Tại
sao cuộc suy thoái kinh tế thế giới tiếp theo sẽ kéo dài?
Ruchir Sharma
- Financial
Times
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/02/01/tai-sao-cuoc-suy-thoai-kinh-te-the-gioi-tiep-theo-se-keo-dai/
Những thay đổi về nhân khẩu học và tình trạng phi
toàn cầu hóa sẽ khiến lạm phát cao hơn mức mà các nhà hoạch định chính sách đã
quen thuộc trước đại dịch.
Trong nửa thế kỷ qua, khi các chính phủ và
ngân hàng trung ương hợp tác chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết để quản lý tăng
trưởng kinh tế, các cuộc suy thoái đã ngày càng ít xảy ra. Thông thường, chúng
ngắn hơn và ít nghiêm trọng hơn so với giai đoạn trước. Sau nhiều lần suy thoái
nhẹ, hầu hết chúng ta không thể hình dung một chu kỳ suy thoái kéo dài một cách
đau đớn. Nhưng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mà chúng ta chưa
từng chứng kiến suốt hàng chục năm.
Niềm tin rằng chính phủ là vị cứu tinh trong
thời kỳ suy thoái đã ăn sâu vào tâm trí mọi người trong phần lớn cuộc đời họ. Từ
năm 1980 đến nay, nền kinh tế Mỹ chỉ có 10% thời gian rơi vào suy thoái, so với
gần 20% từ khi kết thúc Thế chiến II (năm 1945) đến năm 1980, và hơn 40% từ năm
1870 đến năm 1945. Một lý do ngày càng quan trọng là các biện pháp giải cứu của
chính phủ. Tại Mỹ, EU, Nhật và Anh, những gói kích thích tổng hợp gồm chi tiêu
chính phủ và thu mua tài sản của ngân hàng trung ương đã tăng từ 1% tổng sản phẩm
quốc nội trong các cuộc suy thoái năm 1980 và 1990 lên 3% vào năm 2001, 12% vào
năm 2008, và đến mức đáng kinh ngạc là 35% vào năm 2020.
Dù suy thoái năm 2020 diễn ra khá gay gắt, nó
lại là cuộc suy thoái ngắn nhất trong lịch sử các cuộc suy thoái, chỉ kéo dài
hai tháng. Các gói cứu trợ trong đại dịch của chính phủ đã đến quá nhanh và quá
lớn đến mức nhiều người, đặc biệt là những nhân viên văn phòng làm việc tại
nhà, cảm thấy như thể suy thoái kinh tế chưa từng xảy ra. Thu nhập và điểm tín
dụng của họ tăng cao. Tài sản của họ tăng gấp bội nhờ sự tăng trưởng của thị
trường chứng khoán và trái phiếu. Giờ đây, suy nghĩ rằng suy thoái kinh tế
không phải là sự kiện đáng quan tâm dường như đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người.
Một số bình luận viên bắt đầu nói rằng nền
kinh tế thế giới có thể rơi vào tình trạng “hạ cánh mềm” (soft landing), chứ
không phải suy thoái hoàn toàn. Trong các cuộc khảo sát mới nhất, các nhà kinh
tế không hoàn toàn lạc quan như vậy. Nhưng họ cũng dự đoán về một cuộc suy
thoái nhẹ nhất kể từ Thế chiến II, sẽ sớm xảy ra và kéo dài chưa đầy sáu tháng,
khi Cục Dự trữ Liên bang một lần nữa ra tay giải cứu.
Quan điểm đồng thuận này có lẽ đã sai ở các
khía cạnh chính, bất kể cuộc suy thoái tiếp theo sẽ bắt đầu lúc nào, kéo dài
trong bao lâu, hay nỗ lực giải cứu lớn đến đâu.
Năm 2020, các chính phủ đã bơm quá nhiều tiền
vào nền kinh tế đến nỗi hai năm sau người tiêu dùng vẫn đang “ngồi” trên phần lớn
số tiền đó – tận 1,5 nghìn tỷ đô la chỉ tính riêng ở Mỹ. Đầu tư của các doanh
nghiệp Mỹ và châu Âu hầu như không có đột phá. Chính phủ vẫn tiếp tục chi tiêu.
Do đó, đợt suy thoái tiếp theo có thể đến muộn hơn dự kiến, quan điểm này được
củng cố bởi dữ liệu GDP mới nhất của Mỹ, cho thấy một nền kinh tế có khả năng
phục hồi.
Khi các biện pháp hỗ trợ đại dịch cuối cùng
cũng hết tác dụng vào cuối năm, thì đợt suy thoái tiếp theo, một khi nó xảy ra,
có thể sẽ không trôi qua nhanh chóng. Điểm mấu chốt là lạm phát. Lạm phát hiện
đang giảm nhanh như khi nó tăng vào năm ngoái – khi mà việc bình thường hóa chuỗi
cung ứng và thói quen “chi tiêu phục thù”, được giải phóng khi phong tỏa kết
thúc và được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích, dần lắng xuống. Nhưng lạm
phát không có khả năng quay trở lại mức trước đại dịch là dưới 2%.
Di sản lâu dài nhất của Covid có thể là tác động
của nó đối với việc làm và lạm phát tiền lương. Cứ tám người thì có một người
nói rằng họ “không có kế hoạch quay lại” các hoạt động trước đại dịch, bao gồm
cả công việc. Số giờ mà các cá nhân thuộc mọi lứa tuổi sẵn sàng dành cho công
việc đã giảm xuống, và thái độ của họ cũng thay đổi. Các mạng xã hội tôn vinh
“bỏ việc trong yên lặng” và “làm việc tương xứng với mức lương” – nghĩa là chỉ
làm đúng những việc bạn được trả lương, chứ không làm thêm việc gì khác.
Trong các cuộc trò chuyện, tôi nghe các giám đốc
điều hành nói rằng, lần đầu tiên sau nhiều thập niên, họ nắm trong tay “sức mạnh
định giá”. Lạm phát đối với hàng hóa như xe hơi đang chậm lại nhanh chóng,
nhưng lạm phát đối với dịch vụ còn chậm hơn. Fed theo dõi một chỉ số đặc biệt
cho “các dịch vụ có giá cả ít linh hoạt” (sticky services) như bất động sản và
giải trí – nghĩa là giá cả ít thay đổi – và chỉ số này đang tăng lên.
Trong khi đó, thế giới về cơ bản đang thay đổi
theo hướng lạm phát: tỷ lệ sinh đã giảm trong nhiều năm, nhưng hiện tại, dân số
trong độ tuổi lao động đang giảm rất nhanh. Các quốc gia đang hướng vào bên
trong, sử dụng dịch vụ thuê ngoài ở các quốc gia gần nhất và thân thiện nhất,
thay vì các quốc gia ít tốn kém nhất.
Áp lực từ nhân khẩu học và phi toàn cầu hóa sẽ
đẩy mức lạm phát bình thường mới lên cao hơn, gần 4% thay vì 2%. Điều này sẽ
khiến các ngân hàng trung ương khó cắt giảm lãi suất để ứng phó với cuộc suy
thoái tiếp theo. Lãi suất cao hơn có nghĩa là các chính phủ dù có thể vay mượn
và chi tiêu mạnh tay để kích thích các nền kinh tế trì trệ, nhưng phải đối mặt
với nguy cơ bị “trừng phạt” trên thị trường trái phiếu toàn cầu, vốn đã ngày
càng ít chấp nhận chi tiêu tự do.
Dù đợt suy thoái tiếp theo có lẽ còn lâu mới xảy
ra, nhưng nhiều khả năng nó sẽ xuất hiện trong một hình thức khác lạ, có thể
không sâu rộng hơn, nhưng sẽ kéo dài hơn, do lạm phát ở mức cao buộc các ngân
hàng trung ương và các nhóm cứu trợ của chính phủ phải đứng ngoài cuộc. Thế giới
vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc suy thoái kéo dài phía trước.
----------------
Ruchir Sharma là Chủ tịch của Rockefeller
International.
Nguồn:
Ruchir
Sharma, “The
world is not ready for the long grind to come,” Financial Times, 29/01/2023
No comments:
Post a Comment