Monday, February 13, 2023

ChatGPT và AI - TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (Đoàn Hưng Quốc)

 

 

Chat GPT và Trí Tuệ Nhân Tạo (AI)   

 Đoàn Hưng Quốc

11/02/2023

https://www.danchimviet.info/chat-gpt-va-tri-tue-nhan-tao-ai/02/2023/28148/

 

Vào tháng 11/2022 công ty OpenAI ở Mỹ trình làng một sản phẩm Trí Tuệ Nhân Tạo (Artificial Intelligence hay AI) mang tên Chat GPT làm chấn động dư luận quốc tế.

 

Cho ra một đề tài, Chat GPT sẽ viết một bài luận văn ở trình độ đại học mà cho đến các giáo sư cũng không phân biệt được do sinh viên hay máy viết ra. Ứng dụng của Chat GPT và các sản phẩm AI tương tự sẽ đảo lộn ngành giáo dục, truyền thông,…chỉ trong vòng năm nay cho dù các nhà chính trị, triết gia, các nhà đạo đức, giáo dục, nhà báo và và các chuyên viên kỹ thuật đều không lường được hậu quả.

 

Ngay trong những ngày vừa qua dư luận người Việt đã xôn xao với câu hỏi “HCM đích thực là người Việt hay Tàu” thì Chat GPT thoạt tiên trả lời “dân Tàu” rồi sau đó đổi ý thành “người Việt”! Dư luận đồn đoán là nhà cầm quyền Việt Nam và đám dư luận viên cải sửa tài liệu để Chat GPT thay đổi câu trả lời. Câu chuyện thật hay giả khó mà biết nhưng cho thấy tác động khó tưởng tượng của trí tuệ nhân tạo lên nhân loại.

 

Để người đọc có một khái niệm dẫn nhập làm thế nào Chat GPT có thể viết một bài văn hay cho một đề tài, trí tuệ nhân tạo không đồng nghĩa với “trí thông minh.” AI không biết suy nghĩ mà cũng không biết phân biệt giữa thật và giả, đúng hay sai. Đã có tiểu luận (essay) nhận xét AI chỉ viết chuyện “ruồi bu” (bullshit) nhưng có điều là ruồi bu hay đến mức thu phục mọi người.

 

AI dựa vào chấm điểm cao nhất để chọn con đường (pattern) tốt nhất đi đến mục tiêu sát nhất với đề tài. Thí dụ đề tài là Viết về một người buổi chiều đi làm về nhà ăn cơm. Có 4 con đường như sau:

 

1.    Đậu xe, đi ra vườn tưới cây (20%) rồi ăn cơm

2.    Đi chợ (15%), về nhà đậu xe rồi ăn cơm

3.    Đậu xe, mở khoá (50%) rồi vào nhà ăn cơm

4.    Đi chợ rồi đi coi xi-nê (0% do lạc đề)

 

AI chọn viết bài văn về con đường số 3 vì nhiều điểm nhất.

 

Nhưng làm thế nào để hành văn cho mạch lạc? AI thu thập hàng trăm triệu bài viết để “ráp chữ thành câu,” rồi “ráp câu thành bài viết” với nhiều điểm nhất. Tuyệt ở chỗ AI ráp từng khúc mà không dài dòng hay lạc đề.

 

Vì không cần hiểu nội dung cho nên AI viết câu chuyện “ruồi bu” (bullshit) nhưng thu phục mọi người (kể cả người viết) tin.

 

AI được huấn luyện (training) bằng cách đọc và xếp hạng các mẫu hình (pattern). Thí dụ người dạy AI hàng trăm triệu tấm hình để phân biệt con chó và con mèo cho dù trời tối hay sáng, chó to hay nhỏ…Nếu con người nhiều lúc lầm lẫn giữa chó và mèo thì AI đôi khi cũng trật lất.

 

Vì xếp hạng và chấm điểm mà không có trí thông minh để phán xét nên nhiều câu trả lời của AI thành tầm bậy!

 

Vì không có khái niệm về đạo đức và luân lý nên các kết luận của AI trở thành nguy hiểm.

Vì dựa vào mẫu hình (pattern) thay vì suy luận nên AI không giải thích được lý do đi đến kết luận.

 

Nhờ so sánh các mẫu hình (pattern) nên AI khám phá ra nhiều mẫu hình mới về vi sinh học (biology) hay dược phẩm (pharmaceutical) mà không ai ngờ đến! Nhưng AI không phát minh vì không có trí tưởng tượng và suy đoán.

 

AI được huấn luyện bằng cách đút ăn (feeding) tài liệu. Được nhà nước VN đút thì AI sẽ thiên về XHCN, được nhóm dân chủ đút thì AI sẽ dạy Tam Quyền Phân Lập. Ai đút nhanh và nhiều hơn sẽ thắng nên kết quả có thể tạm thời đoán trước.

 

Các nhà nghiên cứu cho biết AI đã đọc hơn 100 triệu tài liệu (hay 1 ngàn tỷ tùy theo cách tính) trên mạng. Hiện Tàu có vẻ dẫn đầu về nhân dạng hình (picture) nhưng các nghiên cứu hiện thời nhằm dạy AI xem phim. Thí dụ muốn AI dạy chơi tennis thì không thể nào dùng chữ hay hình mà đủ. Hiện có hàng tỷ phim trên YouTube, Tiktok, Facebook,…cho AI xem và bắt chước.

 

Hãng Microsoft đầu tư 13 tỷ USD vào công ty OpenAI với ứng dụng đầu tiên dùng Chat GPT vào Bing tìm kiếm trên mạng (web search.) Thí dụ dùng Google Search tìm thì hiện ra một dãy hàng ngàn tài liệu cho người đọc tha hồ chọn lựa. Trong tương lai nếu dùng Bing thì AI sẽ đúc kết hàng ngàn tài liệu này thành một tiểu luận, cọng thêm một hàng cột bên trái cho thấy trích dẫn được rút ra từ tài liệu nào! Công ty Google hoảng hốt “báo động đỏ” (Code Red) huy động toàn lực – kể cả hai nhà sáng lập Google – để tranh hùng với Microsoft.

 

Khái niệm chỉ vậy nhưng khi áp dụng AI trở thành sản phẩm quả là một kỳ công khoa học. AI mô phỏng hệ thần kinh (neural network) để thu thập, nhận dạng và chấm điểm các mẫu hình (pattern). Chỉ đến thế kỷ thứ 21 thì ngành điện toán (computer) và kĩ thuật bán dẫn (semiconductor) mới tạm đủ tinh vi cho ứng dụng AI vào quần chúng.

 

Điều đáng sợ là AI mới ở bước ban đầu. Không ai dự phóng nổi tương lai sẽ ra sao. Trẻ em có còn học viết văn, người lớn có còn phân biệt thật giả ra sao?

 

Đoàn Hưng Quốc





No comments: