Xung
đột ở Ukraine đang trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao
Cù Tuấn dịch từ The Economist
Tháng Sáu
8, 2022
Nhưng
ai có thể tiếp tục lâu nhất?
Chiến
tranh ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ tư, thách thức những khái niệm đơn
giản về thắng và thua. Quân Nga được cho là đang kiểm soát phần lớn Severodonetsk,
một thành phố ở rìa phía đông của vùng lãnh thổ Ukraine, và đã đánh bại các cuộc
phản công của Ukraine. Sự kháng cự của quân Ukraine hiện chỉ giới hạn trong một
khu công nghiệp ở rìa cực tây của thị trấn. Tuy nhiên, lãnh thổ Ukraine đang mất
dần. Phần đất Nga chiếm được ở miền đông Ukraine từ giữa tháng 4 đến cuối tháng
5 đã lên tới hơn 450 km vuông (khoảng một phần ba diện tích của đô thị Đại
London) theo Rochan Consulting, một công ty theo dõi cuộc chiến; hầu như không
phải là một phần thưởng ngoạn mục. Cả Nga và Ukraine đều không có khả năng tạo
ra một bước đột phá quyết định. Thay vào đó, mỗi bên hy vọng sẽ nghiền nát bên
kia trong một cuộc chiến tiêu hao.
Nga đã bị
tổn thất nghiêm trọng. Theo một quan chức phương Tây, lực lượng xâm lược ban đầu
tham gia cuộc chiến đã giảm xuống còn khoảng 58% sức mạnh trước chiến tranh vào
giữa tháng 5. Đến ngày 1 tháng 6, con số đó đã giảm thêm một vài phần trăm. Các
nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn (battalion tactical group, BTG) của Nga, đội
hình chiến đấu cơ bản của quân đội nước này, có thể bắt đầu cuộc chiến với khoảng
600 người mỗi nhóm; gần đây người ta thấy một số BTG chỉ còn 60 người, chỉ có
quân số hơn một trung đội. Thiệt hại cho thiết bị quân sự là đặc biệt đáng kể.
Nga đã mất ít nhất 761 xe tăng, hơn một phần ba trong số đó bị mất kể từ khi bắt
đầu cuộc tấn công Donbas vào ngày 18 tháng 4.
Các chỉ
huy Nga hiện đang đưa các thiết bị quân sự cũ hơn vào trận chiến. T-62, một chiếc
xe tăng được đưa vào trang bị vào năm 1961 và được sản xuất vào những năm 1980,
đã được phát hiện ở Donbas trong những tuần gần đây, một số xe được trang trí bằng
“áo giáp lồng” ngẫu hứng được bắt vít trên tháp pháo để bảo vệ một cách thô sơ
và có lẽ không hiệu quả chống lại các loại đạn chống tăng. Tom Bullock của
Janes, một công ty tình báo quốc phòng, nói rằng các xe tăng cũ như vậy có lẽ
dành cho Dân quân Nhân dân Donetsk, quân ủy nhiệm của Nga, cho phép họ tổ chức
tuyến phòng thủ và giải phóng quân Nga cho những nhiệm vụ quan trọng hơn.
Tổn thất của
quân Ukraine thì khó biết hơn. Các quan chức phương Tây không nói các con số
này, e ngại có thể làm suy yếu tinh thần của người Ukraine, và có ít bằng chứng
nguồn mở hơn, chẳng hạn như hình ảnh trên mạng xã hội, cho thấy những thiệt hại
của Ukraine. Tuy nhiên, rõ ràng là Ukraine cũng đã tổn thất rất lớn. Vào ngày
31 tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng 60 đến 100 binh sĩ
Ukraine chết mỗi ngày, với 500 người khác bị thương – tỷ lệ tổn thất tương
đương với một số trận chiến trong chiến tranh thế giới thứ hai. Các quan chức
phương Tây nói rằng những con số đó là chính xác. Một người nói rằng tỷ lệ tổn
thất của Nga và Ukraine hiện nay là như nhau. Nhà xác ở Bakhmut, một điểm đến
an toàn cho các binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở phía
đông, được báo cáo là đã quá tải vào tuần này, với các thi thể bị bỏ lại bên
ngoài nhà xác, trên đường phố.
Nếu cuộc
chiến này đang trở thành một cuộc tranh giành tiêu hao, thì bên nào có nhiều khả
năng sẽ thắng thế? Phần lớn phụ thuộc vào việc quốc gia nào có thể có được dòng
nhân lực, thiết bị và đạn dược ổn định hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho
đến nay đã từ chối tiến hành một cuộc tổng động viên toàn quốc các lính dự bị
và lính nghĩa vụ, nhưng có bằng chứng cho thấy Bộ Quốc phòng nước này đang cố gắng
thu hút những nam giới có kinh nghiệm quân sự trở lại hoạt động với lời hứa trả
cho họ gói lương trị giá 5.000 USD mỗi tháng — gấp sáu đến tám lần mức lương của
một trung úy bình thường.
Vấn đề của
Ukraine thì khác. Nước này có một nguồn binh sĩ dồi dào, nhưng không đủ người để
đào tạo họ. Konrad Muzyka, người sáng lập Rochan Consulting, nói rằng số lượng
tân binh sẽ được tuyển dụng vào các lực lượng vũ trang cao đến mức có một danh
sách và các tân binh phải chờ đợi hơn một tháng để được đưa vào huấn luyện. Điều
đó cho thấy rằng trong ngắn hạn sẽ rất khó để xây dựng sáu lữ đoàn mới – tổng
là 25.000 người – mà một quan chức Ukraine gần đây nói với Financial Times là cần
thiết cho một cuộc phản công lớn để giành lại đất đai ở phía đông và nam nước
này.
Nhìn sơ
qua thì thiết bị cho Ukraine sẽ ít có vấn đề hơn. Mỹ, Australia và các nước
châu Âu đều đã gửi nhiều pháo, đạn dược và các loại vũ khí khác tới Ukraine
trong tháng qua. Mỹ, Anh và Đức cũng đã hứa hẹn cung cấp các bệ phóng tên lửa
có thể tấn công xa hơn khoảng ba lần so với các hệ thống pháo đó. Những hệ thống
pháo này có thể sẽ không đến chiến trường đủ nhanh để ngăn chặn Nga chiếm được
Severodonetsk và có thể là các thị trấn lân cận, chẳng hạn như Lysychansk, mà
ông Zelensky đã đích thân đến thăm vào ngày 5 tháng 6. Lầu Năm Góc nói rằng sẽ
mất nhiều tuần để huấn luyện lực lượng Ukraine biết cách sử dụng hệ thống phóng
tên lửa HIMARS.
Nhưng nếu
cuộc chiến kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, như các quan chức
Mỹ và châu Âu hiện nay mong đợi, thì những vũ khí từ nước ngoài này sẽ đóng một
vai trò quan trọng. Michael Kofman của CNA, một tổ chức tư vấn cho biết Ukraine
không có một số loại đạn tiêu chuẩn của Liên Xô hoặc gần giống với nó. Các kho
dự trữ đạn dược như vậy ở các nước thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây, như Ba Lan,
cũng sẽ cạn kiệt trong thời gian tới. Nếu quân đội Ukraine có thể chuyển sang sử
dụng vũ khí tiêu chuẩn của NATO, điều đó sẽ cho phép các nước phương Tây tiến
hành một chiến dịch dài hơn nhiều. Ông Kofman lập luận: “Mặc dù cán cân quân sự
cục bộ ở Donbas có vẻ có lợi cho Nga, nhưng xu hướng tổng thể trong cán cân
quân sự vẫn có lợi cho Ukraine”, với điều kiện phương Tây vẫn duy trì sự ủng hộ
cho nước này.
Nhiều nước
châu Âu cũng đang thiếu một số loại vũ khí được gửi tới Ukraine, chẳng hạn như
tên lửa chống tăng; và có thể mất nhiều năm để tăng cường sản xuất chúng.
Ukraine cũng không dễ dàng tiếp thu vũ khí mới. Mặc dù các quan chức quốc phòng
phương Tây đã rất ấn tượng với tốc độ mà quân đội Ukraine nắm bắt được với bộ
trang bị mới, nhưng việc duy trì hàng chục hệ thống tên lửa mới và không quen
thuộc trong điều kiện thời chiến không phải là điều dễ dàng. Báo The Economist
được cho biết rằng nhiều hệ thống pháo đã phải được gửi trở lại Ba Lan để sửa
chữa. Hiện tại Nga vẫn có lợi thế về pháo binh.
Chính quyền
Biden tin rằng gói hỗ trợ 40 tỷ đô la Mỹ được tổng thống Mỹ ký vào ngày 21
tháng 5 sẽ cho phép tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine ở “nhịp độ cao” cho đến
gần cuối năm. Trên thực tế, cả hai bên sẽ cần phải tạm dừng giao tranh, để nghỉ
ngơi và xây dựng lại đội quân bị tàn phá của họ trước đó. Tuy nhiên, cuộc chiến
sau đó sẽ có khả năng tiếp tục. Ông Putin có quan điểm hoài nghi về quyền lực
duy trì của phương Tây. Ông tin rằng sự chia rẽ bên trong châu Âu và chia rẽ giữa
châu Âu và Mỹ sẽ ngày càng mở rộng khi chiến tranh kéo dài. Giá năng lượng cao
hơn, lạm phát và sự gián đoạn kinh tế rộng hơn có thể làm cho nhiều quốc gia muốn
ngừng bắn sớm. Kaja Kallas, Thủ tướng Estonia, lập luận vào ngày 6 tháng 6 rằng
“Chúng ta không thể mắc sai lầm lần nữa”, dẫn bằng chứng về việc Nga chiếm đất ở
Gruzia năm 2008 cũng như các thỏa thuận Minsk do Pháp và Đức đàm phán sau cuộc
xâm lược lần đầu tiên của Nga vào Ukraine năm 2014. Ông kết luận: “Chúng ta phải
chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài”.
No comments:
Post a Comment