Sunday, October 23, 2022

QUY HOẠCH CỦI ... (VietTuSaiGon)

 



Qui hoạch củi…

VietTuSaiGon

Thứ Sáu, 10/21/2022 - 19:01 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/7381

 

Gần nửa thế kỉ thống nhất hai miền đất nước, thu về một mối, gần nửa thế kỉ đất nước nhuộm đỏ màu Cộng sản, gần nửa thế kỉ người dân nếm đủ mùi cay đắng và cũng có lúc ngọt bùi của thời cuộc. Nhưng có vẻ như, chưa đầy nửa thế kỉ cho thấy một vấn đề hết sức nhức nhối: Đất nước chưa bao giờ bình yên! Hay nói khác đi, mối nguy của đất nước luôn rình rập và ngày càng nặng nề. Vì đâu? Và căn cứ vào đâu để nói rằng đất nước lâm nguy?

 

Liên tục ba năm trở lại đây, đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, gây chết người nặng nề ở Sài Gòn và các thành phố lớn, lò của Tổng Bí thư Trọng tưởng như nguội bớt nhiệt sau khi đốt một số cây củi gộc bỗng dưng bùng cháy dữ dội, đặc biệt, C03 của Bộ Công an vào cuộc, lần này, những cây củi lớn cấp Bộ trưởng bắt đầu được đưa vào lò. Bên cạnh đó, những cây củi cỡ Đô trưởng và rất nhiều cây củi cựu Bí thư thành ủy và đương chức bị đưa vào lò.

 

Điều này khiến dư luận bạt ra hai hướng, một hướng cho rằng ông Trọng đã làm hết mình, đã quyết tâm chống tham nhũng và quyết không bỏ sót bất kì cây củi nào. Hướng khác lại cho rằng đây là cuộc thanh trừng nhằm làm giảm sức mạnh của Cộng sản miền Nam và nhằm củng cố sức mạnh Cộng sản miền Bắc.

 

Thử phân tích hướng thứ nhất, ông Trọng làm hết mình? Dựa trên toàn bộ các hành tung chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng cũng như sức chịu đựng về bệnh tật và sức khỏe, có vẻ như đây là nhận xét không sai. Bởi cho đến giờ phút này, Nguyễn Phú Trọng hoặc là bệnh hoạn, quá tham quyền cố vị mới chọn tiếp tục ngồi ghế Tổng Bí Thư hoặc vì một thứ lý tưởng nào đó nhằm duy trì chế độ Cộng sản, thậm chí biến nó thành điểm sáng khu vực chẳng hạn, thì mới ngồi lại mà tranh quyền đoạt ghế với đàn em. Trong khi tay chân đi lại đã quýnh quáng và nói cho cùng thì sức khỏe đã rất tệ. Nhưng, nếu như vì tham quyền cố vị lúc này, liệu ông Trọng có đủ uy lực để đấu đá? Hay vì một thứ khác, chẳng hạn như thiên triều chiếu cố hoặc giả uy tín đủ mạnh trong nội bộ đảng khiến cho uy lực tăng tỉ lệ và trụ lại được trước sóng gió? Nói cho cùng, lý tưởng tiêu diệt tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng là có thể thật.

 

Rất khó để đưa ra nhận định về việc Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ngồi ghế Tổng Bí Thư. Và, giả sử như hướng thứ hai là đúng, tức là khuynh hướng tiêu diệt Cộng sản miền Nam, hạ bệ những tay cộm cán để làm giảm sức mạnh của Cộng sản miền Nam, lấy lại uy thế của miền Bắc, liệu điều này có thật? Có thể xảy ra chuyện này, bởi Nguyễn Phú Trọng là người đặt nặng vấn đề “người miền Bắc có lý luận” và cũng là khắc tinh của phe nhóm miền Nam, nhìn lại quá trình đấu đá giữa phe miền Nam và miền Bắc dưới thời Nguyễn Phú Trọng, dường như phe miền Nam chưa bao giờ ê chề và thúc thủ trước phe miền Bắc như thời Nguyễn Phú Trọng. Những “yếu nhân” miền Nam dần được cho về vườn ngồi chơi xơi nước, được “nghỉ hưu” với lý do tuổi cao, thế nhưng Trọng dù tuổi rất cao và chân tay lẩy bẩy do bệnh tật thì vẫn ngồi lại tiếp tục giữ ghế.

 

Đó là chưa muốn nói đến các phe cánh miền Nam ngày càng bị triệt tiêu không thương tiếc trong lò của ông Trọng. Đương nhiên, nhìn từ bên ngoài, có vẻ như chẳng có phân biệt Nam - Bắc trong vấn đề chặt củi cho vào lò, thế nhưng nếu nhìn kĩ, những tay người miền Bắc bị cho vào lò lại có mối quan hệ khá gần gũi với phe miền Nam, nếu không muốn nói bọn họ từng là trợ thủ đắc lực của phe miền Nam. Và lần này, rõ ràng phe miền Nam bị thúc thủ trước miền Bắc. Nhưng làm vậy thì được gì?

 

Kỳ thực, trong đại cuộc, khi mà nhân dân đâm chán nản trước thực tế phũ phàng của chế độ với một lực lượng sâu bọ chính trị hùng hậu đang đeo bám làm chết héo cái cây sinh lực Việt Nam, thì phe nào khuynh loát cũng vậy. Nhưng tranh thủ triệt tiêu phe miền Nam với chiêu bài chống tham nhũng là một mũi tên bắn được hai con chim, vừa giảm được những kẻ tham nhũng, lại vừa lấy lại uy tín, thiện cảm của nhân dân. Nhưng, đây cũng là con dao hai lưỡi. Một khi miền Nam bị miền Bắc nướng sống như vậy, nội bộ Cộng sản sẽ lộn xộn và nguy cơ nội loạn rất cao, hơn nữa uy tín trước nhân dân không những không được níu kéo, phục hồi mà có nguy cơ xuống sâu hơn, bởi nhân dân nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, chỉ có kẻ bị bắt rồi và kẻ chưa bị bắt mà thôi, đó là thực tế. Thậm chí, có mấy người dân tin rằng ông Trọng thanh liêm, và giả sử ông thanh liêm thì con cháu của ông chắc gì thanh liêm? Mà giả sử gia tộc của ông Trọng thanh liêm thì hệ thống đảng Cộng sản có mấy người thanh liêm? Vậy tiêu diệt, chặt củi phỏng ích gì cho nhân dân?!

 

Và, một vấn dề khác có tính cốt tủy được đặt ra: Hơn nửa thế kỉ, đảng Cộng sản đã trồng được một rừng củi vậy thôi sao? Bởi suy cho cùng, qui hoạch cán bộ, hay qui hoạch, đào tạo nhân tố cho chế độ, cho hệ thống vốn dĩ cũng giống như trồng rừng, nếu trồng mãi mà chỉ ra một rừng củi thì đó là lựa chọn thất bại. Trồng rừng, nghĩa là trồng những loại cây lâm nghiệp có giá trị, những loại cây quí, những loại cây mà chỉ cần vài cây đại diện cũng có thể mang lại giá trị cho cánh rừng, cho quốc gia, chứ không phải những loại cây càng chặt bao nhiêu thì thành củi bấy nhiêu, nếu chỉ trồng rừng làm củi thì coi như đừng trồng lại hay hơn!

Nó cũng giống như giáo dục và đào tạo xã hội chủ nghĩa sau gần nửa thế kỉ ở miền Nam và non thế kỉ ở miền Bắc, quá trình dài dậm dặc ấy cho ra những gì? Đó là quá trình trồng rừng chỉ cho ra toàn củi và củi, giá trị, chất lượng gỗ hoàn toàn không có. Một quá trình dài đào tạo các loại con ông cháu cha, ô dù, phe nhóm, lợi ích, bất chấp… Nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên mà càng về sau, mức độ tham lam, trơ tráo của họ càng cao, mức độ bất chấp và coi thường pháp luật, thậm chí coi thường điều lệ Đảng càng ghê gớm hơn trước, năng lực thì chẳng có gì để bàn.

 

Và, giả sử bây giờ làm một cuộc đốt lò đúng mức độ, bản chất, thì có vẻ như chẳng còn bất kì cán bộ nào không thành củi. Bởi nói cho cùng thì cán bộ nào mà chả tham nhũng, chỉ cần làm một phép toán đơn giản nhất là cộng toàn bộ tiền lương của gia đình cán bộ đó để so sánh với bất kì chiếc xe hay tài sản nào đó thì sẽ thấy ngay có khi cả trăm năm sau gia đình cán bộ đó cũng chẳng thể sờ đến tài sản ấy được. Thế nhưng, nói tới tài sản của cán bộ, phải dùng “khối” để chỉ.

 

Và, còn cách nào ngoài việc qui hoạch củi, tức là xếp loại củi trong hệ thống đảng viên, cán bộ, để rồi đến một lúc nào đó, lại cho vào lò? Có nghĩa rằng cán bộ đã vào lò, tức củi đã vào lò, cán bộ còn ngồi ghế nhà nước, tức củi chờ vào lò, không hơn không kém, bởi chính cái cơ chế thực dụng, vô thần và giả dối mang tên Cộng sản xã hội chủ nghĩa đã sản sinh ra loại cán bộ như vậy, giờ có đốt cả dãy Trường Sơn thì cũng không thể hết củi được!

 

 

 VietTuSaiGon's blog






No comments: