Saturday, October 1, 2022

NHẬN XÉT về THÔNG TIN HÓNG ĐƯỢC SAU NGÀY THỨ 218 của CUỘC CHIẾN TRANH NGA - UKRAINE / 29-09-2022 (Phúc Lai)

 



Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 218 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (29/09/2022)

Phúc Lai

30/09/2022

https://thuymyrfi.blogspot.com/2022/09/phuc-lai-nhan-xet-ve-thong-tin-hong-uoc_30.html

 

1. Diễn biến các mặt trận

 

Tin mặt trận các bác hay đưa tin đã đưa rất tốt, tui xin phép không đưa lại nữa. Tui cũng chỉ hình dung ra được rằng Lyman thì đã bị bao vây còn Bakhmut thì Nga vẫn chưa chiếm được.

 

Khu vực Kherson, Nga đưa thêm quân tới rất đông, chuyện này hóng được cả trên mạng xã hội lẫn bản tin của Bộ Tổng tham mưu của Ukraine cũng ghi nhận. Quân Nga đang đuổi thị dân Ukraine của thành phố Kherson khỏi nhà để lấy chỗ ở.

 

Trên mặt trận đang diễn ra một phong trào tìm và diệt UAV “1 răng”. Bản tin Bộ Tổng tham mưu viết:

 

• … các đơn vị phòng không của ta đã bắn rơi 7 chiếc UAV, trong đó, 5 chiếc của Iran sản xuất, 1 máy bay trực thăng Mi-8 và 1 máy bay cường kích Su-25.

 

Việc Nga dồn thêm quân tới Belarus khó có thể là một mũi tấn công đang được hình thành nếu có leo thang chiến tranh, vì tính mơ hồ trong mục đích của nó. Chính ở miền bắc, lực lượng vũ trang Ukraine bố trí những cụm quân rất lớn và mạnh có khả năng cơ động cao, vừa bảo vệ Kyiv và phía Bắc Kharkiv – Sumy, vừa cơ động tấn công bắc Donbas.

 

2. Ngày hôm qua có tin Putox hoãn vô thời hạn việc sáp nhập 4 vùng vừa bỏ phiếu “trưng cầu dân ý” vào Nga, làm cho tất cả chúng ta đoán già đoán non, mở ra một chợ bình loạn vui đáo để. Vậy sự việc đó là như thế nào? Trước hết chúng ta cần xem lại vụ “trưng cầu dân ý” – sáp nhập trong tương quan với cú “động viên một phần” của Putox.

 

Như trong bài “Putox và các mốc thời gian” tui có viết về một quá trình 15 năm, bắt đầu từ năm 2007. Nếu bác nào quan tâm đến Nga sẽ còn nhớ, lễ chiến thắng 09/05 năm 2005 kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát-xít, Nga tổ chức hoành tráng có sự tham dự của tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là ông Bush và nhiều tổng thống phương tây khác. Sau lễ duyệt binh là một chương trình biểu diễn kéo dài đến tối mịt trên quảng trường Đỏ. Chương trình biểu diễn này tái hiện rõ nét vai trò của quân đồng minh trong chiến thắng. Tui còn nhớ, bà Mireille Mathieu hát bài “La vie en rose” hay lắm.

 

Nhưng chỉ sau đó ít lâu, Nga Putox quay xe. Dần dần những lễ chiến thắng thay đổi về nội dung theo hướng chiếm đoạt chiến thắng chung của nhân loại thành của riêng. Khi chứng kiến người Nga dự lễ Chiến thắng 09/05, tui thấy xúc động cũng có, nhưng thương cảm thì cũng có. Thương cảm vì người Nga đã không còn bấu víu vào bất cứ cái gì khác ngoài một chiến thắng huy hoàng trong quá khứ.

 

Putox thì lên án những người đã làm tan vỡ Liên Xô, góp phần làm tan vỡ luôn cả tính tự tôn dân tộc của người Nga. Bằng việc khôi phục lại những hình ảnh, hình tượng của cái chiến thắng, mà trong đó người Nga là trung tâm và xung quanh là những dân tộc vệ tinh khác – chính xác là các dân tộc của các nước Liên Xô cũ nhưng vẫn còn đang “thần phục” lão ta. 

 

Cũng trong thời gian đó, lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ ngày 07/11 được phục hồi, nhưng với một cái vỏ mới: tái hiện lễ duyệt binh lịch sử ngày này năm 1941 khi Hồng quân duyệt binh mừng Cách mạng tháng Mười xong, đi thẳng ra mặt trận bảo vệ Mátxcơva. Có thể nói, tất cả những lễ lạt đã gọi là to tát, phải dính với Chiến tranh Vệ quốc, còn ngay cả sinh nhật thành phố Mátxcơva cũng thua xa. Chuyện này còn có một điểm vướng mắc vì nó không đủ lâu đời và lại dính đến các vương triều Kyiv.

 

Ngay cả lễ quốc khánh cũng không có, nước Nga phải dùng tạm “Ngày nước Nga” 12/06 để nhận điện chúc mừng.

 

Nhiều khi tui có cảm giác nước Nga của Putox rất thích những trò… tái hiện. Lần này là cả một cuộc chiến tranh, lão ta muốn tái hiện lại chiến thắng huy hoàng năm 1945, bằng những trò hết sức tuồng chèo. Đầu tiên là tuyên truyền trong nước trong nhiều năm về “chế độ phát-xít Kyiv” đang được phương Tây hậu thuẫn – điều này rõ nhất ở bà Pakhmutova (tác giả của “Thời thanh niên sôi nổi”) cũng khóc thương dân Ukraine đang sống dưới ách phát-xít. Sau đó là phục hồi cái sư đoàn đã chiếm tòa nhà Đế chế Đức, cờ quạt đàng hoàng. Sau đó là xe tăng Nga tràn vào Ukraine trong khi cắm cờ đỏ trên tháp pháo phi vào tận Kyiv…

 

Tất cả những trò đó với những người tỉnh táo, thì là trò hề nhưng đáng tiếc, nó cần với dân Nga. Ngoài những son phấn quá khứ đó, người ta còn cái gì bấu víu về phương diện tinh thần? – Vũ trụ à, đến tư nhân người ta còn phóng được Space-X. Thời trang à? Cả trăm năm nay người Nga trẻ tuổi thèm quần Jeans Levi’s. Đồ ăn nhanh à? McDonald chuẩn bị đóng cửa người Nga còn đi mua tích trữ cả tủ lạnh.

 

À có thứ vội vội vàng vàng cho ra sớm nhất và lại cố đặt một cái tên cho có vẻ “tiên phong” là Sputnik, mà đến dân chúng họ chẳng mấy người dám cho tiêm. Đó, người ta sống trong cái xã hội bịa đặt nhiều thứ, cái gì không ảnh hưởng thì thôi chứ ảnh hưởng đến cuộc sống tính mạng thì chờ đấy.

 

Mấy chục năm không đóng góp được bất cứ cái gì cho nền văn minh nhân loại, sợ người ta lãng quên nên phải dùng chiến tranh. Và cuộc chiến tranh ở Ukraine, Putox hy vọng vào một chiến thắng vừa huy hoàng, vừa dễ dàng – vì như tui đã viết là mấy chục năm qua từ sau Afghanistan, Nga chưa đánh nhau với ai một cuộc chiến đàng hoàng. Đột vào Budapest năm 1956, vào Praha 1968, vào Kabul năm 1979 và Kyiv năm 2022, đều cùng một trò là đánh úp lãnh đạo. Đáng tiếc cho Putox, năm 2022 người Ukraine đã không cho lão làm như thế.

 

Tháng Chín năm 2022, “Hồng quân Putox” “chạy như cam tẩu mã” ở Kharkiv, để lại hàng trăm khí tài, cho thấy tình cảnh bệ rạc và tinh thần bạc nhược của “quân đội thứ hai thế giới”. Đứng trước nguy cơ tan rã có hệ thống, Putox cần phải thi hành một mưu kế nào đó. Và đây, các nước cờ của lão ta.

 

Nếu đặt vào bối cảnh việc người Nga đã được chuẩn bị tinh thần trong suốt 15 năm, thì chắc hẳn khẩu hiệu “Tổ Quốc lâm nguy” sẽ hết sức hữu hiệu. Đứng trước mối đe dọa bị xâm lược, tất cả những người có lương tâm, sẽ không thể đứng ngoài. Vì thế việc biến một cuộc chiến tranh đi xâm lược nước khác thành “bị xâm lược” sau đó là lời hiệu triệu, thực sự là một nước cờ rất sáng suốt.

 

Tuy nhiên thất bại và cả cái việc ngồi trên ngai vàng độc tài quá lâu, nhiều khi làm cho con người dù sáng suốt mấy cũng thành lú lẫn. Về quy trình phải đúng như trên đây: có hành động bị tấn công, và sau đó thì hiệu triệu. Nhưng những chiến thắng của người Ukraine trên chiến trường quá bất ngờ, và sự sụp đổ của từng cánh quân Nga quá nhanh chóng làm cho việc “hiệu triệu” phải được đẩy lên sớm hơn.

 

Kết quả của quá trình bất ngờ này là một lệnh “động viên một phần” mà lần trước chúng ta đã bàn luận – và hậu quả của nó là một cú di tản rất lớn của hàng trăm nghìn người Nga khỏi đất nước. Không thể không nhìn thấy “tác dụng ngược” của vụ “động viên một phần” đối với tình thế hiện tại, Putox cũng phải ít nhiều có suy nghĩ. 

 

Từ hôm kia việc này đã được nghe phong thanh trên mạng xã hội Nga về một sự chần chừ nào đó của Putox. Đến hôm qua là cả một quá trình “loạn tin tức.” Đầu tiên nó được loan trên Twitter của SMI (https://mkip.gov.ua/en/content/akreditaciya-zmi.html ) sau đó là một số trang web khác của Ukraine, với nguồn là sự rò rỉ từ một nhân vật chóp bu Kremli. Ở vị trí của chúng ta khó mà xác minh được tin thật hay giả, ngay cả tài khoản Tweeter kia cũng có thể là giả mạo. Tuy nhiên có vẻ như việc tung nó ra là một việc làm có chủ đích.

 

Việc này đến sau sự kiện bài phát biểu của tổng thống Ukraine Zelensky trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

 

Chúng ta cần nhìn lại trước đây đã có lần Ukraine đề nghị xem xét lại tư cách của Nga khi kế thừa cái ghế của Liên Xô tại Liên hợp quốc với đầy đủ quyền lợi. Việc Nga giữ quyền phủ quyết đã gây ra rất nhiều khó khăn cho thi hành luật pháp quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu một thành viên nào đó tương tự lộng quyền chà đạp lên pháp luật quốc tế, thì ngay cả Liên hợp quốc cũng không có cơ chế nào xử lý.

 

Ngày 27 tháng Ba năm 2014, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết trong đó tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea dẫn đến việc bán đảo này sáp nhập vào Nga là bất hợp pháp đồng thời tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 100 nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết khẳng định việc Nga sáp nhập Crimea là bất hợp pháp trong khi chỉ có 11 nước bỏ phiếu chống và 58 nước khác bỏ phiếu trắng. Do Nga là nước có quyền phủ quyết và đã bỏ phiếu chống, dự thảo nghị quyết đã không được thông qua và sau đó Crimea đã chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

 

Nếu đọc Hiến chương Liên hợp quốc chúng ta sẽ không tìm thấy cơ chế để loại bỏ thành viên của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là ủy viên thường trực, đồng thời “quyền phủ quyết” dường như là cơ chế bất khả xâm phạm. Điều đó làm cho chúng ta, những người yêu chuộng công lý cho người Ukraine cảm thấy bất lực. Nhưng nếu ngẫm kỹ ra, việc Hiến chương không có cái đó, nhưng cũng không có luôn cả cơ chế đảm bảo vĩnh viễn cho cái ghế của một ủy viên thường trực Hội đồng bảo an cũng như quyền phủ quyết… Vậy thì mọi cơ hội còn nguyên.

 

Xin trích lại phát biểu của cựu sinh viên luật Zelensky:

 

“Ngay giờ phút này, một nhà nước đang thực hiện chính sách diệt chủng, đẩy thế giới chỉ còn một bước tới thảm họa phóng xạ, đồng thời đe dọa tấn công hạt nhân thì không thể vẫn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với quyền phủ quyết.

 

Nga phải bị loại khỏi tất cả các tổ chức quốc tế. Nếu việc loại bỏ như vậy còn có những phức tạp bởi thủ tục, thì sự tham gia của nó phải bị đình chỉ.”

 

Bất chấp những cơ chế rất khó khăn tưởng như lên trời của Hiến chương, trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 ngày 24/03, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt chiến sự, bảo vệ dân thường và cộng đồng quốc tế, tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Ngày 07/04, Đại hội đồng Liên hợp Quốc bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ theo yêu cầu của Hoa Kỳ.

 

Như vậy trong hoàn cảnh hiện nay, việc đưa ra yêu cầu Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu loại Nga khỏi ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an là chưa đủ mạnh về lý do hay về căn cứ. Đây là một trường hợp chưa có tiền lệ, đồng thời Nga vẫn còn khả năng đưa ra những lý lẽ của mình để cãi cùn:

 

- Đưa quân vào sát tận Kyiv để hạ gục chính quyền, nhằm “phi phát-xít hóa” chính quyền Ukraine.

 

- Đưa quân chiếm miền Nam Ukraine nhằm phi quân sự hóa đất nước Ukraine, tạo vùng đệm bảo vệ lãnh thổ Nga là Crimea.

 

- Hai lý do trên có căn cứ pháp lý là hiệp định ký giữa Nga với hai nước cộng hòa nhân dân ly khai Donetsk và Luhansk. Đây cũng là lý do để Nga đưa quân hỗ trợ quân đội hai nước này đánh nhau để chiếm nốt lãnh thổ vùng Donbas để “toàn vẹn lãnh thổ” cho hai nước kia.

 

Với 3 gạch đầu dòng trên, việc đưa yêu cầu sút Nga khỏi ghế ủy viên thường trực, hoặc chí ít thủ tiêu quyền phủ quyết, là chưa đủ mạnh về căn cứ. Nó chỉ đủ mạnh khi và chỉ khi ông ủy viên thường trực đó vô cớ đem quân đi xâm lược một nước khác có chủ quyền bằng hành động chiến tranh, không có bất cứ một nghị quyết nào của Liên hợp quốc ủng hộ hay cho phép làm điều đó. Hành vi xâm lược sẽ được chính thức hóa bằng hành vi sáp nhập vùng lãnh thổ chiếm được.

 

Vì vậy, việc Nga sáp nhập không phải là nguy cơ, mà việc Putox chần chừ chưa làm mới là nguy cơ. Với Ukraine, việc bị chiếm thì vẫn bị chiếm và không thể đòi lại được đất bằng những phản đối suông hay…hữu nghị viển vông. Đây là trường hợp muốn đòi lại được đất, chỉ có dùng vũ lực. Về pháp lý, trò mèo “trưng cầu dân ý” đã bị cộng đồng quốc tế (thậm chí cả Trung Quốc được coi là đồng minh của Nga) khẳng định là sẽ không công nhận.

 

Có vẻ như, việc các tin đồn rằng Putox hoãn sáp nhập hôm qua được tung ra là có chủ đích. Hầu hết nó được loan bằng tiếng Nga, và chắc chắn nó cũng được tung vào dư luận dân chúng Nga bằng nhiều cách khác ngoài mạng xã hội. Đã ghi nhận tin “hoãn” được nhắn SMS vào nhiều thuê bao di động Nga trong cuối ngày hôm kia và ngày hôm qua.

 

Về phần mình, Putox trong tình thế không sáp nhập cũng không được, khi mà tinh thần của lãnh đạo và cả binh lính hai vùng ly khai xuống đến tận đáy. Lộ trình được hứa hẹn trước đây là ly khai đi, nổi loạn đi, nội chiến đi rồi bọn anh nổ súng, chiến thắng xong là “trở về đất mẹ” nhưng bây giờ có nhiều cái nó không được như ý. Thôi thì chưa chiến thắng cũng được, “trở về đất mẹ” cái đã rồi oánh nhau tiếp.

 

Hôm qua chat với cựu tham mưu Quang, tui có bảo: một điều ông không biết là theo thông tin tui nắm được từ… nguồn nào đó, thì uy tín của Putox trong dân chúng Nga trong giai đoạn này thậm chí còn… phá đáy. 300.000 người Nga bỏ đi thì cũng sẽ có 30 triệu dân Nga coi lão ta như tội đồ, lửng lơ nữa vào cho đủ 100 triệu và ủng hộ may ra còn được 1/3 chứ không nhiều hơn đâu. Lúc này là lúc Putox cần vực dậy tinh thần của người Nga, chẳng bằng cách nào khác ngoài khẩu hiệu “Tổ quốc lâm nguy.”

 

Trong câu chuyện này còn có một câu chuyện nhỏ nữa là hai đường ống khí đốt – thằng nào phá? Mạch logic đổ lỗi dễ nhất là… đổ cho Mỹ. Mỹ thủ lợi vì bán được khí đốt cho châu Âu. Mỹ cho trực thăng bay 9 vòng quanh cái chỗ mà sau này là lỗ thủng. Nhưng cái logic lớn hơn là tầm này chẳng gì quan trọng bằng cái ngai vàng, phải giữ nó bằng mọi giá. Chúng ta không nên quên rằng từ trước đến nay, Putox luôn lải nhải là Nga đang đánh nhau với Mỹ và NATO, chứ không phải đánh nhau với Ukraine. Với lão ta, Ukraine vẫn là con số không. Được, rồi con số không ấy cho lão thành con số âm.

 

Bác nào thạo con số kinh tế, cho bà con xin số liệu xem tỉ trọng khí hóa lỏng kể cả trong hoàn cảnh hiện tại chiếm bao nhiêu % kim ngạch thương mại Hoa Kỳ, bao nhiêu % GDP của Hoa Kỳ hộ tui cái nhé. Xin cảm ơn trước.

 

Cũng không loại trừ uy tín “tổng thống thời chiến” của Zelensky lên cao làm Putox ghen tị, và lão cũng muốn như thế. Chẳng có cách nào bằng một cuộc chiến chính danh, 7 tháng qua người dân Nga vẫn coi đó là cuộc chiến của Putox, và khi nào chiến thắng thì may ra đó mới là “của họ được một tí.” Bây giờ khi mà đất nước bị “bọn tân phát-xít Kyiv” xâm lược, người Nga may ra mới sực nhớ ra vai trò lịch sử của mình, vai trò của những người đã từng “giải phóng châu Âu.” 

 

Bằng trò sáp nhập này, Putox có thể phải hy sinh, chính xác là đánh bạc với một số thứ, ví dụ bị bỏ phiếu thêm vài nghị quyết nữa ở Đại hội đồng LHQ. Vì cái ghế, lão ta quyết đánh nhau đến người Nga cuối cùng.

 

Còn việc sáp nhập đối với những nước đang ủng hộ Ukraine, chỉ làm tăng thêm quyết tâm của họ mà thôi.

 

Tin mới nhất sáng nay, Putox đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng Kherson và Zaporizhzhia. Từ lúc này đến cái mốc 15 giờ Mátxcơva còn vài tiếng nữa, chúng ta sẽ cùng chờ xem Putox định “hiệu triệu” những gì và như thế nào.

 

Như hôm trước tui đã viết đôi chút về hậu quả của việc sáp nhập – ta có thể nói thêm một chút. Hành động này của Putox ngoài việc giúp lão ta có thể hiệu triệu “đứng lên hỡi đất nước vĩ đại” y như năm 1941 Stalin đã làm, thì nó còn giúp lão ta… chuyển chiến tranh về quê hương.

 

Việc tuyên bố tình trạng chiến tranh với Ukraine là khó tránh khỏi, vì nó là thủ tục bắt buộc. Đáng tiếc là hậu quả của nó rất nghiêm trọng, ngoài việc xác định kẻ thù và bạn với rất nhiều nước và bị rất nhiều nước xác định lại, nó cũng đặt quốc gia, tất cả công dân của đất nước… thành mục tiêu tấn công trên toàn thế giới.

 

Lúc đó thì người Ukraine không còn giữ ranh giới “không được tấn công vào đất Nga” nữa rồi mà họ có thể tấn công vào tận Mátxcơva và Vladyvostok miễn là có đủ phương tiện. Máy bay Nga, tàu thuyền của Nga ở vùng biển quốc tế cũng có thể là mục tiêu. Thậm chí với những phát ngôn hú họa của lãnh đạo Nga hiện nay từ Medvedev đến đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, có thể đẩy một nước nào đó vào vị thế tuyên chiến với Nga. Lúc đó thì không chỉ là hạm đội Biển Đen, mà cả hạm đội Thái Bình Dương hay Hạm đội Baltic cũng có thể bị tiêu diệt.

 

Tui không mong cuộc chiến này kéo dài, mà hàng ngày mong nó kết thúc, nhưng rõ ràng là với một con quỷ bên trong lão Putox này, mơ tưởng đó rất hão huyền. Còn Putox, thì còn nước Nga hiếu chiến, vì thế đời sống chính trị của lão ta phải được thủ tiêu. Bằng cách sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine lần này rồi tuyên chiến, lão ta sẽ chắc chắn ra phố Hàng Mắm đặt làm một cái mộ chí cho chính mình.

 

3. Câu chuyện về Kherson

 

Hôm qua trong lúc đọc các comment trên tường nhà mình về… sáp nhập, vẫn chat với bạn bè ở bển, và hóng được chuyện Kherson, nhưng là từ phía Nga. Để bảo vệ vùng đã chiếm được, người Nga không có cách nào khác ngoài… bơm thêm nhân lực vào chính cái vùng đang sống dở chết dở.

 

Có nhiều cách cho lính Nga qua sông để sang vùng chiến sự, trong đó có đi phà và cầu phao. Tuy nhiên cứ hễ phà chạy hoặc xe cộ đi qua sông, là pháo Ukraine lại bắn, mà bắn rất chính xác. Quân Nga chết không biết bao nhiêu mà kể khi vượt sông bằng cách này. Cuối cùng cách an toàn nhất là đi bộ qua những cây cầu và con đập bị bắn phá không chạy xe qua được nữa.

 

Trong khoảng vài tuần vừa qua, tình cảnh của quân Nga ở khu vực hữu ngạn sông Dnipro, trong đó có cả quân Nga đóng trong thành phố Kherson rất chán đời – tui chưa muốn dùng từ bi đát. Cứ chỗ nào cảm thấy lơi lỏng, là bị người Ukraine lấn mất, tấn công ra đòi lại thì không đủ sức.

 

Cái chết của quân Nga là không có vũ khí nặng, không đánh nhau được. Hỗ trợ của pháo binh thì phải từ bên kia sông, khi ở khoảng cách xa thì vớ vẩn họ bắn cả vào mình. Tốt nhất vẫn là dùng hỏa lực xe tăng và súng cối đơn vị, nhưng dần dần chẳng đủ đạn mà bắn. Cơm nước thì vẫn còn lo được, nhưng khẩu phần đã giảm lại còn bữa đực bữa cái. Chỉ huy từ cấp tá trở lên là không còn có mặt bên hữu ngạn nữa, ngoài một số ông vẫn ở trong thành phố.

 

Người Ukraine thì vẫn nương tay với thành phố, không bắn phá gì nhiều, nhưng các vị trí của quân Nga ở xung quanh thành phố thì bị pháo kích kinh người luôn. Người ta không bắn vỗ mặt kiểu Nga, mà bắn các vị trí biết được là sở chỉ huy và nhất là các lực lượng tiếp viện, hoặc các chuyến tiếp tế. Xe tải thiếu trầm trọng, vì thế các chuyến hàng sang được bên này sông cũng còn lâu mới đến được đơn vị.

 

Đội ngũ lính hậu cần vốn đã không đông đảo gì cho cam thường xuyên, liên tục bị thiệt hại. Bây giờ chỗ nguy hiểm nhất là khu vực xung quanh kho tàng. Người bốc dỡ đã thiếu, nên làm cho xe hàng chuyển đến bị dồn ứ lâu, lại làm mục tiêu cho pháo của người Ukraine. Không chỉ pháo, máy bay của họ bay ngày càng nhiều và tấn công rất đáng sợ.

 

Cấp trên quảng cáo về máy bay không người lái mới, nhưng chẳng thấy có tác dụng gì, đói vẫn hoàn đói. Không những thế cứ thỉnh thoảng chuyến hàng mới đến vừa tập kết kho lại bị đánh tan hoang, rõ ràng là máy bay không người lái của người Ukraine vẫn hoạt động. Hay cấp trên quảng cáo cho máy bay không người lái của Ukraine nhỉ?

 

Để giữ cho quân đội ở hữu ngạn không tan rã, Bộ chỉ huy Nga vẫn nỗ lực đưa vũ khí nặng và xe tăng sang sông, và thỉnh thoảng vẫn thành công. Nhưng, xe tăng và cả pháo tự hành lớn ở bên này sông cũng hoạt động cầm chừng vì thiếu đủ thứ: xăng dầu, phụ tùng và đạn dược. Nhân lực bổ sung cũng chán đời, hầu như không thể đánh nhau được.

 

Lực lượng Nga ở hữu ngạn Kherson vẫn còn đông, thậm chí ngày càng đông thêm nhưng sức chiến đấu rất thấp và đang ở tình cảnh chờ đợi tự chết đói, tan rã. Tình trạng đào ngũ ngày càng phổ biến, đêm nào đơn vị cũng có người biến mất…

 

Báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết:

 

• Đặc biệt, đã xác nhận được điểm tập trung nhân lực và thiết bị quân sự của kẻ thù trong vùng lân cận Nova Kuban (Vùng Kherson) bị trúng đạn, dẫn đến nổ kho đạn tại khu vực này. Theo số liệu đã xác minh, vụ tấn công ở vùng lân cận Sofiivka (quận Berdyansky, vùng Zaporizhzhia) khiến hơn 40 binh lính chiếm đóng bị thương và khoảng 15 lính thiệt mạng.

 

• Để hỗ trợ các hoạt động của lực lượng mặt đất, trong ngày 29 tháng Chín máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã thực hiện 7 lần xuất kích, tiến hành không kích tiêu diệt điểm 1 cứ điểm mạnh, 10 cụm vũ khí và thiết bị quân sự, cũng như 6 hệ thống tên lửa phòng không của kẻ thù. Kết quả đã được xác nhận. Ngoài ra, các đơn vị Phòng không Ukraine đã bắn hạ UAV.

 

4. Lyman đối với người Nga quan trọng như thế nào?

 

Ngày 27/05, sau khoảng 5 tuần bắt đầu “Phase 2” The Battle of Donbas, quân Nga chiếm được Lyman. Việc chiếm được thị trấn này đã giúp cho quân Nga sử dụng được tuyến đường sắt Kupyansk – Lyman (99 km) và tuyến Izyum – Lyman (54 km). Các bác có thể hình dung đường sắt đối với người Nga quan trọng như thế nào trong cuộc chiến tranh này: đường bộ bị tàn phá, xe tải không đủ. (Xin xem bản đồ đính kèm, đường đen mảnh là các tuyến tàu hỏa).

 

Từ cuối tháng Năm, để phát triển chiến quả mà cái đích là chiếm hai thành phố Slovyansk và Kramatorsk, Bộ chỉ huy Nga đã biến Lyman thành trung tâm hậu cần rất lớn. Đây được coi là bàn đạp quan trọng của quân Nga tấn công thành phố Slovyansk, trong kế hoạch phối hợp với mũi từ Izyum đánh xuống phía nam tập hậu thành phố. Cản trở duy nhất trước mặt người Nga chỉ là con sống Siverskyi Donets chắn ngang cái khoảng cách 15 km đường chim bay giữa hai thành phố.

 

Từ đầu tháng Chín, hòa vào phong trào chạy việt dã của quân Nga từ Kupyansk, quân Nga từ Izyum cũng phi nước đại sang đây. Được biết ở thị trấn Lyman từ lúc đó tập trung một quân số rất lớn quân Nga trong thị trấn (từ 3 đến 5.000 quân chiến đấu và có thể hơn nữa) nhưng quan trọng là lượng kho tàng, đạn dược cũng như khí tài còn rất nhiều.

 

Đó cũng là lý do tại sao người Ukraine không tấn công trực diện vào thị trấn mà vòng xung quanh nó. Bản chất thành phố chỉ được thông ra ngoài bằng cặp trục đường chính T-0514 (đi Slovyansk) và T-0153 (đi Bakhmut) còn lại là các trục đường phụ. Việc Kupyansk bị chiếm 3/4 ở phía tây, sau đó quân Ukraine vượt sông Oskil sang bờ đông ở nhiều chỗ sẽ uy hiếp nghiêm trọng tuyến đường sắt Kupyansk – Lyman.

 

Chúng ta cùng hình dung: phần phía đông thành phố Kupyansk vẫn nằm trong tay quân Nga, như vậy tuyến đường sắt Valuyki – Kupyansk về lý thuyết vẫn hoạt động được dù có thể bị bắn phá bất cứ lúc nào. Và giả định rằng tuyến đường sắt Kupyansk – Lyman song song với sông Oskil vẫn chưa bị quân Ukraine khống chế, thì quân Nga vẫn hy vọng vào trung tâm hậu cần và tích lũy nhân lực Lyman.

 

Hôm trước tui viết: việc phải rút khỏi Izyum đánh dấu chấm hết cho kế hoạch chiếm Slovyansk từ đó chiếm toàn bộ Donbas. Nay việc quân Ukraine đã “vòng quanh” Lyman đánh thêm một dấu chấm hết cho hy vọng của người Nga trong kế hoạch chiếm toàn bộ Donbas.   

 

Hiện nay để cứu vãn tình hình Lyman, Bộ chỉ huy Nga chỉ còn một cách là huy động không quân xuất kích với tần suất cao, riêng chi viện cho Lyman người ta ghi nhận có thể lên tới từ 30 đến 40 đợt không kích 1 ngày. Hiệu quả của các đợt không kích là không cao vì phòng không Ukraine hoạt động rất tốt, và những máy bay cố tấn công có kết quả tức là vào gần, đều có thể bị tiêu diệt. Riêng trong ngày thứ Bảy tuần trước (24/09) trong một nỗ lực phá vây, 4 máy bay cường kích Nga đã bị bắn hạ ngay trên bầu trời khu vực chiến sự này.

 

4. Đoán mò

 

Hôm qua tham mưu trưởng Quang đã nghỉ hưu chat với tui bảo: chiến sự còn kéo dài, còn lâu mới xong. Nga còn nhiều “đồ chơi.” Tui trả lời: ông đi cùng tui từ đầu chiến tranh mà bây giờ còn nói thế. Cao trào của cuộc chiến này, có thể nói là đã qua rồi. “Phase 1” The Battle of Kyiv đáng sợ nhưng không quá ác liệt. “Phase 2” The Battle of Donbas, không quá đáng sợ nhưng cực kỳ ác liệt.

 

Đến The Battle of Kharkiv, quân Nga chạy ác liệt. Vậy cao trào của cuộc chiến, mà từ đó quân Nga bắt đầu xuống dốc, cứ cho là ở “Phase 2” The Battle of Donbas đi, Nga đã lôi đủ thứ nào là nhiệt áp, nào là Tornado ra trận, lại chẳng đốt hết còn gì.

 

Cái cách tôn sùng những vũ khí quái gở đó coi đó là tối thượng quyết định cục diện chiến tranh, bắt nguồn từ tay hoang tưởng Hitler, lan sang các cháu Pro-Putox “bão lửa, mắt thần,” còn với những người ủng hộ Ukraine đấu tranh, đó là cách tiếp cận thiếu chuyên nghiệp. Hồi lâu lâu ông thấy tui bảo Nga thiếu đạn pháo, người ta còn cười tui thối óc không? Ấy thế mà họ thiếu thật. Cái thiếu đó nó quyết định đến cục diện chiến tranh nhiều lắm, vì cách đánh của Nga phụ thuộc vào… lượng đạn pháo.

 

Như thế Nga thua là thua về hệ thống, chứ không phải là về sự vượt trội về vũ khí. Ngay lúc này đây, quân đội Ukraine vẫn yếu hơn Nga rất nhiều, nhưng họ biết khai thác điểm yếu của quân đội Nga (mà toàn là tử huyệt) cả để tẩn.

 

Lúc này hy vọng duy nhất của Putox chỉ còn là kích động dân chúng để kéo dài chiến tranh cho đến khi bên kia, những nước đang ủng hộ Ukraine cảm thấy mệt mỏi. Để chiếm thêm đất của Ukraine, hầu như là rất khó, vậy chỉ mong giữ được những gì đang chiếm hiện nay. Bơm thêm lính già ốm với những khẩu súng tấn công cũ kỹ nhưng trang bị thêm khẩu hiệu “không lùi một bước” chôm của Stalin, lão ta hy vọng sẽ làm được như thế.

 

Về hạt nhân, ngoài năng lực thực sự của Nga-Putox mà tui rất nghi ngờ, thì phương Tây đã tỏ những thái độ hết sức rõ ràng: chơi thì chơi, cứ thử xem. Chẳng cần hạt nhân, ông đánh tôi bằng hạt nhân tôi quại lại ông bằng vũ khí thông thường, nhưng bao nhiêu cơ sở quân sự của ông trên đất nước tôi nắm như lòng bàn tay. Mới 16 giàn HIMARS mà quân của ông đã đái ra quần rồi đó.

 

PHÚC LAI 30.09.2022

Publié par Thụy My RFI à 16:40





No comments: