Trăn
trở thời cuộc của một nhà thơ đi ngược dòng
AN NAM - Luật
Khoa
February 14, 2023 . 10:24 PM
Đọc thơ, kết nối quá khứ, hàn gắn tương lai.
THƠ CA — LƯU QUANG VŨ — SỰ THẬT
Ảnh bìa
sách: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Đồ họa: Luật Khoa.
Năm 1965, có một chàng trai Hà Nội mới 17 tuổi
nhưng kiên quyết nộp đơn nhập ngũ. Người thanh niên ấy vốn mang một tâm hồn đa
cảm nên anh viết một bài thơ để từ giã gia đình. Ngoài ra, anh cũng viết rất
nhiều thơ trong lúc đi lính. Tuy nhiên, người chỉ huy đơn vị có lần đã cấm anh
làm thơ với lý do thơ là biểu hiện của sự yếu đuối, có hại cho người lính. Chàng
thanh niên ấy đã viết kiểm điểm, hứa không làm thơ nữa. Tuy vậy, anh không thể
chấp nhận sự trói buộc đó. Cũng
nhờ việc không giữ lời hứa ấy mà nhiều năm sau người ta biết đến một nhà thơ,
nhà viết kịch tài hoa có tên là Lưu Quang Vũ.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, có cha và chú ruột
đều là các nhà thơ. Ông lớn lên trong lúc đất nước bị chia cắt thành hai miền
thù địch. Khi chiến sự căng thẳng, Vũ như bao thanh niên khác, hồ hởi lên đường
nhập ngũ. Từ lúc này, anh bắt đầu sáng tác thơ để nói lên những cảm xúc của
mình trước thời cuộc. Thơ của Lưu Quang Vũ phản
ánh những thăng trầm trong cuộc sống của ông, và đó cũng chính là một phần của
đời sống ở miền Bắc trong Chiến tranh Việt Nam.
Tuyển tập thơ “Gió và tình yêu thổi trên
đất nước tôi” tập hợp 135 bài thơ của Lưu Quang Vũ ở các giai đoạn khác nhau
trong cuộc đời ông. Từ
cảm xúc hồ hởi khi lên đường chống Mỹ cho đến những xung đột nội tâm về một xã
hội mất mát, nghèo đói do dồn hết nguồn lực cho cuộc chiến, và người dân thì xơ
xác, khánh kiệt cả về tinh thần lẫn vật chất.
Trong một bài thơ được viết năm 1972, sau khi
ông đi lính về được hai năm, có đoạn:
“Những chiếc xe tăng đi qua
Những khẩu súng đi qua
Những người lính đi qua
Chẳng có gì cùng ta ở lại
[…]
Những tai ương đang diễn ra khủng khiếp
Có chút gì nghĩa lý hay không?”
(trích Mặt trời trong nước lạnh).
Một bài thơ khác cũng cho thấy rằng có những
người như Vũ, đã nhìn ra được cuộc nội chiến vô nghĩa giữa hai miền, trong khi
ngày nay chính quyền vẫn hết sức ca ngợi về cuộc chiến ấy:
“chiều nay tôi ra phố
người ta lột áo bán ngoài cửa chợ
người ta mặc cả từng cân tem gạo
[…]
tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau
đặt lại những câu hỏi
về cuộc chiến tranh này
về mọi giá trị trên đời
nguồn gốc của những nguyên nhân
của chém giết và thù hằn”
(trích Hồ sơ mùa hạ 1972).
Đọc tuyển tập thơ này của
Lưu Quang Vũ, người đọc như đang xem một thước phim về một thời kỳ đau thương.
Thời kỳ đau thương này đã tiếp nối đến thảm kịch ở miền Nam sau năm 1975 và dư
âm của nó vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày hôm nay.
“Cuộc chém giết lặng dần
Các dũng sĩ thân tàn ma dại
Đập nát những cây đàn quý
Ngồi nướng thịt cóc ăn”
(trích Chiều cuối)
Trong không khí hừng hực từ cuộc kháng chiến của
miền Bắc, thơ Lưu Quang Vũ dường như “không ăn nhập” vào dòng chảy thời cuộc
khi ấy. Nhưng cũng vì vậy mà ông đã ghi lại được sự thật của cuộc chiến, của xã
hội miền Bắc. Chắc chắn những thực tế này phần nào vẫn còn ảnh hưởng đến những
lối cư xử của con người ngày nay. Ví dụ như bài thơ Những tuổi
thơ, sáng tác vào năm 1971, là sự chất vấn của ông đối với xã hội:
“Những tuổi thơ không có tuổi thơ
Những đôi mắt tráo trơ mà tội nghiệp
Chúng ăn cắp, đánh nhau, chửi tục
Lang thang hè đường tàu điện quán bia
Những bông hoa chưa nở đã tàn đi [...]”
Trong một bài thơ khác, ông nói lên sự nhìn nhận
thẳng thắn về những cán bộ của chính quyền, dù đó là một điều rất cay đắng cho
tác giả:
“Nhà văn xưa tôi yêu mến mê say
Nay già lão được chính quyền sủng ái
Lưng còng xuống quên cả lời mình nói
Phản bội những điều trong cuốn sách thiêng liêng”
(Trích Hoa Tigôn)
Tôi chọn giới thiệu tuyển
tập thơ này vì nhiều lý do, trong đó có nhu cầu kết nối lại quá khứ để hiểu biết
về sự thật của Chiến tranh Việt Nam. Đó là một phần của lịch sử vẫn còn ảnh hưởng
trực tiếp cho đến ngày nay. Thơ của Lưu Quang Vũ
ghi lại những hình ảnh chân thật, cảm nhận sâu sắc về chiến tranh. Đó là nguồn
nguyên liệu để thúc đẩy về việc hòa hợp, hòa giải giữa hai miền - điều vẫn đè nặng
lên tâm tưởng của rất nhiều người. Cả hai bên đều cần biết về sự thật đầy đau đớn
của bên kia để có một hiểu biết và thông cảm sâu sắc.
Trong một bài thơ Lưu Quang Vũ viết hộ một ông
chú họ, khi người vợ hoặc người yêu của ông chú đã sang bên kia chiến
tuyến, có những câu cho thấy con người ở một phía vẫn còn có lòng khoan dung
cho bên kia, cho những người mà có thể gọi một cách nặng nề là phản bội:
“Đời loạn lắm đổi thay
Trách nhau làm chi nữa
Người cùng em thành đôi
Bạn quen hay khách lạ
Em ở phía bên kia
Giữa ta là làn đạn
Dẫu chồng em là kẻ
Gieo bom xuống đất này
Anh cũng chẳng gọi em
Là quân thù cho được”
(trích từ bài thơ Những vườn dâu đánh
mất)
Bạn có thể đọc tuyển tập
thơ này với bạn bè, cha mẹ hoặc cả với con của mình. Những bài thơ như Tiếng
Việt, Đất nước đàn bầu có thể sẽ giúp cho những trẻ em thêm hiểu biết
về đất nước của mình, qua đó xây dựng một bản sắc về con người Việt Nam.
Sau khi giải ngũ, Lưu Quang Vũ không
có nghề nghiệp ổn định, ông làm nhiều nghề để kiếm sống như làm trong xưởng
cao su, vẽ pa-nô, áp phích, chấm công cho đội cầu đường, v.v. [1] Từ năm 1978 đến
năm 1988, Lưu Quang Vũ làm biên tập viên tạp chí Sân Khấu, ông bắt đầu sáng tác
và nổi danh từ kịch nói. Kịch của Lưu Quang Vũ đặc biệt mang tính chất phê phán
xã hội, người đến xem rất đông và đương nhiên là bị kiểm duyệt nặng nề. [2]
Tháng 10/1987, trong một cuộc gặp với Tổng bí
thư Nguyễn Văn Linh, Lưu Quang Vũ đã nói rằng muốn xóa bỏ “bao cấp về tư tưởng”,
“tình trạng một người suy nghĩ cho mọi người”, nhằm tôn trọng sự sáng tạo trong
văn hóa, nghệ thuật. [3]
Không đầy một năm sau,
Lưu Quang Vũ cùng vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và đứa con trai 13 tuổi qua đời
trong một vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Hải Dương. Ông và vợ để lại một cuộc đời,
một sự nghiệp thơ ca, kịch nghệ còn dang dở.
-------------
Chú thích
1. Lưu Quang Vũ. (n.d.). Văn
Chương Thành Phố Hồ Chí Minh.
https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/luu-quang-vu
2. Hà Linh. (2014). Ký ức về những lần
kiểm duyệt kịch Lưu Quang Vũ. VnExpress.
https://vnexpress.net/ky-uc-ve-nhung-lan-kiem-duyet-kich-luu-quang-vu-3044211.html
3. Xem [2].
========================
Vì
sao thơ tuyên truyền ngày càng xuống cấp?
Luật
Khoa tạp chí - Võ Văn Quản
Học chính trị,
lịch sử và học làm người bằng cách trèo qua cửa sổ
Một
cuốn sách của tiếng cười, sự giải thoát và niềm hy vọng.
No comments:
Post a Comment