Thursday, December 22, 2022

VỤ TẤN CÔNG ĐỒI CAPITOL : "TRUMP SẴN SÀNG PHÁ SẠCH CÒN HƠN MẤT HẾT" (Anh Vũ / RFI)

 



Vụ tấn công đồi Capitol: "Trump sẵn sàng phá sạch còn hơn mất hết"

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 21/12/2022 - 14:56

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221221-v%E1%BB%A5-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-%C4%91%E1%BB%93i-capitol-trump-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-ph%C3%A1-s%E1%BA%A1ch-c%C3%B2n-h%C6%A1n-m%E1%BA%A5t-h%E1%BA%BFt

 

Hầu hết các tờ báo lớn ra tại Pháp hôm nay đều chú ý tới một thời sự nóng ở nước Mỹ. Hôm thứ Hai, 19/12/2022, ủy ban điều tra của Quốc Hội Mỹ về vụ tấn công điện Capitol hồi tháng Giêng năm 2021 đã ra khuyến nghị bộ Tư Pháp Mỹ khởi tố hình sự cựu tổng thống Donald Trump về những trách nhiệm và sự can dự của ông trong vụ bạo loạn.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/9c8f3f5e-8134-11ed-9e45-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP22352815631291.webp

Ảnh tư liệu: Những người ủng hộ tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia một cuộc biểu tình ở Washington (Hoa Kỳ), ngày 06/01/2021. AP - John Minchillo

 

Le Monde chạy tựa trang nhất : « Trump : thêm một bước hướng tới khởi tố hình sự ». Theo tờ báo, sau nhiều tháng tiến hành điều tra, Ủy ban trên của Quốc Hội Mỹ hôm nay 21/12, sẽ công bố toàn bộ báo cáo điều tra. Trong phần tổng hợp dày 160 trang được công bố hôm thứ Hai, Ủy ban đã đưa ra những kết luận nghiêm trọng về vụ việc 06/01/2021, coi đó như là một vụ mưu phản, gây rối, đảo chính bất thành do bị kích động bởi những tuyên bố dối trá của ông Donald Trump, khi đó vẫn là tổng thống Hoa Kỳ.

 

Điều nghiêm trọng nhất là Ủy ban đề nghị phải khởi tố hình sự cựu tổng thống. Với những kết luận nặng nề như vậy, nếu bộ Tư Pháp quyết định làm theo khuyến nghị của ủy ban điều tra Quốc Hội thì ông Trump sẽ bị khởi tố như một tội phạm hình sự. Le Monde ghi nhận « Vụ tấn công đồi Capitol : Gọng kìm siết chặt Trump ». Vẫn theo nhật báo Le Monde, 9 dân biểu Hạ Viện trong Ủy ban nói trên cho biết họ có đủ bằng chứng trong quá trình điều tra kéo dài 18 tháng để có thể  đưa ra những khuyến nghị với bộ Tư Pháp.

 

Với ủy ban điều tra, trách nhiệm của Donald Trump trong vụ việc là không thể chối cãi và khẳng định ông ta « sẵn sàng phá sạch còn hơn là mất tất ».

 

Nhưng bộ Tư Pháp hoàn toàn không bị bắt buộc phải tuân theo đề nghị của Ủy Ban điều tra của Quốc Hội, thủ tục lập hồ sơ khởi tố cũng khá phức tạp. Dù sao thì đây là một đòn đánh mạnh vào ông Trump, người vừa tuyên bố tiếp tục cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.

 

Với Le Figaro, đây là sự kiện mang tính biểu tượng cao: lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một ủy ban điều tra của Hạ Viện đề nghị bộ Tư Pháp khởi tố hình sự một cựu tổng thống vì tội mưu phản, đảo chính.

 

La Croix cũng có bài viết : « Tương lai của Donald Trump trong tay Tư Pháp ».  Tờ báo cũng nhấn mạnh, chưa thể biết sự việc sẽ đi tới đâu. Nhưng La Croix đặt câu hỏi : « Hồ sơ này nêu ra một vấn đề cốt lõi : Phải chăng đã đến lúc phải lật sang trang mới những năm của Trump ? Hay là cần phải phán xử ông ta để tránh không để những vụ việc tương tự một ngày nào đó lại xảy ra ? »

 

Qatar, đồng minh phiền toái của EU

 

Một đề tài thời sự khác đang làm náo động chính trường châu Âu những ngày qua : Nghi án tham nhũng ở Nghị Viện Châu Âu liên quan đến vương quốc nhỏ bé vùng Vịnh Qatar.

 

Nhật báo Công Giáo La Croix đề cập đến vụ việc dưới góc độ quan hệ ngoại giao giữa Qatar và Liên Hiệp Châu Âu với hàng tựa chính trang nhất : « Qatar một đồng minh phiền toái ». Tờ báo nhận thấy, mặc dù vụ bê bối tham nhũng đang làm rúng động Nghị Viện Châu Âu, nhưng các nước Liên Âu vẫn phải lựa cách đối xử với Qatar, nước sản xuất khí đốt lớn. Về phần mình, vương quốc bé nhỏ vùng Vịnh này cũng cần dựa vào những nước phát triển trong khi mà nước này đang nằm giữa một vùng bất ổn. Qatar giờ đang là đồng minh không thể thiếu, nhưng lại rất phiền hà với Châu Âu.

 

Chiến tranh tại Ukraina nổ ra buộc các nước Liên Âu phải khẩn cấp xem lại chiến lược năng lượng của mình. Do nguồn cung cấp từ Nga cắt giảm, các nước Liên Âu phải tìm các đối tác cung cấp khác, trong đó có Qatar. Hiện quốc gia vùng Vịnh này mới chỉ cung ứng 5% nhu cầu của Liên Âu. Nhưng với tiềm năng là nước sản xuất khí đốt lớn thứ 3 thế giới, sau Nga và Iran, thì Qatar sẽ là nguồn cung ứng lâu dài để EU thay thế khí đốt Nga.

 

Theo La Croix những tháng gần đây Doha đã nhận ra được lợi ích khi xích gần lại với các nước EU. Qatar trong tương lai hy vọng đáp ứng được 25% đến 30% thậm chí 50% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Châu Âu. Như vậy, Qatar sẽ có thể trở thành nhà cung cấp khí đốt không thể thiếu cho Liên Hiệp Châu Âu. Mặt khác, tờ báo cũng phân tích để thấy Liên Âu cũng không thể bỏ qua được điểm tựa địa chính trị của Qatar trong khi gần đây đất nước này đã nổi lên đóng những vai trò trung gian nhất định trong việc giải quyết một số hồ sơ quan trọng trong khu vực.

 

Cả hai bên Qatar và Châu Âu đều nhìn thấy điểm mạnh cũng như điểm yếu của nhau và sẽ còn tận dụng lẫn nhau. Chuyện Qatar dùng tiền để hối lộ để thực hiện những tham vọng lớn của mình không phải là chuyện gì mới với dư luận ở phương Tây. Vụ nghi án tham nhũng trong Nghị Viện Châu Âu trở nên một vụ việc tế nhị của EU.

 

Phương Tây, thế lực lớn đang thoái trào

 

Vẫn liên quan đến vấn đề tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, báo Le Figaro có bài « Những thế lực tầm trung tìm kiếm ảnh hưởng », đề cập đến một thực tế: trong khu vực vùng Vịnh cũng như ở châu Á hay châu Phi, ngày càng có nhiều nước không còn  theo chính sách đối ngoại của phương Tây nữa. 

 

Theo bài báo, từ nhiều năm nay, sự thoái lui của Hoa Kỳ hay của thế giới phương Tây đã đẩy nhiều nước chậm phát triển cũng muốn có được tiếng nói và vai trò nhiều hơn trong các hồ sơ quốc tế. Từ vùng Trung Đông đến châu Á qua châu Phi, xu hướng thay đổi đồng minh đang bùng phát nhất là từ khi nổ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraina.

 

Khu vực Trung Cận Đông không còn là vùng đất ảnh hưởng hay sân sau của Hoa Kỳ nữa. Một loạt các quốc gia nhỏ bé ở khu vực những năm qua dần ngả sang Trung Quốc vì lợi ích kinh tế. Theo các chuyên gia được bài báo trích dẫn, các nước trong khu vực muốn đóng vai trò quan trọng hơn và tham dự vào các cuộc đối thoại toàn cầu, nên họ tự chọn cho mình các đồng minh tùy theo lợi ích của từng nước.

 

Những nước lớn như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, hay ở Đông Nam Á có Indonesia, giờ cũng đều có xu hướng bảo vệ chủ trương đa liên kết, từ chối chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc hay Nga…

 

Còn ở châu Phi thì xu thế ngày càng rõ nét. Nhiều nước không ngần ngại theo hẳn Nga để đấu tranh thay đổi trật tự quốc tế và chấm dứt sự thống trị của phương Tây. Cuộc xâm lược của Nga và Ukraina lại là chất xúc tác gián tiếp kích thích tình cảm chống châu Âu và chống Mỹ ở một số nước. Tóm lại bài báo kết luận « phương Tây, một đại cường đang tụt hậu ».

 

Trung Quốc: Tăng trưởng giảm vì Covid

 

Liên quan đến chủ đề kinh tế, nhật báo les Echos cho hay: Trung Quốc trả giá đắt về kinh tế do xử lý lộn xộn dịch Covid 19.

 

Theo tờ báo, ngày hôm qua (20/12) Ngân Hàng Thế Giới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm sút mạnh do dịch Covid bùng phát trở lại nhanh chóng, hậu quả của việc từ bỏ đột ngột chính sách "zero Covid". Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022 ở vào khoảng 2,7% và 4,3% vào năm 2023. Sau các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng hồi tháng 11 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã vội vã gỡ bỏ một loạt biện pháp hạn chế y tế được áp dụng từ đầu đại dịch. Việc làm đó đã kéo theo một làn sóng nhiễm Covid chưa từng có. Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc có nguy cơ sẽ bị đình trệ trở lại vì đợt dịch mới bùng lên. Năm ngoái kinh tế Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng 8,1%.

 

Châu Âu: Tiết kiệm năng lượng cũng thành mối lo

 

Vẫn liên quan đến vấn đề kinh tế như tại châu Âu, Nhật báo Le Figaro cho biết nhu cầu năng lượng của Châu Âu giảm bất ngờ. Nếu như cách đây vài tháng, vì lo đối phó với tình trạng khan hiếm năng lượng do chiến tranh tại Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu đã tìm mọi cách tiết kiệm tiêu thụ khí đốt và điện, để qua được mùa đông khắc nghiệt, thì giờ đây khi tiêu thụ giảm, Liên Âu không mừng mà lại lo, vì đó là dấu hiệu không tốt cho hoạt động kinh tế. Liên Hiệp Châu Âu trong tháng 11 đã giảm 20% tiêu thụ khí đốt và 10% tiêu thụ điện so với cùng thời gian của năm trước. Giảm tiêu thụ năng lượng là do giá đắt, các công ty công nghiệp đã phải cắt giảm sản xuất để tiết kiệm. Bên cạnh đó, giá trị của các ngành năng lượng trên thị trường chứng khoán cũng bị giảm theo.

 

Vẫn trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, nhật báo Les Echos cho hay, Châu Âu đang trở lại với năng lượng hạt nhân sau một thời gian có xu hướng tìm cách cắt giảm vì lo ngại về an toàn. Nhưng vẫn lại là cuộc chiến tranh ở Ukraina đã một lần nữa làm năng lượng hạt nhân được quan tâm trở lại. Một loạt nước như Hà Lan, Thụy Điển, Pháp và Ba Lan đang chủ trương khởi động lại các dự án xây mới các nhà máy điện hạt nhân trong những năm tới.

 

Cúp bóng đá thế giới 2026 hoành tráng và sinh lời nhất lịch sử

 

Cúp bóng đá thế giới đầu tiên ở đất nước Ả Rập, Qatar vừa khép lại với Cúp vàng về tay đội tuyển Achentina. Thế giới bóng đá hướng về kỳ World Cup tới, 2026. Le Figaro cho biết : Đây sẽ là kỳ Cúp thế giới hoành tráng nhất từ trước tới nay, Cúp thế giới 2026 sẽ có 48 đội tham gia, các cuộc thi đấu sẽ được tổ chức trên các địa điểm ở 3 múi giờ của 3 quốc gia :  Mỹ, Canada và Mêhico.

 

Cúp bóng đá thế giới 2026 ở Bắc Mỹ sẽ có nhiều đội tham dự, nhiều trận đấu và thu nhập cũng nhiều hơn. Nếu như ý tưởng Cúp thế giới 48 đội tham dự là để có thêm « nhiều nước đạt được mơ ước », thì giải đấu cũng sẽ giúp FIFA tăng thêm thu nhập, dự kiến khoảng 640 triệu đô la. Ngân sách dự trù cho World Cup khoảng 11 tỷ đô la. Các nước đồng tổ chức hứa hẹn đây sẽ là "Cúp thế giới sinh lời nhất lịch sử".

 

------------------------

Các nội dung liên quan

HOA KỲ - DONALD TRUMP

Vụ Capitol: Ủy ban đặc biệt Hạ Viện Mỹ đề nghị điều tra hình sự Trump





No comments: