Sunday, October 23, 2022

ĐẠI HỘI TRUNG QUỐC : 'NGƯỜI TRÊN CẦU' HỦY HOẠI KHOẢNH KHẮC TRỌNG ĐẠI CỦA TẬP CẬN BÌNH (Tessa Wong / BBC News)

 



NỘI DUNG :

 

Đại hội Trung Quốc: Cách 'Người trên Cầu' huỷ hoại khoảnh khắc trọng đại của Tập Cận Bình 

Tessa Wong,  BBC News

.

Từ 'Người trên Cầu' ở Trung Quốc đến phong trào 'Bái biệt Tập' trên toàn cầu

BBC News Tiếng Việt

.

Trung Quốc: Người biểu tình bí ẩn được săn lùng trên mạng để tỏ lòng tôn kính

Yvette Tan,  BBC News

.

===============================================

.

.

Đại hội Trung Quốc: Cách 'Người trên Cầu' huỷ hoại khoảnh khắc trọng đại của Tập Cận Bình 

Tessa Wong

BBC News

22 tháng 10 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx97qw8znjwo

 

Vào một buổi chiều nhiều âm u tuần trước, một người đàn ông leo lên cây cầu vượt đông đúc ở khu đại học Haidian, Bắc Kinh, mang theo một thùng các-tông và lốp xe.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/03ea/live/df2051e0-51d3-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Người biểu tình trên cầu không rõ danh tính ở Bắc Kinh, được vẽ trong tác phẩm nghệ thuật phản đối được tải lên mạng

 

Mặc một bộ quần áo bảo hộ lao động màu cam với chiếc mũ màu vàng, ông đã dễ dàng cải trang thành một công nhân xây dựng.

 

Nhưng sau đó, ông giương hai biểu ngữ lớn màu trắng được tràn ngập các khẩu hiệu viết bằng sơn đỏ. Ông đốt những lốp xe. Khi luồng khói đen bốc lên xung quanh, ông cầm một chiếc loa lớn và cất tiếng hô vang liên hồi:

 

"Hãy đình công ở trường học và nơi làm việc, phế truất tên độc tài và kẻ phản bội tổ quốc Tập Cận Bình! Chúng tôi muốn được ăn, chúng tôi muốn tự do, chúng tôi muốn bỏ phiếu!"

 

Ngay lập tức, người đàn ông này đã tạo nên một trong những hành động phản kháng tiêu biểu nhất của Trung Quốc dưới thời ông Tập, đả phá bước khởi đầu thắng lợi khi nắm quyền vào nhiệm kỳ thứ ba của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

 

Đánh đúng vào nguồn gốc của sự bất mãn, hành động của người đàn ông đã tạo nên cơn bão mạng xã hội lan truyền rộng nhất - cũng như là các cuộc đàn áp kiểm duyệt - được thấy trong những năm gần đây, để lại một di sản lâu dài trong giới bất đồng chính kiến ​​ở Trung Quốc.

 

Gần như ngay lập tức sau khi cuộc biểu tình bắt đầu, hình ảnh và video về sự kiện đã lan toả trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin, một minh chứng cho thấy vụ việc gây sốc như thế nào đối với người dân Trung Quốc bình thường.

 

Từ 'Người trên Cầu' ở Trung Quốc đến phong trào 'Bái biệt Tập' trên toàn cầu

Trung Quốc: Người biểu tình bí ẩn được săn lùng trên mạng để tỏ lòng tôn kính

 

Dù ở Trung Quốc vẫn diễn ra các cuộc biểu tình công khai, nhưng một cuộc biểu tình mang tính chính trị ở ngay thủ đô trước thềm đại hội Đảng Cộng sản trọng đại, xúc phạm trắng trợn Tập Cận Bình, là điều không thể mường tượng được cho đến bây giờ.

 

Nó còn phơi bày những sai sót trong các lỗ hổng an ninh được cho là áp dụng chặt chẽ cho các sự kiện nhạy cảm về chính trị - người đàn ông không chỉ qua được trót lọt sự phát hiện ban đầu mà còn có đủ thời gian để thu hút sự chú ý của người qua đường trước khi nhanh chóng bị đưa vào xe cảnh sát.

 

Hành động trên còn thu hút sự chú ý của các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc, những người đã không ngừng lọc bỏ các bức ảnh và thước phim, đồng thời giới hạn kết quả tìm kiếm cho một loạt các từ khoá bao gồm các thuật ngữ chung chung như "Bắc Kinh" và "cây cầu".

 

Điều này đã dẫn đến một trò chơi mèo vờn chuột không dứt với việc các công dân, những người đã chuyển sang dùng AirDrop và các dịch vụ gửi tài liệu khác để chia sẻ hình ảnh hoặc đưa ra các thuật ngữ gián tiếp như "Tôi đã thấy" để thảo luận về vụ việc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/aa95/live/549dd5a0-51d4-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Những hình vẽ nghệ thuật được lan truyền trên mạng về 'Người trên Cầu'

 

"Đây thực sự là cuộc đàn áp nghiêm ngặt nhất mà tôi chứng kiến trong nhiều năm, xét về phạm vi rộng lớn của những thứ mà họ đang đã xoá. Nó quá mức cần thiết", nhà phân tích kiểm duyệt, Eric Liu, nói với China Digital Times.

 

Cuộc biểu tình đã gây tiếng vang sâu sắc khi nó làm dấy lên làn sóng bất mãn âm ỉ của công chúng đối với Zero-Covid, theo sau các sự cố chấn động khiến nhiều người đặt nghi vấn về chính sách bóp nghẹt này. 

 

Tuần này, cái chết của một cậu bé 14 tuổi trong khu cách ly đã trở thành tâm điểm tranh cãi mới nhất, làm dấy lên sự căm tức.

 

Theo các nhà quan sát, sự bất mãn và mỏi mệt này đã lan đến hầu hết mọi tầng lớp trong xã hội Trung Quốc.

 

Với việc Thượng Hải và Bắc Kinh phải đối mặt với những hạn chế và vô số đợt xét nghiệm Covid trong những tháng gần đây - và ​​các biện pháp mới được ban hành vào thứ Năm - "tầng lớp trung lưu và thượng lưu thực sự bị ảnh hưởng ... đó là một lời cảnh tỉnh cho những người có đặc quyền, họ cảm thấy rằng chế độ cũng đang gây hại đến họ,” Victoria Hui, một nhà khoa học chính trị của Đại học Notre Dame, nói.

 

Trung Quốc: 'Chán nản' vì hạn chế an ninh và Covid trước Đại hội Đảng

Đại hội ĐCS Trung Quốc: Tập Cận Bình sẽ tiếp tục củng cố quyền lực

 

Cuộc biểu tình cũng gây ra những bất an sâu sắc về đường hướng độc tài mà Trung Quốc đang tiến tới - một biểu ngữ viết “không cần lãnh đạo, chúng tôi muốn có bỏ phiếu" và "chúng tôi là công dân, không phải nô lệ".

 

Nhà xã hội học, Ming-sho Ho, của Đại học Quốc gia Đài Loan chỉ ra rằng, kể từ khi có nhà cải cách Đặng Tiểu Bình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có xu hướng điều hành theo chu kỳ siết - nới những giới hạn.

 

"Nhưng ông Tập không có chu kỳ đó, chỉ độc nhất sự kiểm soát chặt chẽ. Zero-covid chỉ là một trong những triệu chứng của một hệ thống đang trở nên ngày một độc tài hơn với sự giới hạn lớn hơn về quyền tự do của người dân. "

 

Tất cả các cuộc thảo luận và chỉ trích về việc củng cố quyền lực của ông Tập đã bị nhà kiểm duyệt đóng triệt để, họ thậm chí đã cấm luôn cả thuật ngữ Internet “ba kỳ liên tiếp với một chìa khoá” (nhất kiện tam liên) - ám chỉ ba nhiệm kỳ của ông.

 

Nhưng sự im lặng được thực thi này đã bị sự phản kháng trên cầu phá vỡ, điều này đã làm khuếch đại cuộc thảo luận vào đêm trước ngày tái bổ nhiệm của ông Tập, và có thể còn xa hơn nữa.

 

"Với tính thời điểm của nó, cuộc biểu tình hiện là biểu tượng cho nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập - mọi người sẽ liên tưởng đến sự kiện đó trong tương lai," Giáo sư Ho nói.

 

Từ ‘Người chặn xe tăng’ tới ‘Người trên Cầu’  

 

Một số người đã đặt tên cho người biểu tình bí ẩn Bridge Man (người trên Cầu), ám chỉ người biểu tình Tank Man (Người chặn xe tăng) không rõ danh tính trong cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6b38/live/8a357830-51d4-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Những hình ảnh về người biểu tình không rõ danh tính gần Quảng trường Thiên An Môn đã biến anh thành biểu tượng biểu tình Trung Quốc

 

Tuy nhiên, các chuyên gia về bất đồng chính kiến ​​của Trung Quốc cho rằng còn quá sớm để nói liệu người đàn ông này có đạt đến mức mang tầm ý nghĩa lịch sử hay không.

 

Họ chỉ ra rằng không có hình ảnh rõ ràng nào về Bridge Man, và cuộc biểu tình của ông là một hành động phản đối đơn lẻ. Ngược lại, người biểu tình vô danh tại Quảng trường Thiên An Môn đã trở nên bất tử trong các bức ảnh thời sự, xuất hiện trong một phong trào quần chúng để lại di sản tàn bạo vốn trở thành một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc, làm ám ảnh tâm thức người Trung Quốc cho đến ngày nay.

 

Nhiều người hoài nghi hành động của Bridge Man đủ để dẫn đến một cuộc nổi dậy hàng loạt. Những lời kêu gọi công chúng đình công và thực hiện các hành vi bất tuân dân sự khác nhau của ông trong đại hội đảng đã bị phớt lờ.

 

“Kiểu phản đối đơn phương độc mã này này khác xa với hành động mang tính tập thể mà Đảng Cộng sản lo ngại… và họ đã có thể ngăn chặn những mối đe dọa lớn hơn cả Bridge Man,” chuyên gia kinh tế chính trị Ho-Mush Hung từ Đại học Johns Hopkins, chỉ ra các cuộc đàn áp trí thức, nhà hoạt động và luật sư trong những năm gần đây.

 

Vụ việc đã cảnh báo cho đảng về "mầm mống của sự bất mãn" này và cho họ cái cớ để siết chặt hơn nữa, ông nói thêm.

 

Nhưng trong thời đại của phương tiện truyền thông xã hội, hành động phản đối đầy kịch tính của Bridge Man và thông điệp của ông có thể sẽ vang dội rất lâu sau khi ông khuất khỏi tầm mắt của công chúng.

 

Một số người Trung Quốc hiện đang chống lại sự kiểm duyệt với lòng quyết liệt tương đương để bảo tồn di sản của Bridge Man.

 

Các nhóm hoạt động đã tái lập các khẩu hiệu chính trị của ông trong các áp phích và meme. Các dấu hiệu phản đối và hình vẽ đường phố đã tràn lan ở các trường đại học, các bức tường công cộng, cầu đường, và thậm chí cả các quầy hàng trong phòng tắm ở Trung Quốc cũng nhiều nơi khác trên thế giới.

 

Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành đất nước như thế nào?

Ngôn từ tuyên truyền của ĐCS Trung Quốc hé lộ gì về Tập Cận Bình?

 

Nhiều người cũng đã phát động một cuộc tìm kiếm người phản kháng bí ẩn trên, hướng vào một nhà vật lý và học giả, người dường như đã để lại một dấu vết kỹ thuật số cho mọi người tìm thấy. Nó bao gồm một tuyên ngôn trực tuyến, mà một số đã sao chép lại và lưu hành trực tuyến.

 

Các tài khoản Twitter của ông ấy đã tràn ngập những thông điệp bày tỏ sự ngưỡng mộ và nguyện tưởng nhớ ông ấy.

 

Không ai biết chắc liệu ông ta có thực sự là Bridge Man hay không, nhưng quá rõ ràng từ những xúc cảm mãnh liệt  mà người đàn ông bí ẩn đã trở thành một biểu tượng tập hợp của niềm hy vọng.

 

“Ông ấy đã lên tiếng vì mọi người… Tôi nghĩ đặc biệt là sau Thiên An Môn, mọi người không muốn quên một người như ông ấy,” Tiến sĩ Hui nói.

 

Giờ đây, ông ấy đã nằm trong tay chính quyền, ông có khả năng phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc, bà lưu ý.

 

"Nhưng thông điệp của ông ấy sẽ không chết đi.”

.

------------------------------------------------------------------------

.

.

Từ 'Người trên Cầu' ở Trung Quốc đến phong trào 'Bái biệt Tập' trên toàn cầu

BBC News Tiếng Việt

18 tháng 10 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1l0gdwxjwo

 

Cuộc biểu tình hiếm hoi do một người thực hiện nhằm phản đối ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh đã truyền cảm hứng cho việc tỏ thái độ phản đối, biểu thị tình đoàn kết trên khắp thế giới, trong lúc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tuần này. 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c9f5/live/032dc3b0-4ec8-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Các tấm poster phản đối ông Tập Cận Bình được chăng trên một bức tường tại trường Central Saint Martins ở London

 

Hôm thứ Năm tuần trước, một người đàn ông đã giăng các biểu ngữ dọc cây cầu ở thủ đô của Trung Quốc, cáo buộc ông Tập là kẻ độc tài. 

 

Tuy nhanh chóng bị bắt giữ, nhưng những bức ảnh về hành động của ông đã lan truyền khắp thế giới. 

 

Kể từ đó, các dấu hiệu và thông điệp tương tự đã xuất hiện tại một số trường đại học ở Mỹ, Anh, châu Âu, Úc và các nơi khác. 

 

Một tấm biển viết tay tại Đại học Colby ở bang Maine của Mỹ đã ca ngợi hành động của người đàn ông Bắc Kinh và nói: "Chúng tôi, người dân Trung Quốc, muốn lan tỏa đi thông điệp này, là thông điệp đã nói lên suy nghĩ của chúng tôi ở những nơi không bị kiểm duyệt." 

 

Nhiều người lặp lại các thông điệp được chăng lên hồi tuần trước trên cầu Sitong ở quận Haidian của Bắc Kinh.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/41ad/live/9d464fd0-4ec8-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Hình ảnh này được nhìn thấy tại Đại học Melbourne, Australia

 

Một số áp phích cũng thể hiện những thông điệp chống ông Tập như "Không phải là Chủ tịch của tôi" và "Bái biệt Cận Bình". 

 

Trên Instagram và Twitter, một số tài khoản hoạt động ở Trung Quốc đã kêu gọi những người theo dõi hãy chú ý đến tiếng kêu gọi "tấn công" của người biểu tình đơn lẻ tại Bắc Kinh và hãy hành động trong tuần diễn ra đại hội Đảng Cộng sản. 

 

Theo các tài khoản mạng xã hội, các dấu hiệu phản đối đã được nhìn thấy tại các trường Stanford, Emory và trường Thiết kế Parsons ở Hoa Kỳ; các trường Goldsmiths và Kings College ở London, và các trường đại học ở Hong Kong. 

 

Tại một số trang web, các dấu hiệu đó dường như đã bị gỡ xuống ngay sau khi chúng được đăng lên.

 

Một dấu hiệu đăng ở Đại học Toronto đã thu hút sự phản bác, được đăng ngay cạnh nó, trên bảng thông báo, dưới dạng thư bênh ông Tập dán. 

 

Các dấu hiệu tương tự cũng đã xuất hiện một cách có chủ đích ở Trung Quốc, theo những hình ảnh được các nhóm hoạt động chia sẻ, với một số dấu hiệu có liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989 - một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc. 

 

"Tinh thần của 8964 sẽ không bao giờ bị dập tắt," một bức vẽ graffiti dường như được vẽ nguệch ngoạc trên một gian hàng trong phòng tắm công cộng ở Tứ Xuyên viết, nhắc tới ngày đàn áp. 

 

Cuộc biểu tình tuần trước đã gây ra một cuộc trấn áp nhanh chóng trên mạng, với tất cả các cảnh quay, hình ảnh và các từ khóa như "Haidian", "Người biểu tình ở Bắc Kinh" và "Cầu Sitong" đều bị xóa khỏi các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.

 

Ngay cả những từ liên hệ rất mơ hồ tới sự kiện này, chẳng hạn như "anh hùng" hay "cây cầu", cũng chỉ cho kết quả tìm kiếm rất hạn chế. 

 

An ninh ở Bắc Kinh đã được tăng cường trong những ngày sau cuộc biểu tình, với việc có thêm cảnh sát và nhân sự đóng tại các cây cầu trong thành phố.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2caa/live/f4aa4a60-4ec8-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

"Những người canh cầu" đã được điều tới tại trực các cây cầu ở Bắc Kinh sau cuộc biểu tình hồi tuần trước

 

Một số người dùng WeChat đã chia sẻ hình ảnh cuộc biểu tình lên mạng đã bị đình chỉ tài khoản, tin tức cho hay.  

 

Một người đàn ông được cho là đã bị bắt sau khi chia sẻ hình ảnh trên Twitter, là mạng xã hội có thể được truy cập ở Trung Quốc thông qua mạng riêng ảo (VPN). 

 

Người biểu tình bí ẩn, được mệnh danh là "Bridge Man" ("Người trên Cầu"), đã được so sánh với "Tank Man" ("Người chặn Tăng"), người đàn ông Trung Quốc vô danh đứng trước hàng xe tăng trong cuộc biểu tình Thiên An Môn. 

 

"Bridge Man" đã là chủ đề của các cuộc điều tra trực tuyến sâu rộng về danh tính của ông.

Các 'thám tử online' đã xác định được rằng ông là một học giả và theo dõi hồ sơ mạng xã hội của ông, được cho là bao gồm hai tài khoản Twitter. 

 

Một trong số này đã bị xóa vào cuối tuần và một dòng tweet mới được đăng - một dòng trích từ di chúc của nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Trung Sơn - theo đó nói nhà chính khách này đã cống hiến cả cuộc đời mình để tìm kiếm tự do và bình đẳng ở Trung Quốc. 

 

Các nhà hoạt động bày tỏ lo ngại về sự an toàn của "Bridge Man", đồng thời ca ngợi ông vì cuộc biểu tình trong đó ông đã cải trang thành công nhân làm việc bên đường, dùng loa phóng thanh hô to các khẩu hiệu và đốt lốp xe. 

 

Các đoạn video thu từ hiện trường cho thấy người đàn ông bị cảnh sát bắt và đưa vào xe hơi.

 

Cảnh sát Trung Quốc đã từ chối trả lời các câu hỏi của BBC về vụ việc. 

 

Cuộc biểu tình diễn ra vào trước ngày khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20, sự kiện chính trị quan trọng sẽ kéo dài đến cuối tuần này. Ông Tập dự kiến ​​sẽ được bầu làm lãnh đạo đảng nhiệm kỳ thứ ba, củng cố quyền lực của mình.

.

---------------------------------------------------------------------------

.

.

Trung Quốc: Người biểu tình bí ẩn được săn lùng trên mạng để tỏ lòng tôn kính

Yvette Tan

BBC News

14 tháng 10 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1evqv47qjxo

 

Một cuộc biểu tình hiếm hoi và kịch tính ở Bắc Kinh chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm dấy lên một cuộc săn lùng trực tuyến về danh tính của người biểu tình bí ẩn, cũng như tỏ lòng tôn kính chân thành.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/bae0/live/22b26d50-4ba1-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Khung cảnh tại cầu Sitong ngày 13/10/2022

 

Người biểu tình đã lên cầu Sitong ở quận Haidian của Bắc Kinh, và treo hai biểu ngữ lớn kêu gọi chấm dứt chính sách không Covid hà khắc của Trung Quốc và lật đổ ông Tập.

 

Trong khi truyền thông nhà nước giữ im lặng, các bức ảnh và video về sự kiện hôm thứ Năm (13/10) đã được lan truyền rộng rãi trên mạng, khiến các nhà kiểm duyệt nhanh chóng đàn áp bằng cách kiểm duyệt trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng WeChat được hầu hết người Trung Quốc sử dụng.

 

Cuộc biểu tình hôm thứ Năm diễn ra trước thềm đại hội Đảng Cộng sản lịch sử, nơi ông Tập sắp được giao nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là người đứng đầu đảng, củng cố quyền lực của ông.

 

Người này cũng đốt cháy thứ có vẻ như là lốp xe ô tô, và có thể nghe thấy tiếng hô khẩu hiệu qua loa pin.

 

Trung Quốc: 'Chán nản' vì hạn chế an ninh và Covid trước Đại hội Đảng

Trung Quốc sau Đại hội Đảng XX của ĐCS TQ – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc: Thông tin tóm lược

 

Tin tức cho biết một người đã bị bắt vì liên quan đến cuộc biểu tình. Hình ảnh về vụ việc cho thấy các nhân viên cảnh sát vây quanh người này, người đội mũ cứng màu vàng và mặc quần áo màu cam.

 

BBC đã yêu cầu cảnh sát địa phương bình luận.

 

Nhiều người đã ca ngợi hành động của người biểu tình đơn độc, gọi người này là "anh hùng" và liên tưởng đến "Tank Man mới" - ám chỉ người đàn ông Trung Quốc vô danh đã đứng chặn trước xe tăng trong cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2b4a/live/cbdfa450-4ba2-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Người biểu tình được cho là người đàn ông mặc bộ đồ công nhân màu vàng

 

Các "thám tử" mạng đã cố gắng truy tìm thông tin người này, tập trung vào một nhà nghiên cứu và nhà vật lý người Trung Quốc đến từ một ngôi làng ở tỉnh miền bắc Hắc Long Giang. BBC đã kiểm tra với các quan chức làng và được xác nhận rằng một người đàn ông với cái tên đó từng sống ở đây.

 

Ông ấy đã đăng những gì có vẻ như là một tuyên ngôn trên trang web nghiên cứu nổi tiếng ResearchGate. Đăng tải này sau đó đã bị gỡ xuống, mặc dù những người khác đã tải lên các bản copy.

 

Trong tài liệu dài 23 trang, ông kêu gọi đình công và các hành động bất tuân dân sự - chẳng hạn như đập phá các điểm xét nghiệm Covid - vào Chủ Nhật. Điều này nhằm ngăn chặn "nhà độc tài Tập Cận Bình tiếp tục tại vị một cách bất hợp pháp, để Trung Quốc có thể bắt tay vào con đường đi đến dân chủ và tự do".

 

Một số người Trung Quốc đã tập hợp trên hai tài khoản Twitter của người đàn ông, đăng những gì họ cho là ảnh của ông ấy và viết hàng trăm thông điệp biết ơn.

 

"Bạn là một anh hùng và bạn có sự tôn trọng của tôi", một người viết, trong khi một người khác nói: "Xin chào người hùng của nhân dân! Mong bạn có thể bình an trở về!"

 

Tên của người đàn ông nằm trong số tài liệu liên quan đến cuộc biểu tình đã bị kiểm duyệt trên mạng. Không có tin tức nào về vụ việc được tìm thấy trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc vào sáng thứ Sáu.

 

Cảnh quay và hình ảnh về cuộc biểu tình và các từ khóa liên quan bao gồm "Haidian", "Người biểu tình Bắc Kinh" và "cầu Sitong" đã nhanh chóng được quét sạch. Các cụm từ liên quan trực tiếp đến cuộc biểu tình, bao gồm "cây cầu" và "anh hùng", cũng cho ra kết quả hạn chế.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/ca83/live/be71eb50-4ba4-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Đến tối thứ Năm, tất cả các dấu vết về hành động của người biểu tình đã bị xóa

 

Nhiều người Trung Quốc cho biết tài khoản của họ trên các nền tảng mạng xã hội hoặc WeChat - ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc - đã tạm thời bị cấm sau khi họ chia sẻ hình ảnh về cuộc biểu tình hoặc đăng các tin ám chỉ cuộc biểu tình.

 

BBC đã liên hệ với Tencent, công ty mẹ của WeChat, để xác nhận.

 

Sự phản đối kịch liệt như vậy - và chỉ trích công khai chính phủ - là rất hiếm xảy ra ở Trung Quốc, mặc dù chính sách "zero Covid" cứng rắn của Trung Quốc đã làm gia tăng sự thất vọng của công chúng.

 

Năm 2018, một người phụ nữ đã bôi nhọ một tấm áp phích có hình ông Tập, nói rằng bà phản đối "sự chuyên chế" của ông, sau đó người này bị đưa vào bệnh viện tâm thần.

 

Những hành động của người biểu tình Bắc Kinh diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm về mặt chính trị, với hàng nghìn cảnh sát dự kiến ​​sẽ được huy động khắp thủ đô trước thềm đại hội đảng kéo dài một tuần.

 





No comments: