Quyền
của động vật: Ủy mị thiếu thực tế hay lựa chọn của văn minh?
JENNY
PHAM - Luật Khoa
01/06/2022
https://www.luatkhoa.org/2022/06/quyen-cua-dong-vat-uy-mi-thieu-thuc-te-hay-lua-chon-cua-van-minh/
Đảm
bảo quyền của động vật giúp nâng chất lượng cuộc sống của con người, đặc biệt
là trẻ em.
Ảnh trái:
SCMP. Ảnh phải: iStock
Vào đầu
năm nay, ngày 5/1/2022, một đạo luật mới ở Tây Ban Nha chính thức có hiệu lực, qua
đó công nhận vật nuôi là thành viên hợp pháp của gia đình. Luật ghi nhận các vật
nuôi trong gia đình (chó, mèo, cá, chim, v.v.) là sinh vật có nhận thức và cảm
xúc (sentient beings), sẽ được pháp luật bảo vệ trong trường hợp chủ nhân của
chúng quyết định chia tay hoặc ly dị, tương tự như việc xem xét trách nhiệm bảo
hộ con cái khi cha mẹ chấm dứt hôn nhân. [1]
Trước Tây
Ban Nha, đã có hơn 30 quốc gia, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển,
công nhận vật nuôi trong gia đình là sinh vật có nhận thức và cảm xúc. [2]
Cách đây
không lâu, dư luận Việt Nam từng xôn xao tranh cãi về quyền vật nuôi khi xảy ra
vụ việc mười sáu chú chó, mèo bị
tiêu hủy tại Cà Mau. [3] Nhiều ý kiến bàn cãi việc có cơ sở chính đáng
để yêu cầu pháp luật công nhận và bảo vệ quyền của vật nuôi hay không.
Kêu gọi
pháp luật bảo vệ quyền của vật nuôi thoạt nghe có vẻ là chuyện thiếu thực tế ở
nước ta, đặc biệt là khi nó kéo theo những yêu cầu chấm dứt việc ăn thịt chó,
mèo, một thực hành từ lâu được một bộ phận người Việt Nam xem như một phần của
văn hóa.
Tuy nhiên,
yêu cầu bảo vệ quyền của vật nuôi, hay nói cụ thể hơn là ngăn chặn bạo lực với
vật nuôi, có thể đem lại ích lợi thực tế cho con người nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Nhìn thấy động vật bị đối xử tàn nhẫn tác động
tiêu cực đến sự phát triển của trẻ nhỏ
Tàn nhẫn với
động vật được định nghĩa là hành động gây thương tổn cho động vật,
khiến chúng đau đớn hoặc tử vong một cách dã man, không cần thiết và có chủ
đích tra tấn. [4] Định nghĩa này thường được gắn với vật nuôi (pets). Tuy
nhiên, nó cũng được áp dụng ở một mức độ đối với việc giết mổ gia súc vì nhu cầu
thực phẩm hàng ngày, một vấn đề chúng ta sẽ bàn đến ở phần sau.
Hành vi bạo
lực với vật nuôi ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả chúng ta trên phương diện xã hội. Nghiên cứu cho
thấy một xã hội xem thường động vật và bình thường hóa việc bạo hành chúng có
xu hướng dung túng sự tàn nhẫn nói chung, đồng thời tần suất các hành động tàn
nhẫn xảy ra cũng cao hơn. [5]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/000-1024x536.jpg
Câu
chuyện đàn chó của một gia đình về quê tránh dịch bị chính quyền địa phương
tiêu hủy khiến dư luận nổi sóng vào tháng 10/2021. Ảnh được lan truyền trên mạng
xã hội. Đồ họa: Luật Khoa.
Tàn nhẫn với
động vật còn có mối liên hệ chặt chẽ với bạo lực gia đình và bạo hành
trẻ nhỏ. [6] Những người chung sống với người có xu hướng bạo hành động vật
không những có khả năng cao trở thành nạn nhân bị bạo hành, mà việc chứng kiến
người thân bạo hành động vật cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý của họ.
Đối tượng
chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và lâu dài nhất là trẻ em. Các
nghiên cứu chỉ ra rằng nếu phải chứng kiến những hành vi bạo lực nói
chung, cho dù là nhắm vào người hay động vật, trẻ em sẽ có xu hướng cao bị rối
loạn hành vi (maladaptive behaviors), trong đó bao gồm thói quen cư xử bạo lực
với người khác và động vật. Việc chứng kiến các hành vi bạo lực khiến những đứa
trẻ chai sạn cảm xúc (desensitization), giảm khả năng đồng cảm, tạo ra các cơ
chế tự vệ không lành mạnh (maladaptive coping mechanism) khi đối mặt với khó
khăn và gây ra cảm giác sợ hãi, giận dữ, căm hận bị dồn nén. [7]
Những vấn
đề trẻ em gặp phải khi trông thấy hành vi bạo lực động vật rất đa dạng, có thể
được phân loại thành ba nhóm: [8]
·
Nhóm
1: triệu chứng rối loạn nội tâm (internalizing behaviors) và rối loạn hành vi
bên ngoài (externalizing behaviors)
·
Nhóm
2: hành xử bạo lực với động vật
·
Nhóm
3: đối xử bạo lực với người khác
Một vài đứa
trẻ trong các nhóm đối tượng được nghiên cứu xuất hiện các hành vi mô tả trong
cả ba nhóm. Những vấn đề này có thể xuất hiện trong tuổi thơ và tiếp diễn khi đứa
trẻ trưởng thành.
Một số triệu
chứng rối loạn nội tâm có thể kể đến là trầm cảm, rối loạn lo âu, tự
cô lập bản thân và bị bắt nạt tại trường học. Triệu chứng rối loạn hành vi bên
ngoài thể hiện thông qua hành vi nghiện ngập, thái độ hung hãn và chống đối xã
hội, hành vi phạm tội vị thành niên (juvenile crime). [9]
Nhà nghiên
cứu McDonald và các đồng nghiệp trong một nghiên cứu đã phát
hiện rằng khi chứng kiến hành vi bạo lực với động vật, trẻ em có xác
suất gặp rối loạn nội tâm cao hơn là rối loạn hành vi bên ngoài, và nó cũng khiến
cho các em có xu hướng biện minh nhiều hơn cho các hành vi đối xử tệ bạc với động
vật. [10]
Có quyền
chó, quyền mèo, rồi sẽ có quyền gà, quyền bò, quyền heo, quyền cá, v.v. Chẳng
nhẽ chúng ta phải ăn chay hết sao?
Nhiều ý kiến
cho rằng việc pháp luật công nhận quyền được sống của chó, mèo, bảo vệ chúng
trước vấn nạn bạo hành và các hành vi tàn nhẫn khác sẽ là tiền đề để đòi hỏi
quyền của gà, quyền của bò, của các động vật khác, từ đó dẫn đến việc không còn
được giết mổ động vật để lấy thịt, trong khi không phải ai cũng có thể tiêu thụ
đạm thực vật suốt cuộc đời.
Đối với nhận
định này, người viết có một số bình luận như sau.
Thứ nhất,
các phong trào vận động chấm dứt việc ăn thịt chó, mèo, cũng như các lời yêu cầu,
kêu gọi đối xử nhân đạo với chúng diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi nhất vì đây là các
loài được nuôi nấng như thú cưng trong gia đình. Chúng rất gần gũi với cuộc sống
hàng ngày của con người, đặc biệt là trẻ em. Bất kỳ hành vi tàn bạo nào xảy ra
với chúng đều dễ dàng lọt vào tầm mắt của người xung quanh, đặc biệt là ngày
nay khi Internet và mạng xã hội rất thông dụng.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/001-1000x600.jpg
Các
con chó bị nhốt trong chuồng bán lấy thịt ở chợ thịt chó diễn ra hàng năm tại
thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: AP.
Ngay cả với
hoạt động giết mổ động vật làm thực phẩm, nhiều quốc gia cũng không ủng hộ việc
giết mổ lấy thịt công khai và treo đầu cũng như các bộ phận khác của gia súc,
gia cầm tại những nơi công cộng, đông người qua lại như chợ hay siêu thị, nơi
mà rất nhiều trẻ em thường lui đến cùng cha mẹ.
Thứ hai,
chó, mèo vốn không phải là thực phẩm để duy trì sự sống không thể thiếu của con
người. Các loại gia súc như bò, heo và gia cầm như gà, vịt mới là nguồn thực phẩm
chính để con người tiêu thụ hàng ngày.
Trong tự
nhiên, việc loài này ăn thịt loài khác không phải là chuyện lạ. Hươu ăn cỏ, sư
tử ăn hươu, sư tử chết đi và trở thành phân bón ngược lại cho cây cỏ – đây là
vòng tuần hoàn cần thiết để cân bằng trạng thái của môi trường hoang dã. Nếu một
ngày tất cả sư tử chuyển qua ăn chay thì môi trường chắc chắn sẽ bị mất cân bằng
và phát sinh nhiều vấn đề.
Mỗi loài đều
có một nhóm thực phẩm chính của mình và chúng hiếm khi ăn các con vật khác
ngoài nhóm thực phẩm đó nếu không vì lý do sinh tồn.
Nếu có một
ngày sư tử lại đi ăn cá, một điều trái tự nhiên, chắc chắn đó là do môi trường
của chúng đang gặp vấn đề gì đó khiến sư tử không có đủ thực phẩm và phải chọn
ăn thịt loài khác để không phải chết đói. Việc này có thể dẫn đến các con vật sống
dưới nước bị thiếu hụt đồ ăn do lượng cá bị mất đi, phá vỡ vòng tuần hoàn và
phát sinh ra nhiều vấn đề mới.
Chúng ta
không cần phải là nhà khoa học để biết rằng sư tử không ăn thịt cá cho vui nếu
chúng có đủ lượng thực phẩm từ con mồi truyền thống của chúng. Cũng không ai
lên án loài sư tử là tàn nhẫn khi chúng săn bắt con mồi tự nhiên của chúng.
Thứ ba,
các động vật mà con người tiêu thụ hàng ngày như bò, heo, gà, cá không phải là
chưa được pháp luật bảo vệ.
Vào tháng
5/2015, tổ chức Animal Australia đã công bố một video cho thấy hình ảnh
một con bò bị đập đầu bằng búa tạ tại một lò mổ ở Việt Nam, với lời tố giác bò
sống của Úc xuất sang Việt Nam đã bị giết bằng hình thức này. Họ kêu gọi Úc tạm
ngưng xuất khẩu bò còn sống sang Việt Nam. Thủ tướng Úc Tony Abbott khi đó cho
biết nước này sẽ không ngưng xuất khẩu bò sống sang Việt Nam, nhưng phía Úc sẽ
điều tra lời tố giác này và nếu đây là sự kiện có thật, Úc sẽ có hành động
thích đáng. Trước sự việc này, ngày 21/5/2015, chính quyền Việt Nam đã thông
báo sẽ kiểm tra các lò mổ để không còn cảnh này tái diễn. [11]
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/002.jpg
Ảnh
chụp một lò mổ tại Việt Nam được tổ chức Animal Australia gửi đến chính phủ Úc
vào năm 2015. Nguồn: Sydney Morning Herald.
Một ví dụ
khác là tại Na Uy, nơi pháp luật quy định thời gian di chuyển heo đến
lò mổ không được quá tám tiếng, và trong một vài trường hợp đặc biệt chỉ có thể
kéo dài đến 11 tiếng. Mục đích của quy định này là để giảm stress cho heo. Các
nhà nghiên cứu ở Na Uy cho biết heo được nuôi lấy thịt sẽ bị stress nếu chúng
phải di chuyển một quãng đường quá xa để đến lò mổ. Việc heo bị stress sẽ khiến
chất lượng thịt bị suy giảm. Có ý kiến còn cho rằng đối xử tàn tệ với động vật
có thể làm tăng nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe
của người tiêu thụ các sản phẩm thịt động vật. [12]
Nhiều người
Việt Nam cũng từng nghe nói về các quy định chặt chẽ đối với việc câu cá tại Mỹ.
[13]
Theo đó,
khi muốn đi câu cá tại Mỹ, một người cần phải có giấy phép câu cá riêng, phải
tuân thủ các quy định của pháp luật liên bang và tiểu bang về loại lưỡi câu được
sử dụng, số lượng cá được câu trong một lần, loại cá được câu, và kích thước tối
thiểu cho phép để đem cá cắn câu về nhà. Trong trường hợp cá cắn câu nhẹ hơn
cân nặng tối thiểu cho phép, người câu được chúng phải thả cá đi.
Nếu không
tuân thủ các quy định này và bị cảnh sát kiểm tra bất ngờ, người vi phạm sẽ bị
tịch thu công cụ, đóng tiền phạt hoặc đi hầu tòa.
Các quy định
trên bảo đảm quyền sống cho các loài cá, ít nhất là đến khi chúng đã trưởng thành
và sinh sản thế hệ sau. Điều này nhằm duy trì sự đa dạng sinh thái trong môi
trường nước.
Như vậy,
có thể thấy rằng nhiều quốc gia tôn trọng quyền của các con vật cho thịt khi bảo
đảm việc tiêu thụ chúng được thực hiện một cách nhân đạo nhất có thể.
Các nước
đó vẫn thừa nhận ăn thịt là nhu cầu chính đáng và tự nhiên của con người. Tuy
nhiên, pháp luật những nơi này đưa ra các quy định hạn chế đến mức thấp nhất sự
tàn nhẫn dành cho động vật, theo các tiêu chí cần thiết, chính đáng và nhân đạo.
Lời kết
Không phải
bất kỳ ai ăn thịt chó, mèo cũng đều là người xấu và đây cũng không phải là một
việc hiếm gặp ở Việt Nam. Tuy nhiên, bài viết muốn đề cập đến những tác hại tiềm
ẩn mà thói quen này có thể để lại trong sự phát triển của trẻ nhỏ và kêu gọi sự
quan tâm của cộng đồng về tác hại của việc bình thường hóa các hành vi tàn nhẫn
với động vật, không chỉ vì quyền lợi của chúng, mà quan trọng hơn cả là vì chất
lượng cuộc sống của chính chúng ta.
Đúng là
văn hóa và thói quen ăn uống luôn mang tính vùng miền, không thể cứ lấy từ nước
này rập khuôn áp dụng qua nước khác. Tuy vậy, các giá trị văn hóa tồn tại được
với thời gian luôn là các giá trị được chúng ta thay đổi, hoàn thiện và gìn giữ.
Không có
điều gì là hoàn hảo không khuyết điểm. Chúng ta luôn phải chọn những gì đem lại
nhiều ích lợi mà ít tác hại nhất có thể. Câu hỏi cần đặt ra là ích lợi của những
thói quen cố hữu liệu có thật sự nhiều hơn và quan trọng hơn những tác hại, và
liệu có đáng để chúng ta tiếp tục gìn giữ và phát huy chúng?
-----------------------
Chú thích
1.
Local, A. (2022, January 5). Who gets the dog after a break-up?
Spain starts shared custody. The Local Spain.
https://www.thelocal.es/20220105/who-gets-the-dog-after-a-break-up-spain-starts-shared-custody/
2.
Marc Bekoff (2021, December 8). Spain Joins Other Nations in
Declaring Animals Are Sentient. Psychology Today.
3.
Bùi Nguyên Sa. (2021, October 11). Mạng chó hay mạng người? Sự khốn
cùng của tư duy chống dịch. Luật Khoa Tạp Chí.
https://www.luatkhoa.org/2021/10/mang-cho-hay-mang-nguoi-su-khon-cung-cua-tu-duy-chong-dich/
4. Correlates
of cruelty to animals in the United States: Results from the National
Epidemiologic Survey on Alcohol and Related Conditions. (2009, October 1).
ScienceDirect.
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0022395609000909
5.
Plant, M., van Schaik, P., Gullone, E., & Flynn, C. (2016). “It’s a
Dog’s Life”: Culture, Empathy, Gender, and Domestic Violence Predict Animal
Abuse in Adolescents—Implications for Societal Health. Journal of
Interpersonal Violence, 34(10), 2110–2137.
https://doi.org/10.1177/0886260516659655
6.
DeGue, S., & DiLillo, D. (2008). Is Animal Cruelty a “Red Flag” for
Family Violence? Journal of Interpersonal Violence, 24(6),
1036–1056.
https://doi.org/10.1177/0886260508319362
7.
Ladny, R. T., & Meyer, L. (2019). Traumatized Witnesses: Review of
Childhood Exposure to Animal Cruelty. Journal of Child & Adolescent
Trauma, 13(4), 527–537.
https://doi.org/10.1007/s40653-019-00277-x
8.
Xem [7]
9.
Xem [7]
10.
Xem [7]
11.
Phương T. (2015, May 21). Việt Nam điều tra về cáo buộc bò Úc bị
giết bằng búa tạ. RFI.
https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20150521-viet-nam-dieu-tra-ve-cao-buoc-bo-uc-bi-giet-bang-bua-ta
12. Is
meat from stressed animals unhealthy? (2020, January 7).
ScienceNorway.
13. Fishing.
(2022). U.S. Fish & Wildlife Service.
https://www.fws.gov/initiative/fishing
No comments:
Post a Comment