Lãnh
đạo Việt Nam dồn dập công du nước ngoài vì mục đích kinh tế, thúc đẩy văn hóa
chính trị!
Bài bình luận của ông Phạm
Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách
& Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
21-12-2022
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vn-leaders-overseas-trips-12212022091344.html
Việt Nam quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực ngoại giao,
nơi thuận lợi cho các lãnh đạo thúc đẩy văn hoá chính trị của chế độ vì mục
đích kinh tế và lấy lại niềm tin dân chúng trong nước.
Chủ tịch nước Việt Nam
Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Pháp Macron tại Hội nghị APEC ở Bangkok tháng
11/2022. AFP
MỤC ĐÍCH KINH TẾ
Từ sau Đại hội 13 Đảng Cộng sản năm 2021, và năm 2022 trong bối cảnh
tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, căng thẳng chiến tranh Nga –
Ukraina, khủng hoảng năng lượng, kinh tế suy giảm… hàng loạt chuyến công du nước
ngoài của các lãnh đạo Việt Nam vẫn diễn ra dồn dập, ‘khác thường’ thu hút sự
chú ý của công luận. Sau đây là một số chuyến đi điển hình của ‘tứ trụ’ lãnh đạo
của chế độ.
Mặc dù sức khoẻ không được bình thường ở tuổi 78 nhưng ông Nguyễn Phú
Trọng, Tổng Bí thư ĐCS, vẫn thực hiện chuyến thăm Trung Quốc vào từ ngày 30/10
đến 2/11/2022. Chuyến đi này được thực hiện ngay khi kết thúc Đại hội 20 Đảng
CS Trung Quốc, tại đó ông Tập Cận Bình tái đắc chức vụ Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ
3. Hai nhà lãnh đạo đã thể hiện tình đồng chí, láng giềng truyền thống gắn bó
giữa hai nhà nước có chế độ chính trị tương đồng. Trong cuộc gặp này vấn đề chiến
lược, tăng cường tin cậy chính trị và những định hướng lớn cho sự phát triển của
mỗi nước được bàn thảo, trong đó 13 văn bản, bản ghi nhớ được ký kết và chủ đề
kinh tế được nhấn mạnh.
Tiếp theo chuyến công du hồi cuối tháng 9 năm 2021 đến Liên Hiệp Quốc tại
New York, Mỹ ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc năm 2022 có 5 chuyến thăm lần
lượt đến các nước: Singapore vào tháng 2/2022, Nhật Bản – tháng 9/2022,
Thái Lan – tháng 11/2022, Hàn Quốc và Indonesia trong tháng 12/2022. Kết hợp với
các sự kiện ngoại giao, các vấn đề kinh tế được coi trọng, đặc biệt việc nâng
quan hệ đối tác lên chiến lược toàn diện với Hàn Quốc sẽ thúc đẩy đầu tư chất
lượng cao trong lĩnh vực chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và thương mai song
phương...
Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính có ba chuyến thăm dài ngày dự các hội nghị
kinh tế quốc tế, đến Mỹ vào tháng 5/2022, thăm chính thức và dự các Hội nghị Cấp
cao ASEAN vào tháng 11, đến Liên minh Châu Âu (EU) và các nước Bỉ, Luxembourg,
Hà Lan vào nửa đầu tháng 12. Tại đây ông giới thiệu nhu cầu về vốn đầu tư của
Việt Nam với nhiều nước và các tập đoàn kinh tế lớn và đồng thời thẳng thắn đề
nghị thúc đẩy hoàn thành ký kết hiệp định đầu tư Việt Nam - EU hay giúp đỡ về
phát triển năng lượng xanh, thị trường tài chính… Tương tự, ông Chủ tịch Quốc hội
cũng có các chuyến công du đến Lào, dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 43 và thăm
Campuchia, Philippine từ ngày 19-25/11, và mới đây đến Australia và New Zealand
từ ngày 30/11- 6/12… Và trong mỗi chuyến đi chủ đề kinh tế: khuyến khích đầu tư
và thương mai song phương được đề cập.
Hai ông Tập Cận Bình
(trái) và Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội năm 2015. Ảnh Reuters
VĂN HOÁ CHÍNH TRỊ
Loạt sự kiện các chuyến công du nước ngoài điển hình trong năm 2022 các
nhà lãnh đạo VN phản ánh các hoạt động tích cực mang màu sắc văn hoá chính trị
của chế độ trong lĩnh vực đối ngoại, nhưng đồng thời thể hiện như việc thực thi
yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng mô hình Đảng – Nhà nước mạnh được nêu trong Đại hội
13 của ĐCS như một nội dung trọng tâm. Hình thức văn hoá chính trị này chứa đựng
những đặc trưng chủ yếu sau đây.
Một là, các hoạt động này tạo hình ảnh củng cố sự lãnh đạo toàn diện của
Đảng CS đối với xã hội, trong tất cả các lĩnh vực, và trong trường hợp này là
ngoại giao linh hoạt, thúc đẩy chính sách mở cửa, vượt qua sự khác biệt chế độ
chính trị vì mục đích kinh tế.
Từ khi có đường lối Đổi mới, mở cửa và cải cách, năm 1986 tư tưởng thực
dụng đã được vận dụng làm thay đổi tính chất quan hệ kinh tế đối ngoại, từ “hợp
tác hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa” mang nặng ý thức hệ chuyển sang đa
phương hoá quan hệ, hội nhập kinh tế với thế giới, thu hút các nguồn vốn đầu tư
từ tất cả các nước. Chính sách này đang mang đến thành công đáng khích lệ. Đến
nay khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng trên 30% tổng sản
phẩm quốc nội GDP và khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó các nguồn vốn
tư bản từ các nước phát triển chiếm đa số tuyệt đối, và dần trở thành trụ cột
quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Hơn thế, trong bối cảnh kinh tế thế giới
suy giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng do chiến tranh, dịch bệnh và cạnh tranh ý thức
hệ việc tăng cường hoạt động kiểu văn hoá chính trị này có ý nghĩa quan trọng.
Hai là, thứ văn hoá chính trị này thể hiện sự độc lập theo cách tương
phản với Trung Quốc - quốc gia có chế độ chính trị tương đồng. Điều này có ý
nghĩa quan trọng đối với Việt Nam với vị trí địa lý trong vùng cạnh tranh căng
thẳng về kinh tế và địa chính trị giữa các cường quốc đang chia phe thu hút ảnh
hưởng với các nước trong khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Việt Nam Phạm
Minh Chính tại Châu Âu vào tháng 11/2022.
Ảnh AFP
Như đã biết, tư tưởng thực dụng được cho là do cố Tổng Bí thư Đặng Tiểu
Bình đề xướng và được thực hiện ở Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm
1978, đã giúp tạo nên mô hình Trung Quốc thành công về kinh tế. Tuy nhiên, theo
các nhà phân tích, tư tưởng thực dụng có thể sẽ dần kết thúc dưới thời Tập Cận
Bình khi Trung Quốc trỗi dậy hung hăng, thực thi ngoại giao ‘chiến lang’ khiến
các nước phương Tây thay đổi chính sách can dự với Trung Quốc, ‘cảnh giác’ và
giảm sự phụ thuộc kinh tế.
Việt Nam cần duy trì và thúc đẩy chính sách ngoại giao thực dụng để
thích ứng với tình hình và đặc thù của đất nước, không những chỉ vì nhu cầu tiếp
tục tăng trưởng kinh tế mà còn để thể hiện chính sách ngoại giao độc lập, mềm dẻo.
Sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, chuyển ‘công xưởng’, đặc biệt từ Trung Quốc,
vào Việt Nam là xu hướng tích cực cần được chuẩn bị chờ đón.
Ba là, kiểu văn hoá chính trị này thích ứng cũng một phần vì trình độ
phát triển của nền kinh tế còn thấp, các doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé để tìm
hướng ‘ra biển lớn’ thị trường thế giới, nên cần sự khai mở đối ngoại từ phía
nhà nước.
Sau giai đoạn một phần ba thế kỷ chuyển đổi các doanh nghiệp được khuyến
khích về chính sách, nhưng thực tế môi trường hoạt động về luật pháp, chính
sách, hành chính còn nhiều rào cản. Việc tích luỹ tư bản của các chủ doanh nghiệp
còn mang tính ‘hoang sơ’, phần lớn giàu lên từ đất hay quan hệ thân hữu. Bởi vậy,
họ thích ứng với sự thay đổi chính sách theo hướng minh bạch, theo chuẩn quốc tế
thường khó khăn. Điển hình là trong chiến dịch chống tham nhũng tăng cường gần
đây các ‘mánh làm ăn’ bị phơi bày, các ‘doanh gia’ được ‘khen’ ở nhiệm kỳ trước
thì nay trở thành ‘tội đồ’ vướng vào lao lý. Chẳng hạn như Tập đoàn phát triển
giáo dục quốc tế AIC đang là vụ án trọng điểm.
Bốn là, các chuyến công du của các nhà lãnh đạo có ý nghĩa tuyên truyền,
nêu giương trong việc lấy lại niềm tin chính trị - tiêu chí chủ yếu của văn hoá
chính trị. Niềm tin của dân chúng đã ở mức báo động khi bộ máy hành chính bị
tha hoá bởi quốc nạn tham nhũng, rối loạn y tế, giáo dục và thị trường tài
chính, đạo đức xuống cấp…
Rõ ràng, các hoạt động ngoại giao tích cực thúc đẩy văn hóa chính trị
vì kinh tế có ý nghĩa quan trọng, nhưng nó chỉ phản ánh một khía cạnh của văn
hóa nói chung. Và, niềm tin chính trị, sự ổn định chế độ còn tuỳ thuộc vào hiệu
quả cải cách thể chế và chính sách văn hoá trong nước phù hợp với chuyển đổi
kinh tế thị trường - vấn đề cấp thiết nhưng thách thức cho nhiệm vụ xây dựng mô
hình Đảng – Nhà nước mạnh. Hy vọng có cơ hội tiếp tục thảo luận sâu hơn vê chủ
đề này.
Phạm
Quý Thọ
------------------------------------------------------------------
* Bài viết không phản
ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment