Monday, February 6, 2023

INTERNET VIỆT NAM CHẬP CHỜN, KHÁCH HÀNG VẪN PHẢI TRẢ TIỀN ĐỦ (An Vui / Saigon Nhỏ)

 



Internet VN chập chờn, khách hàng vẫn phải trả tiền đủ

An Vui  -  Saigon Nhỏ
6 tháng 2, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/internet-vn-chap-chon-khach-hang-van-phai-tra-tien-du/

 

Hình : Tốc độ internet trên máy tính chiều ngày 30 Tháng Giêng 2023 chỉ vài chục Mbps, thấp hơn nhiều lần mức băng thông hàng trăm Mbps trước đó – Ảnh: Vnexpress

 

Từ khoảng trong tết 2023 đến nay, mạng internet Việt Nam chậm rì, quay vòng vòng, không xem được tin tức trên mạng xã hội hay giải trí xem phim được như trước.  

 

Bị ảnh hưởng về việc kinh doanh nhất là các sàn thương mại trực tuyến và mạng xã hội, khi mọi giao dịch đều phải chờ đợi. Bên cạnh đó, thú vui lướt mạng để giải trí sau giờ làm việc của người dân cũng bị cắt đứt.

 

Theo truyền thông trong nước, có đến 4/5 cáp quang trên biển kết nối Việt Nam với thế giới cùng bị “cá mập cắn” – cụm chữ quen thuộc được nhắc lại mỗi khi đường truyền internet chậm rì. Vnexpress giải thích: Tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng sau khi trục trặc ngày 11 Tháng Mười Hai 2022;  tuyến APG sau đó trục trặc thêm hai lần khác và đều chưa khắc phục; tuyến AAE-1 mất theo hướng đi Hong Kong từ ngày 24 Tháng Mười Một 2022; tuyến IA gián đoạn hướng đi Singapore từ ngày 28 Tháng Giêng.

 

SMW3 là tuyến cáp quang biển duy nhất còn nguyên vẹn nhưng lại là tuyến cáp cũ, dung lượng thấp và không hữu ích nhiều cho đường truyền internet đi quốc tế của Việt Nam. Vậy là xong!

 

Báo Lao Động bình luận: Tuyến cáp quang APG bị sự cố trên nhánh S6 suốt từ ngày 26 Tháng Mười Hai… năm ngoái, tới 21 Tháng Giêng 2023, nhánh S9 hướng đi Singapore tiếp tục bị lỗi. Hai tháng, một tuyến cáp quan trọng có dung lượng ổn định bị “cá mập cắn” đến hai lần! Tới tối 4 Tháng Hai, tuyến cáp này mới có kế hoạch sửa – nhưng mới là dự định, cũng chỉ trên nhánh S6, trong thời kéo dài từ 23 Tháng Ba đến 27 Tháng Ba.

 

Hình : Đường truyền Internet trên điện thoại cũng chậm rì khi “cá mập” cắn cáp – Ảnh: Lao Động

 

Truyền thông trong nước suốt ngày nói về cách mạng 4.0, thế nhưng Việt Nam mới chỉ có 7 tuyến cáp quang (bao gồm SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, SJC2, ADC), trong đó có hai tuyến SJC2 và ADC vẫn còn đang xây dựng, tức là cứ 14 triệu dân mới có một tuyến cáp quang. Trong khi đó so sánh với các nước lân bang: Singapore có 30 tuyến, Malaysia có 22 tuyến.

 

Không chỉ ít tuyến cáp quang, mỗi năm mạng internet Việt Nam phải bị “cá mập cắn” trung bình 10 lần, mỗi lần kéo dài vài tuần đến cả tháng, mà lại rất đúng “thời điểm”, đó là thời gian nghỉ lễ, tết hoặc đang có một vấn đề gì đó được người dân quan tâm mà họ sẽ không tìm được thông tin trên các báo lề phải!

 

Ở Việt Nam hiện có 5 nhà mạng cung cấp internet: Đông khách hàng nhất là VNPT, nhà mạng của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam, cùng với Viettel của quân đội và FPT của tư nhân; hai nhà mạng ít khách hàng hơn là NetNam và CMC đều là công ty cổ phần.

 

Có 5 nhà mạng nhưng thực tế là cả 5 đều như nhau, khách hàng không có chọn lựa. Nếu chán dịch vụ của nhà mạng VNPT, đổi sang dịch vụ của Viettel hay FPT thì cũng chỉ được thời gian đầu, sau đó mọi thứ vẫn y như cũ. Điều đáng nói là khi gặp trục trặc vì đường truyền tệ, gọi lên nhà mạng để báo sửa chữa thì khách hàng sẽ được tư vấn… đổi cục wifi đắt tiền hơn hoặc đổi sang gói cước cao hơn, hứa hẹn dung lượng lớn hơn, lướt mạng nhanh hơn (!)

 

Tin không vui là từ giờ đến cuối Tháng Ba, mạng internet ở Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục “chậm như rùa”, nhưng dù là khách hàng của nhà mạng nào thì dân Việt vẫn phải trả tiền thuê bao đầy đủ và không được bớt một xu, đừng nói đến việc được bồi thường.

 

 



No comments: