Tự do tôn giáo không chỉ đo đếm bằng các con số khổng lồ
Văn Tâm - Luật
Khoa Tạp Chí
February 15, 2023 . 4:20 PM
Vạn thầy tu, ngàn đền điện, nhưng tôn giáo thiểu số thiếu tự do.
Hình : https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/02/img9163-16618349345941405796621.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các chức sắc, đại diện các tổ chức tôn giáo
tham dự một hội nghị về tôn giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. Ảnh: Nhật
Bắc/ VGP.
Vào tháng 12/2022, chính phủ Mỹ đã
đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt sau hàng loạt các vi phạm
về tự do tôn giáo. [1]
Đầu tháng 1/2023, báo Sài Gòn Giải Phóng bắt đầu
đăng loạt bài “Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo”. Trong đó, có một bài viết trích lời Thượng tọa Thích Quảng Hà, Phó
Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng số nhà sư sau năm 1975 đến năm 2000 đã tăng từ
14.000 đến 37.000 người, đây là một minh chứng cho thấy Việt Nam có tự do tôn
giáo. [2]
Việc sử dụng các con số thống kê về tôn giáo
như số chùa chiền, chức sắc tôn giáo, v.v. cũng thường xuyên được chính quyền sử
dụng để chống lại các chỉ trích của quốc tế về tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, liệu một đất nước có hàng chục
nghìn nhà sư, hàng nghìn linh mục, hàng vạn ngôi chùa, nhà thờ và hàng trăm lễ
hội thì nơi ấy đã có tự do tôn giáo? Câu trả lời là có thể có nhưng cũng có thể
không. Trong trường hợp của Việt Nam, câu trả lời chắc chắn là không.
.
Các con số thống kê tôn giáo phần lớn
là Phật giáo và Công giáo
Gần đây, chính quyền Việt Nam đã đưa ra một thống
kê mới về số tín đồ các tôn giáo. Theo đó, tổng số tín đồ các tôn giáo năm 2022
là 26,7 triệu người, chiếm 27% tổng dân số. [3]
Tuy nhiên, theo Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019,
tổng số tín đồ các tôn giáo chỉ có hơn 13 triệu người, chiếm gần 13,7% tổng dân
số. Không rõ vì sao chỉ trong ba năm mà tổng số tín đồ tôn giáo đã tăng
gần gấp đôi. [4]
Mặt khác, phần lớn các tín đồ tôn giáo tập
trung ở hai tôn giáo lớn là Phật giáo chiếm khoảng 35% và Công giáo gần 45%
trên tổng số người theo tôn giáo, theo kết quả điều tra dân số năm 2019.
Chính quyền cũng cho rằng họ đã công nhận hơn
29.000 cơ sở thờ tự vào năm 2022, vượt xa con số khoảng 20.000 cơ sở thờ tự vào
năm 2003. Đó là một trong các dấu hiệu thể hiện tự do tôn giáo. Tuy nhiên,
trong số các cơ sở thờ tự này thì Phật giáo đã chiếm hơn 50% với 18.491 cơ sở vào năm 2020 và Công giáo có trên 10.000 cơ sở
thờ tự vào năm 2010. [5] [6]
Vì vậy, các con số thống kê về tôn giáo Việt
Nam không có nhiều ý nghĩa. Nó chỉ hướng sự tập trung vào hai đại diện lớn là
Phật giáo và Công giáo. Trong khi đó, Việt Nam có đến 16 tôn giáo đã được công
nhận.
Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, ngoài đạo
Phật và Công giáo, không có tôn giáo nào có số tín đồ trên một triệu người, tức
chiếm hơn 1% tổng dân số.
.
Tôn giáo thiểu số kém phát triển
Bạn có biết Việt Nam là một trong các nước có
đa dạng tôn giáo nhất trên thế giới? Ngoài đạo Phật, Công giáo, Tin Lành, còn
có các tôn giáo ít phổ biến khác như Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo,
tôn giáo Baha'i, v.v. Đây là các tôn giáo đã được chính quyền Việt Nam công nhận
và là các nhóm tôn giáo thiểu số.
Sau năm 1975, các nhóm tôn giáo thiểu số này bị
chính quyền cấm hoạt động cho đến cuối những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000
thì mới được phép hoạt động trở lại.
Theo điều
tra của Luật Khoa, số tín đồ của các tôn giáo thiểu số đã suy giảm trầm trọng
sau năm 1975.
Theo đó, hơn 90% số tín đồ sụt giảm ở bốn tôn
giáo là Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, tôn giáo Baha'i,
Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo. Số tín đồ của Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ
Hương, Minh Lý đạo đã giảm hơn 80%. Các tôn giáo khác như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cơ
đốc Phục Lâm, Phật giáo Hòa Hảo đã mất từ 50% đến 70% số tín đồ. [7]
Các tôn giáo có số tín đồ sụt giảm trầm trọng
đang đối diện với nguy cơ có thể biến mất bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chính quyền
Việt Nam trên các phương tiện tuyên truyền rất hiếm khi đề cập đến việc tạo điều
kiện phát triển cho các tôn giáo này.
Ông Heiner Bielefeldt, cựu Báo cáo viên Đặc biệt
của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, đã phát biểu: “Tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng nhưng
không phải tất cả mọi người đều sống trong hoàn cảnh bình đẳng.” Ông lý giải
thêm rằng tự do có nghĩa là “tôn trọng sự tự hiểu biết của con người;
do đó sự tự hiểu biết của các nhóm tôn giáo thiểu số phải được tôn trọng đầy đủ”.
[8]
Sự tôn trọng đối với các nhóm tôn giáo thiểu số
không dừng ở việc nhà nước khoan dung, tức là để mặc cho các tôn giáo này phát
triển, mà cần phải giúp đỡ, tạo điều kiện phù hợp với nguyện vọng của họ. Đây
cũng là Bình luận chung số 23 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, khẳng định quyền của các nhóm thiểu số cần được bảo vệ theo
quan điểm “đảm bảo sự tồn tại và phát triển liên tục của họ”. [9]
Tuy nhiên, ngay cả bước đầu tiên là khoan dung
đối với các nhóm tôn giáo thiểu số Việt Nam vẫn còn chưa thực hiện được.
.
Thiểu số tôn giáo không được công nhận
đối diện với đàn áp nặng nề
Trong các tôn giáo thiểu số được công nhận
cũng tồn tại các nhóm mà chính quyền chưa cấp phép cho họ hoạt động, ví dụ như
Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, các nhóm Cao Đài độc lập, các nhóm Tin
lành ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, v.v.
Ngay cả trong Phật giáo cũng có nhóm tôn giáo
thiểu số. Đó là Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức có từ trước
năm 1975. Nhưng từ khi chính quyền thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì
giáo hội đã có từ trước này không còn được công nhận.
Lý do không cấp phép chủ yếu là các nhóm này
muốn hoạt động độc lập, không chấp nhận việc chính quyền kiểm soát hoạt động
tôn giáo của họ, như việc bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, can thiệp vào hiến
chương, v.v.
Ngoài ra, còn có một nhóm tôn giáo đáng chú ý
khác là các tôn giáo mới. Chính quyền gọi nhóm này là những “đạo lạ” hay “tà đạo”.
Phổ biến nhất là Pháp Luân Công, Hội Thánh của Đức Chúa Trời, Thanh Hải Vô Thượng
Sư. Ít phổ biến hơn là đạo Dương Văn Mình, Giê-sùa, Long Hoa Di Lặc, Tâm linh Hồ
Chí Minh, v.v. Có ít nhất 85 tôn giáo mới đang hoạt động tại Việt Nam. Chính
quyền Việt Nam hiện nay chưa công nhận bất kỳ tôn giáo mới nào, và tìm mọi cách
để hạn chế phạm vi, quy mô hoạt động của họ. [10]
Theo pháp luật nhân quyền quốc tế, các nhóm
tôn giáo thiểu số dù được công nhận hay không, lớn hay nhỏ, truyền thống hay
không truyền thống thì cũng đều có quyền hưởng các tiêu chuẩn về quyền của nhóm thiểu số,
bao gồm quyền tự do tôn giáo. [11]
Hiện nay, chính quyền Việt Nam đang đặt các
nhóm thiểu số không được công nhận ra ngoài vòng pháp luật, thường xuyên sách
nhiễu, đàn áp, chính trị hóa những hoạt động của họ.
Đạo Dương Văn Mình ở các tỉnh miền núi phía Bắc
đang đối diện với nguy cơ bị chính quyền xóa sổ với hàng loạt các hoạt động trấn
áp. Các tín đồ Tin Lành độc lập ở Tây Nguyên thường xuyên bị sách nhiễu, đánh đập
và hàng trăm người đã đưa gia đình bỏ trốn sang Thái Lan. Các hội thánh Cao Đài
độc lập đang đứng trước nguy cơ mất đi nhà thờ của mình do chính quyền buộc họ
gia nhập các hội thánh đã được cấp phép. Các tôn giáo mới phải lén lút tổ chức
các buổi sinh hoạt tôn giáo, dù vậy vẫn bị chính quyền phát hiện và xử phạt
hành chính.
Một đất nước sẽ không có tự do tôn giáo chừng
nào các nhóm tôn giáo thiểu số chưa được hoạt động tự do và chưa được chính quyền
tạo điều kiện để giữ gìn và phát triển tôn giáo của họ.
.
Vì sao phải bảo vệ các nhóm tôn giáo
thiểu số?
Các nhóm tôn giáo thiểu số cũng giống như các
thành phần thiểu số khác trong xã hội (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật,
người đồng tính, v.v.). Việc bảo vệ các nhóm thiểu số sẽ góp phần tạo ra một xã
hội cân bằng, hòa nhập. Mặt khác, các yếu tố liên quan đến các nhóm thiểu số
như về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo sẽ được gìn giữ, tạo ra một xã hội có tính
đa dạng cao.
Việc bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số sẽ
giúp xã hội đó ổn định, ít xung đột hơn. Phần lớn nguyên nhân gây ra các xung đột
xuất phát từ sự kỳ thị khi quyền lợi của các nhóm thiểu số không được đảm bảo.
Riêng việc bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo
còn thúc đẩy sự khoan dung về tư tưởng trong xã hội. Bạn sẽ thấy đôi khi các
quan điểm của các nhóm tôn giáo thiểu số rất khó chấp nhận, thiếu cơ sở khoa học.
Tuy nhiên, đây cũng chính là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một xã hội tự
do.
Theo lời cựu Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp
Quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng Heiner Bielefeldt: “[...] sự tự hiểu biết của con người về
các vấn đề tôn giáo hoặc tín ngưỡng có thể rất đa dạng, tự do tôn giáo hoặc tín
ngưỡng theo đó phải có phạm vi áp dụng rộng rãi và cần được thực hiện một cách
cởi mở, toàn diện [...]”. Mà tự do theo cách diễn giải của Heiner Bielefeldt là
tôn trọng sự hiểu biết của người khác. [12]
Do đó, khi quan điểm của các nhóm tôn giáo thiểu
số được tôn trọng và bảo vệ thì đồng nghĩa với việc xã hội đó sẽ cởi mở hơn đối
với các quan điểm mới mẻ, kể cả nó có đi ngược lại quan điểm của số đông. Vì vậy,
không gian tự do của xã hội sẽ mở rộng ra hơn, khuyến khích người ta có thể suy
nghĩ, phát biểu, thực hiện những ý tưởng mới mẻ.
Việc tôn trọng quyền của các nhóm tôn giáo thiểu
số chính là cách xây dựng một xã hội khoan dung, tự do hơn. Ngược lại, việc đè
nén, đàn áp các yếu tố này sẽ tạo ra một xã hội lo sợ, hoài nghi, chậm chạp,
thiếu màu sắc đa dạng và trở thành một xã hội nghèo nàn trên nhiều khía cạnh.
-----------
Chú thích
1. Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc
biệt về tự do tôn giáo: 16 năm vẫn quanh quẩn. (2022, December). Luật Khoa
tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/12/viet-nam-lot-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-ve-tu-do-ton-giao-cua-my-16-nam-van-quanh-quan/
2. Bài 1: Chính sách nhất quán của Đảng,
Nhà nước về tôn giáo. (2023, January). Sài Gòn Giải Phóng. https://web.archive.org/web/20230110043840/https://www.sggp.org.vn/bai-1-chinh-sach-nhat-quan-cua-dang-nha-nuoc-ve-ton-giao-post675158.html
3. Không thể xuyên tạc tình hình tự do tôn
giáo ở Việt Nam. (2022, October 7). Bộ Nội Vụ. https://web.archive.org/web/20230211034622/https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/khong-the-xuyen-tac-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-48068.html
4. Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và
nhà ở năm 2019. (2019). Tổng Cục Thống Kê. https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/12/Ket-qua-toan-bo-Tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-2019.pdf
5. Có bao nhiêu ngôi chùa ở Việt Nam?
(2021, August 9). Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. https://web.archive.org/web/20230211143816/https://phatgiao.org.vn/co-bao-nhieu-ngoi-chua-o-viet-nam-d48214.html
6. Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế, giai đoạn
từ tháng 7-12, 2010. (2011, September 13). Bộ Ngoại Giao Mỹ. https://vn.usembassy.gov/vi/irfreport2010i/
7. Thái Thanh. (2021, January 27). Số tín đồ
các tôn giáo ở Việt Nam sụt giảm trầm trọng sau năm 1975. Luật Khoa tạp
chí. https://www.luatkhoa.com/2020/11/so-tin-do-cac-ton-giao-o-viet-nam-sut-giam-tram-trong-sau-nam-1975/
8. Dialogue on politicization of religion
and rights of minorities. (2013, September). World Council of Churches. https://www.oikoumene.org/news/dialogue-on-politicization-of-religion-and-rights-of-minorities
9. The Complexity of Religious Minority
Rights. (n.d.). OHCHR. https://www.ohchr.org/sites/default/files/Documents/Issues/Minorities/RightAndSecurity/JohannesVanDerVen.pdf
10. Ban Tôn giáo Chính phủ nói “sẵn sàng
đón các đạo lạ”. Bạn nên hiểu chuyện này thế nào? (2021, August). Luật Khoa
tạp chí. https://luatkhoa.com/2021/08/ban-ton-giao-chinh-phu-noi-san-sang-don-cac-dao-la-ban-nen-hieu-chuyen-nay-the-nao/
11. The inclusion of religious minorities
in consultative and decision-making bodies. (n.d.). OHCHR. https://www.ohchr.org/sites/default/files/Documents/Issues/Minorities/Religious_minorities.pdf
12. Heiner Bielefeldt. (2013, March 5). Statement
of the Special Rapporteur on freedom of religion or belief, Heiner Bielefeldt,
during the 22th session of the Human Rights Council. OHCHR. https://www.ohchr.org/en/statements/2014/03/statement-special-rapporteur-freedom-religion-or-belief-heiner-bielefeldt-1
=============================================
Vì
sao Phật giáo Việt Nam có xu hướng ngày càng mê tín?
Cuốn
theo vòng xoáy ràng buộc lợi ích.
Vì
sao chính quyền gia tăng đàn áp tôn giáo?
Nỗi
ám ảnh mang tên “ổn định chính trị”.
No comments:
Post a Comment