Thursday, December 29, 2022

MƯỜI THẢM HỌA KHÍ HẬU ĐÁNH DẤU NĂM 2022 (Chi Phương / RFI)

 



Mười thảm họa khí hậu đánh dấu năm 2022

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 29/12/2022 - 11:54Sửa đổi ngày: 29/12/2022 - 12:03

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221229-m%C6%B0%E1%BB%9Di-th%E1%BA%A3m-h%E1%BB%8Da-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu-n%C4%83m-2022

 

Từ nắng nóng gay gắt kỷ lục ở bán cầu bắc đến những đợt hạn hán tàn khốc gây ra nạn đói ở phía đông châu Phi: năm 2022 lại tiếp tục là một năm xảy ra nhiều thảm họa khí hậu.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/140c9ba4-8765-11ed-bc8b-005056a90284/w:980/p:16x9/2022%20%282%29.webp

Những hình ảnh minh họa các thảm họa khí hậu năm 2022 © AP/Canva

 

Giáo sư Tom Olivier, chuyên gia về sinh thái học tại đại học Reading, Anh Quốc, trả lời Sky News ngày 28/12/2022, cảnh báo rằng tình trạng thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên thường xuyên hơn ở hầu hết các nơi trên thế giới. 

 

Theo hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, các thảm hoạ này khiến nhiều người phải tị nạn khí hậu hơn. Mối tương quan giữa xung đột vũ trang và khủng khoảng khí hậu đã được ghi nhận kể từ khi vùng đất canh tác màu mỡ ở Syria bị sa mạc hoá.  

 

RFI xin liệt kê 10 thảm họa khí hậu trong năm 2022. 

 

1. Trận bão tuyết “thế kỷ” ở Mỹ

 

Hơn 60 người thiệt mạng, trong đó gần một nửa là ở Buffalo, thuộc bang New York. Trận bão tuyết Elliott đã khiến hàng triệu người Mỹ trải qua một mùa Giáng Sinh đầy ác mộng. Tuyết rơi dày, có nơi lên đến 3 mét. Cơn bão được hình thành do khối khí lạnh ở Bắc Cực tràn xuống đã khiến hàng trăm ngàn người mất điện, giao thông tê liệt, hơn 10 000 chuyến bay bị hủy. Nhiệt độ xuống thấp, có nơi -50°C. Có những người thiệt mạng vì mắc kẹt trong xe ô tô, có người thì mất tại nhà vì không có điện để sưởi hoặc mắc các bệnh lý khác mà không được sơ cứu kịp thời.

 

https://s.rfi.fr/media/display/606c305c-875d-11ed-a743-005056bf30b7/AP22361561664991.webp

Một người đàn ông dọn tuyết ở Buffalo, Hoa Kỳ, ngày 26/12/2022. AP - Joseph Cooke

 

Hiện lượng tuyết rơi đã suy giảm, nhiệt độ đang tăng dần lên, khoảng 8°C vào Thứ Năm và 12°C vào Thứ Bảy. Cơ quan khí tượng của Hoa Kỳ dự báo rằng băng tan nhanh vào cuối tuần, kèm theo mưa, có thể gây ra lũ lụt. 

 

2. Lũ lụt ở Pakistan

 

Trận lũ lụt kỷ lục do gió mùa và băng tan ở vùng núi phía bắc Pakistan đã cướp đi sinh mạng của 1400 người trong mùa hè vừa qua. Một phần ba diện tích Pakistan chìm trong nước. Hàng triệu người không có điện và nước sạch.

 

https://s.rfi.fr/media/display/c17822e8-875d-11ed-9d9b-005056a90284/AP22310384963926.webp

Những người phụ nữ mang theo những tài sản còn sót lại từ ngôi nhà đã bị lũ nhấn chìm, ở Qambar Shahdadkot, Pakistan, ngày 06/09/2022. AP - Fareed Khan

 

Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu (Global Climate Risk Index) Pakistan phát ra ít hơn 1% lượng khí thải toàn cầu làm Trái đất nóng lên nhưng đây là quốc gia dễ bị tổn thương đứng hàng thứ tám trước khủng hoảng khí hậu. 

 

3. Nắng nóng ở Trung Quốc 

 

Từ tháng 6 đến tháng 8/2022, Trung Quốc trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất từ 60 năm qua với nhiệt độ vượt quá 40 độ C ở một số tỉnh. Nhiệt độ cao đỉnh điểm, liên tục trong hơn 25 ngày ở khu vực tây bắc Tân Cương, phía bắc Thiểm Tây và các tỉnh phía đông Giang Tô. Đợt hạn hán nghiêm trọng đã làm khô cạn các con sông, trong đó có sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á và làm tê liệt hoạt động thủy điện.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e5498f20-875f-11ed-b444-005056bf30b7/AP22256467414286.webp

Một người đàn ông đi bộ ở bờ sông Gia Lăng, Trùng Khánh, nơi mà mực nước đã xuống thấp kỷ lục, Trung Quốc, ngày 19/08/2022. AP - Mark Schiefelbein

 

Tình trạng này dẫn đến việc cắt điện tại các khu vực công nghiệp trọng điểm, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cho pin lithium, v.v. Hạn hán cũng ảnh hưởng đến sản xuất lương thực tại khu vực sản xuất lúa mì lớn nhất của Trung Quốc là Hà Nam. 

 

4. Bão cát ở Trung Đông 

 

Các quốc gia ở Trung Đông gồm Iran, Iraq và Syria đã phải hứng chịu những cơn bão cát và bụi vào tháng Năm vừa qua, khiến hơn 1000 người phải nhập viện vì các vấn đề về hô hấp và làm gián đoạn nhiều chuyến bay.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d3418cde-875e-11ed-8bc1-005056a90284/AP12052208720-1.webp

Người dân đeo khẩu trang trong cơn bão cát và bụi ở Baghdad, Irak, ngày 22/05/2022. AP - Hadi Mizban

 

Mặc dù bão cát trong khu vực không phải là hiếm, nhưng chúng đã xảy ra sớm hơn và thường xuyên hơn, bắt đầu sớm nhất vào tháng 3 năm nay và lan rộng trên một khu vực rộng lớn hơn. Các nhà môi trường cảnh báo rằng các cơn bão cát này có khả năng trở nên nghiêm trọng hơn do nhiệt độ toàn cầu tăng lên. 

 

5. Cháy rừng ở châu Âu 

 

Nhiều nước ở châu Âu đã phải trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè qua, nhiệt độ tăng cao từ 40 đến 43 độ C ở nhiều nơi.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1940bccc-8760-11ed-b10f-005056bfb2b6/AP22237708109098.webp

Lính cứu hỏa tại rừng Hostens, Bordeaux, Pháp, ngày 23/08/2022. AP - Francois Mori

 

Tình trạng khô hạn đã gây ra các vụ cháy rừng, thiêu trụi tổng tộng hơn 780 000 hecta rừng ở Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Slovenia. Con số này tăng gấp đôi so với mức trung bình 317 000 hecta từ 15 năm qua. Ít nhất hàng chục người thiệt mạng, hàng nghìn người phải di dời và lượng khí thải carbon tăng cao, phá kỷ lục của năm 2003. 

 

6. Sông ngòi khô cạn ở châu Âu và châu Mỹ 

 

Do nắng nóng, lượng mưa thấp, Châu Âu cũng đã phải trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất Âu trong khoảng 500 năm. Sông ngòi khô cạn, mùa màng thất bát. Giao thông đường thủy bị ngưng trệ trên sông Rhin ở Đức. Hạn hán làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng do nước từ các hồ thủy điện bị bốc hơi và cản trở việc làm mát các nhà máy điện hạt nhân. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/55a28d76-8760-11ed-aa3d-005056a97e36/AP22180516500264.webp

Sông Po ở Linarolo, Ý, ngày 27/06/2022. AP - Luca Bruno

 

Tại Hoa Kỳ, tình trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở các bang miền trung, mực nước ở sông Mississippi và các nhánh của sông này giảm mạnh, xuống mức thấp kỷ lục, buộc chính quyền phải xây dựng một con đê rộng khoảng 400 mét để ngăn nước mặn từ Vịnh Mexico tràn vào, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt. 

 

7. Cơn bão “sét”  ở Ấn Độ 

 

Ít nhất 50 người ở Uttar Pradesh đã bị thiệt mạng do sét đánh trong mùa gió mùa. Thủ hiến bang của Ấn Độ Yogi Adityanath đã kêu gọi thiết lập hệ thống cảnh báo sấm sét. Theo nhật báo The Independent cho biết tại Ấn Độ có hàng ngàn người chết mỗi năm do bị sét đánh. Nhiều người phải làm việc ngoài trời và nhận thức kém về mức độ nguy hiểm của sét. Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu khiến các cơn bão sét xảy ra thường xuyên hơn. 

 

8. Hạn hán và nạn đói ở Sừng Châu Phi 

 

Tại khu vực Sừng châu Phi, gồm các quốc gia Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Somalia và Uganda, tình trạng hạn hán kéo dài đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất mà lục địa này từng chứng kiến.

 

https://s.rfi.fr/media/display/68317e60-8761-11ed-ba25-005056a90284/AP22347479504741.webp

Người dân di chuyển đến trại tị nạn ở Somalia, ngày 20/09/2022. AP - Jerome Delay

 

Theo số liệu của Carbon Brief, hạn hán và nạn đói đã giết chết 2.500 người ở Uganda và ảnh hưởng đến 8 triệu người ở Ethiopia trong năm nay. 

 

9. Động Đất ở Afghanistan 

 

Ngày 21/6, trận động đất mạnh 5,9 độ Richter xảy ra ở miền Đông Afghanistan, gây lở đất, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và khiến ít nhất 1.036 người thiệt mạng, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Trận động đất, thảm khốc nhất trong nhiều thập kỷ ở Afghanistan, khiến quốc gia ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức - từ xung đột xã hội đến nạn đói - đã hoành hành đất nước này kể từ khi chế độ Kabul sụp đổ,  phe Taliban trở lại nắm quyền năm 2021. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/cbebfcfa-8761-11ed-8845-005056a90284/AP22177570297599.webp

Cô gái Afghanistan thu dọn đồ đạc từ ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất ở Gayan, Paktika, Afghanistan, ngày 26/06/2022. AP - Ebrahim Noroozi

 

10.  Núi lửa Tonga phun trào 

 

Vào tháng Một, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai phun trào, đã gây ra nhiều trận sóng thần với quy mô nhỏ trên khắp thế giới. Vụ nổ gây phun trào có thể được nghe thấy ở Alaska, cách đó khoảng 9000 km. Tro bụi bao phủ Tonga, hòn đảo bị cô lập trong nhiều ngày và gây ra nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất. Theo các nhà khoa học, vụ phun trào đã thải ra một lượng hơi nước khổng lồ vào tầng bình lưu của Trái đất - đủ để lấp đầy hơn 58.000 bể bơi cỡ Olympic. Các nhà khoa học của NASA cảnh báo rằng rằng lượng hơi nước khổng lồ có thể sẽ góp phần vào sự nóng lên toàn cầu trong vài năm tới. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/61b6b70c-8762-11ed-9847-005056a90284/AP22265550055851.webp

Hình ảnh vệ tinh cho thấy cảnh núi lửa Hunga Tonga-Hunga Haâapai phun trào ở Tonga, Thái Bình Dương, ngày 15/01/2022. © AP/Japanese weather satellite Himawari-8

 

Dẫu sao năm 2022 cũng có một vài tia hy vọng. Tại Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP-27 tại Ai Cập vào tháng 11, gần 200 quốc gia đã đồng ý thiết lập một quỹ để giúp các quốc gia nghèo, dễ tổn thương ứng phó với các thảm hoạ khí hậu. Diễn đàn đa dạng sinh học COP 15, tại Montréal, Canada cũng đã thông qua một thỏa thuận mang tính lịch sử, mang tên ‘Côn Minh- Montréal’, cho phép bảo vệ đa dạng sinh học của 30 % diện tích Trái đất từ nay đến năm 2030. 

 

Nhà khoa học khí hậu Kristina Dahl lại Liên minh các nhà khoa học (Union of Concerned Scientists) trả lời CNN rằng “có một vài hành động về khí hậu đáng khích lệ vào năm 2022 nhưng chúng ta vẫn còn xa mục tiêu giảm lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu và hạn chế sự nóng lên của hành tinh trong tương lai. Năm 2023, cần phải có một cam kết tập thể mạnh hơn và tiến bộ hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải nếu chúng ta muốn các hiện tượng khí hậu cực đoan không trở nên tàn khốc hơn nữa”. 

 





No comments: