Sunday, October 2, 2022

DÂN NGA BỎ PHIẾU BẰNG CHÂN : PUTIN ĐÃ SAI KHI GÂY CHỐNG ĐỐI TỪ TRONG NƯỚC (Thụy My / RFI)

 



Dân Nga bỏ phiếu bằng chân : Putin đã sai khi gây chống đối từ trong nước

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 01/10/2022 - 19:59

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221001-d%C3%A2n-nga-b%E1%BB%8F-phi%E1%BA%BFu-b%E1%BA%B1ng-ch%C3%A2n-putin-%C4%91%C3%A3-sai-khi-g%C3%A2y-ch%E1%BB%91ng-%C4%91%E1%BB%91i-t%E1%BB%AB-trong-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

 

Người Nga tìm đủ mọi cách để chạy trốn lệnh động viên. Putin đã phạm sai lầm là mở ra một « mặt trận bên trong », khi ngưng ngang khế ước xã hội ngầm với người dân. Sa hoàng đỏ bất lực trong việc hình dung ra một lối thoát cho một cuộc chiến đã thấy trước thất bại, bèn chìa ra lá bài tẩy cuối cùng : nguyên tử. Thế thì sự nghiệp của Putin sẽ kết thúc từ đây.

 

https://s.rfi.fr/media/display/98d4ae7e-41b2-11ed-8111-005056bf30b7/w:1280/p:16x9/mobi_08.webp

Những đoàn người Nga tiếp tục chạy sang vùng biên giới Verkhny Lars với Gruzia sau khi có lệnh động viên, để tránh bị đưa sang chiến trường Ukraina. Ảnh chụp ngày 28/09/2022. AP - Zurab Tsertsvadze

 

Putin ngang nhiên sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraina, bầu cử tổng thống Brazil, cuộc nổi dậy ở Iran, đại hội đảng cộng sản Trung Quốc là những đề tài được các tuần báo kỳ này đề cập nhiều. Courrier International ghi nhận, lệnh động viên của Vladimir Putin, cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu và lời đe dọa dùng vũ khí nguyên tử đánh dấu mức độ không còn có thể quay lui, khiến nhiều người Nga phải chạy trốn khỏi đất nước mình.

 

 

Bắt lính bừa bãi và trò hề trưng cầu dân ý

 

Tuần báo Pháp dịch bài viết của tờ Lioudi Baikala ở Xibêri kể lại những gì diễn ra ở Cộng hòa Buryatia. Trên mạng xã hội, người Buryat lập tức gọi đêm 21 rạng sáng 22/09 là « Đêm phán xét cuối cùng ». Tối 21, các viên chức và giáo viên đã chuẩn bị các lệnh gọi nhập ngũ để phân phát cho các gia đình. Họ được lệnh buộc những người đàn ông bị động viên ra khỏi giường, đưa lên xe và chở ngay đến quận đội, từ đó tập trung về thủ phủ Ulan-Ude. Khoảng 6.000-7.000 nam giới trên tổng số 980.000 dân Buryatia sẽ phải ra chiến trường Ukraina. Không chỉ dân những vùng đất hẻo lánh bị « ưu tiên » ra trận. Theo The Diplomat, đại sứ quán các nước Trung Á cảnh báo nguy cơ công dân nước mình đang lao động ở Nga - trên 4,5 triệu người Uzbekistan và 1 triệu người Kazakhstan -  có thể bị dẫn dụ gia nhập quân đội Nga bằng lời hứa lương cao và cho nhập tịch.

 

The Economist mỉa mai « Chẳng có gì để ăn mừng ». Tuần báo hình dung ra các cuộc « trưng cầu dân ý » đánh dấu thành công của « chiến dịch quân sự đặc biệt », tại những vùng đất mới chinh phục, người dân rưng rưng lệ vì được giải phóng khỏi « phát-xít », tung những đóa hoa chào mừng. Tại Nga, thần dân tập hợp tung hô Putin như hồi sáp nhập Crimée năm 2014. Quân đội Ukraina tan rã, chính phủ sụp đổ và tổng thống lưu vong ; châu Âu quy phục vì lệ thuộc vào dầu khí Nga. Một bức tranh thật đẹp để mừng sinh nhật 70 tuổi của Vladimir Putin vào ngày 07/10.

 

Thế nhưng thực tế là quân đội Nga thảm bại trước lực lượng Ukraina, dân Nga bỏ chạy bằng mọi cách. Phương Tây quyết tâm hỗ trợ Kiev hơn bao giờ hết, Mỹ gởi thêm các hệ thống hỏa tiễn đã gây kinh hoàng cho lính Nga. Trưng cầu dân ý chỉ là trò cười : có thể « bỏ phiếu » tại những băng ghế nơi công cộng, trong cửa hàng, trụ sở cảnh sát hay như ở Zaporijia, những người vũ trang có mặt tại chỗ để bảo đảm cử tri đánh dấu thuận với việc sáp nhập. Dù vậy họ cũng bỏ ngỏ các chốt kiếm soát để thả cho những người chống đối chạy trốn bớt. The Economist ghi nhận nhờ đó hàng trăm chiếc xe đã thoát khỏi vùng tạm chiếm.

 

 

Cặp vợ chồng làm giàu nhờ ra sức tuyên truyền cho Kremlin

 

Bộ máy tuyên truyền của Nga phải hoạt động hết công suất đểtô vẽ cho thực tế thảm hại. L'Express chỉ ra hai cái tên chủ chốt « Margarita Simonian và Tigran Keosayan. Hôm 19/09, Simonian, giám đốc mạng lưới kênh truyền hình RT đã thản nhiên đe dọa tuần lễ này « đánh dấu chiến thắng đang đến gần, hoặc là sắp xảy ra chiến tranh nguyên tử ». Vài tuần trước bà ta nhấn mạnh « cần phải nghiền nát những kẻ ‘không phải là người’ cho đến cùng». 

 

Trên truyền hình nhà nước cũng như trên danh khoản Telegram có 350.000 người theo dõi, lý lẽ của Margarita Simonian không thay đổi : Ukraina là những tên quốc xã, phương Tây cũng không hơn gì. Chẳng hạn trong talk-show hôm 05/09, được hỏi về người Ukraina, Margarita Simonian khẳng định « Đó không phải là con người mà là những tên sát nhân ». Còn Mỹ ? « Họ đã sáng tạo ra phát-xít, thế nên họ ủng hộ Ukraina ». Các khách mời hăng hái vỗ tay. Một chương trình bình thường tại nước Nga của Putin !

 

Hai ngày trước đó, chồng bà là Tigran Keosayan trong chương trình hàng tuần trên NTV lăng mạ nhà cựu lãnh đạo Mikhail Gorbatchev mới vừa qua đời, vì đã « phá hủy Liên Xô »; gọi người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell là « xác sống », chế giễu người châu Âu sắp chết rét vì không có khí đốt Nga, coi Volodymyr Zelensky là người nghiện cocain. Cả hai sử dụng nhuần nhuyễn món võ của Nga là « ô nhiễm thông tin » : chính Ukraina đã bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia năm 2014, nhà đối lập Alexei Navalny bị tình báo Anh đầu độc...

 

Làm thế nào cặp vợ chồng này leo lên đến đỉnh cao quyền lực ? Tháng 9/2004, Margarita Simonian lúc đó 24 tuổi, khi đưa tin về thảm kịch Beslan (gần 1.000 người bị giữ làm con tin ở một trường tiểu học, 330 người chết trong đó có 180 trẻ em) đã cố tình giảm số con tin chỉ còn 1/3, nói láo rằng bọn khủng bố không đưa yêu sách ...Nhờ vậy một nhân vật thân tín của Vladimir Putin là Alexei Gromov đã cất nhắc, giúp Simonian đổi đời : cho đứng đầu hệ thống Russia Today vừa thành lập, tổng biên tập hãng tin Rossia Segodnia (RIA Novosti cũ) và sau đó là Sputnik News.

 

Và một khi đã được nhận vào giới tinh hoa của chế độ thì có đặc quyền tham nhũng. Một cuộc điều tra của Alexei Navalny từ tháng 3/2020 cho biết mỗi chương trình do studio tư nhân của hai vợ chồng làm ra được bán cho kênh NTV với giá 3,5 triệu rúp (60.000 euro), nhưng sử dụng tiền và nhân lực của kênh RT do Margarita Simonian lãnh đạo. Chương trình còn được Aeroflot tài trợ vô cùng hào phóng, giao cho ngân sách quảng cáo khổng lồ. Cặp Simonian-Keosayan sở hữu nhiều lâu đài, căn hộ, xe hơi sang trọng.

 

 

Những nhà báo Ukraina trụ lại Kiev khi xe tăng Nga tràn sang

 

Ở chiều ngược lại, Le Point phỏng vấn Olga Rudenko, tổng biên tập báo « Kyiv độc lập », người được tạp chí Time của Mỹ đưa lên trang bìa và xếp vào số « các nhà lãnh đạo của thế hệ tương lai ».

 

Nếu Kiev bị tấn công, ai sẽ ở lại ? Đó là câu hỏi mà Rudenko đặt ra cho các phóng viên trong đêm 24 rạng sáng 25/02, khi các xe tăng Nga bắt đầu tiến vào Ukraina. Người lãnh đạo 33 tuổi lo sợ anh em trong tòa soạn sẽ hoảng loạn hay tuyệt vọng, nhưng các nhà báo trẻ tuổi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ dù hầu hết đều có người thân bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi tại Matxcơva các tờ báo độc lập lần lượt bị đóng cửa, Kyiv độc lập tiếp tục thu thập tài liệu và đưa tin về cuộc chiến, chống bóp méo thông tin.

 

Olga Rudenko thổ lộ, năm vừa qua là khó khăn nhất cho Ukraina kể từ nhiều thập niên, nhưng họ học được một điều là khi dân tộc đoàn kết thì sẽ có khả năng hy sinh mọi thứ cho đất nước. Tại Ukraina, người ta đã chứng kiến những điều tồi tệ nhất nhưng cả những gì tốt đẹp nhất của nhân loại. Có những ngày bà tự hỏi phải chăng suốt đời phải viết về những thảm cảnh mà dân tộc mình phải chịu đựng, nhưng rồi lại tự vực dậy, tin tưởng chính nghĩa sẽ thắng.

 

 

Người Nga bỏ phiếu bằng đôi chân, Sa hoàng trở nên trần trụi

 

Trong bài « Sa hoàng cởi truồng », L'Obs nhận định, từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina cách đây bảy tháng, câu hỏi đặt ra là ngoài giới đối lập, người Nga chấp nhận đến mức nào mưu đồ chinh phục của Vladimir Putin ? Và giờ đây chúng ta đã có được câu trả lời.

 

Khi ông chủ điện Kremlin tuyên bố « động viên từng phần », người Nga đã tìm đủ mọi cách để chạy trốn : họ đã bỏ phiếu bằng đôi chân. Năm 2014, khi Putin dùng vũ lực sáp nhập Crimée, tỉ lệ tín nhiệm của ông ta lên đến mức cao nhất. Nhưng tổng thống Nga đã lầm khi nghĩ rằng sẽ lập lại thành tích khi tấn công toàn bộ nước láng giềng Ukraina.

 

Putin đã làm tất cả những gì cần thiết : nói rằng đó là « chiến dịch quân sự đặc biệt » chứ không phải chiến tranh, chỉ gởi sang Ukraina quân nhân chuyên nghiệp chứ không phải lính quân dịch, hạ thấp ảnh hưởng trừng phạt của phương Tây. Ông ta bịt miệng tất cả báo chí độc lập - như tờ Novaia Gazeta mà tổng biên tập Dimitri Muratov được nhận giải Nobel Hòa bình, cho tuyên truyền ồ ạt trên truyền thông nhà nước luận điệu dân tộc chủ nghĩa, cố tô đậm những vinh quang thời Đệ nhị Thế chiến...

 

Tất cả đều suông sẻ, cho đến đầu tháng Chín, khi cuộc phản công của Ukraina tại Kharkiv thành công rực rỡ, quân Nga bị đánh tan tành không còn manh giáp. Sự thờ ơ của dân Nga biến thành phẫn nộ, chống đối, khi các thanh niên có nguy cơ bị đưa vào chỗ chết trong một cuộc chiến không thấy lối ra. Vladimir Putin đã đưa con virus hoài nghi và phản kháng vào một xã hội mà ông nghĩ rằng đã « nắm chặt ».

 

 

Sai lầm của Putin : Mở ra mặt trận chống đối trong nước

 

Những khuôn mặt dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong những show truyền hình chuyên tuôn ra những lời lẽ hiếu chiến thô bỉ, giờ đây bị hẫng trước làn sóng người Nga trong tuổi động viên chạy trốn sang Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ hay tất cả những nước nào không đòi hỏi visa. Người Gruzia cảm thấy mỉa mai, khi biên giới nước họ bị xe tăng Nga tràn sang năm 2018 và 20 % lãnh thổ vẫn bị quân Nga chiếm đóng, và năm 2022 thì thanh niên Nga ào sang trốn quân dịch.

 

Những hình ảnh từ khắp nước Nga chứ không chỉ ở các thành thị phía tây, chứng tỏ chiến dịch động viên thực chất là bố ráp, bạo lực, hỗn loạn, trái ngược với những chiến binh quả cảm Ukraina chiến đấu bảo vệ tổ quốc họ. Tang lễ tại Kiev của tử sĩ Oleksandr Shapoval, ngôi sao ba lê đã tình nguyện phục vụ trong quân đội như một binh sĩ chuyên ném lựu đạn, cho thấy một công chúng đầy tự hào và xúc động. Khó thể tìm thấy một sự tương phản lớn lao như thế trong một cuộc chiến quy mô tương tự.

 

Putin đã thất bại : chẳng có gì diễn ra như ông ta dự kiến. Ukraina không sụp đổ, phương Tây không nhu nhược, và nhất là quân đội của ông - bị rệu rã từ bên trong vì tham nhũng và tổ chức kém - gánh chịu hết thất bại này đến thất bại khác. Vẫn chưa phải là hồi kết, vì Putin còn khả năng leo thang. Nhưng ông ta đã phạm sai lầm là mở ra một « mặt trận bên trong », khi ngưng ngang khế ước xã hội ngầm với người dân. Sa hoàng đang cởi truồng và bị lên án, cho dù vẫn có thể tỏ ra nguy hiểm tại Nga và với bên ngoài.

 

 

Bốn bài học cho các nước dân chủ

 

Khẳng định bất kỳ nền dân chủ nào dù mong manh cũng vẫn mạnh hơn một chế độ độc tài tự mãn kiểu Vladimir Putin, L'Express phân tích « Bốn bài học mà Putin mang lại cho chúng ta ».

 

Trước hết là sự quan trọng của cách nhìn thực tiễn về thế giới. Hơn sáu tháng chiến tranh, Putin vẫn đánh giá thấp tinh thần chiến đấu và khả năng trả đũa của Ukraina, không tin vào sức mạnh và những giá trị của phương Tây. Thứ hai, là sự đánh lận con đen về chủ nghĩa dân tộc dựa trên bản sắc. Những hình ảnh Putin tay cầm đèn cầy vinh danh Chính Thống giáo, ca ngợi Pie đại đế, Mẹ tổ quốc tác động đến một số trí thức phương Tây; nhưng thực tế ông ta huy động dân quân Chechnya và tất cả người gốc Á nhập cư (Uzbekistan, Kyrgyzstan...) làm bia đỡ đạn cho cuộc chiến.

 

Thứ ba là lợi ích chiến lược của tính minh bạch dân chủ : từ thời những đế quốc cổ đại đến nay, không có chế độ độc tài nào mà không tham nhũng. Thứ tư, sự hữu dụng của đội quân dự bị. Putin nói rằng chỉ động viên « từng phần », nhưng bắt lính tứ tung trong sự hỗn loạn. Dù có những kháng cự, quần chúng vẫn để cho bị dẫn đến lò sát sinh vì đã bị bóp méo thông tin, tách rời thực tại. Bài học đối với các nước dân chủ là duy trì sự gắn bó giữa ý thức công dân và quốc phòng, người dân sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước. Rốt cuộc Putin sẽ tàn đời vì coi thường phương Tây, nhưng nhất là coi thường chính dân tộc của ông ta.

 

 

Nguyên tử : Putin không bị điên, chỉ muốn dọa ?

 

Tuy nhiên điều làm cả thế giới lo ngại là loại vũ khí khủng khiếp đang trong tay nhà độc tài ở Matxcơva. Le Point kêu gọi « Nói không với săng-ta nguyên tử của Putin ». Giai đoạn tệ hại nhất của cuộc chiến tranh Ukraina dường như sắp đến.

 

Tổng thống Nga tự đặt mình vào một chiếc bẫy bi kịch. Tất cả cho thấy những thất bại ở Ukraina có thể dẫn đến việc Nga bị yếu đi nhiều so với thập niên 90. Quân đội được chỉ đạo tồi, trang bị thảm hại, huấn luyện sơ sài, liên tục bại trận. Kế hoạch A là chiếm thủ đô Kiev tan thành mây khói, kế hoạch B nhằm chiếm thêm lãnh thổ ở lưu vực sông Đông cũng thất bại. Giờ đây Vladimir Putin chuyển sang kế hoạch C : sáp nhập bốn vùng đất Luhansk, Donetsk, Zaporijia, Kherson ; hóa phép thành đất Nga, biến cuộc xâm lăng thành chiến tranh vệ quốc chống lại toàn bộ phương Tây, và không loại trừ khả năng dùng vũ khí hạt nhân.

 

Olga Skabaieva, người dẫn chương trình tranh luận 60 phút trên truyền hình nhà nước Nga hôm 19/09 đe dọa bắn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử sang Luân Đôn lúc nhiều nguyên thủ các nước có mặt để dự tang lễ nữ hoàng Elizabeth II. Matxcơva có khả năng làm điều đó, với trên 6.000 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn tất cả các cường quốc nguyên tử khác cộng lại ; và có thể ra tay « tiên hạ thủ vi cường » thay vì các nước khác chủ trương chỉ trả đũa khi bị tấn công vào các lợi ích cốt lõi.

 

 

Putin không thể sống sót trước chiến thắng của Ukraina

 

Le Point cho rằng nhất thiết không thể nhượng bộ, vì nếu Kremlin thâu tóm được Donbass như ý muốn sau khi chiếm Crimée 8 năm trước, thì việc gì phải dừng lại ? Các cường quốc như Hoa Kỳ, Pháp phải làm cho Matxcơva hiểu rõ rằng hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Vladimir Putin không điên cũng không muốn tự sát, và ngày càng ít được ủng hộ kể cả Trung Quốc, còn trong nước thì đang bị chống đối. Nếu ông ta leo thang, là với hy vọng làm sợ hãi, gây chia rẽ. Và như vậy hơn lúc nào hết phương Tây cần cấm vận mạnh tay hơn, đồng thời gia tăng ủng hộ Ukraina.

 

Tương tự, trên Le Figaro cuối tuần, nhà văn kiêm nhà điện ảnh Jonathan Littell đánh giá cho đến nay, những đe dọa của Putin chừng như đều mang lại kết quả. Từ sáp nhập Crimée, chiếm Donbass năm 2014, can thiệp vào Syria năm 2015, cho đến đưa lính đánh thuê Wagner đến châu Phi…ông ta khiến phương Tây bối rối. Nhưng nay khi tự tiện sáp nhập các phần lãnh thổ của Ukraina, Nga đã tự trói vào một cuộc chiến miên viễn, vì những vùng đất mà thậm chí mình không kiểm soát được hoàn toàn.

 

Đành rằng phải hết sức thận trọng trước hăm dọa của Matxcơva, nhưng Putin và các tướng lãnh của ông ta đều hiểu NATO mạnh hơn nhiều về quân sự, ngoài ra còn nhiều cách trừng phạt khác. Chẳng hạn đánh vào những nước mua dầu khí của Nga, các công ty hàng hải, bảo hiểm để cắt đứt nguồn thu cuối cùng. Mỹ có thể viện trợ những vũ khí lâu nay vẫn từ chối như phi cơ, hỏa tiễn tầm xa, xe tăng hạng nặng ; NATO dùng hỏa tiễn hành trình và chiến đấu cơ đánh vào những cơ sở hậu cần của Nga trên đất Ukraina.

 

Không chỉ yếu kém về quân sự, Putin còn yếu về chính trị và chiến lược, khi bất lực trong việc hình dung ra một lối thoát cho một cuộc chiến đã thấy trước thất bại. Ông ta chìa ra con bài tẩy cuối cùng : nguyên tử. Thế thì phương Tây sẽ tung những lá bài của mình để bảo đảm chiến thắng của Ukraina, đặt ra những điều kiện cho hòa bình, và sự nghiệp của Putin sẽ kết thúc từ đây.





No comments: