Đảng
có thể thu hút người tài thực sự?
RFA
2023.03.08
Bộ Chính trị hôm 7/3/2023 có thông báo số 50 về
tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng, trong đó yêu cầu ban hành
chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong
cơ quan nhà nước.
Theo Bộ Chính trị, việc thực hiện Nghị quyết
18 thời gian qua chưa đầy đủ, chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại,
nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thu hút nhân tài. Một
số chủ trương mới như chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng người có đức,
có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị chậm được cụ thể hóa, một số cán bộ,
công chức, viên chức có năng lực đã chuyển sang khu vực tư.
Nghị quyết số 18-NQ/TW, của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thu
hút nhân tài… được ban hành ngày 25/10/2017. Tuy nhiên sau nhiều năm thực hiện,
số nhân tài thu hút được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như TPHCM qua năm
năm thí điểm nghị quyết thu hút nhân tài, theo truyền thông trong nước, TPHCM
thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người đã rời đi và ba
năm qua không tuyển được chuyên gia nào.
Từ Sài Gòn, bác
sĩ Đinh Đức Long - một trí thức từng công
tác trong bộ máy Nhà nước, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, hôm 8/3 nhận định:
“Chính sách này có từ lâu rồi, từ thời ông Hồ Chí
Minh dựng nước đã thu hút nhân tài. Chính sách có nhưng triển khai cụ thể mỗi
nơi mỗi khác và trên thực tế rất khó. Đầu tiên phải định nghĩa thế nào là nhân
tài, tiêu chí nào để thu hút? Đa số hiện nay Nhà nước thu hút bằng tiêu chí vật
chất là chính, ví dụ trong ngành y ai về tỉnh sẽ được bao nhiêu tiền. Hỗ trợ vật
chất cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn đối với nhân tài là môi trường làm
việc, có phát huy được khả năng hay không, khi đề xuất có được ủng hộ hay
không…”
Theo bác
sĩ Đinh Đức Long, việc giữ được người tài
phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo trực tiếp. Ông Long nêu ví dụ:
“Ví dụ anh là chuyên gia, nhưng nhà quản lý 100 % là
đảng viên, người ta có sẵn sàng chấp nhận đề xuất hay không, điều đó phụ thuộc
vào tâm và tầm của người quản lý. Thứ nhất người lãnh đạo có hiểu được đề xuất
đó không? Có muốn cấp dưới vượt mặt mình về chuyên môn không? Rất khó, cho nên
đây là câu chuyện nói vài chục năm nay nhưng trên thực tế rất hạn chế. Cụ thể
như nhân tài từ nước ngoài về theo nghị quyết 36 thu hút nhân tài, những người
đó không phải là đảng viên liệu có được phát huy không?”
Bởi vì theo ông Long, trong bất cứ một tổ chức
nhà nước nào ở Việt Nam đều theo chủ trương ở trên là Ban chấp hành trung ương
của Đảng, đều làm theo nghị quyết của Đảng, dù có là nhân tài mấy đi nữa đều phải
làm theo nghị quyết. Nhưng ông Long cho rằng, nhân tài Việt Kiều đấy không phải
đảng viên thì sao được vô họp để đóng góp theo nghị quyết, kể cả vô họp thì chỉ
là một phiếu chi bộ, cho nên thực tế là rất khó.
Dù Nghị quyết 18 của Trung ương về thu hút
nhân tài không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng Bộ Chính trị vẫn ra thông
báo số 50 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết này. Theo thông báo số 50, Bộ Chính
trị yêu cầu hoàn thành rà soát chức vụ theo phân cấp quản lý, ban hành bảng
lương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; sửa mức phụ cấp chức
danh…
Một công chức nhà nước, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Thường Tín – Hà Nội, hôm 8/3 cho biết
ý kiến:
“Với tình hình chính trị của Việt Nam hiện nay thì
theo tôi, thu hút nhân tài vào luôn luôn thất bại, nhân tài sẽ đi các cơ sở tư
nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Bộ máy công chức Nhà nước chắc chắn họ không vào
và nếu vào thì nhân tài đấy cũng bị thui chột, không thể phát huy được. Giải
pháp tốt nhất là nhìn vào Trung Quốc, có thể nói mặc dù cùng thể chế, nhưng
Trung Quốc nói và làm tôi thấy hiệu quả, nhân tài của họ đem lại rất nhiều lợi
ích trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kỹ thuật cao, lĩnh vực công nghệ…”
Theo thầy
Khoa, bộ máy hành chính Nhà nước Việt Nam thực sự
là không có nhân tài, thầy Khoa nói tiếp:
“Bộ máy hành chính Nhà nước chỉ cần những người am
hiểu một chút pháp luật, thượng tôn pháp luật, không tham nhũng, biết phục vụ,
biết phụng sự, vì nhân dân và đất nước, lợi ích của mình đặt xuống bên dưới. Thế
nhưng trong thực tế hiện nay, các công chức Nhà nước đang tìm cách kiếm cho
mình đủ bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay những cái tương đương để nâng lương, để ra
oai với người dân… Chứ thực tế họ học xong những bằng cấp ấy, không phục vụ gì
được cho công việc quản lý đất nước.”
Nói tóm lại, theo thầy Khoa, nếu tình hình cứ
tiếp tục như thế này, thì không bao giờ cơ quan nhà nước có được nhân tài vào
làm việc.
Dù nhiều chuyên gia cho rằng nếu chỉ tăng
lương thì không thể thu hút nhân tài, nhưng Bộ Nội vụ Việt Nam vào cuối năm
2022 lại cho rằng cần cải cách tiền lương để trọng dụng nhân tài. Cụ thể, theo
Bộ này, cần có chính sách cải cách tiền lương, đảm bảo tương đồng giữa khu vực
công và tư để thu hút, trọng dụng nhân tài. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất cơ
chế trả lương cho người tài theo thị trường, mức trần 120-150 triệu đồng, để
thu hút các nhà khoa học.
Phó Giáo sư, Tiến
sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm
kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố
Hồ Chí Minh, trả lời RFA liên quan vấn đề này khi đó cho rằng:
“Nhân tài là một câu chuyện dài, tiền lương chỉ là một
phần trong đó chứ không phải là tất cả. Bộ Nội vụ nói như thể là chỉ trong lĩnh
vực nhà nước, chứ còn tư nhân đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt, người ta sẵn
sàng bỏ một số tiền lớn để có một người tài năng, bởi vì người tài năng mà về
công ty là tăng thu nhập cho công ty, đó là đầu tư có lãi. Còn Nhà nước thì đủ
các thứ giấy tờ rắc rối, không hy vọng gì mà Bộ Nội vụ có thể quyết định được
tiền lương một người tài được tăng gấp ba gấp bốn lần. Đó là chưa kể so với tiền
lương hiện nay thì gấp ba gấp bốn lần có đủ sống ung dung hay không?”
Ngay cả khi Bộ Nội vụ có giải quyết xong tiền
lương đi nữa thì theo ông Dũng vẫn chưa thể thu hút nhân tài. Bởi vì cơ chế nhà
nước hiện nay người làm việc bị bó chân bó tay, khó lòng mà ý kiến của họ lại
được nhanh chóng sử dụng. Tiền lương là quan trọng, nhưng ông Dũng cho rằng việc
sử dụng người tài như thế nào mới quan trọng hơn, làm sao ý kiến của họ đóng một
vai trò quan trọng trong các quyết định của nhà nước, và việc này liên quan đến
vấn đề thể chế.
No comments:
Post a Comment