Thursday, February 2, 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 01/02/2023 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 01/02/2023

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

01/02/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/02/01/the-gioi-hom-nay-01-02-2023/

 

Người biểu tình Pháp đã làm tê liệt giao thông công cộng và khiến các trường học phải đóng cửa nhằm phản đối nỗ lực cải cách lương hưu mới đây của tổng thống Emmanuel Macron. Ông Macron muốn tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu, vốn đã thấp bất thường, từ 62 lên 64. Nhưng người dân không ủng hộ, khi có hơn một triệu người tham gia cuộc biểu tình trước đó vào ngày 19 tháng 1, bên cạnh tỉ lệ 68% người Pháp không đồng ý cải cách.

 

Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẽ không gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine, bất chấp lời kêu gọi của giới chức Ukraine. Đức cũng đã loại trừ khả năng cung cấp máy bay. Nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại cho biết “mọi khả năng đều được tính tới” khi nói đến hỗ trợ quân sự. Trong khi đó, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Nga đã bắt đầu “cuộc trả thù lớn” ở miền đông Ukraine.

 

Mỹ cho rằng Nga không tuân thủ New Start, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa hai nước. Nga đã đình chỉ các cuộc kiểm tra vũ khí và rút tham vấn, theo báo cáo trước Quốc hội của các quan chức bộ ngoại giao Mỹ. Động thái này làm dấy lên lo ngại hai nước sẽ không đàm phán gia hạn New Start, vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2026.

 

Khu vực đồng euro xem ra sẽ tránh được suy thoái sau khi nền kinh tế của cả khu vực tăng trưởng 0,1% trong quý 4 năm 2022. Giá năng lượng kỷ lục, gây ra bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga, và lạm phát cao khiến nhiều người cho rằng châu Âu sẽ đi vào suy thoái. Tuy vậy, số liệu tăng trưởng của khu vực đồng euro cũng phần nào bị thổi phồng bởi Ireland, nơi có nhiều công ty đa quốc gia đặt trụ sở để tránh thuế.

 

George Santos, nghị sĩ Mỹ đã nói dối về tiểu sử của mình, thông báo với các hạ nghị sĩ Cộng hòa rằng ông sẽ tạm thời rút khỏi các chức vụ trong các ủy ban tại Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã trao cho ông Santos các ghế trong ủy ban doanh nghiệp nhỏ và khoa học, không gian và công nghệ. Ông Santos đang bị điều tra xoay quanh những lời nói dối liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông.

 

Giá trị của quỹ đầu tư trị giá 1,3 nghìn tỷ đô la của Na Uy, một trong những quỹ lớn nhất thế giới, đã giảm khoảng 14% trong năm 2022. Quỹ này, vốn nắm giữ số tài sản lớn hơn gần ba lần GDP của Na Uy, đã mất 1,64 nghìn tỷ krone (167 tỷ đô la) vào năm ngoái. CEO Nicolai Tangen đổ lỗi cho chiến tranh Ukraine, lạm phát cao, và lãi suất tăng.

 

Tỉnh British Columbia của Canada đang bắt đầu cuộc thử nghiệm kéo dài ba năm để phi hình sự hoá các loại ma túy nặng, lần đầu tiên trong lịch sử nước này. Người lớn hiện có thể sở hữu tới 2,5 gam ma túy như heroin, cocaine, fentanyl và methamphetamine mà không bị buộc tội (thay vào đó, họ sẽ được thông báo về các dịch vụ xã hội và y tế địa phương). Bang Oregon gần đó của Mỹ đã hợp pháp hóa các loại thuốc sử dụng cho mục đích cá nhân vào năm 2020.

 

Con số trong ngày: 230 tỷ đô la, là ngân sách quốc phòng năm 2022 của Trung Quốc.

 

.

TIÊU ĐIỂM

 

Ấn Độ chuẩn bị công bố ngân sách năm

Vào thứ Tư, chính phủ Ấn Độ sẽ trình bày ngân sách cho năm tài chính sắp tới. Thủ tướng Narendra Modi đã gọi đó là “tia hy vọng”, dù thực tế có thể không được như lời ông nói.

Ấn Độ gặp nhiều thách thức kinh tế. Lạm phát vẫn gần với giới hạn trên của ngân hàng trung ương là 6%. Và sau khi vung tiền vào các chương trình phúc lợi xã hội trong đại dịch, ngân sách của chính phủ đang trở nên eo hẹp, nợ nần chồng chất. Các nhà đầu tư muốn thấy các động thái củng cố tài khóa, chẳng hạn như cam kết kiềm chế chi tiêu.

 

Nhưng ông Modi có lý do để tiếp tục chi tiền. Suy thoái kinh tế toàn cầu có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng của Ấn Độ, vốn cao nhất trong số các nền kinh tế lớn vào năm ngoái. Thất nghiệp cũng đang tăng lên. Bên cạnh đó, tăng chi tiêu mang về lợi thế chính trị. Dự kiến có chín bang sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay. Và đây là ngân sách đầy đủ cuối cùng trước cuộc tổng tuyển cử 2024. Tuy nhiên, các nhà kinh tế hi vọng chính phủ sẽ chống lại sự hào phóng của chủ nghĩa dân túy và tập trung ổn định kinh tế.

 

Ngày mai Fed họp hội đồng chính sách tiền tệ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang giảm cường độ thắt chặt tiền tệ. Thị trường dự đoán Fed ​​sẽ tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm vào ngày mai, thứ Tư. Con số này nhỏ hơn mức tăng gần đây nhất, nửa điểm vào tháng 12, vốn đã là bước giảm sau một loạt đợt tăng ba phần tư điểm. Các mức tăng nhỏ hơn phản ánh thực tế rằng, với lãi suất đủ cao để kìm hãm kinh tế, lạm phát đã bắt đầu giảm tốc.

 

Ngân hàng trung ương của Mỹ có một thử thách trước mắt. Nhiều nhà đầu tư cho rằng họ đang rời bỏ tâm lý diều hâu, và có lẽ sẽ cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay. Kết quả là đợt phục hồi của giá cổ phiếu và trái phiếu trong tháng qua. Nhưng Fed lo ngại các đợt tăng quá mức trên thị trường tài chính có thể đảo ngược cuộc chiến chống lạm phát của họ. Do đó, chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẽ đưa ra một thông điệp nghiêm khắc để kiềm chế thị trường trước khi mọi chuyện đi quá xa.

 

Tròn hai năm đảo chính ở Myanmar

Trong hai năm 2015 và 2020, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi đều thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ ở Myanmar và đứng ra lãnh đạo chính phủ dân sự đầu tiên của nước này trong nhiều thập niên. Nhưng thứ Tư tuần này đánh dấu tròn hai năm kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính và phá vỡ nền dân chủ non trẻ của đất nước, bỏ tù bà Suu Kyi.

 

Đây cũng là thời điểm quyết định đối với quân đội. Họ nhiều khả năng sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp đã ban hành từ ngày đảo chính. Làm vậy giúp giữ lại quyền lực cho Tướng Min Aung Hlaing, đương kim thủ tướng. Chính quyền của ông đã không thể dập tắt được phong trào nổi dậy chống đảo chính đan xen vào các vấn đề xung đột sắc tộc lâu đời của đất nước.

Nhưng có nhiều suy đoán là chế độ sẽ tổ chức bầu cử giả hiệu trong năm nay và bắt đầu quá trình chuyển đổi sang một chính quyền dân sự trên hình thức. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng tiến hành bỏ phiếu giữa nội chiến sẽ “tạo ra bạo lực tồi tệ hơn” khi phe kháng chiến cố gắng phá hỏng các cuộc bỏ phiếu. Hòa bình thật quá xa vời cho Myanmar.

 

Mỹ xem lại các vụ gian lận tiền trợ cấp covid

Các bang của Mỹ đã chi hàng tỷ đô la tiền cứu trợ trong đại dịch covid, bao gồm 794 tỷ đô la được sắp xếp vội vàng cho lao động thất nghiệp. Hậu quả là gian lận lan tràn. Những kẻ lừa đảo đã nhận trợ cấp bằng cách đánh cắp số an sinh xã hội, lấy thông tin của các tù nhân và thậm chí là của người chết. Vào thứ Năm, Ủy ban Giám sát Hạ viện sẽ tổ chức điều trần về các khiếu nại gian lận mà theo một số ước tính, tổng số tiền có thể lên tới 400 tỷ đô la.

 

Với đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện, Ủy ban Giám sát có những tham vọng mới. James Comer, chủ tịch mới của ủy ban, muốn dùng nó để đẩy mạnh giám sát tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông. Các giao dịch kinh doanh của gia đình Biden, người di cư ở biên giới phía nam, và việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đều được thảo luận. Nhưng vấn đề gian lận tiền cứu trợ, trọng tâm của phiên điều trần này, không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của ông Biden. Chương trình cứu trợ được lập ra trong nhiệm kỳ của Donald Trump và chỉ được gia hạn bởi ông Biden một năm sau đó.





No comments: