Quyền
lực “vô đối” của ông Tổng bí thư Đảng: Nguy cơ tha hoá và thách thức kế vị
Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách
Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
2023.02.13
Chế độ toàn
trị Xô-Viết đã cho thấy quyền lực của đảng cộng sản là vô hạn và được cá nhân
hoá trong người đứng đầu đảng giúp ông ta cai trị suốt đời. Dù là Iósif Stalin ở
Liên Xô hay Mao Trạch Đông ở Trung Quốc họ đều là điển hình cho thấy việc kế vị
họ không thành công dẫn đến khủng hoảng thể chế. Nay việc chế độ quay lại “toàn
trị” cho thấy dấu hiệu quyền lực của Tổng bí thư đảng là “vô đối” đồng thời với
nguy cơ tha hoá và thách thức kế vị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng phát biểu trước Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/7/2021. AFP
Bối cảnh tái lập chế độ toàn trị là sư suy
thoái nghiêm trọng của cán bộ đảng viên về tư tưởng chính trị và đạo đức. Nhận
định này được nêu trong ba Nghị quyết 4 liên tiếp sau ba Đại hội Đảng toàn quốc
11, 12 và 13 và nhấn mạnh sự cấp thiết công tác xây dựng mô hình Đảng –
Nhà nước mạnh như một phiên bản toàn trị. Chế độ này ở Trung Quốc, và Việt
Nam là phiên bản với đặc thù, có cội nguồn tập quyền với các đặc
trưng chủ yếu: quyền lực tuyệt đối và bao trùm của người đứng đầu; quan chức của
chế độ phải được giáo dục tư tưởng, đạo đức và qua tuyển chọn nghiêm ngặt và hệ
thống giám sát đặc biệt để duy trì sự ổn định như một nền tảng.
Thực tế quá trình tái lập
mô hình chế độ này ở Việt Nam cho thấy vai trò to lớn của Tổng bí thư đảng –
ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng được đào tạo
bài bản về chuyên ngành xây dựng Đảng, và là nhà hoạt động chính trị chuyên
nghiệp cho chế độ, từng công tác ở Tạp chí Cộng sản từ năm 1967, là Uỷ viên Bộ
Chính trị năm Uỷ viên Bộ Chính trị 1997, kinh qua các chức vụ Bí thư Thành
Uỷ Hà Nội năm 2000, Chủ tịch Quốc hội năm 2006, khoá 11, Tổng Bí thư từ
năm 2011, khoá 11 đến khoá 13 hiện nay. “Cú huých” trở lại chế độ “toàn trị” đã
bắt đầu trong nhiệm kỳ 11 (2011-2016), khi có “sự tranh chấp” quyền lực giữa Tổng
bí thư đảng và Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô. Như đã
biết, trong sự dàn xếp nội bộ ông Trọng tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ
12 và nguyên Thủ tướng Dũng nghỉ hưu năm 2016.
Đây là bài học đắt giá
cho Đảng CS và cá nhân ông Tổng bí thư để quyết tâm và kiên trì củng cố chế độ,
thúc đẩy toàn trị. Trước hết là việc sửa đổi
và ban hành mới các quy chế của Đảng một cách bài bản, trong đó ông Nguyễn Phú
Trọng được mô tả là “bậc thầy” về các quy định. Đây là cơ sở đảng luật
cho phép tập trung cao độ quyền lực Đảng nhưng nhiều quy định đi ngược xu
hướng thể chế hoá vốn đảm bảo cho sự dẻo dai của chế độ. Chẳng hạn, Quyết định
số 244-QĐ/TW không cho phép các Ủy viên BCH Trung ương đề cử các ứng cử viên
khác với những người đã được Bộ Chính trị thông qua; Quy định số 30-QĐ/TW về mức
kỷ luật của Đảng do Bộ Chính trị đưa ra là bắt buộc… Ngoài ra, nhiều văn bản
còn mơ hồ về tính định lượng như về “trách nhiệm chính trị” đã “vội vã” áp dụng
với trường hợp từ chức của ông Chủ tịch nước khiến dư luận hoang mang.
Tiếp theo, ông Nguyễn Phú trọng coi công tác tổ
chức và nhân sự Đảng như một ưu tiên. Với quyền lực Tổng bí thư ông luôn nắm giữ
các vị trí chủ chốt để trực tiếp chỉ đạo. Ngoài cương vị đương nhiên như Chủ tịch
Quân uỷ trung ương, ông tham gia thường vụ Đảng uỷ Bộ Công an, nắm các chức vụ
như Trưởng ban Văn kiện Đại hội để lãnh đạo đường lối chính sách, Trưởng ban
nhân sự để sắp xếp cán bộ và Trưởng ban phòng chống tham nhũng để chỉ đạo xét xử
các vụ án kết hợp với thanh lọc bộ máy… Bộ máy các ban Đảng không những chỉ được
củng cố ở trung ương từ Bộ Chính trị mà còn mở rộng đến địa phương như ban nội
chính, ban kiểm tra…, đặc biệt là ban phòng chống tham nhũng mới được thành lập
ở 63 tỉnh thành.
Hơn thế, ông đã lên án các quan tham “ăn không
chừa thứ gì” hòng có thể xoa dịu sự bất bình của xã hội, vượt qua trở ngại “kỷ
luật hết (quan chức) thì lấy ai làm việc” của bộ phận quan chức dao động để trở
thành lãnh đạo có bản lĩnh cách mạng, vì vậy ông đã là “trường hợp đặc biệt” để
tiếp tục cương vị Tổng bí thư đảng nhiệm kỳ thứ ba. Nhờ phát động chiến dịch “đốt
lò” và thúc đẩy nó lên đến “vùng cấm” nhằm mục đích kép, vừa lấy lại niềm tin của
dân vừa ngăn ngừa sự tranh chấp từ giới tinh hoa “cung đình”trong đó đỉnh điểm
kịch tính là việc triệu tập liên tiếp các hội nghị bất thường của Ban Chấp hành
TƯ và Quốc hội để xử lý cán bộ cấp cao. Sự “vội vã” có thể biện minh bởi đây là
cơ hội cần chớp lấy – bài học được rút ra từ việc tranh chấp với nguyên Thủ tướng
Dũng năm nào. Sự kiện” các ông Chủ tịch nước và hai ông phó Thủ tướng Chính phủ
bị “hạ bệ” đảm bảo quyền lực “vô đối” cho ông Tổng bí thư để có thể thúc đẩy
toàn trị của mô hình Đảng – Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay trong dư luận đang có ý kến
“nên minh bạch lý do Chủ tịch nước từ chức” trước “sự cố” ông ấy tận dụng cơ hội
cơ hội trong buổi lễ bàn giao công tác và văn phòng đã thanh minh: "Vợ và
các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á”. Ngoài ra, sự suy
đoán về sự dính líu đến tham nhũng, thậm chí câu hỏi về trách nhiệm chính trị đối
với người phụ trách công tác cán bộ và chống tham nhũng được đặt ra cho thấy sự
cần thiết phải minh bạch hoá vấn đề. Tuy nhiên, công tác cán bộ lãnh đạo và quyền
lực Đảng có cội nguồn từ chế độ phong kiến tập quyền luôn chứa đựng những “bí ẩn”.
Vụ án Lệ Chi Viên* đã cho thấy rằng dù bất cứ lý do nào cũng không thể thanh
minh trước quyền lực tuyệt đối. Trong trường này nhà vua băng hà “đột ngột” và
“bí hiểm” cần có người chịu trách nhiệm nặng nề nhất có thể để quyền lực chế độ
không bị tổn hại.
Thiếu cơ chế công khai minh bạch và giải trình
trách nhiệm trước dân thì chống tham nhũng không thể hiệu quả. Chế độ Đảng –
Nhà nước liệu có thể mạnh lên khi công dân yếu đi? Đây là một biểu hiện của sự
“tha hoá tuyệt đối” của “quyền lực tuyệt đối” như Lord Acton đã từng cảnh tỉnh:
“Absolute Power Corrupts Absolutely.”
Dù có “anh minh” đến mấy thì cũng chẳng có vị
vua hay ông tổng bí thư nào có thể sống mãi để cai trị, và kế vị luôn là vấn đề
thách thức. Thời phong kiến tập quyền có “thiên luật” cha truyền con nối. Người
con kế vị phải được nuôi dưỡng, “huấn luyện” sao cho đủ anh minh và bản lĩnh để
cai trị. Mô hình toàn trị không có được điều này. Dưới thời “độc đoán” ở Trung
Quốc nhân vật “kế vị” có thể được biết trước, được “đôn” lên và “thử thách”,
nhưng dưới thời Tập Cận Bình đã không còn, và ông ấy đã làm nhiều việc để có thể
cai trị suốt đời. Ở Việt Nam hai nhiệm kỳ Đảng 12 và 13 phải áp dụng “trường hợp
đặc biệt” đối với ông Tổng bí thư đã cho thấy sự chuyển giao quyền lực đang gặp
thách thức thế nào!
(còn tiếp)
------------
* Sách sử chép rằng Nguyễn Trãi là khai
quốc công thần nhà Hậu Lê, một “mưu thần” trong khởi nghĩa Lam Sơn, khi cuộc khởi
nghĩa thắng lợi đã “về quê ở ẩn” tại trang viên có tên Lệ Chi. Bà vợ thứ của
ông có tên là Nguyễn Thị Lộ, một người phụ nữ "rất đẹp, văn chương rất
hay". Bà từng được vua Lê Thái Tông sủng ái, gọi vào cung phong làm Lễ
nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Vị vua này từng có sáu người vợ với những
quan hệ tình cảm phức tạp… Trong một chuyến tuần duyên Lê Thái Tông đã nghỉ tại
Lệ Chi viên và đột ngột qua đời tại đó. Nguyên nhân cái chết của vẫn là bí ẩn lịch
sử, nhưng Nguyễn Trãi, vị công thần, đã bị quy tội “chu di tam tộc” (chém đầu đến
3 họ). Vụ án này xảy ra năm 1442, nghĩa là cách đây hơn 580 năm nhưng vẫn là một
bí ẩn.
-----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment