Saturday, October 29, 2022

TRUNG QUỐC SAU ĐẠI HỘI 20 (Việt Hoàng / Thông Luận)

 



Trung Quốc sau Đại hội 20

Việt Hoàng

28/10/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/26601-trung-qu-c-sau-d-i-h-i-20

 

Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc sau một tuần làm việc từ ngày 16 đến 22/10/2022 với 2.296 đại biểu đến từ 38 đơn vị bầu cử của 4,9 triệu tổ chức đảng cấp cơ sở trên cả nước, đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên. Chủ đề chính của đại hội 20 là : "Giương cao ngọn cờ vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, quán triệt toàn diện tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, phát huy mạnh mẽ tinh thần xây dựng Đảng vĩ đại, tự tín tự cường, đổi mới liêm chính, hăng hái mạnh mẽ, dũng cảm tiến lên, xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện, đoàn kết phấn đấu thúc đẩy phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại". Tuy nhiên ấn tượng lớn nhất của đại hội 20 Trung Quốc không phải là các bài diễn văn dài lê thê của Tập Cận Bình mà là việc ông Hồ Cẩm Đào bị hai người đàn ông xốc nách kéo ra khỏi hội trường trước khi ông Tập Cận Bình phát biểu kết thúc kỳ họp.

 

Chuyện Đảng cộng sản Trung Quốc phá bỏ điều lệ đảng để ông Tập Cận Bình tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ thứ 3 không hề làm ai ngạc nhiên vì kết quả đó đã được dự đoán trước. Hành động ‘đuổi’ ông Hồ Cẩm Đào ra khỏi hội trường có nhiều thông điệp, quan trọng nhất có lẽ là Tập Cận Bình muốn khẳng định Đảng cộng sản Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới và các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc cũ không còn ảnh hưởng gì đến các quyết định của ban lãnh đạo hiện nay.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52460812877_dbd8d855df.jpg

Hành động gây ấn tượng nhất trong kỳ Đại hội 20 của Trung Quốc là việc ông cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Hồ Cẩm Đào bị xốc nách kéo ra khỏi hội trường.

 

Việc Tập Cận Bình làm thêm một nhiệm kỳ nữa không phải là chuyện tốt cho Trung Quốc, nó chứng tỏ Đảng cộng sản Trung Quốc đang bế tắc và khủng hoảng. Tập Cận Bình không phải là một nhân vật xuất sắc và uyên bác mà ngược lại là một người thiếu nhân cách và viễn kiến. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông Tập Trọng Huân, bố của Tập Cận Bình, phó thủ tướng Trung Quốc bị đem ra đấu tố và hành hạ. Tập Cận Bình không chỉ im lặng mà còn tham gia đấu tố bố mình đến... 200 lần. Tập Cận Bình đã 7 lần viết đơn để được vào Đoàn Thanh niên cộng sản và sau đó viết đơn đến 10 lần để được vào Đảng cộng sản. Tập Cận Bình theo học ngành ‘công nghệ hóa học’ tại Đại học Thanh Hoa theo kiểu ‘chuyên tu’. 14 năm sau Tập Cận Bình quay lại trường này để học về lý thuyết của chủ nghĩa Marx và tốt nghiệp với bằng tiến sĩ luật. Tập Cận Bình bắt đầu sự nghiệp chính trị với chức vụ phó bí thư huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc và sau đó là lãnh đạo các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải. Tháng 10/2007, tại Đại hội 17 Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương kiêm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Tháng 11/2012 Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc kiêm chủ tịch Ủy ban quân sự Trung ương cho đến tận bây giờ.

 

Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc lúc thế giới đang trải qua thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 với sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, nổ bong bóng bất động sản, chứng khoán giảm sâu, tiền tệ mất giá trên qui mô lớn, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Tất cả các quốc gia đều phải chọn cách thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu công… Tập Cận Bình khi đó đã lấy một sáng kiến rất đặc biệt là ‘Vành đai và Con đường’ với hứa hẹn không những đưa Trung Quốc thoát khỏi tình cảnh suy giảm kinh tế mà còn tiếp tục giúp Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành một siêu cường mới trên thế giới. Hàng trăm tỉ đô la Mỹ đã được tung ra giúp các nước nghèo xây dựng hạ tầng cơ sở để kết nối các châu lục lại với nhau và với trung tâm là Trung Quốc. Kế hoạch ‘vĩ đại’ này đã giúp Tập Cận Bình chinh phục hoàn toàn giới lãnh đạo cũng như người dân Trung Quốc và giúp Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong lúc cả thế giới suy thoái.

 

Kế hoạch ‘Vành đai và Con đường’ đã nhanh chóng rơi vào thất bại và quên lãng đúng như nhận định và phân tích của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì nó đi ngược lại các qui luật kinh tế. Chúng tôi gọi đó là cách ‘chạy trốn về phía trước’ của Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc. Cách đây không lâu, chỉ cần vài tỉ USD là Trung Quốc có thể cứu được Sri-Lanka, một quốc đảo có tầm quan trọng đặc biệt trong dự án nói trên nhưng Trung Quốc đã không làm gì để mặc Sri-Lanka rơi vào khủng hoảng. Lào cũng bị Trung Quốc bỏ rơi nên phải quay sang cầu cứu Việt Nam. Điều này cho thấy Trung Quốc đã cạn tiền sau khi bỏ ra cho các nước thuộc sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ vay mượn nhưng không đòi được.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52460812872_369a911b47.jpg

Ban lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Trung Quốc sau đại hội 20.

 

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang vô cùng ảm đạm và bế tắc khi ngành xây dựng chiếm đến 30% GDP đang rơi vào khủng hoảng. Trung Quốc đã lạm dụng ngành xây dựng một cách quá đáng khi vượt xa ngưỡng an toàn là 10% GDP. Sai lầm của Tập Cận Bình là lúc thì lạm dụng ngành xây dựng một cách quá đáng lúc thì tìm cách ‘bóp chết’ nó khi ra lệnh cho các ngân hàng không giải ngân cho các công ty xây dựng. Ngành đóng tàu thủy và tàu điện cao tốc cũng đang rơi vào khủng hoảng như bất động sản. Đại hội 20 đã phải hoãn công bố tỷ lệ tăng trưởng của quí 3/2022 và nhiều chỉ số kinh tế khác. Chiến dịch ‘Zero Covid’ của Tập Cận Bình suốt 3 năm qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế Trung Quốc. GDP quí 2/2022 chỉ là 0,4%. Trung Quốc hiện có có 600 triệu người dân có thu nhập dưới 140 USD/tháng, tức gần một nửa nước sống dưới mức cơ cực. Tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc hiện nay là 20%, một con số rất lớn. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ông Geogre Friedman thì Trung Quốc có đến 1,1 tỉ người dân sống dưới 3 USD/ngày, chỉ vào khoảng 70 USD/tháng.

 

Vấn đề ô nhiễm môi trường của Trung Quốc không còn thuốc chữa. Miền Bắc gần như không còn nước. Mấy năm qua Trung Quốc đã chi khoảng 100 tỉ USD để dẫn nước từ miền Nam lên miền Bắc nhưng các con sông và hồ chứa nước cũng không còn nước. Trung Quốc đang có kế hoạch di chuyển khoảng 150 triệu người từ phía Bắc xuống phía Nam nhưng dự án không tưởng này rất khó để thực hiện.

 

Một tác động mạnh nữa lên nền kinh tế Trung Quốc là sự rút lui dứt khoát của các công ty Mỹ và phương Tây khỏi nơi vốn được mệnh danh là ‘công xưởng của thế giới’. Quá trình này đã diễn ra và sẽ còn kéo dài một thời gian nữa vì việc di chuyển các nhà máy lớn không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên tiến trình này là không thể đảo ngược, nhất là sau khi Putin xua quân xâm chiếm Ukraine. Cả thế giới bàng hoàng, phẫn nộ và sau đó cay đắng nhận ra rằng việc hợp tác với các quốc gia độc tài với hy vọng sự phát triển về kinh tế sẽ kéo theo sự cởi mở về chính trị chỉ là một ảo tưởng. Một trật tự thế giới mới đang hình thành với việc các nước dân chủ sẽ chấm dứt hoặc hạn chế ở mức thấp nhất trong việc hợp tác và làm ăn với các nước độc tài. Nhiều công ty đa quốc gia đã phải bán hết cơ sở nhà máy ở nước Nga với giá 1 USD như hãng xe hơi Nissan, Hyundai, Renault… Đây là bài học đau đớn khi đầu tư vào các nước độc tài. Phong trào toàn cầu hóa duy lợi và xô bồ sẽ chấm dứt và nhường chỗ cho sự hợp tác giữa các quốc gia dân chủ với nhau hoặc với các nước đồng minh đang hoàn thiện thể chế dân chủ. Chính quyền Mỹ đã cấm xuất khẩu các sản phẩm vi điện tử (chip bán dẫn) và công nghệ cao sang Trung Quốc. ‘Công xưởng của thế giới’ sẽ chỉ còn là một dĩ vãng vang bóng một thời.

 

Nền kinh tế phát triển nóng, bất chấp môi trường của Trung Quốc đang phải trả giá nặng nề. Không chỉ thế, sự phát triển hoang dã đó đã làm phân hóa sâu sắc xã hội Trung Quốc khi hố giàu nghèo ngày càng lớn. Kẻ ăn không hết, người lần không ra. Số lượng tỉ phú của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để đứng đầu thế giới với 1.133 người (Mỹ có 716 tỉ phú). Sự phân hóa giàu nghèo trong bất cứ quốc gia nào cũng là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến bất ổn xã hội. Tập Cận Bình cũng hiểu rõ điều đó nên mới đề ra chương trình ‘thịnh vượng chung’ (cộng đồng phú dụ) đánh vào giới tư bản và các ngôi sao siêu giàu như Mã Vân (Jack Ma) hay Phạm Băng Băng… với hy vọng làm giảm sự bức xúc của dân chúng và chia bớt số tài sản khổng lồ của các nhà tài phiệt Trung Quốc đã phất lên như diều gặp gió nhờ chính sách mở cửa của Trung Quốc suốt 4 thập niên qua. Tuy nhiên kế hoạch này cũng sẽ chết yểu như dự án ‘Vành đai và Con đường’ và chỉ làm cho các nhà đầu tư lo lắng, bất an.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52460812867_e8f7e6d00f.jpg

Việc ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ nữa cho thấy sự bế tắc của Trung Quốc.

 

Việc ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ nữa cho thấy sự bế tắc của Trung Quốc. Khi các chế độ độc tài bế tắc, mất đồng thuận và không còn giải pháp cho đất nước thì họ sẽ chuyển hóa từ chế độ độc tài đảng trị sang chế độ độc tài cá nhân trị. Đảng cầm quyền sẽ dành hết quyền lực cho một người để người đó áp đặt và lấy các quyết định khó khăn thay cho đảng. Mặt khác cũng không mấy ai muốn ngồi vào ‘ghế nóng’ đó vì không ai muốn đi đổ vỏ cho người khác.

 

Sẽ không có nhà độc tài nào là sáng suốt và xuất chúng vì nếu sáng suốt thì họ đã không… độc tài. Không có dân chủ nên các nhà độc tài sớm muộn cũng sẽ hủy hoại đất nước của họ, Putin của nước Nga là một ví dụ. Trung Quốc cũng biết là phải dân chủ hóa đất nước thì mới có thể thoát khỏi sự suy tàn nhưng họ không thể làm được điều đó. Như anh em Tập Hợp đã nhiều lần phân tích, Trung Quốc là một đế quốc, tồn tại dựa trên một đội quân hùng hậu và một hệ tư tưởng chính trị (ý thức hệ chung). Khi hệ tư tưởng cộng sản (trước đó là Khổng giáo) không còn thì đế quốc Trung Hoa không còn lý do để tồn tại với lãnh thổ và dân số như hiện giờ. Việt Nam là một quốc gia nên hoàn toàn có thể chuyển hóa về dân chủ nhưng Trung Quốc thì không.

 

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới nên mọi sự thay đổi của nó đều ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính trị toàn cầu. Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ Trung Quốc, từ quốc phòng an ninh đến kinh tế xã hội và chính trị. Việc ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc khi Đại hội 20 vừa kết thúc là một minh chứng. Tuy nhiên khác với các lần trước, cuộc thăm viếng lần này của ông Trọng chỉ mang tính trình diễn và hình thức chứ không có nội dung và chiều sâu. Trung Quốc còn không lo nổi cho họ thì làm sao giúp được Việt Nam.

 

Việc ‘đu dây’ của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ chứng minh cho thiên hạ thấy là họ quá bế tắc, không còn đồng thuận hay bất cứ dự án nào cho đất nước và cho cả chính họ. Trong trật tự thế giới mới thì nỗ lực ‘đu dây’ hay còn gọi một cách mỹ miều là ‘thế cân bằng chiến lược’ không còn đất để dụng võ. Với sự suy thoái và co cụm của Trung Quốc thì họ không còn khả năng đe dọa ai nữa và vì thế các nước dân chủ không còn lý do gì để chiều chuộng và o bế Việt Nam như trước. Mặt khác thái độ và chọn lựa đứng về phe độc tài thay vì chọn lẽ phải của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ làm mất đi một cơ hội ngàn năm có một cho dân tộc khi các nhà đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc nhưng không chuyển các nhà máy đến Việt Nam. Họ không muốn ‘tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa’ một lần nữa.

 

Sự khủng hoảng của nền kinh tế Trung Quốc đã đến lúc không còn che giấu được nữa nhưng vì là một đế quốc nên sự suy thoái của Trung Quốc sẽ kéo dài trong một thời gian chứ không đến ngay một lúc như nhiều người nghĩ. Việt Nam đang sống cạnh một đám cháy lớn, nếu không có một chính quyền lương thiện và sáng suốt thì hậu quả sẽ rất khó lường. 

 

Việt Hoàng

(28/10/2022)

 

 



No comments: