồi quyền sử dụng
đất” chỉ là một quyền hành chánh. Sử dụng một công cụ hành chánh can thiệp vào
các quyền dân sự, đặc biệt, can thiệp vào quyền tài sản của người dân, không chỉ
tạo ra các xung đột pháp lý mà còn tạo ra những xung đột lợi ích, thường là đối
kháng.
Việc sửa Luật, vì thế, nên tham khảo “ý chí của
các nhà làm Luật Đất đai 1993” để tách bạch các pháp nhân công với pháp nhân
tư. Và, nhà nước chỉ sử dụng “quyền giao đất” trong trường hợp lấy đất từ quỹ đất
công giao cho các pháp nhân công hoặc giao cho các doanh nghiệp công ích thực
hiện chức năng của chúng [xây trụ sở, căn cứ quân sự, trường học, bệnh viện…].
Nhà nước cũng sử dụng quyền thu hồi chỉ với các pháp nhân công, khi những tổ chức
này không còn có nhu cầu sử dụng đất theo mục đích ban đầu nữa.
Trong trường hợp, nhà nước cần đất của tổ chức,
cá nhân cho mục đích “an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội…” thì sử
dụng quyền “trưng mua” theo Điều 32 của Hiến pháp.
KHUYẾN KHÍCH VÀ TÔN TRỌNG CÁC GIAO DỊCH DÂN SỰ
Không phải trường hợp nào làm dự án cũng được
nhà nước thu hồi đất của dân rồi giao cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư, nhất là
những người cần đất xây nhà máy, văn phòng công ty đều phải tự mình tìm mua.
Nhưng, phần đất mà họ nhận chuyển nhượng đó thường phải chờ nhà nước thu hồi [của
người bán] rồi giao [cho họ] trước khi có thể tiến hành đầu tư như dự định. Quy
trình này không chỉ kéo dài hàng năm, nền kinh tế phải gánh không biết bao
nhiêu chi phí [đánh mất] cơ hội và tiền bạc.
Những hành vi liên quan đến đất đai còn được
điều chỉnh bằng nhiều luật khác [như quy hoạch và Luật Xây dựng…] nên Luật Đất
đai không nhất thiết phải ôm đồm. Cần tôn trọng và khuyến khích các giao dịch
dân sự, nhà đầu tư mua đất chỉ cần công chứng, trước bạ sang tên, trong trường
hợp cần thay đổi mục đích sử dụng [từ đất nông nghiệp sang xây dựng] hoặc ở nơi
đòi phép xây dựng thì mới cần nhà nước.
Sử dụng công cụ hành chính can thiệp vào các
quan hệ dân sự [áp dụng thủ tục thu hồi đất rồi giao đất ở những dự án doanh
nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dân] không chỉ vi phạm các
nguyên tắc pháp lý mà còn mở ra cơ hội cho các quan tham nhũng nhiễu.
VĂN BẢN MỚI HAY LUẬT MỚI
Sửa Luật, nhất là những luật chịu ảnh hưởng rất
lớn từ ý thức hệ như Luật Đất đai, thường bắt đầu từ hai lý do: Đảng và Nhà nước
thay đổi quan điểm và chính sách [có thể dẫn đến sửa đổi toàn văn như Luật Đất
đai 1993]; Nhận ra những vướng mắc trong thực tiễn phải sửa luật để tháo gỡ [sửa
một số điều cụ thể Như Pháp lệnh 27-8-1996 sửa Pháp lệnh 14-10-1994].
Nếu không sửa luật vì quan điểm của “Đảng và
Nhà nước” đã thay đổi trên nền tảng tư duy hiện đại [sửa toàn văn] thì phải tìm
đúng những vướng mắc trong thực tiễn do từng “quy phạm” gây ra để điều chỉnh
ngay từ những “quy phạm” ấy. Không có tư duy mới, không có cách tiếp cận mới,
không biết luật thực sự cần gỡ cái gì… mà sửa toàn văn thì rất khó lấy ý kiến
dân, không biết thảo luận đâu cho đúng trọng tâm. Có đưa ra trước các phiên họp
toàn thể thì lại chỉ bàn câu chữ như “tập làm văn” chứ không phải là làm luật.
Không có chính sách nào tác động sâu sắc đến đất
nước như chính sách đất đai. Năm 1988, gần như cả nước “thiếu ăn”, 3,6 triệu
người đói gay gắt, “có nơi xuất hiện người chết đói” cũng vì chính sách đất
đai; Năm 1989, xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo cũng nhờ chính sách đất đai sửa đổi
[Khoán 10].
Sau 30 năm thực hiện Luật
Đất đai đổi mới, hãy tổng kết thực tiễn để thấy yếu tố “sở hữu toàn dân” hay nội
hàm “các quyền sử dụng đất của dân” đã làm thay đổi bộ mặt quốc gia. Hãy phân
tích “sở hữu toàn dân” hay “các quyền” của người dân mới là tác nhân chính làm
tha hóa đội ngũ cán bộ, tạo ra “cường hào mới” và thách thức lòng tin dân
chúng.
Đừng viết lại để có một
văn bản luật mới mà không tìm thấy trong đó, cho người dân, những chính sách
mang lại quyền lợi mới.
.
No comments:
Post a Comment