Saturday, October 29, 2022

MÙA NƯỚC NỔI, MÀ SAO NƯỚC MẮM CÁ LINH CẠN DÒNG! (Vũ Thế Thành)

 



Mùa nước nổi, mà sao nước mắm cá linh cạn dòng!    

Vũ Thế Thành 

October 28, 2022

https://saigonthapcam.wordpress.com/2022/10/28/nuoc-noi-ma-sao-nuoc-mam-ca-linh-can-dong/

 

Tôi yêu mùa nước nổi Miền Tây. Đứng trên vùng đất cao nào đó ở Châu Đốc, sẽ cảm nhận được nước nổi mênh mông thế nào.

 

                                                    *

Hôm nọ Hoàng Mắm phone hỏi thăm. Tôi hỏi, năm nay nước về muộn phải không? Nhiều cá linh không? Hoàng đáp, nhiều anh à, em mua về làm mắm, làm cả nước mắm cá linh nữa. – Có bán không? – Bên em chỉ bán mắm cá linh theo đơn đặt hàng thôi. Còn nước mắm cá linh thì không bán, chỉ làm cho đỡ nhớ, chớ không đủ để bán..

 

Tôi biết năm nay mùa nước về muộn vì cách đó hơn một tháng, một bà bạn ở miền Tây gửi cho tôi hộp cá linh kho tiêu. Đầu mùa nước nổi, cá linh nhỏ như đầu đũa. Tôi thích ăn cá linh kho với cháo yến mạch.

 

Nước lũ đổ từ thượng nguồn về hạ nguồn, đến đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 8 đến 11 Dương lịch, và ít khi là thiên tai với người dân Nam Bộ. Mùa nước lũ là mùa thu hoạch tôm cá Trời cho, ăn không hết, làm mắm để dành. Cá mới về còn nhỏ, ăn lúa mót. Khi nước rút tôm cá mập ú.

 

Khi xưa mùa nước nổi ở Miền Tây không còn đồng cỏ, người dân đồng bằng phải dẫn trâu lên vùng cao, thường là khu vực núi Thất Sơn để trâu có cỏ mà ăn. Con trâu là tài sản quý giá đối với nông dân Nam Bộ thuở đó, chứ không như bây giờ đem trâu đi nhúng mẻ. Ai không thể dẫn trâu đi, thì thuê người dẫn trâu đi “tỵ nạn”, như một thứ “bảo tiêu” trong truyện kiếm hiệp Trung Hoa. Và mùa nước nổi cũng được gọi là mùa len trâu, hay thả trâu đi rông tự do theo tiếng Khmer.

 

Miền Tây mùa nước nổi với vài nhóm người lùa trâu vượt qua cơn lũ, đất trời hoang dã, và con người mang tính lục lâm thảo khấu, giang hồ mã thượng, trọng nghĩa khinh tài… Tất cả những hình ảnh này được tái hiện qua bộ phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh phát hành năm 2004, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Sơn Nam.

 

Hơn hai năm trước, tôi là cố vấn kỹ thuật cho nhóm làm phim về nước mắm cá đồng. Nhóm đi nhiều ngóc ngách miền Tây để phỏng vấn dân làm nước mắm ở đó, đa phần là nước mắm nhà làm, nhà ăn, chứ ít ai làm để bán.

 

Nước mắm cá biển có lịch sử cả 5, 6 trăm năm, nhiều tài liệu ghi lại từ thời Chúa Nguyễn. Sau nay chính quyền thuộc địa Pháp cho nghiên cứu nước mắm, thể chế hóa thành quy định, tiêu chuẩn chất lượng, khuyếch trương, hội chợ giới thiệu nước mắm cả bên châu Âu. Nhưng nước mắm cá đồng hầu như không có tài liệu nào ghi chép.

 

Nước mắm cá đồng ra đời theo dòng người khai phá mở cõi phương Nam. Người ta làm nước mắm để ăn, mấy ai để bán. Mùa nước về, tôm cá nhiều, thoạt đầu chỉ để làm mắm, tích trữ ăn dần quanh năm. Sau đó mới nghĩ tới chuyện làm nước mắm – Chỉ là nước mắm cá đồng thôi, cá tạp đủ thứ, làm mắm không bõ thì đem làm nước mắm, chứ xung quanh kênh rạch chằng chịt, sông nước mênh mông mùa nước lũ, chứ có gần biển đâu mà đòi cá cơm, cá nục, cá trích để làm mước mắm thơm ngon, đậm mùi, màu nâu hổ phách như dân miệt ngoài.

 

Tôi đã là cố vấn kỹ thuật cho vài bộ phim về nước mắm, nhưng tập phim về nước mắm cá đồng là tôi ưng ý nhất, có chất tư liệu nhất. Đỗ Khuê là đạo diễn, Ngữ Yên viết kịch bản. Cả hai trạc tuổi tôi. Tất cả chúng tôi đều trong tâm trạng nuối tiếc một thời, nên đều dễ dàng đồng ý đi sâu vào nội dung mang đậm chất tư liệu, hơn là phô diễn vẻ đẹp hoàng tráng nên thơ của cảnh vật.

 

Tôi là người hỏi chuyện dân làm nước mắm, để đúc kết, rồi phác họa ra quá trình phát triển nước mắm cá đồng, từ nước mắm cá tạp đến nước cá linh, từ loại nước mắm thô đến nước mắm nấu,… Đó là sự chọn lọc nhờ khẩu vị trải qua bao thế hệ. Tất cả phác họa này đều dựa trên hiểu biết khoa học, chứ không dựa trên những suy diễn, mắm muối tạo ra huyền thoại từ vùng đất khai phá, hoang vu, chim kêu vượn hót.

 

Tập phim về nước mắm cá đồng dài 25 phút, đậm chất tư liệu. Chuyện ngược đời, chất tư liệu của phim có trước tài liệu thành văn về nước mắm cá đồng, mà cho đến nay theo tôi biết vẫn chưa có ai viết, ngoài bài tùy bút ngắn mà tôi viết sau chuyến làm phim, sau này tôi đưa vào sách “Chuyện đời nước mắm” xuất bản năm 2021.

 

Chỉ tiếc là sau khi bộ phim hoàn thành, nơi đặt hàng tập phim đã bán tập phim lại cho một đài truyền hình. Đài này xẻ phim ra vài tập, chắp nối với nhiều đoạn phim khác, thành ra bộ phim phóng sự 2-3 tập về nước mắm cá đồng. Son phấn đã làm chất tư liệu biến mất.

 

Ngữ Yên chắt lọc tư liệu qua kịch bản, đạo diễn Đỗ Khuê thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh. Tôi định khi nào tập phim xuất hiện sẽ kể ra những chuyện hậu trường đằng sau tập phim, vừa thật, vừa hài, vừa buồn vẫn chưa được nói ra, từ con cháu ông Sáu đờn kìm, bà Út Trai, cái chết nước mắm Hai Con Cua mà tôi nghe kể từ một nhân chứng tại phòng họp của Hoàng Mắm.

 

Đỗ Khuê nói với tôi sẽ đưa version gốc của tập phim lên youtube, nhưng lúc này y đã trốn sang Pháp chăm cháu ngoại.

 

Hoàng Mắm là giám đốc DN Mắm Bà Giáo Khỏe ở Châu Đốc. Thương hiệu này nổi tiếng rồi, miễn bàn ở đây. Hoàng thuộc gia đình thế gia vọng tộc ở Huế, Cụ tằng tổ mấy đời tị nạn “chính trị”, nên lưu lạc xuống vùng đất phương Nam này khai phá. Tới Hoàng là đời thứ tư, thứ năm gì đó, đặc sệt cá tính miền Tây, không còn chút nào của ôn mệ xứ Huế. Lúc sanh thời, bác sĩ Hồ Đắc Duy tặng tôi quyển gia phải dòng họ Hồ Đắc. Tôi tặng lại Hoàng để y nhớ về tổ tiên.

 

Tôi nói với Hoàng qua phone, nhớ gìn giữ chút di sản nước mắm cá linh thứ thiệt. Một giọt nước mắm cá linh là biệu tượng cho một giọt mồ hôi của cha ông đã khai phá vùng đất phương Nam này.

 

Một ngày nào đó, tôi sẽ rủ Đỗ Khuê và Ngữ Yên xuống Châu Đốc, mời ông nhân chứng Hai Con Cua. Chúng tôi sẽ không ngồi trong văn phòng nữa, cũng không camera, không microphone, mà ra bờ sông nâng ly kể chuyện nước mắm cá đồng.

 

Hồi chúng tôi đến Miền Tây làm phim là vào khoảng tháng 8, nước vẫn chưa về. Tôi xúi (dại) Đỗ Khuê, lựa cánh đồng nào ngập nước chút chút rồi quay đại. Đỗ Khuê không chịu, y nhất định chờ thêm 1-2 tháng nữa, chờ nước về để lia máy (quay), nước dâng ngập cả căn nhà, người dân chèo ghe vớt cá… Nhưng năm đó, nước về ít ỏi,  chẳng biết y lia máy thế nào.

 

Nhớ về mùa nước nổi cũng là để buồn cho mùa nước cạn. Năm cạn năm nổi thất thường, vì sao ai cũng biết.

 

Tôi nhớ cặp mắt buồn thảm của chú bé trong phim “Mùa len trâu”, ngồi bên xác cha mình trên chiếc thuyền nhỏ trong mùa nước lũ…. Tất cả đều xa vắng như giòng hồi tưởng của chú bé khi đã trưởng thành, nhớ về mùa nước nổi.

 

Còn bây giờ, Cửu Long cạn dòng, cá linh cạn nguồn, nước mắm cá linh đang trên đường hóa thạch…

 

Vũ Thế Thành





No comments: