Monday, October 17, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 17/10/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI  HÔM NAY : 17/10/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

17/10/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/10/17/the-gioi-hom-nay-17-10-2022/

 

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đã khai mạc tại Bắc Kinh, trong đó chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu khai mạc với cam kết “thống nhất” Trung Quốc bằng cách đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của đại lục. Ông nói Bắc Kinh sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để dập tắt “các phong trào ly khai,” thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết. Ông Tập cũng bảo vệ chính sách zero-covid, gọi các biện pháp ngăn chặn virus là “cuộc chiến toàn dân.” Bất chấp quy ước các nhà lãnh đạo Đảng chỉ phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm, đại hội dự kiến ​​sẽ trao cho ông Tập một nhiệm kỳ thứ ba.

 

Tân bộ trưởng tài chính Anh Jeremy Hunt nói kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của chính phủ tỏ ra “quá xa vời và quá nhanh.” Trong một nỗ lực tiếp theo để xoa dịu thị trường trái phiếu, ông còn cho biết sẽ tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey nói lãi suất sẽ phải tăng hơn nữa so với dự kiến ​​vì lạm phát cao.

 

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết nước ông cho đến nay đã “duy trì ổn định năng lượng” bất chấp lo ngại bị Nga tấn công cơ sở điện. Ông Shmyhal nói trong ba ngày đầu tiên của tuần trước, Nga đã phóng 130 tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng để “đe dọa” dân thường và “làm tê liệt” ngành năng lượng. Người Ukraine đã cắt giảm lượng điện tiêu thụ của họ xuống 1/10 để tránh phải bị cắt điện, ông nói thêm.

 

Một vụ hỏa hoạn tại nhà tù Evin, cơ sở từng giam giữ nhiều nhà bất đồng chính kiến ​​của Iran, đã làm ít nhất 4 người thiệt mạng và 61 người bị thương, theo truyền thông nhà nước Iran. Vụ hỏa hoạn diễn ra sau một cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và tù nhân — trong đó có một số người bị bắt vì biểu tình, vốn lan rộng toàn quốc sau cái chết của một phụ nữ 22 tuổi trong buồng giam của cảnh sát đạo đức.

 

Tunisia đạt được thỏa thuận sơ bộ với IMF, theo đó cam kết cải cách để đổi lấy khoản vay 1,9 tỷ USD. Đất nước Bắc Phi này đang bị thiếu lương thực, nhiên liệu và chìm trong biểu tình liên tục. Trong khi đó chính phủ lại tiến hành giảm trợ cấp và tiền lương khu vực công. Nếu hội đồng quản trị của IMF phê chuẩn thỏa thuận, các nhà tài trợ khác có thể sẽ theo chân.

 

Hàng chục nghìn người đã tuần hành qua Paris để phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao. Các nhà tổ chức cho biết có 140.000 người tham gia biểu tình, vốn do chính trị gia đối lập cực tả Jean-Luc Melenchon dẫn đầu. Vụ việc làm gia tăng áp lực lên tổng thống Emmanuel Macron sau khi ba tuần đình công tại các nhà máy lọc dầu đã gây thiếu nhiên liệu trên diện rộng. Nhưng hoạt động công nghiệp có vẻ không bị ảnh hưởng nhiều; còn công nhân và công chức giao thông có kế hoạch đình công vào thứ Ba.

 

Uganda đã áp đặt lệnh phong tỏa ba tuần ở hai huyện miền trung để ngăn chặn Ebola bùng phát. Di chuyển ra vào Mubende và Kassanda bị hạn chế, và chính phủ sẽ áp lệnh giới nghiêm từ sáng đến tối. Kể từ ca tử vong đầu tiên ở Uganda gần một tháng trước, căn bệnh này đã khiến 58 người bị nhiễm và 19 người thiệt mạng.

 

Con số trong ngày: 31, là số ngày tại nhiệm của thủ tướng nắm quyền ngắn nhất nước Anh, Iain Macleod.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

NATO tập trận hạt nhân

NATO sẽ tiến hành tập trận hạt nhân hàng năm, mang tên Steadfast Noon, vào thứ Hai. Diễn ra ở Bỉ, sự kiện này bị hoãn từ đầu năm vì Nga xâm lược Ukraine, và có sự tham gia của 14 trên 30 thành viên của liên minh. Dù không có đầu đạn thật, diễn tập sẽ bao gồm máy bay phản lực có thể mang bom hạt nhân. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi hoạt động này là “huấn luyện thường xuyên” để giữ cho chính sách răn đe được “an toàn, an ninh và hiệu quả.”

 

Tuy nhiên tập trận năm nay sẽ có khác hơn vì cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai đe dọa dùng vũ khí hạt nhân khi triển vọng xâm lược của ông xấu đi. Người đứng đầu GCHQ, cơ quan tình báo Anh, cho biết tuần trước rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ tấn công, nhưng lo ngại về leo thang là có thật. NATO dự đoán Nga sẽ sớm tổ chức tập trận hạt nhân của riêng mình, mang tên Grom.

 

Liên minh đang đánh cược là việc tiến hành tập trận hạt nhân sẽ giúp duy trì sức mạnh răn đe của họ. Ông Stoltenberg nói việc tránh leo thang đòi hỏi phải có “hành vi chắc chắn và có thể dự đoán được.” Ai cũng mong ông đúng.

 

Trung Quốc muốn đẩy mạnh xâm nhập thị trường xe điện châu Âu

Khi các khoản chi vào triển lãm tỏ ra không còn hiệu quả, nhiều nhà sản xuất ô tô sẽ không quá mặn mà tham dự triển lãm ô tô vào thứ Hai này tại Paris, lần đầu được tổ chức lại ở thành phố kể từ năm 2018. Trong những công ty tham gia có Renault và Peugeot của Pháp, với Peugeot thuộc sở hữu của Stellantis. Đáng chú ý hơn là sự xuất hiện của BYD và Great Wall Motors, hai thương hiệu Trung Quốc sẽ dùng sự kiện này để phô trương những dòng xe điện được họ kỳ vọng thâm nhập vào thị trường châu Âu.

 

Trung Quốc, nơi có ngành công nghiệp xe hơi lớn nhất thế giới, đang sản xuất xe điện với tốc độ hơn hẳn mọi quốc gia khác. Một số nhà sản xuất Trung Quốc đã đặt châu Âu vào tầm ngắm. Hãng Nio gần đây đã giới thiệu ba mẫu xe điện ở Berlin, và sẽ sớm phổ biến rộng rãi ở lục địa. Hiện cứ 20 chiếc xe điện được bán ở châu Âu thì có một chiếc là của Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô của châu Âu, vốn đã phải vật lộn với đại dịch và quá trình chuyển đổi sang điện khí hóa, đứng trước một thế lực cạnh tranh đáng gờm.

 

Đảng Quốc đại của Ấn Độ bầu lãnh đạo mới

Vào thứ Hai, các thành viên đảng Quốc đại, đảng đối lập chính của Ấn Độ, sẽ bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng mới. Đây hứa hẹn là lần đầu tiên sau gần 25 năm đảng này có chủ tịch mới không thuộc gia tộc Gandhi, vốn từ lâu đã điều hành đảng như một doanh nghiệp gia đình. Hai ứng viên chính là Shashi Tharoor, một cựu chuyên gia ngoại giao có tài ăn nói trôi chảy, và Mallikarjun Kharge, một nhân vật 80 tuổi kỳ cựu là thân tín của gia đình Gandhi.

 

Ông Tharoor tin rằng một thế hệ lãnh đạo mới không thuộc vào tay nhà Gandhi có thể đưa đảng Quốc đại trở lại thời kỳ đỉnh cao. Với chưa đầy hai năm nữa là diễn ra tổng tuyển cử, đảng Quốc đại rất cần thay đổi. Trong hai cuộc bầu cử vừa qua, đảng này đã bị đảng Bharatiya Janata (BJP) theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo áp đảo hoàn toàn. Trong lần gần nhất vào năm 2019, BJP thậm chí đạt số phiếu gần gấp đôi Quốc đại.

 

Nhưng những kỳ vọng của ông Tharoor có thể là vô ích. Tiến trình đi đến bầu cử lãnh đạo đảng đã thể hiện sự kém cỏi và chia rẽ thường thấy trong đảng suốt nhiều năm. Quan trọng hơn, gia đình Gandhi khó có thể sẽ nhường quyền kiểm soát. Ông Kharge được dự đoán thắng một cách dễ dàng.

 

Thủ tướng Anh Liz Truss đứng trước nguy cơ mất ghế

Chỉ mới hai tuần trước, sự nghiệp chính trị đỉnh cao của Jeremy Hunt dường như đã đi đến hồi kết. Là một cựu ngoại trưởng dễ mến và kĩ tính, ông đã hai lần tranh cử thất bại vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Giờ đây ông bỗng trở thành người đàn ông quyền lực nhất nước Anh. Vào ngày 14 tháng 10, thủ tướng Liz Truss đã sa thải đồng minh Kwasi Kwarteng và bổ nhiệm ông Hunt làm bộ trưởng tài chính mới. Ông được giao nhiệm vụ lấy lại niềm tin của thị trường trái phiếu sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của ông Kwarteng đưa thị trường vào khủng hoảng.

 

Nhưng chỉ thay đổi một phần là không đủ để làm yên lòng thị trường. Vì vậy vào cuối tuần qua, ông Hunt đã nói rõ phải thay đổi nhiều hơn nữa, bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ. Với ông Hunt ngồi ở ghế lái, bà Truss giờ đây chỉ còn là thủ tướng trên danh nghĩa. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang tìm cách ép bà từ chức. Tất cả cho thấy Westminster tuần này sẽ rất huyên náo.





No comments: