Những
thách thức cho kinh tế Việt Nam trong năm 2023
Bình luận của Kỳ Duyên
2022.12.20
Vừa từ châu Âu trở về, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu
gọi phải có các biện pháp cứng rắn để giữ cho thị trường lao động ổn định khi nền
kinh tế đang tiến dần đến cuối năm. Theo thống kê sơ bộ, trên toàn
quốc, khoảng 637.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó 53.000 người
đã mất việc làm. Tại Sài Gòn, trung tâm kinh tế của cả nước, có khoảng 102.000
công nhân đã bị cắt giảm giờ làm và 6.000 người bị sa thải.
Một công nhân đang
quét rác trong một nhà máy ở TPHCM hôm 2/12/2022 (minh hoạ). AFP
“2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội năm năm giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, nhận diện,
phân tích những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 và đưa ra các kịch bản, giải
pháp hướng tới mục tiêu có ý nghĩa vô cùng quan trọng”. Trưởng ban Kinh tế
Trung ương Trần Tuấn Anh chia sẻ trước thềm “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam” vào
ngày 17/12/2022 tại Hà Nội. Đây là lần thứ năm Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sự
kiện này. Năm nay, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác của Ban cán sự đảng Chính phủ
và Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp đồng
chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên và đột xuất theo chuyên đề.
2022 GDP tăng 8,2%, nhưng 2023 sẽ khó khăn
Chủ đề chính của Diễn đàn: “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh
tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”. Diễn
đàn Kinh tế lần thứ năm thảo luận chuyên sâu về đảm bảo các cân đối lớn của Việt
Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị và lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm
2023 và những năm tiếp theo. Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh,
năm 2022, Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh
tế - xã hội, tăng trưởng GDP dự kiến đạt từ 8 - 8,2%. “Tuy nhiên chúng ta đang
đối mặt với năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức khi bối cảnh khu vực và
quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và rất khó lường”, Trưởng Ban
Kinh tế nhấn mạnh. Diễn đàn lần này thu hút khoảng 1.000 đại biểu tham dự trực
tiếp và trực tuyến để cùng thảo luận các vấn đề trên, từ đó đưa ra các nhận định,
khuyến nghị và giải pháp giúp nền kinh tế vượt qua thách thức. (1)
Năm báo cáo chính được trình bày tại phiên toàn thể, gồm: (1) Tổng quan
kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và
Đầu tư trình bày; (2) Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách
cho Việt Nam, do Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) trình
bày; (3) Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng
chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế châu Á 2023, do Giám
đốc ADB tại Việt Nam trình bày; (4) Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường
tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát
triển kinh tế 2023, do Chủ tịch Quỹ VinaCapital trình bày; (5) Tăng tốc đầu tư
công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế
Việt Nam năm 2023, do Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam trình bày.
Trong 11/2022, nền kinh tế duy trì đà phục hồi tốt. Đặc biệt, GDP quý
3/2022 có sự bật tăng mạnh mẽ với mức tăng trưởng hai con số. Theo đánh giá, sự
phục hồi mạnh mẽ có được nhờ Việt Nam kịp thời chuyển hướng, mở cửa trở lại nền
kinh tế và việc triển khai các gói hỗ trợ để tiếp thêm động lực cho các doanh
nghiệp sản xuất – kinh doanh. “Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh chỉ là hiện
tượng nhất thời bởi những yếu tố tạo nên phục hồi (như: xuất khẩu, du lịch, dịch
vụ, sản xuất…) không tăng như những tháng trước và cũng khó kéo dài đến năm
2023 hay 2024”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu
quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khẳng định. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải
nhận diện và đánh giá năm 2022 đúng với thực tế, tránh lạc quan quá mức sẽ dẫn
tới không phù hợp với thực tế diễn biến của nền kinh tế. (2)
“Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2023” tập trung đánh giá chuyên sâu về sự phục
hồi của nền kinh tế sau đại dịch; những tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu
tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và cách thức Việt Nam tham gia vào chuỗi
giá trị toàn cầu và khu vực trong bối cảnh mới và lộ trình tham gia các hiệp định
thương mại tự do (FTA). Cùng với đó, giá năng lượng, nguyên vật liệu gia tăng;
chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt ở các nền kinh tế sẽ ảnh hưởng tới hoạt
động sản xuất của doanh nghiệp, có thể làm chậm lại quá trình xây dựng nền công
nghiệp quốc gia vững mạnh…
Lịch sử lặp lại sau một thập kỷ?
Lịch sử trên thị trường tài chính - ngân hàng cách đây hơn 10 năm
(2011) dường như đang lặp lại trong năm 2022. Sau hơn một thập kỷ, có vẻ như
chương trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa đạt được mục
tiêu ban đầu của Chính phủ Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ, các diễn biến trên thị
trường ngân hàng - tài chính Việt Nam đang lặp lại với các nét tương đồng: lãi
suất liên ngân hàng tăng vọt, hệ thống chạy đua tăng lãi suất, ngân hàng cho vay
vượt quá huy động, lãi suất tái chiết khấu của ngân hàng nhà nước tăng mạnh, đồng
VND mất giá sốc, nợ xấu bùng phát... Năm nay, NHNN đã phải hai lần liên tiếp
tăng lãi suất tái điều hành trong vòng một tháng. Lãi suất tái cấp vốn được
nâng từ 4,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên
4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và
cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức
tín dụng tăng từ 5,0%/năm lên 7,0%/năm. (3)
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần năm vào chiều
17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ý kiến của chuyên gia, bộ ngành tại
diễn đàn đều “đúng và trúng”. Ông đề nghị tất cả hệ thống chính trị, cơ quan,
doanh nghiệp, người dân phải vào cuộc. Thủ tướng nhận định năm 2023,
tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước,
thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức
nhiều hơn. Tại một cuộc họp Chính phủ trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi
phải có các biện pháp cứng rắn để giữ cho thị trường lao động ổn định khi nền
kinh tế đang tiến gần đến cuối năm. “Dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng
lao động”, ông Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu với Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội. Thách thức là rất lớn do biến động về địa-chính trị trên thế
giới, các chính sách thắt chặt tiền tệ ở các thị trường lớn để chống lạm phát
khiến nhu cầu hàng điện tử và may mặc giảm rõ rệt ở hầu hết các thị trường. Do
vậy, xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ chững lại đến nửa đầu năm sau. (4)
Theo thống kê mới nhất, có hơn 500 công ty tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng
nặng nề do đơn đặt hàng từ các nước bị cắt giảm, khiến cho khoảng 637.000 công
nhân bị ảnh hưởng, trong đó 53.000 người đã mất việc làm, theo thống kê mới
công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam. Tại thành phố Hồ Chí
Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, khoảng 102.000 công nhân đã bị cắt giảm giờ
làm và 6.000 người bị sa thải, Việt Nam News dẫn nguồn từ Ban Chính sách và
Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động thành phố cho biết. Trưởng ban Nguyễn Thành
Đô đã đề xuất chính phủ Việt Nam cần phải xem xét ban hành các gói hỗ trợ lãi
xuất tiền vay để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính duy trì hoạt động
và nên có gói cứu trợ lớn để hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng. (5)
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC
chia sẻ một số dấu hiệu đáng lo ngại xuất hiện vào cuối năm 2022 và có thể tiếp
diễn trong năm 2023. Đó là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm
lại; thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng
do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED… Đó
là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại; thị trường tài
chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền
tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của FED… Vẫn theo ông Lộc, trong
11 tháng đầu năm, đã có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỷ
lệ cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp được thành lập thì bảy
doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là con số đáng suy nghĩ. Bản chất của
hiện tượng này là sự tổn thất của thị trường, nó là vấn đề tăng trưởng, vấn đề
việc làm, vấn đề niềm tin trong nền kinh tế. Xu hướng này chắc chắn chưa thuyên
giảm trong năm 2023. (6)
"Tăng trưởng xuất khẩu trong chín tháng vừa qua chủ yếu do giá cả
tăng, chứ lượng xuất khẩu không tăng nhiều. Chúng ta có kích thích được xuất khẩu
hay không tùy vào biến động về tỷ giá, lãi suất. Đây là điểm trong điều hành tỷ
giá thời gian tới cần phải để ý để kích thích xuất khẩu để giải tỏa việc tồn
kho và trì trệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay", TS. Trần Toàn
Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh
giá. Theo các chuyên gia, hiện sản xuất kinh doanh đang gặp khó khi lãi suất
tăng và việc tiếp cận nguồn vốn cũng không dễ dàng. Do vậy, chính sách tiền tệ
cần phải thận trọng, đảm bảo các ngân hàng có đủ khả năng thanh khoản và có thể
nới lỏng tín dụng hơn, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đóng góp
tăng trưởng cho nền kinh tế. (7)
____________
Tham khảo:
5.
https://www.voatiengviet.com/a/6879464.html
6.
https://baotainguyenmoitruong.vn/dau-la-dong-luc-phat-trien-kinh-te-viet-nam-2023-348010.html
----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment