Friday, October 21, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 21/10/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 21/10/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

21/10/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/10/21/the-gioi-hom-nay-21-10-2022/

 

Liz Truss chính thức từ chức chỉ sau 45 ngày tại vị và trở thành thủ tướng nắm quyền ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. Bà từ chức dưới áp lực của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ sau một loạt các sai lầm chính trị hỗn loạn, khởi đầu với kế hoạch ngân sách thảm hại được công bố hôm 23 tháng 9. Hiện bà vẫn tiếp tục tại vị cho đến khi đảng chọn được lãnh đạo mới vào ngày 28 tháng 10. Rishi Sunak, đối thủ của bà trong cuộc đua hồi tháng 8, dự kiến ​​sẽ tranh cử; ngoài ra một số nghị sĩ cũng đang công khai ủng hộ người tiền nhiệm Boris Johnson trở lại.

 

EU đồng ý về các biện pháp trừng phạt mới lên Iran vì cung cấp máy bay không người lái “kamikaze” cho Nga, nước đã dùng loại vũ khí này để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói các cuộc không kích đã phá hủy 30% nhà máy điện của đất nước, dẫn đến việc phải ban hành hạn mức sử dụng điện. Trong khi đó, các quan chức thân Nga ở thành phố Kherson cho biết đã sơ tán 5.000 dân thường, với tổng số theo dự kiến là 60.000 người, trước nguy cơ bị Ukraine phản công.

 

Đồng yên giảm xuống còn 150 trên một đô la vào thứ Năm, thấp nhất kể từ năm 1990. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khẳng định tiếp tục chương trình mua trái phiếu, và đã chi 667 triệu đô la để mua nợ chính phủ mới nhằm ngăn giá trái phiếu xuống quá thấp. Nhưng ngân hàng trung ương dự kiến ​​sẽ giữ nguyên mức lãi suất gần bằng 0 đã góp phần làm đồng yên mất giá.

 

Philip Morris, nhà sản xuất thuốc lá Marlboro, đã nâng đề nghị mua Swedish Match lên 116 krona (10,34 USD) mỗi cổ phiếu từ mức 106 krona. Swedish Match sản xuất túi đựng nicotine dạng uống, mà hiện là thị trường nicotine thay thế phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Sau khi đưa ra cam kết “mang đến một tương lai không khói thuốc,” Phillip Morris đang cố gắng hoàn tất thương vụ tiếp quản trị giá 15,8 tỷ đô la vốn bị đảo lộn bởi các quỹ đầu cơ.

 

Ít nhất 5 người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô N’Djamena đã bị lực lượng an ninh Chad làm thiệt mạng. Quốc gia châu Phi này rơi vào hỗn loạn sau khi tổng thống nắm quyền sau 30 năm của họ, Idriss Déby, bị giết vào năm ngoái và được thay thế bởi hội đồng quân sự chuyển tiếp do con trai ông lãnh đạo. Quân đội đã lùi ngày chuyển giao dân chủ của Chad thêm hai năm từ thời hạn thứ Năm.

 

Một tòa phúc thẩm Mỹ đã phán quyết rằng quy chế ngân sách của Cục Bảo vệ Tài chính Người Tiêu dùng (CFPB), vốn được thành lập để ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi từng góp phần gây ra khủng hoảng tài chính 2007-09, là vi hiến. Các quy định của CFPB bị các nhà cho vay ngắn hạn (và các tổ chức tài chính khác) phản đối. Cơ chế cho vay bất thường của nó, vốn được thiết kế để cách ly khỏi ảnh hưởng chính trị, đã trở thành điểm yếu dễ bị tấn công.

 

Tesla báo cáo doanh thu quý cao kỷ lục, 21,5 tỷ USD, dù vẫn thấp hơn dự báo của giới phân tích. Lợi nhuận của hãng sản xuất ô tô điện cũng đạt mức gần kỷ lục, 3,3 tỷ đô la. Tesla đặt mục tiêu giao hơn 1,4 triệu xe vào năm 2022, đồng nghĩa phải tăng sản lượng trong 3 tháng cuối năm lên 42% so với quý 3.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Anh lại đi tìm thủ tướng mới

Phố Downing lại hỗn loạn. Liz Truss, người đã từ chức thủ tướng Anh hôm thứ Năm, sẽ được nhớ đến là thủ tướng tại nhiệm ngắn nhất và kém thành công nhất lịch sử nước Anh. Sau khi thị trường trái phiếu từ chối kế hoạch ngân sách của Truss, bà đã sa thải bộ trưởng tài chính, đảo ngược lời hứa cắt giảm thuế và mất luôn quyền lực.

 

Đảng Bảo thủ giờ đây sẽ cấp tốc bầu lãnh đạo mới trong tuần tới. Các nghị sĩ của đảng sẽ chọn ra các ứng viên dẫn đầu – tức đạt hơn 100 phiếu — trước khi đưa hai người ra bầu phổ thông bởi tất cả các đảng viên. Các ứng viên tiềm năng bao gồm Rishi Sunak, cựu bộ trưởng tài chính; Penny Mordaunt, lãnh đạo Hạ viện; và Boris Johnson, cựu thủ tướng nhiều bê bối. Người chiến thắng sẽ là thủ tướng thứ năm của đảng kể từ năm 2010 và là thủ tướng thứ ba trong năm nay. Nhưng bất cứ ai chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề cũ: tài chính hạn chế và một đảng đầy bất ổn.

 

Châu Âu đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt hóa lỏng

Trong nỗ lực tìm nguồn cung khí đốt cho mùa đông, Liên minh châu Âu đang ngày càng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được chở trên các tàu chở dầu siêu lạnh, thường là từ Mỹ, để thay thế khí đốt Nga. Nguồn cung này đã giúp họ lấp đầy kho chứa lên hơn 90%, vượt quá mục tiêu 80% cho ngày 1 tháng 11.

 

Nhưng đang có một nút cổ chai làm tắc nghẽn dòng chảy. Với việc tất cả các cơ sở tái khí hóa của châu lục đều hoạt động hết công suất, hàng chục tàu chở đang bị buộc phải chờ ngoài khơi. Nhiều tàu đang đi vòng quanh các bờ biển của Tây Ban Nha, nơi chiếm một phần ba năng lực nhập khẩu LNG của châu Âu. Song chúng có thể phải sớm đi tìm các cảng khác. Để tránh lỡ tàu, năm tới Tây Ban Nha sẽ mở lại El Musel, một cảng nhập khẩu LNG ở Vịnh Biscay đã không hoạt động suốt mười năm qua. Nhưng còn đó các nút thắt cổ chai khác: đường ống nối Iberia với Bắc Âu sẽ không thể đáp ứng được cơn đói khí đốt của Đức

 

Đàm phán thành lập chính phủ Ý đi đến hồi kết

Vào thứ Sáu, một phái đoàn từ liên minh cánh hữu đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng trước ở Ý sẽ đến thăm tổng thống Sergio Mattarella, qua đó khép lại các cuộc tham vấn trước khi thành lập chính phủ mới. Thông thường mỗi đảng cử phái đoàn của mình. Nhưng liên minh muốn thể hiện sự đoàn kết và sự sẵn sàng lập chính phủ dưới quyền Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Anh em nước Ý cực hữu.

 

Nhưng họ có một vấn đề: Silvio Berlusconi, lãnh đạo đảng Forza Italia. Không hài lòng với cuộc phân chia ghế trong nội các, cựu thủ tướng đã làm lớn chuyện. Trong một đoạn ghi âm bị rò rỉ hôm thứ Tư, ông dường như đã có lời lẽ bôi nhọ bà Meloni vì khoe khoang về sự thân thiết của mình với tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau câu chuyện của Berlusconi, chắc chắn ông Mattarella sẽ muốn có câu trả lời cho một số câu hỏi hóc búa: liệu liên minh có thống nhất như tuyên bố, và liệu đảng của ông Berlusconi có nên được giao phụ trách đối ngoại.

 

Steve Bannon bị kết án khinh thường Quốc hội

Vào thứ Sáu, cựu cố vấn Steve Bannon của Donald Trump sẽ bị một thẩm phán ở Washington kết tội khinh thường Quốc hội. Hồi tháng 7, ông đã bị kết án hai tội nhẹ vì từ chối trình diện trước ủy ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 ở Đồi Capitol của Hạ viện. Các công tố viên yêu cầu bản án sáu tháng tù và nộp phạt 200.000 đô la. Họ viện dẫn “các hành động bôi bác, bôi nhọ, và luận điệu đe dọa” của ông đối với các thành viên ủy ban, cũng như sự thiếu ăn năn.

 

Luật khinh thường Quốc hội hiếm khi được thực thi. Chỉ có một người khác – cựu cố vấn Peter Navarro của ông Trump – bị truy tố vì không ra trình diện ủy ban 6 tháng 1, mặc dù một số trợ lý cấp cao hơn cũng ngó lơ trát đòi hầu tòa. Hướng dẫn của bộ tư pháp nói các quan chức chính quyền cấp cao và tổng thống không nên bị buộc ra điều trần trước Quốc hội, do đặc quyền hành pháp. Vì vậy, ông Trump khó có thể sẽ bị buộc tội nếu từ chối tuân thủ trát hầu tòa.




No comments: