Wednesday, June 22, 2022

PHIM "EM và TRỊNH" BỊ LỒNG GHÉP CHÍNH TRỊ (Facebook Bùi An - Đàn Chim Việt đặt tựa)

 



Phim “Em và Trịnh” bị lồng ghép chính trị  

Đàn Chim Việt

22/06/2022

https://www.danchimviet.info/phim-em-va-trinh-bi-long-ghep-chinh-tri/06/2022/26390/

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/06/289960656_5015980488511121_4818299137242276185_n-696x524.jpeg

Một cảnh trong phim. (Ảnh Tinmoi247.com)

 

Phim này thì nhiều người review rồi, ai cũng bảo hình ảnh đẹp, nhạc phim hay, diễn viên đơ… trên nền một kịch bản nhạt. Tất nhiên phim đầu tư 60 tỷ (nhà phát hành thông báo vậy) mà hình ảnh không đẹp, nhạc không hay thì chắc chắn là có nhầm lẫn ở đâu đó. Nhưng có một điều ít người nói (hoặc e ngại nói) là xu hướng chính trị của phim.

.

Trước khi đi vào phần lan man, hãy điểm một chút về phim này. Phim có kịch bản kiểu đan xen ký ức rất quen thuộc, nhằm đưa vào những lát cắt để phác họa cuộc đời nhân vật Trịnh Công Sơn. Tuy vậy, mọi thứ đều nhạt nhòa, không phải là cuộc đời Trịnh không có gì đáng nói, mà là do nếu nói những cái đặc sắc đáng chú ý thì lại … không được. Nên phim cứ nói những chuyện đơn giản, dễ hiểu và ai cũng biết. Từ đó khiến cho “phim không thành phim”, mà như nhiều người nhận xét, giống MV ca nhạc dài mấy giờ đồng hồ.

.

Kịch bản thiếu điểm nhấn, thiếu cao trào, thiếu khắc họa sâu con người Trịnh ở cả lúc trẻ và già. Nhân tiện nói trẻ và già, Avin Lu không phải diễn quá dở nhưng mà là do không hợp, từ khuôn mặt “đẹp hiện đại” đến vóc dáng biểu cảm đều không hợp với con người TCS nên không toát ra được cái phong cách của “những kẻ lãng mạn thiên tả đất thần kinh”. Còn NSUT Trần Lực diễn tốt, nhưng nhìn ông diễn tôi nhớ đến “Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong” hơn là một nhạc sỹ TCS lúc về già với tâm tư giằng xé bên lề thời cuộc.

 

Hết phim, bước ra khỏi rạp không nhớ cái gì đáng chú ý ở Trịnh cả, vì nó cứ lướt lướt qua như một cuốn phim tư liệu rón rén. Nếu nhớ nhất trong phim chắc là những thứ “cấn cấn” dưới đây, dù nó không liên quan gì mấy đến nội dung phim Em và Trịnh.

.

Ở đầu phim, biên kịch đã đổi tên một nhân vật, họa sỹ Trịnh Cung (tên thật là Nguyễn Văn Liễu), được đổi tên thành Định Công. Vì sao dễ nhận ra khi đã đổi tên? Vì trong phim nhân vật này đọc bài thơ “Cuối cùng một tình yêu” (Ừ thôi em về/ Chiều mưa giông tới/ Bây giờ anh vui/ Hai bàn tay đói), một sáng tác của Trịnh Cung mà TCS đã phổ nhạc (TCS còn phổ nhạc một bài nữa của Trịnh Cung là “Thiên sứ bâng khuâng”). Trong phim cũng miêu tả sự bỡn cợt của bạn bè khi Trịnh Cung đọc bài thơ này, một kiểu mỉa mai ngầm. Ắt hẳn là có lý do khi lên phim nhân vật “bị” đổi tên và “dìm” như thế. Năm 2009, Trịnh Cung “mừng giỗ” năm thứ 8 của TCS bằng bài viết “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị” gây sốc và bàng hoàng cho giới mộ điệu. Dù sao, đây là phim điện ảnh, không phải phim tài liệu, nên có khác sự thật cũng bình thường, tùy mục đích của người làm phim.

.

“Phản chiến” là từ mà cô người tình từ Nhật luôn nhắc đến trong bài luận và nói chuyện của mình. Và trong phim người ta luôn cho TCS từ chối nhận “danh hiệu” ấy, bằng cách nói lảng sang về tình ca về thân phận con người. Không hiểu dụng ý này lắm, sao lại e ngại chuyện “phản chiến”, sao phải cho TCS thành người “trung lập” chỉ khao khát hòa bình (như câu chữ được nhét vào miệng anh lính VNCH khi bắt TCS ở Huế). TCS phản chiến là chuyện đương nhiên ai cũng biết, thậm chí những giai đoạn 63 – 66, 66 – 68, 68 – 75 cũng khác nhau. Tất nhiên trong phim cũng không nhắc đến 2 bài khiến TCS khốn khổ sau năm 1975 là “Gia Tài Của Mẹ” (vì câu 20 năm nội chiến từng ngày) và “Cho Một Người Nằm Xuống” (bài này thương tiếc đại tá quân lực VNCH Lưu Kim Cương, một người rất ưu ái TCS, từng cho máy bay đưa TCS từ Huế về Sài Gòn ngay sau đợt 1 Mậu Thân 1968).

.

Như đã nói ở trên, dù trong phim TCS luôn phủ nhận chuyện “phản chiến” khi được Michiko hỏi, nhưng suốt phim lại có rất nhiều cảnh về “phong trào cách mạng” và “thành quả cách mạng”. Nó hơi kỳ lạ cho một bộ phim tình cảm, như cái tiêu đề phim là về những bóng hồng nàng thơ của Trịnh. Có nhiều cảnh khiến ta nhớ đến những phim về cách mạng trước đây, ví dụ như cảnh Ngô Kha tổ chức cổ vũ phong trào đấu tranh ở Huế, xem cứ có cảm giác gợn gợn chỏi chỏi, ngay cả cảnh Ngô Kha bị thiếu tá Liên Thành bắt và thủ tiêu sau đó cũng được đưa vào (không hiểu cảnh này để làm gì, chắc để tố cáo tội ác), hơi buồn cười là khi xem cảnh này nhiều khán giả xung quanh bàng hoàng bảo “ối sao TCS bị gi ết rồi”.

.

Để giải thích dẫn nhập cho việc TCS phản chiến sau này, đạo diễn cho rất nhiều hình ảnh chiến tranh đốt phá làng mạc ấp chiến lược… khá là ghê rợn (so với một phim tình), lồng trong bài Đại Bác Ru Đêm. Tất nhiên không có cảnh Mậu Thân 1968, dù khi xảy ra sự kiện Mậu Thân, TCS vẫn ở Huế (Quận III). Những cảnh này nó cũng mang đến cảm giác tuyên truyền về tội ác Mỹ – Ngụy, rất quen thuộc từ trước giờ.

.

Bài hát “Em ở nông trường em ra biên giới” vang lên vào cuối phim, tức là giai đoạn sau năm 1975, bài này được TCS sáng tác năm 1981, có câu “Từ trên đất này những con người mới/ Mọc lên tựa tia nắng giữa chân trời”, cũng là câu người ta hay chỉ trích TCS và các tác phẩm sau năm 1975 quá thiên về tuyên truyền, về kinh tế, về trị an … Trong phim còn có cảnh TCS khá khó chịu khi được MC mời ra hát mà giới thiệu là “nhạc sỹ cách mạng”.

.

Tóm lại thì dù là một bộ phim về tình cảm của Trịnh và những bóng hồng, nhưng không hiểu sao lại lồng ghép nhiều “yếu tố tuyên truyền” vào như vậy? Vẫn có thể làm một phim thuần tình yêu, thuần nghệ thuật hay âm nhạc của Trịnh được chứ, tất nhiên phải cần một kịch bản “sâu” hơn, chắc hơn, nhiều điểm nhấn hơn. Vì vậy, gán tuyên truyền vào phim tình cảm là một trong những yếu tố khiến cho “Em và Trịnh” không hay, bên cạnh những lý do mà nhiều người đã nói.

(Facebook Bùi An- Đàn Chim Việt đặt tựa)





No comments: