Sunday, December 18, 2022

VIỆT NAM KÝ THỎA THUẬN XUẤT CẢNG ĐẤT HIẾM SANG NAM HÀN (Người Việt)

 



Việt Nam ký thỏa thuận xuất cảng đất hiếm sang Nam Hàn   

Người Việt

December 18, 2022

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/viet-nam-xuat-cang-dat-hiem-sang-han-quoc/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam xuất cảng quặng đất hiếm tuyển luyện sang Nam Hàn sau chuyến công du của ông Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Xuân Phúc đến Seoul cách đây hai tuần.

 

VNExpress cho hay dại diện công ty Đất Hiếm Việt Nam (VTRE) đã “ký kết hợp tác khai thác xuất khẩu đất hiếm” với “Công ty kim loại ASM&KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do, Nam Hàn”.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/12/VN-dat-hiem-ky-ket-VietNam-HanQuoc-VNX-121522.jpg

Đại diện Việt Nam và Nam Hàn hôm ngày 15 Tháng Mười Hai 2022 ký thỏa thuận. (Hình: VNExpress)

 

Đất hiếm còn trong dạng oxides được khai thác để xuất cảng sang Nam Hàn lấy từ quặng mỏ nằm ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

 

Mỏ này có trữ lượng khoảng 30,000 tấn, là một trong hai mỏ đất hiếm được nhà cầm quyền CSVN cho phép khai thác thương mại. Mỏ Đông Pao ở tỉnh Lai Châu với trữ lượng hơn 400 ngàn tấn lớn hơn nhiều.

 

Cuối Tháng Chín vừa qua, một phái đoàn chuyên viên khoáng chất Nam Hàn đã tới Lai Châu khảo sát khu vực mỏ Đông Pao và nói chuyện với nhà cầm quyền địa phương. Nay lại thấy ký kết với một công ty của Nam Hàn nhưng thực chất là một công ty con của Úc đầu tư tinh luyện đất hiếm ở thị trấn Ochang, tỉnh Chungcheongbuk-do nói trên.

 

Bản tin VNExpress thuật lời viên chức VTRE nói phía Việt Nam “Ban đầu, lượng đất hiếm thành phẩm xuất khẩu khoảng 1,000 tấn/năm, sau đó tăng lên 2,000 tấn/năm.” Tức kéo dài khoảng 10 năm cho tới khi vét sạch trữ lượng quặng đất hiếm tại Yên Bái.

 

Thật ra, VTRE không xuất cảng đất hiếm đã được tinh luyện vì Việt Nam không có cả kỹ thuật chuyên môn cũng như vốn đầu tư đổ vào để sản xuất.

 

Công ty quặng mỏ kim loại của Úc ASM hôm 15 Tháng Mười Hai cũng đưa tin buổi lễ ký kết nói trên và nói rằng công ty con của họ (KSM) ở Hàn Quốc thỏa thuận với VTRE “nỗ lực cung cấp dài hạn quặng đã tuyển luyện luyện đất hiếm” (rare earth oxides) cho nhà máy tinh luyện ở Nam Hàn kể trên

 

Không những vậy, ASM nói trong bản thông cáo báo chí, đây là thỏa thuận hợp tác kinh doanh “không ràng buộc” (non-binding business agreement) họ ký với tỉnh Chungchoengbuk ở Hàn Quốc và Công ty Đất hiếm Việt Nam (VTRE) để “hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm trên thế giới”.

 

Phía Việt Nam phải nỗ lực khai thác quặng mỏ để cung cấp sản phẩm trị giá khoảng $50 triệu trong vòng 5 năm, bắt đầu từ năm 2023 nếu các điều kiện thỏa thuận thương mại liên quan đến cung cấp sản phẩm được đồng ý.

 

Theo tinh thần của văn bản vừa kể, ASM (qua công ty con KSM) có thể bỏ không mua quặng đất hiếm được tuyển luyện tại Việt Nam khi các điều kiện kinh doanh không còn sinh lợi, hay bị trở ngại vì những lý do nào đó.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/12/VN-mo-dat-hiem-VNX-112222-e1671395341931.jpg

Bảo vệ chỉ về khu vực mỏ đất hiếm ở Đông Pao, Lai Châu. (Hình: VNExpress)

 

Đất hiếm là tên chung của một nhóm gồm 17 kim loại khác nhau cần được tách chiết từ quặng mỏ thiên nhiên, sử dụng trong kỹ nghệ điện tử, xe hơi, quốc phòng, y học. Để có thể có được các kim loại tinh chất đặc biệt đó, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và không một công ty nào, nước nào, muốn chia sẻ bí mật. Cả chục năm trước, một công ty Nhật đã đến Việt Nam, hợp tác nghiên cứu từ tuyển luyện đến sản xuất nhưng đã bỏ cuộc từ lâu.

 

Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm nhiều nhất thế giới khoảng 44 triệu tấn, Việt Nam đứng hàng thứ nhì, ước lượng 22 triệu tấn. Brazil hàng thứ ba, khoảng 21 triệu tấn, trong khi Mỹ chỉ có khoảng 1.5 triệu tấn.

 

Trung Quốc kiểm soát đến 90% thị trường đất hiếm thế giới nên sử dụng việc xuất cảng các loại kim loại đặc biệt này như võ khí chính trị, thương mại, làm nhiều nước kỹ nghệ cao như Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp.(TN) [kn]





No comments: