Mỹ
đặt thêm tiền đồn ở Philippines khống chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 02/02/2023 - 14:42
Washington có thể sử dụng đến 9 căn cứ quân sự ở
Philippines, tăng gấp đôi so với số lượng được phép hiện nay. Tại bốn căn cứ mới
mà Hoa Kỳ được phép tiếp cận, theo thỏa thuận ngày 02/02/2023, quân đội Mỹ có
thể xây dựng doanh trại, kho chứa vũ khí để bảo đảm cho sự hiện diện lâu dài
trong khu vực, nơi Trung Quốc không ngừng củng cố yêu sách chủ quyền và đe dọa
các nước láng giềng.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin ( T ) bắt tay đồng nhiệm Philippine
Carlito Galvez Jr. tại cuộc họp báo chung ở Manila ngày 02/02/2023. AP -
Joeal Calupitan
Từ năm 1991, quân đội Mỹ không còn hiện diện
thường trực ở Philippines sau khi phải đóng cửa căn cứ không quân Clark và căn
cứ hải quân Subic Bay, do bất đồng về điều kiện thuê địa điểm và Thượng Viện
Philippines chấm dứt « đặc quyền » này. Tuy nhiên,
quân đội hai nước vẫn duy trì hợp tác, theo Thỏa thuận Thăm viếng Quốc phòng
(VFA) ký năm 1999. Đến năm 2014, lính Mỹ đã có thể trở lại lưu trú luân phiên tại
5 căn cứ quân sự của Philippines, theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao
(EDCA).
Lầu Năm Góc đã đầu tư đến 82 triệu đô la, chủ
yếu thông qua những hợp đồng với doanh nghiệp Philippines, để xây dựng doanh trại,
lắp đặt trang thiết bị quân sự, xây dựng đường băng, kho vũ khí, xăng dầu…
trong những khu vực được phép sử dụng. Theo AFP, khoảng 500 quân nhân Mỹ luân
phiên trú đóng tại Philippines, cùng với một số khác tham gia những chương
trình huấn luyện chung trong năm.
Gần 10 năm sau, Mỹ có thể tiếp cận đến 9 căn cứ
quân sự của Philippines. Rất nhiều cơ sở từng nằm trong chuỗi « thành
trì thế giới tự do » kéo dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc xuống
Philippines trong thời Chiến tranh lạnh. Tất cả những căn cứ được Washington lựa
chọn đều có vị trí chiến lược trong trường hợp xảy xung đột ở Đài Loan hoặc ở
Biển Đông. Trong bốn căn cứ vừa được Manila cho phép Mỹ tiếp cận, đa số nằm ở
phía bắc đảo Luzon, chỉ cách Đài Loan khoảng 300 km, nơi Mỹ đã được sử dụng hai
căn cứ.
Nhật báo Bỉ La Libre ngày 01/02 cho rằng những
tiền đồn được Mỹ củng cố ở Philippines nhằm nâng cao khả năng bảo vệ Đài Loan
trong trường hợp Bắc Kinh thực hiện lời đe dọa thống nhất hòn đảo bằng vũ lực.
Những căn cứ ở Philippines tạo thành vòng vây ở miền nam Đài Loan ; còn ở
phía bắc, Mỹ có bàn đạp là đồng minh Nhật Bản, với những căn cứ ở Okinawa và quần
đảo Ryukyu. Một nửa trong tổng số 50.000 quân Mỹ được triển khai ở Nhật Bản hiện
đồn trú ở Okinawa.
Ngược xuống phía nam Philippines, Mỹ có thể được
phép tiếp cận căn cứ trên đảo Palawan, đối diện với quần đảo Trường Sa, ở Biển
Đông nơi mà Trung Quốc muốn độc chiếm đến 80% diện tích. Vị trí quan trọng của
Palawan từng được chú ý khi phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm hòn đảo
vào tháng 11/2022.
Nỗ lực của Washington củng cố hợp tác quân sự
với đồng minh lâu đời ở Đông Nam Á đang đạt được kết quả. Tổng thống đương nhiệm
Marcos Jr., dù chủ trương giữ cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh, vẫn chú trọng
đến việc không để Trung Quốc chà đạp lên quyền hàng hải của Manila.
Một mặt, tổng thống Philippines vẫn duy trì
quan hệ thương mại với đối tác hàng đầu là Trung Quốc, thông qua 12 thỏa thuận
về thương mại và du lịch được ký trong chuyến công du Bắc Kinh vào đầu tháng
01/2023. Mặt khác, ông cũng đề cập với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình những
quan ngại về chủ quyền, quyền đánh bắt của ngư dân Philippines ở những ngư trường
truyền thống, hoặc những công trình quân sự được Bắc Kinh xây trên những thực
thể mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông, trong vùng biển của Philippines.
Tuy nhiên, Manila không yên tâm dù được Bắc
Kinh trấn an. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times ngày 19/01, tổng thống
Philippines tỏ vẻ « lo lắng » về tình hình Đài Loan
và những căng thẳng giữa tầu chiến Trung Quốc và Mỹ trong khu vực. Tại Diễn đàn
Kinh tế Davos, nguyên thủ quốc gia Philippines từng cảnh báo nếu xảy ra tình huống
xấu, các nước trong vùng sẽ là những bên trực tiếp « gánh chịu ».
-------------------------------
CÁC NỘI
DUNG LIÊN QUAN
Washington
muốn tăng số lính Mỹ tại Philippines
Trung
Quốc phẫn nộ trước việc Mỹ - Philippines tăng cường hợp tác an ninh ?
Phó
TT Mỹ đến thăm một hòn đảo của Philippines trong vùng biển Trung Quốc đòi chủ
quyền
No comments:
Post a Comment