Sunday, October 30, 2022

QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ CỦA VIỆT NAM: QUAN HỆ BỮA NAY (Ngô Huy Cương)

 



QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ CỦA VIỆT NAM: QUAN HỆ BỮA NAY  

Ngô Huy Cương

29-10-2022  21:23   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02c2268cmahsATRJpkkvCHHpbtnNvXeNmuLfxs5MNhFYznqiwVjgXkQnLRiupGLwcCl&id=100010780718014

 

Chính phủ Việt Nam hiện nay là một chính phủ sướng nhất thế giới bởi được Quốc hội “đồng hành”.

 

Đối với việc thực thi quyền lực hay nhiệm vụ, từ “đồng hành” được hiểu là cùng nhau thực thi quyền lực hay nhiệm vụ, tức là Quốc hội cùng với Chính phủ thực thi cùng một quyền lực hay một nhiệm vụ.

 

Như vậy chủ trương “đồng hành” với Chính phủ do Quốc hội khóa này khởi xướng là một chủ trương đi lệch với Cương lĩnh 2011 của Đảng, không phù hợp với Hiến pháp 2013 và trái với nhận thức chung của nhân loại.

 

Hành pháp luôn được xem là hạt nhân của chính quyền từ cổ sơ cho tới hiện đại.

 

Lập pháp ra đời, vì vậy, mang bản chất là một định chế chính trị nhằm kiềm chế hay giới hạn quyền lực của hành pháp.

 

Vì vậy khoa học luật hiến pháp xác định lập pháp có ba chức năng như sau:

 

+ Chức năng thứ nhất của lập pháp là giới hạn quyền lực của hành pháp, bao gồm quyết định ngân sách và làm luật. Từ đó luật công (luật hiến pháp, luật hành chính, và luật hình sự) luôn mang bản chất giới hạn quyền lực của chính quyền mà thể hiện rõ nhất là: khi ra quyết định hành chính phải nói rõ căn cứ mà trong đó có căn cứ vào chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan ra quyết định hành chính; và chính quyền không thể xem một hành vi nào đó là tội phạm nếu hành vi đó không được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Tóm lại, các cơ quan công quyền chỉ được làm những gì mà luật cho phép.

 

+ Chức năng thứ hai của lập pháp là chức năng giám sát. Vì lập pháp đặt ra giới hạn trong ngân sách và trong luật, do đó phải theo dõi việc tuân thủ các giới hạn đó. Một loạt tổ chức bởi thế mà được thành lập quanh Quốc hội.

 

+ Chức năng thứ ba của lập pháp là chức năng phản biện cho các chính sách của hành pháp để làm cho các yêu cầu đối với hành pháp thành một chỉnh thể.

 

Dựa trên nhận thức này và dựa vào chủ trương xây dựng chính thể quốc hội theo kiểu XHCN (tập quyền về lập pháp), Hiến pháp 2013 (Điều 69, đoạn 2) quy định Quốc hội có các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước (trong đó có các chính sách lớn và ngân sách) và giám sát tối cao. Vì văn phong và sử dụng từ ngữ diễn đạt các quy định này có phần phóng túng, cho nên phải hiểu “quyền lập hiến”, “quyền lập pháp”, “quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, cũng như “giám sát tối cao” theo nghĩa hẹp như chúng được khuôn lại trong các diễn giải cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội tại Điều 70 và các Điều tiếp theo của Hiến pháp 2013.

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã tuyên bố: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.” (Điểm 2, mục IV). Hiến pháp năm 2013 đã chép nguyên văn tuyên bố này vào Điều 3, khoản 2.

 

Tuyên bố này cho thấy Đảng thừa nhận sự đúng đắn của việc tổ chức riêng biệt các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để kiểm soát lẫn nhau bảo đảm cho quyền lực thuộc về nhân dân không bị lạm dụng.

 

Tuy nhiên phải hiểu, vì ta tổ chức chính thể quốc hội (tập quyền về lập pháp), do đó hành pháp và tư pháp không có cơ chế để kiểm soát lập pháp, tức là không kiềm chế và đối trọng như chính thể tổng thống (điển hình ở Mỹ), và cũng không giống mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp trong chính thể đại nghị (như ở Anh).

 

Quyền lực nhà nước là thống nhất không thể được hiểu là các định chế chính trị có nhiệm vụ giống nhau. Nếu thế thì tổ chức nhiều định chế làm gì cho tốn tiền thuế của dân.

 

Do vậy Quốc hội và Chính phủ không thể thực thi chung một nhiệm vụ, chỉ có thể cùng hướng tới cùng mục tiêu, mà mục tiêu đó luôn luôn đòi hỏi mỗi định chế (mỗi mảnh ghép) phải thực hiện đúng và tốt các chức năng, nhiệm vụ của bản thân nó. Định chế chính trị nào ở nước ta mà không phải hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”?

 

Nên nhớ “quyền lực nhà nước là thống nhất” không phải là đặc thù của nước ta. Hiến pháp nước nào trên thế giới thì cũng đều mở đầu bằng việc nói đại loại rằng “chúng tôi, nhân dân của nước X, cùng nhau nhất trí hay thỏa thuận hay xây dựng, thông qua các điều khoản dưới đây…”, tức là nhân dân thống nhất trao quyền lực cho chính quyền thông qua Hiến pháp. Còn chính thể đại nghị hay chính thể tổng thống hay chính thể quốc hội do dân lựa chọn và thể hiện trong Hiến pháp. Và Hiến pháp là nơi thống nhất mọi hành vi của công quyền.

 

Vì vậy đừng có vin vào cái cớ quyền lực nhà nước ở nước ta là thống nhất để ù xọe về chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ trong thực thi quyền lực nhà nước.

 

Từ đó có thể thấy, phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và ngân sách vừa qua của Quốc hội không có ý nghĩa gì trong việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, mà chỉ cho thấy đúng là “Quốc hội đang đồng hành cùng Chính phủ”.

 

Tổng quát có thể nói đây là một phiên họp để các ĐBQH ca ngợi thành tích của Chính phủ và phản ánh với Chính phủ một số bất cập liên quan tới chính sách. Việc ca ngợi này có thể xem là ca ngợi chính mình bởi có mình đồng hành thì mới có thành tích vậy?

 

Đã gọi là thảo luận thì phải có các nội dung trả lời cho các câu hỏi: Ai thảo luận với ai và về vấn đề gì?

 

Song ta có thể thấy đây không phải là phiên thảo luận giữa các vị ĐBQH với nhau và cũng không phải là phiên thảo luận giữa Quốc hội với Chính phủ.

 

Đối tượng của phiên thảo luận không rõ ràng, có lẽ là do không có chương trình nghị sự. Nếu thảo luận về tất cả những vấn đề kinh tế, xã hội và ngân sách trong hai ngày tức là không thảo luận gì cả bởi chúng bao gồm hầu như tất cả các công việc của đất nước. Vì vậy mỗi ĐBQH đọc phát biểu của mình về một vài vấn đề từ bé tý tẹo cho đến không lồ nhưng không làm bật lên được những gì liên quan tới các chủ trương, chính sách lớn và cũng không hướng gì tới mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước.

 

Nếu xem đó là phiên phản biện cho chính sách của Chính phủ thì cũng không đúng vì có tư duy phản biện và lời lẽ phản biện nào được thể hiện đâu.

 

Nếu chúng ta tổ chức, hoạt động và đào tạo như thế này thì sẽ mau chóng không còn cán bộ nào có thể được xem là chính trị gia nữa, mà chỉ còn lại là những nhân viên Nhà nước làm kỹ thuật cai trị đơn thuần.

 

Là một cử tri say mê lập pháp, tôi xin chân thành góp ý để Quốc hội xem xét.

 

Tôi xin lỗi về những gì có thể bị xem là thiếu nhã nhặn!

 

--------------------

2 COMMENTS 

.

Nguyễn Đình Cống

TRong sách Thất Bại Lớn ( sụp đổ của chế độ Xô Viết- xuất bản năm 1988), tác giả Brezezinski tiên đoán rắng chế độ Xô Viết (do cộng sản lập nên), không sớm thì muôn, thế nào cũng sụp đổ mà nguyên nhân chính là vì thiếu trí tuệ. "Thiếu trí tuê" là cách nói văn hoa. Theo cách nói bình dân là ngu dốt của tầng lớp lãnh đạo. Việc nhầm lẫn như phân tích của Ngô Huy Cương trong bài báo thể hiện sự thiếu trí tuệ như vậy

.

Lai Chu

"bộ chính trị đã quyết rồi" thì thảo luận cái con gì chứ, mấy khóa trước thi thoảng cũng thấy có ông nọ bà kia tranh luận gay cấn lắm, nhưng lạ là tới hồi bỏ phiếu thì đều tăm tắp như mọi khi, luôn đạt số phiếu đồng thuận 99%. Tức là có những người bỏ phiếu không theo ý mình nhưng theo ý của ai khác. Nghĩ cũng đáng thương hại cho họ, thà làm một anh phó thường dân mà tự tôn tự tại. Hình như trong đảng chỉ có mỗi bác Trọng mới được quyền suy nghĩ, ăn nói, các anh khác hóng theo đó, rập khuôn tất tần tật...

 

.

59 BÌNH LUẬN 

.

Nguyễn Đức Vinh

Gia đình ít người, có thể bảo nhau; gia đình đông người, 3, 4 thế hệ ở chung thì phải có gia quy; Quốc gia có vài triệu dân, xã hội ở mức thấp thì luật pháp cần ngắn gọn ; với quốc gia có 100 triệu dân và hơn nữa, kinh tế xã hội phát triển, giao lưu khắp thế giới, luật pháp phải chi tiết hơn, chấp pháp phải nghiêm minh hơn, quyền lực phải đại diện cho cộng đồng. Đảm bảo nền tảng pháp lý cho xã hội phát triển, cách khác đi chỉ là ảo tưởng .

.

Pham Tri Vien

QH của ta có là để diễn thôi chứ ai tin vào thực chất đâu anh ?

QH ta là BCHTW mở rộng để cụ thể hoá đường lối chủ trương của đảng cho nó có vẻ dân chủ thôi, như vậy đảng ta mới lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện được.

Nếu tách bạch lập pháp ra, QH thực sự thì nhiều khi sẽ có những vấn đề mâu thuẫn với NQ của đảng, và như thế thì phiền lắm ???

Các BT khi trả lời chất vấn họ đều nói CHÚNG TA thế này thế kia mà ko bao giờ nói CHÚNG TÔI.

Vậy chúng ta nghĩa là có cả anh và tôi và tất cả cử tri trong đó rồi. Vậy còn théc méc giề nữa ?

.

Tre Lang

Mấy chục ông bà BT đều là ĐBQH thì phải(?!)

.

Sơn Vũ

Theo dõi hoạt động của QH dễ nhận ra là QH đang đồng hành và đồng thuận với hoạt động của CP, các NQ của QH hầu hết là hợp pháp hoá kết quả của CP cụ thể nhất là việc chi tiêu ngân sách: chi trước, chi vượt khung không bị “thổi còi” sau đó QH duyệt chi!

Đb QH phản biện, góp ý và CP có lắng nghe, có điều chỉnh hay không là hai việc khác nhau! Thực tế là “dù ai nói ngả nói nghiêng, thì ta vẫn vững như kiềng ba chân”, đã có trường hợp khi đb QH phê bình cách điều hành, hoạt động của bộ ngành thì bt bộ ngành đó lôi NQ của Đảng ra, rằng họ làm theo NQ của Đảng và đb QH có ý kiến cũng như QH nín luôn!

Tóm lại, hoạt động của QH, CP đều nằm trong sự chi phối, chỉ đạo của NQ Đảng, cả hai cùng đồng hành trên một trục đường và vai trò chính của QH là vỗ tay ủng hộ các hoạt động của CP (Về mặt này, QH gần giống với hoạt động của Mặt trận TQ VN).

.

Pierre Le Van

Cuong Huy Ngo -  Quốc hội không giống MTTQ. MTTQ cao hơn, vì là nơi quyết định ai sẽ là Nghị viên. MTTQ lại là một cơ quan thuộc TƯ ĐCSVN. Chủ tịch MTTQ là một ủy viên của BCT hay TƯ. Cho nên, cái hạng của Quốc hội rất là thấp, mặc dù Hiến pháp ghi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất : Cao nhất, trong số những cơ quan thấp nhất.





No comments: